Việt Nam hướng tới xóa bỏ bệnh sốt rét vào năm 2030

Việt Hà, phóng viên RFA
2015.05.04
Muỗi Anopheles, loại muỗi làm lây lan bệnh sốt rét sang người Muỗi Anopheles, loại muỗi làm lây lan bệnh sốt rét sang người
AFP

Nhân ngày thế giới phòng chống sốt rét 24 tháng 4 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương ra thông cáo báo chí kêu gọi Việt Nam tăng cường những nỗ lực trong công tác phòng chống bệnh sốt rét để hướng tới mục tiêu khu vực châu Á Thái Bình Dương không còn bệnh sốt rét vào năm 2030. Liệu Việt Nam đã sẵn sàng cho mục tiêu được WHO đặt ra hay chưa?

WHO ghi nhận nỗ lực phòng chống sốt rét của Việt Nam

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây lên tiếng ca ngợi những thành tựu mà Việt nam đã đạt được trong việc phòng chống bệnh sốt rét trong suốt hơn 10 năm qua nhưng đồng thời cũng cảnh báo về những nguy cơ, thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong khi tìm cách xóa bỏ căn bệnh vào năm 2030 theo mục tiêu mà WHO đặt ra.

Thông cáo báo chí của WHO nhân ngày thế giới phòng chống sốt rét 24 tháng 4 trích lời ông Jeffery Kobza, quyền trưởng đại diện văn phòng WHO tại Việt Nam nói rằng ‘những thành tựu của Việt Nam là rất ấn tượng, nhưng để biến những thành tựu này trở thành việc chiến thắng bệnh sốt rét lâu dài, đòi hỏi phải có sự hợp tác tốt hơn và các chiến lượng trọng điểm giữa WHO, chính phủ, các nhà tài trợ, các tổ chức xã hội dân sự và các đối tác khác. Vào lúc này chúng ta chưa thể thỏa mãn với những thành quả đạt được trên chặng đường loại trừ sốt rét’.

Báo cáo Số rét Thế giới năm 2014 của WHO tại Việt Nam cho biết số ca xác nhận sốt rét đã giảm trên 75% trong khoảng thời gian từ 2000 đến 2013. Cùng thời gian này, số ca tử vong do sốt rét giảm trên 90%.

Trong một cuộc họp báo hôm 24 tháng 3 do Mạng lưới loại trừ bệnh sốt rét châu Á – Thái Bình Dương (APMEN) phối hợp với Viện Sốt rét ký sinh trùng côn trùng Trung ương tổ chức tại Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Dương, Viện trưởng viện Sốt rét ký sinh trùng côn trùng Trung ương cho biết chỉ trong năm 2014, số ca mắc sốt rét ở Việt Nam đã giảm hơn 90% và số người chết do sốt rét giảm hơn 95%. Cũng trong năm 2014, chỉ có 6 người chết do sốt rét và không có trận dịch nào được ghi nhận trên toàn quốc. Bác sĩ Trần  Thanh Dương cho biết mục tiêu của chương trình sốt rét quốc gia ở Việt Nam đã chuyển từ phòng, chống, sang phòng, chống và loại trừ.

Những thành tựu của Việt Nam là rất ấn tượng, nhưng để biến những thành tựu này trở thành việc chiến thắng bệnh sốt rét lâu dài, đòi hỏi phải có sự hợp tác tốt hơn và các chiến lượng trọng điểm giữa WHO, chính phủ, các nhà tài trợ, các tổ chức xã hội dân sự và các đối tác khác

Jeffery Kobza

Bác sĩ Babatunde Olowokure, Trưởng nhóm giám sát và phòng chống các bệnh truyền nhiễm thuộc WHO nhận xét:

BS. Babatunde Olowkure: Việt Nam đã rất thành công trong việc giảm các trường hợp mắc bệnh cũng như tử vong do bệnh sốt rét. Để thực hiện được việc này, người bệnh phải được uống thuốc đúng liều, người dân sử dụng màn tránh muỗi và có các biện pháp dọn dẹp vệ sinh những khu vực muỗi đẻ.

Sốt rét là một bệnh có nguy cơ gây tử vong cao và do ký sinh trùng plasmodium gây nên. Bệnh lây truyền qua vết đốt của muỗi cái Anopheles nhiễm ký sinh trùng. Việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời có tính quyết định trong phòng ngừa tử vong.

Những thách thức đối với Việt nam.

Ở Việt nam, bệnh sốt rét hiện lây truyền chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên, ven biển miền Trung và Đông Nam Bộ. Bệnh xảy ra chủ yếu ở người dân tộc thiểu số, những người đi rừng, ngủ rẫy.

Việt nam nằm trong khu vực Tây Thái Bình Dương là nơi có nhiều người mắc bệnh sốt rét và có khả năng lây lan cao. Theo thống kê của WHO, hiện có khoảng 712 triệu người trong khu vực Tây Thái Bình Dương, chiếm khoảng 40% dân số sống trong những vùng có nguy cơ sốt rét. Ở Việt Nam, khoảng 11,7 triệu người người, tức chiếm khoảng 13% dân số đang phải sống trong các khu vực có bệnh sốt rét.

Cán bộ y tế hướng dẫn cho đồng bào uống thuốc chữa sốt rét (impe-qn.org.vn)
Cán bộ y tế hướng dẫn cho đồng bào uống thuốc chữa sốt rét (impe-qn.org.vn)

Bệnh sốt rét lây lan từ người sang người qua muỗi Anopheles. Tiến sĩ Trần Thị Kim Dung, giảng viên môn ký sinh trùng trường đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh nói về cơ chế mắc bệnh như sau:

TS. Trần Thị Kim Dung: mắc bệnh là do muỗi hút máu nó truyền bệnh từ người bệnh sang người lành, tức là phải có con muỗi thì mới gây bệnh. Còn cơ chế gây bệnh là nó gây bệnh ở lục phủ ngũ tạng, và cái chính là nó làm vỡ hồng cầu. Ký sinh trùng sốt rét ký sinh trong hồng cầu người, nó tăng trưởng, tăng sinh trong hồng ầu, và hồng cầu bị vỡ ra và mỗi lần vỡ ra thì lên cơn sốt. Có thể chết người. Sốt rét mà không điều trị thì có thể là sốt rét ác tính và sốt rét ác tính thì dễ chết, nhưng không phải tất cả mọi người đều chuyển thành ác tích, tùy theo cơ địa. Người ở trong vùng dịch tễ sốt rét, người ta quanh năm sống ở đó, không chết nhưng người ta bị hao tổn sức khỏe, gày mòn.

Kháng thuốc là do điều trị không đúng liều. … Một nguyên nhân là uống thuốc linh tinh, ký sinh trùng quen đi rồi, đến khi cho liều thực sự thì nó đã quen và có sức chống lại

TS. Trần Thị Kim Dung

Hiện có 4 loại ký sinh trùng gây sốt rét. Ở Việt nam có hai loại phổ biến là Falciparum và Vivax, trong đó loại Falciparum là loại gây chết người chủ yếu.

Việc điều trị sốt rét thường là dùng thuốc hỗn hợp ACT với thuốc Artemisin. Thường người bệnh có thể khỏi bệnh sau khoảng 3 ngày điều trị. Tuy nhiên, hiện Việt Nam và một số nước Đông Nam Á đang phải đương đầu với tình trạng sốt rét kháng thuốc. Nói về nguyên nhân người bệnh bị sốt rét kháng thuốc, Tiến sĩ Trần Thị Kim Dung cho biết:

TS. Trần Thị Kim Dung: kháng thuốc là do điều trị không đúng liều. … Một nguyên nhân là uống thuốc linh tinh, ký sinh trùng quen đi rồi, đến khi cho liều thực sự thì nó đã quen và có sức chống lại. Rồi có trường hợp đột biến gene, ví dụ thế hệ này thì có thể bị thuốc giết chết nhưng mà thế hệ sau nó quen từ từ, tức là cấu trúc di truyền của nó thay đổi. Tức là thuốc đó dùng quá lâu năm, từ từ vi sinh vật quen, vì thế mà người ta thường xuyên phải làm thuốc mới.

Những năm gần đây, WHO liên tiếp lên tiếng cảnh báo về tình trạng kháng thuốc đang lan rộng tại khu vực tiểu vùng sông Mekong trong đó có Việt Nam. Bác sĩ Babatunde Olowkure nói:

BS. Babatunde Olowkure: dựa trên nghiên cứu xác định các trường hợp kháng thuốc được phát hiện đầu tiên vào năm 2005 tại biên giới giữa Thái Lan và Campuchia, hiện tại chúng tôi đang có những lo ngại về sự lây lan của căn bệnh này tại khu vực tiểu vùng sông Mekong, bao gồm Thái Lan, Campuchia, một phần Trung Quốc, Lào và Việt Nam. Những gì mà chúng tôi thấy thì đây là vấn đề không thể giải quyết bởi chỉ một nước đơn lẻ. Nó cần sự phối hợp hành động của không chỉ các nước trong khu vực mà còn của cả cộng đồng quốc tế.

Một báo cáo của WHO được công bố hồi tháng 4 năm 2012 cho thấy, đã có hơn 3000 bệnh nhân mắc bệnh sốt rét tại khu vực biên giới giữa  Thái Lan và Miến Điện từ năm 2001 đến 2010, số ca kháng thuốc đã tăng lên liên tục từ 0,6% lên 20% trong vòng 10 năm. Tại Việt Nam, số ca sốt rét kháng thuốc được phát hiện chủ yếu ở các tỉnh vùng biên giới với Lào và Campuchia, bao gồm Bình Phước, Đắc Nông, Gia Lai. Nguyên nhân chính được cho là do người di chuyển qua biên giới.

WHO lo ngại, nếu sốt rét kháng thuốc không được kiềm chế kịp thời, sẽ có những hậu quả đáng tiếc. Bác sĩ Olowkure giải thích

BS. Babatunde Olowkure: nếu chúng ta không kiểm soát tình hình thì có thể dẫn đến việc người bệnh sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để khỏi bệnh, và có khả năng các trường hợp bệnh này sẽ lan rộng ra hơn trước.  Có thể sẽ có khả năng nhiều hơn các ca tử vong về bệnh, nhiều hơn các ca nhiễm bệnh và do đó tăng chi phí để đối phó với tình hình.

Nếu chúng ta không kiểm soát tình hình thì có thể dẫn đến việc người bệnh sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để khỏi bệnh, và có khả năng bệnh này sẽ lan rộng ra hơn trước. Có thể sẽ có khả năng nhiều hơn các ca tử vong về bệnh, nhiều hơn các ca nhiễm bệnh và do đó tăng chi phí để đối phó

BS. Babatunde Olowkure

Hợp tác với WHO và các nước trong khu vực.

Theo WHO, năm 2015 là một năm quan trọng đối với bệnh sốt rét. WHO cùng với các bên liên quan đã xây dựng dự thảo đầy tham vọng Chiến lược Kỹ thuật toàn cầu đối với bệnh sốt rét giai đoạn 2016-2030. Chiến lược này sẽ giúp các quốc gia có bệnh sốt rét giảm 90% gánh nặng sốt rét vào năm 2030.

Riêng tại Việt Nam và các nước khác thuộc tiểu vùng sông Mekong mở rộng, WHO khu vực  Đông Nam Á và Tây Thài Bình Dương đã cùng với các nước trong khu vực và các bên liên quan khác dự thảo chiến lược loại trừ bệnh sốt rét cho tiểu vùng MeKong mở rộng giai đoạn 2015 – 2030. Đại diện WHO tại Việt Nam, ông Jeffrey Kobza nói rằng Việt Nam rất ý thức được sự cần thiết trong hợp tác với các nước để phòng chống sốt rét. Thông cáo báo chí của WHO trích lời ông Jeffrey Kobza nói rằng ‘chính phủ Việt Nam đã nhận thức rõ rằng các nước láng giềng đóng một vai trò then chốt và cuộc khủng hoảng sốt rét tại một quốc gia có thể nhanh chóng ảnh hưởng đến quốc gia khác… sự hợp tác xuyên biên giới của các quố gia láng giềng với Việt Nam là điều cốt yếu để loại trừ sốt rét’.

Vào hồi cuối năm ngoái, tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, những người đứng đầu chính phủ, trong đó có Việt Nam, đã cam kết ủng hộ vì một châu Á Thái Bình Dương không còn bệnh sốt rét vào năm 2030. WHO cho biết tổ chức này cũng đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Liên minh các nhà lãnh đạo châu Á Thái Bình Dương chống bệnh sốt rét để xây dựng một lộ trình cấp cao như là một hướng dẫn hướng tới mục tiêu năm 2030.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.