Dư âm World Cup
Những ngày World Cup đã qua, nhưng dư âm vẫn chưa hết lắng đọng trong tâm tư của giới mộ điệu. Nguyễn Khanh được nhiều bạn thính giả khen ngợi nhờ công việc anh làm trong những ngày đầy sôi động ở Nam Phi. Thính giả Timmy Lê viết, xin tóm lược:
Thế là một tháng đầy sôi động cùng ăn, cùng ngủ và cùng mơ về trái bóng tròn cũng đến hồi kết thúc và TBN đã khẳng định vị trí của mình trong làng bóng đá thế giới. Song song với những sôi động diễn ra tại Nam Phi thì thính giả Á Châu Tự Do cũng háo hức không kém để đón chờ những tin tức thế giới và VN, đặc biệt là những tin tức về quả bóng tròn đang lăn tại Nam Phi.
Trong hơn 1 tháng qua, ngày nào Timmy cũng mong mục "Bóng đá" do chị Khánh An và anh Nguyễn Khanh phụ trách. Qua anh Nguyễn Khanh, Timmy biết rất nhiều điều về Nam Phi, đặc biệt là phần bình luận và dự đoán. (Tuy nhiên Timmy phải chia buồn với anh Nguyễn Khanh về mục dự đoán này.)
Thính giả Timmy viết tiếp: Cám ơn anh Khanh đã làm việc vất vả trong hơn một tháng qua để mang lại những thông tin cập nhật nhất cho thính giả RFA. Trong thời gian qua, Nam Phi là mùa đông, nhưng Timmy nghĩ rằng anh Khanh sẽ không cảm thấy lạnh bởi không khí nhộn nhịp của World Cup và đặc biệt nếu anh biết rằng có những thính giả luôn mong đợi chuyên mục của anh và nghe tiếng nói của anh.
Ở tù nhiều năm chưa phải là anh hùng, ở tù mà bất khuất trước sự đe dọa của công an quản giáo như anh Trương Văn Sương mới thực sự là người hùng.
Thính giả Dương Cao
Bạn Timmy chia buồn về mục dự đoán của Nguyễn Khanh, nhưng anh em chúng tôi đã chúc mừng anh Nguyễn Khanh về việc đã lập kỷ lục thế giới về đoán sai. Hình như đoán sai khó hơn đoán trúng. Đằng này Nguyễn Khanh đã đoán sai tất cả 64 trận từ đầu đến cuối, đạt 100% chỉ tiêu. Không biết đã có ai làm được một việc tương tự như thế chưa. Có người hỏi phải chăng Nguyễn Khanh muốn cạnh tranh về tiếng tăm với chú Bạch tuộc Paul ở Đức.
Bạch tuộc Paul đoán đúng 100 phần trăm những trận tranh tài có đội tuyển Đức tham dự. Nguyễn Khanh của chúng ta còn vượt qua Paul trên chiều ngược lại, và đoán sai tất cả 64 trận thư hùng trên sân cỏ, cũng 100%, đáng lẽ phải nổi tiếng hơn Paul mới đúng. Nhưng chú Paul kia bị dọa đem vô chảo, ngược lại Nguyễn Khanh may mắn hơn, không bị ai dọa đem vào bếp, với dao thớt chờ sẵn.
Thư của bạn BHHoàng viết:
Vì lý do riêng nên khoảng 1 năm rưỡi nay Hoàng không nghe đài RFA. Nay có cơ hội nghe lại thì thấy đài thay đổi quá trời. Có thêm nhiều phát thanh viên mới, anh Việt Long lại đảm trách mục Thư tín cho thính giả thay chị Thanh Trúc, và Khánh An thay thế Trà Mi trong mục Cafe Wifi. Vậy mục Diễn đàn bạn trẻ còn không ạ và do ai phụ trách? Và Trà Mi thì đâu rồi? Thắc mắc mãi và cũng làm biếng chờ xem có ai hỏi dùm mà không thấy. Hôm nay phải cất bệnh lười sang bên và đánh bạo gửi vài dòng hỏi thăm.
Hoàng cũng "tìm kiếm" nhưng tay nghề hơi kém nên tìm hoài không ra thông tin muốn biết. Hoàng nói đã thấy Thy Nga, Thanh Trúc trên youtube, nay chỉ muốn biết dung nhan anh Việt Long để anh khỏi phải tủi thân vì có nhiều người chiếu cố Khánh An quá.
Cám ơn bạn BHHoàng về những tâm tình vừa qua. Việt-long xin trả lời cùng bạn là Việt-Long chẳng tủi thân tí nào, mà càng nhiều thính giả/độc giả ngưỡng mộ các bạn khác thì Việt-Long cũng vui không kém, khi thấy công việc chung được quý vị và các bạn ưu ái, những nỗ lực của các bạn ấy và của toàn ban đã được thính giả ghi nhận ngày càng đông đảo.

Thư của thính giả ký tên Chí-Thanh Nguyễn, viết rằng tên thành phố Sài Gòn có trước thời Pháp thuộc, chứ không phải như RFA nói là "có từ thời Pháp" Bạn Thanh yêu cầu sửa lại một sự sai lệch của lịch sử.
Vâng. Bạn nói rất đúng. Có lẽ tác giả Thanh Quang muốn nói rằng từ thời Pháp thuộc đã có Sài Gòn, chứ không phải là Sài Gòn chỉ được xây dựng từ thời Pháp. Lịch sử còn ghi: trước thế kỷ thứ 15, khu vực này còn là rừng đầm lầy rậm rạp, được các vua Cao Miên của đế quốc Khmer đặt tên là Prei Kor, nghĩa là "rừng cây Kapok" Chúa Nguyễn cho người sang Nam Vang giao dịch, ký được thỏa hiệp với triều đình Khmer để triều đình ta cho người vào đó khẩn hoang, sản xuất lương thực. Có học thuyết cho rằng tên gọi Sài Gòn hay Sài Côn bắt nguồn từ danh xưng Prei Kor của đế quốc Khmer được đọc trại đi.
Danh xưng đó chính thức được nói đến từ năm 1698, khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên sai Lễ Binh Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đem quân dân Việt vào nơi đó khẩn hoang, lập ấp, tạo nên một vùng đất quan trọng và phì nhiêu. Lễ binh Hầu Cảnh lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Trấn Gia Định trở thành môt tiền đồn chiến lược của người Việt ở phương Nam, với Sài Gòn là trung tâm thương mại của một số nước Đông Nam Á biết đi biển làm thương buôn. Với tài thao lược của trọng thần Nguyễn Hữu Cảnh và vị trí chiến lược về thương mại cũng như về quân sự, Sài Gòn tiếp tục phát triển nhanh chóng thành môt thành phố sầm uất, so với nhiều thành phố lớn khác ở Đông dương thời bấy giờ, và dần dà thuộc về chủ quyền của Việt Nam.
Năm 1699, vua Chân Lạp là Nặc Thu, có sách ghi Nặc Ong Thu, đem quân tiến công Đại Việt. Chúa Nguyễn Phúc Chu lại cử Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống binh, cùng với Phó tướng Phạm Cẩm Long, Tham tướng Nguyễn Hữu Khánh đem quân lính, thuyền chiến hợp cùng tướng Trần Thượng Xuyên lo việc đánh dẹp và an dân. Và thủy binh của Nguyễn Hữu Cảnh đã tiến thẳng đến thành La Bích (Nam Vang), đánh tan quân của Nặc Thu.
Sau khi vua Chân Lạp qui hàng, quan Thống binh Nguyễn Hữu Cảnh đích thân thăm nom phủ dụ dân tình, được hết thảy dân chúng thuộc mọi sắc tộc cảm mến. Ngày nay nhiều đền thờ của Hiệp tán Công thần Nguyễn Hữu Cảnh vẫn còn được nhang khói quanh năm, từ An Giang qua Châu Đốc, ở Cambodia cũng có đền thờ ông, mãi đến năm 1956 mới bị phá bỏ. Cù lao ông Chưởng ở Chợ Mới, An Giang là nơi vị công thần kéo đoàn binh thuyền vào tạm trú, trong chiến dịch đánh thành La Bích. Ông Chưởng là chức vụ Chưởng Cơ của ông, được dân lấy tên đặt cho vùng đất này.
Ngưỡng mộ ông Trương văn Sương
Nhiều thư bày tỏ lòng ngưỡng một người tù lâu năm ở việt nam, tù Trương Văn Sương,vừa được trả lại tự do sau 33 năm giam cầm vì đã từ Thái lan quay về nước để hoạt động chống chính quyền cộng sản.
Ông bị tù hai lần trong chế độ Cộng Sản. Khi miền Nam thất thủ, ông bị “cải tạo” sáu năm. Ra tù, năm 1981, ông vượt biên sang Thái, tham gia cùng nhóm Lê Quốc Túy, Trần Văn Bá quay trở lại Việt Nam kháng chiến. Nhóm của ông bị đặc tình an ninh Việt Nam cài người vào nên bị bắt ở tỉnh Minh Hải năm 1983. Ông Sương trở bịnh nặng trong trại tù Xuân Lộc, được nhà cầm quyền cho xe có bác sĩ hộ tống, đưa về nhà con trai ở khóm 2, phường 3, Sóc Trăng ngày 13 tháng 7 vừa qua.
Nam Phi là mùa đông, nhưng anh Khanh sẽ không cảm thấy lạnh bởi không khí nhộn nhịp của World Cup và đặc biệt nếu anh biết rằng có những thính giả luôn mong đợi chuyên mục của anh và nghe tiếng nói của anh.
Thính giả Timmy
Thư của thính giả Dương Cao viết: Trương Văn Sương đích thực là người anh hùng của thời đại. Ở tù nhiều năm chưa phải là anh hùng, ở tù mà bất khuất trước sự đe dọa của công an quản giáo như anh Trương Văn Sương mới thực sự là người hùng. Mừng anh ra tù sau mấy mươi năm tù tội. Chúc anh sớm bình phục sức khỏe và trở lại đời sống bình thường.
Thư của thính giả Trần Nguyễn Chí Việt loan báo rằng việc người tù Trương Văn Sương được phóng thích, đồng thời nhắc nhở rằng hiện còn một người tù chung thân nữa vẫn bị gia cầm. Đó là cựu đại uý Nguyễn Hữu Cầu, bị giam tù từ năm 1976 đến nay. Chúng tôi được biết tổ chức Boat People SOS đã quan tâm tới trường hợp ông Nguyễn Hữu Cầu và đang tìm cách giải cứu bằng những biện pháp ngoại giao và pháp lý.

Hai thính giả muốn liên lạc với ông Trương Văn Sương và gia đình để giúp đỡ, chúng tôi không nêu tên ở đây, nhưng đã giải quyết bằng thư riêng.
Thính giả Lê Chân gửi một bài thơ ca ngợi ông Trương Văn Sương, xin đọc bốn câu chọn lọc:
Kính lời thơ gởi Trương Văn Sương,
Người đã vì đâu lắm đoạn trường
Lao lý không sờn gan chiến sĩ
Tên Người lịch sử chép ngàn trương.
Chúng tôi cũng nhận được thư của thính giả Nguyễn Việt Thắng nêu vài đề nghị, chúng tôi sẽ liên lạc sau. Thính giả ký tên là Võ Tấn Minh ở Thuỵ Sĩ gửi bài hát mang tên 'Tiếc thương người nằm xuống’ của Thiên Giang, nói là để chia sẻ với nạn nhân Nguyễn Năm.
Theo lời thuật lại từ nhiều nguồn tại địa phương, anh Năm đã bỏ trốn khi công an Đà Nẵng và Cồn Dầu đến nhà hỏi tội. Anh bị công an phát hiện trốn trên gác nhà hàng xóm. Anh bị đưa xuống và đánh đá rất nặng nề trước mặt người vợ đang cố van xin tha mạng. Những kẻ hành hung còn đạp đầu anh Năm xuống vũng bùn, rồi lôi lên đánh thêm cho tới lúc anh bất tỉnh mới cho về nhà. Về tới nhà anh Năm còn kịp trối lại với gia đình là anh không thể sống nổi. Sau đó anh ọc ra máu lẫn với bùn đất từ miệng, mũi, tai, rồi từ trần. Thân thể bị bầm dập khắp nơi, hai khuỷu tay trầy trụa như bị còng và kéo lê trên mặt đất. Thi thể được chôn cất tại một nghĩa trang cách xóm Cồn Dầu khoảng 30 km. Đài Á Châu Tự Do có liên lạc với các giới chức chính quyền liên quan đến vụ này, nhưng họ đều tìm cách tránh trả lời chúng tôi.
Chúng tôi có nhận thư của ông Nguyễn Văn Lâm, sẽ liên lạc riêng về sau. Thư của tác giả ký tên là Người trong nước, nói là của một vị lão thành cách mạng gửi cho bộ chính trị trung ương Đảng, sẽ đăng trên mục Diễn Đàn. Mời quý vị và các bạn vào xem.
Thính giả Hà Minh Thảo hỏi điều kiện nào để bài được nhận đang vào mục 'bạn đọc viết'. Bạn viết bài cho cẩn thận, phải có dấu tiếng Việt, và kiểm soát ngôn từ, nội dung, chính tả của bài trước khi gởi bằng email cho địa chỉ vietweb@rfa.org, ghi là muốn đăng mục bạn đọc viết. Còn cách khác nữa, là cũng gửi Vietweb, ghi là muốn đăng lên "diễn đàn'. Cả hai nơi, ban biên tập sẽ xem lại cả nội dung lẫn hình thức để bảo đảm bài vở đàng hoàng, không mang nội dung cực đoan, thô bạo, hay hình thức quá lủng củng, sai trật quá nhiều. Còn một nơi nữa để cho quý vị bày tỏ ý kiến, là trang blog RFA, xin mời vào mọi cửa đang rộng mở để liên lạc với nhau, các bạn nhé.
Mục trao đổi thư tín với quý thính giả xin tạm ngưng nơi đây. Việt Long kính chảo tạm biệt quý vị và các bạn. Xin hẹn tuần sau, thứ sáu 23 tháng 10 năm 2010.