Trao đổi thư tín với thính giả (30.01.2015)

0:00 / 0:00

Mở đầu chương trình hôm nay, Hòa Ái trích đăng những ý kiến của quý khán thính giả cùng độc giả gửi về liên quan đến tình trạng các tù nhân chính trị như Tạ Phong Tần, Hồ Thị Bích Khương, Cấn Thị Thêu, Đinh Nguyên Kha…tuyệt thực để phản đối lại những vi phạm của trại giam đối với tù nhân:

“Tuyệt thực để đánh thức lương tâm người quản tù hoặc những kẻ bên ngoài nhưng nếu quản tù mặc kệ hoặc chịu tác động từ cấp trên nên bỏ mặc và thế giới bên ngoài chẳng chút quan tâm thì hành động như thế tương đương tự sát vô ích”.

“Nổi loạn bị tù đày phải chấp nhận cuộc sống của người mất quyền công dân thôi. Tốt hơn hết làm dân bình thường cho ổn. Con người sống được bao lâu đâu mà tự mình làm nhục mình?”

“Tin tuyệt thực của tù nhân loan tải khiến gia đình người thân và người dân Việt Nam còn lương tâm càng xót! Gieo rắc nỗi sợ hãi là cách họ đã, đang và sẽ muốn làm càng nhiều càng tốt”.

“Hãy tha thứ cho nhau, người Việt Nam cả, không nên sát hại nhau”.

Trong tuần qua, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền-Human Rights Watch ra thông cáo báo chí phản đối chính quyền VN dùng côn đồ trấn áp người dân. Dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm đến thông cáo này. Hòa Ái trích đăng các ý kiến liên quan:

" Chính quyền dùng côn đồ đánh dân, trấn áp người dân là một hành động ném đá dấu tay. Sau này có ai nói đến thì cãi chày cãi cối, cãi ngang cãi ngược. Giống như vụ đốt phá ở Bình Dương, côn đồ cầm quyền lại đổ lỗi cho Việt Tân, mặc dù ai cũng biết chắc đích thị là ai. Có hình ảnh chụp rõ như ban ngày".

“Giờ án oan sai ở VN nhiều quá, có người ngồi tù oan 10 năm cũng do công an ép cung, dùng nhục hình. Người dân giờ mất niềm tin vào pháp luật rồi”.

“Ở VN, đó là chuyện như ăn cơm hàng ngày thôi!”

“Sự thật ở VN là thế đấy!”

“Công an VN và lưu manh, côn đồ chỉ là một. Chúng dựa vào nhau để cùng tồn tại”.

“Chỉ là côn đồ đội lốt công an thôi”.

“Xin thưa với mọi người, côn đồ cũng có danh dự và hiểu tình người. Không ai đi làm cái việc trái lương tâm đâu”.

“Chẳng qua là công an cởi đồng phục ra thôi”.

“Côn đồ chính là công an, là cánh tay nối dài của Đảng CSVN”.

“Đâu có bao giờ ai đứng ra nhận ‘lạy ông, tôi ở bụi này’. Bất quá ‘họ không phải côn đồ mà do quần chúng bức xức quá nên tự phát’ đấy thôi”.

“Phản đối Công an thuê côn đồ đánh dân, hãm hại Nhân dân VN”.

“VN cần những tổ chức bảo vệ nhân quyền và cộng đồng thế giới quan tâm hơn nữa chứ nhân quyền ở VN bây giờ xuống cấp nghiêm trọng”.

“Mong tự do về trên đất nước VN tôi!”

Thưa quý thính giả, câu chuyện một nhóm người cướp máy bay quân sự ở sân bay Tân Sơn Nhất vượt thoát tìm tự do cách nay 36 năm được nhiều người nhắc đến trong tuần qua. Tiếp theo trong chương trình, Hòa Ái dành thời gian trả lời một số thắc mắc của quý thính giả cùng độc giả. Thính giả Tran Uc ở Mỹ Tho nói rằng “bài báo không nói rõ phi công Tiêu Khánh Nha có đi được trên chuyến bay đó không?”. Xin được thưa cùng quý vị, trong câu chuyện, Hòa Ái có đề cập đến chi tiết kế hoạch ban đầu phải có phi công Tiêu Khánh Nha phụ trách lái chiếc C130 và cả gia đình vợ con của ông Tiêu Khánh Nha phải được đi cùng, và cũng có chi tiết phi hành đoàn bất đắc dĩ 13 người bao gồm 2 trẻ em cũng được nhắc đến. Đây là lời kể của ông Trương Văn Ẩm:

“Đáng lẽ ông Tiêu Khánh Nha chun hàng rào nhưng ông ta lại không chun. Ông chở vợ con trên chiếc Honda ra hướng Hàng không Việt Nam. Ông chạy thẳng xuống, khi tới thì dựng chiếc Honda vào bên gốc ụ. Hai tay ôm 2 đứa con. Bà vợ ôm 2 túi xách nhỏ chạy thẳng lên máy bay. Lên máy bay, ông Tiêu Khánh Nha ngồi ghế chánh. Sơn ngồi ghế phụ. Còn cái ghế ‘co-pilot’ của người thợ máy trên không ngồi thì là bộ đội Tạo ngồi (người bộ đội canh giữ máy bay trên mặt đất). Tôi nắm cổ anh ta kéo đứng lên và nói ‘anh Tạo, tôi đưa anh đi anh đi tìm tự do, anh không được chống cự’. Anh Tạo hết hồn, khúm núm đứng lên. Sau đó, tôi ngồi vào ghế co-pilot. Máy bay có 4 cái cần ga. Một mình tay ông Nha nắm không hết nên chúng tôi phải phụ đẩy ga lên, quẹo ra đường ‘taxi way’ để ra đường bay chánh khoảng nửa cây số, phải quẹo ra đó rồi mới cất cánh. Đường ‘taxi way’ hồi xưa rộng và dài lắm. Chiếc máy bay vừa lái thẳng là ông Nha nói ‘tống ga’. Vừa tống ga ngang Ga Hàng không Việt Nam, chỗ Đài Kiểm Soát là cất cánh lên liền”.

Ông Trương Văn Ẩm chụp tại Hoa Kỳ ngày 26/1/2015. Hình do ông Trương Văn Ẩm gửi RFA
Ông Trương Văn Ẩm chụp tại Hoa Kỳ ngày 26/1/2015. Hình do ông Trương Văn Ẩm gửi RFA (Ông Trương Văn Ẩm chụp tại Hoa Kỳ ngày 26/1/2015. Hình do ông Trương Văn Ẩm gửi RFA )

Lời kể vừa rồi của ông Ẩm cũng giải thích luôn cho câu hỏi thứ 3 trong 5 câu hỏi của một thính giả không muốn nêu tên thắc mắc làm thế nào chiếc C130 có đủ lực cất cánh.

Thính giả tên Tước ở Tân Sơn Nhất cũng tham gia trả lời thắc mắc này, cho biết chiếc C130 do hãng Lockheed Martin chế tạo và sản xuất cho quân đội Mỹ, chuyên chở khoảng 120 binh sĩ với quân trang quân dụng, thuộc loại “Short Take Off and Landing” (STOL), chỉ cần phi đạo ngắn, gồ ghề, lên-xuống để thả và tải quân.

Về thắc mắc làm thế nào xăng được đổ đầy của vị thính giả không nêu tên, ông Ẩm cũng cho biết đã chỉnh đồng hồ xăng lại theo ý muốn và yêu cầu được đổ xăng. Ông Trương Văn Ẩm nói thêm chi tiết:

“Ngày thứ Hai trục trặc, phái đoàn tới coi phim, chúng tôi không làm gì được. Chiếc máy bay đưa vào sửa chữa thì không cần đổ xăng nhiều, chỉ đủ xăng để quay máy thử thôi. Bắt đầu qua ngày thứ Ba, tôi lên máy bay bàn với Sơn và một Thiếu úy bộ đội, tôi nói ‘bây giờ phải đổ xăng’. Tôi thuộc ban kỹ thuật, tôi ra ghi chép hư hỏng, tôi viết phương án sửa như thế nào thì họ phải làm theo phương án của ban kỹ thuật đưa ra. Tôi nói ‘bây giờ đồng hồ xăng bị hư mà thời Mỹ thì chúng tôi lấy đồng hồ mới thay vô mà bây giờ mình không có đồng hồ mới. Đồng hồ xăng bị chết thì không biết đúng hay sai.

Chỉ có cách đổ xăng cho đầy rồi dùng thước đo bao nhiêu feet thì bao nhiêu gallon rồi chỉnh đồng hồ theo thôi’. Tôi nói ‘báo các anh biết vậy, chiều vô họp ban cuối ngày thì tôi sẽ báo cáo xin đổ xăng’. Máy bay kể như xong 95%, còn 5% nữa là giao cho bên tác chiến. Chiều họp, tôi nói với ông thủ trưởng Thanh rằng trường hợp máy bay bị hư đồng hồ xăng nên cần phải đổ xăng để điều chỉnh đồng hồ chứ không có máy móc để điều chỉnh. Không biết lời nói của tôi xui khiến sao mà ông Thanh bằng lòng. Ông ấy làm một cái lệnh cho xin đổ xăng vào chiều thứ Ba. Chiều thứ Ba xin đổ xăng, tôi tưởng thứ Tư tới thì lúc đó tôi mới nói với Hải, người đi chung chuyến qua Mỹ với tôi, rằng phải vặn mấy ống dầu cho hở ra để dầu bị rỉ (leak) cho có lí do giữ máy bay lại”.

Và thính giả tên Balem ở Hòa Kỳ chia sẻ khi chiếc C130 cất cánh ở Tân Sơn Nhất, thì bản thân ông lúc đó đang làm việc ở sân bay Biên Hòa. Ông Balem cho biết thời gian đó các phi công bộ đội không trong tư thế sẵn sàng, xe cộ cũng không có sẵn như bây giờ. Chiếc C130 cất cánh, khoảng gần nửa đồng giờ đồng hồ sau đó, phi cơ chiến đấu ở Biên Hòa mới bay lên, nhưng lại bay về hướng Thái Lan vì họ nghĩ hướng đó là gần nhất trong khi Nhóm ông Ẩm lại bay về hướng biển Vũng Tàu.

Quý vị nào còn những thắc mắc khác liên quan đến câu chuyện kể “Cướp máy bay quân sự để vượt biên” có thể gửi về đài những câu hỏi của quý vị và ông Trương Văn Ẩm sẽ trả lời trong thời gian sớm nhất.

Thưa quý vị, trong chuyên đề “Ký ức 40 năm” của Ban Việt ngữ nhằm để kỷ niệm 40 năm ngày 30 tháng 4 năm 1975, chúng tôi vẫn đang tiếp tục thực hiện loạt bài về biến cố quan trọng nhất của đất nước trong các chương trình phát thanh cho đến hết ngày 30 tháng 4 năm nay.

Trong mục "Ký ức 40 năm" đăng tải trên trang web của ban Việt ngữ tại www.rfa.org/vietnamese hoặc www.RFATiengViet.net có nhiều bài vở và hình ảnh của quý khán thính giả cùng độc giả khắp nơi gửi về. Kính mong quý vị truy cập vào trang nhà của đài để nghe, xem và đọc mục "Ký ức 40 năm".

https://www.rfa.org/vietnamese/SpecialTopic/40years-april30Opens in new window ]

Nhìn lại quá khứ để hướng tới tương lai là mục đích mà chương trình “Ký ức 40 năm” nhắm tới. Ban Việt Ngữ hy vọng rằng đây là dịp để người Việt cùng nhìn lại một quãng thời gian khá dài với muôn vàn khác biệt nhằm kết nối những trái tim Việt Nam trên khắp thế giới. Kính mong quý vị tiếp tục đóng góp bằng các bài viết, âm thanh, video hay góp ý trong chủ đề này.

Liên lạc với ban Việt ngữ liên quan đến chuyên đề "Ký ức 40 năm", quý vị gửi về theo địa chỉ email: kyuc40nam@rfa.org

Chúng tôi cũng xin được thông báo, Đài ACTD sẽ tổ chức các buổi hội thảo truyền hình trực tiếp qua phương tiện Youtube và Google Hangout để quý khánh thính giả có dịp được trò chuyện trực tiếp với các nhân chứng sống, từng tận mắt chứng kiến những gì đã xảy ra trong thời gian 40 năm qua tại VN.

Buổi hội thoại đầu tiên sẽ diễn ra vào thứ Ba, ngày 10/2/2015, lúc 10 giờ tối, giờ VN. Phóng viên Nam Nguyên sẽ cùng thảo luận trực tiếp cùng quý khán thính giả về những diễn biến của chiến trường An Lộc, mùa hè đỏ lửa 1972. Kính mời quý khán thính giả cùng tham gia thảo luận cũng như đón xem.

Mục "Trả lời Thư tín" đến đây xin tạm dừng. Kính mong quý khán thính giả cùng độc giả tiếp tục gửi về đài những ý kiến đóng góp cũng như những chia sẻ về các vấn đề quý vị quan tâm. Để liên lạc với ban Việt ngữ, quý thính giả có thể gửi email qua địa chỉ vietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org. Ngoài ra, quý vị có thể gọi vào hộp thư thoại tại số 202-530-7775.

Cảm ơn thời gian lắng nghe của quý thính giả cùng Hòa Ái. Kính chúc quý vị 1 ngày mới an lành. Hòa Ái xin kính chào và hẹn gặp lại trong chương trình này lần sau.