Trao đổi Thư tín: Những cuộc chiến trong tháng Hai
2017.02.27
“Tháng Hai năm 2017 là dấu mốc thời gian tôi không bao giờ quên cho đến ngày nhắm mắt. Đất nước Việt Nam của tôi được tuyên bố ‘Độc lập-Tự do-Hạnh phúc’ nhưng sao các cuộc chiến cứ mãi kéo dài? Tháng Hai này là những ngày của máu và nước mắt...”
Cuộc chiến biên giới Việt-Trung
Đây là lời tâm tình của một thính giả gửi về Đài Á Châu Tự Do trong thời điểm cuộc chiến biên giới Việt-Trung tròn 38 năm. Phải chăng hình ảnh “máu và nước mắt” mà vị thính giả này nói đến là những gì người Việt hậu thế xem được, nghe được và biết được về sự mất mát, thương vong của đồng bào ở 6 tỉnh biên giới trải dài từ Lai Châu đến Quảng Ninh cùng với sự hy sinh của các chiến sĩ còn rất trẻ để bảo vệ đất nước khi Trung Quốc xua quân tiến đánh Việt Nam gần 4 thập niên về trước?
“Ngày 17 tháng 2 năm 1979, là ngày gì?”-Một câu hỏi khiến cho rất nhiều bạn trẻ tại Việt Nam phải ngẩn người và khi biết đó là một cuộc chiến bi hùng của dân tộc thì câu hỏi họ đặt ra “Tại sao chúng tôi không được học một trang sử hào hùng như vậy?”. Những người quan tâm đến thời cuộc tại Việt Nam đều cho rằng cuộc chiến lịch sử này không được nhắc đến vì tinh thần hữu nghị “4 tốt-16 chữ vàng” giữa Việt Nam với Trung Quốc. Và do đó những giọt nước mắt của thân nhân những người lính hy sinh và nạn nhân cùng các cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh biên giới cứ âm ỉ lăn dài qua năm tháng vì sự lãng quên theo chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Quý khán thính giả và độc giả RFA chia sẻ của về cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung sau 38 năm:
Phản bội những người đã vì tổ quốc, lừa gạt mạng sống cuả tuổi trẻ để làm tay sai cho Trung Quốc là một tội ác và là tội đồ của dân tộc-
Thính giả RFA
“Cảm ơn Đài Á Châu Tự Do và các trang mạng xã hội đã cho những người trẻ của thế hệ sau chiến tranh rất lâu như tôi biết được sự thật khủng khiếp về ngày 17 tháng 2 năm 1979. Đó không khác gì là một cuộc diệt chủng đồng bào Việt Nam ta.”
“Ngày 17 tháng 2 là ngày một người có nhận thức biết rằng thật nhục nhã vì chọn Bắc Kinh làm anh em mà giấu diếm sự hy sinh của biết bao con người.”
“Thật đớn hèn và tàn nhẫn đối với những ai là người Việt mà cố tình quên đi ngày 17 tháng 2!”
“Phản bội những người đã vì tổ quốc, lừa gạt mạng sống cuả tuổi trẻ để làm tay sai cho Trung Quốc là một tội ác và là tội đồ của dân tộc.”
“Dù ngăn cấm đến đâu, những người lính hy sinh vì tổ quốc vẫn vĩnh viễn được người dân ghi ơn cho đến đời con, đời cháu mãi mãi về sau.”
“Cần phải bình đẳng với tất cả người lính trong các cuộc chiến bảo vệ tổ quốc Việt Nam. Xin cảm ơn những người con đất Việt đã hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc!”
“Khi bọn bành trướng bá quyền Trung cộng rút chạy khỏi biên giới Việt Nam, bọn giặc xâm lăng sẽ không bao giờ quên câu nói bất hủ của người lính Việt Nam rằng ‘Sống bám đá-Chết hoá đá trở thành bất tử’. Họ không bao giờ lo sợ trước những hành động xâm lấn của bọn giặc phương Bắc. Họ sẽ đối đầu sòng phẳng cho dù chỉ còn 1 quả lựu pháo hay 1 viên đạn trên nòng súng...Các anh coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Xương máu của các anh hòa quyện vào hồn thiêng sông núi bảo vệ chủ quyền đất mẹ trường tồn mãi mãi. Là người dân Việt Nam, tôi đốt 3 nén hương xin được tỏ lòng thành kính, biết ơn các anh hùng liệt sỹ đã bảo vệ biên giới trong cuộc chiến hèn hạ của bọn giặc phương Bắc gây ra. Cho dù ai đó muốn lãng quên cuộc chiến này, nhưng sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ không bao giờ quên trong tâm trí những người Việt Nam yêu nước. Một lần nữa bái tạ vong linh các anh.”
Cuộc chiến bảo vệ môi trường
“Tháng Hai này là những ngày của máu và nước mắt”, lời chia sẻ của vị thính giả gửi về Đài RFA cũng là nỗi niềm của rất nhiều khán thính giả cùng độc giả khi trong lòng họ ghi thêm dấu ấn về ngày 14 tháng 2 năm 2017-ngày tuần hành của hàng trăm người dân miền Trung đi khiếu kiện đòi công lý vì thảm họa môi trường biển do nhà máy Formosa gây ra.
“Thượng Đế sinh ra cái biển cho chung mọi người chứ phải của riêng ai đâu mà để cho ô nhiễm vậy? Ô nhiễm môi trường Formosa cũng là chung mà sao một chỗ thì cho tiền, còn một chỗ thì không giúp, không cho đồng nào? Người ta phải đi khiếu kiện mà còn đánh đập người ta như vậy? Sao mà không suy nghĩ được chuyện phải trái? Làm sao cầm quyền đất nước mà để khổ sở như vậy? Trời ơi!”
Những gương mặt be bét máu đầy hoảng sợ, những tiếng kêu la thất thanh của đoàn người khiếu kiện trước sự đàn áp, đánh đập của lực lượng cảnh sát cơ động và công an mặc sắc phục lẫn thường phục trong các video clip, được lan truyền khắp trang mạng xã hội, ám ảnh tâm trí cộng đồng người Việt trên toàn thế giới. Thính giả Nguyễn Uyên nói rằng “Nhìn thấy bà con giáo dân bị đánh mà xót xa rơi nước mắt”. Trong khi đó, thính giả Toàn Nguyễn cảnh báo “Đảng Cộng sản Việt Nam luôn hô hào ‘dân là gốc’ mà gốc bị chặt phá thì tương lai của những ‘đầy tớ nhân dân’ sẽ ra sao”? Thính giả Nguyễn Thanh Long lên tiếng nhà cầm quyền Hà Nội cần phải có hành động thế nào để lấy lòng dân, còn sử dụng biện pháp trấn áp như thế này thì chẳng khác nào đẩy người dân về phía đối kháng. Hòa Ái ghi nhận rất nhiều thính giả đồng tình với ý kiến vừa nêu. Trước sự im lặng của hàng trăm cơ quan truyền thông do nhà nước quản lý và báo đài địa phương Nghệ An, tuy đưa tin về sự kiện đi khiếu kiện của bà con giáo dân nhưng dư luận cho là vu khống và không đúng sự thật, khiến cho không ít thính giả RFA lo ngại về sự đỗ vỡ niềm tin của dân chúng đối với cách hành xử giải quyết hậu quả thảm họa môi trường biển của chính quyền Việt Nam.
Những thông tin mới nhất trong tháng Hai liên quan thảm họa môi trường biển miền Trung là người dân Hà Tĩnh lại phát hiện cá chết hàng loạt trên sông Quyền nhưng giới chức địa phương giải thích nguyên nhân làm cá chết có thể do người dân tháo nước từ trong ruộng lúa ra sông; Bộ Tài Nguyên Môi trường Việt Nam ra chỉ thị cho chính quyền 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế thông báo với người dân biển miền Trung đã sạch và an toàn trong khi một nguồn nước màu đỏ được phát hiện thải trực tiếp ra biển từ một miệng cống xả thải ở Hà Tĩnh và các dải nước màu đỏ xuất hiện tại vùng biển Sơn Trà-Đà Nẵng và Lăng Cô-Huế; Bên cạnh đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng vừa công bố danh sách các quan chức chịu trách nhiệm và đề xuất hình thức kỷ luật là tổ chức kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Quý thính giả Đài Á Châu Tự Do nói gì về thông tin mà họ cũng như dư luận luôn trông chờ gần một năm qua, kể từ khi thảm họa môi trường biển xảy ra hồi đầu tháng 4 năm 2016:
Điều đáng nói là sao bao nhiêu năm tháng, với bao nhiêu trò kỷ luật kiểm điểm thì Formosa vẫn bình chân như vại. Sự tồn tại của Formosa dường như dính liền với sự tồn tại của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cho nên muốn giải quyết được Formosa thì e rằng phải diệt cái gốc của nó
-Thính giả RFA
“Sao lại kỷ luật? Bản chất của việc kỷ luật chỉ mang tính nội bộ. Yêu cầu phải khởi tố vụ án ‘thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng’.”
“Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam quy trách nhiệm xả chất độc của nhà máy Formosa cho một vài quan chức tép riu đã về vườn; trong khi các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Hoàng Trung Hải phải chịu trách nhiệm chính yếu thì lại bỏ qua. Nhà cầm quyền xả độc ra biển để ngư dân bỏ đi chỗ khác với mục đích vô hiệu hóa lực lượng chống đối. Giờ đây lại cho hơn 200 ngàn tuổi trẻ có bằng cấp cao ra đi nước ngoài tìm việc cũng để vô hiệu hóa thành phần trí thức khi Tàu cộng xâm lược Việt Nam.”
“Điều đáng nói là sao bao nhiêu năm tháng, với bao nhiêu trò kỷ luật kiểm điểm thì Formosa vẫn bình chân như vại. Ai cũng biết đích thị thủ phạm của mọi vấn đề là Formosa, nhưng nó vẫn cứ trơ trơ ra đó. Sự tồn tại của Formosa dường như dính liền với sự tồn tại của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cho nên muốn giải quyết được Formosa thì e rằng phải diệt cái gốc của nó.”
“Sau gần một năm trời mới kỷ luật bọn quyền lực tha hóa, người dân đề nghị xét xử bọn này theo luật hình sự. Không thể rút kinh nghiệm, phê bình sâu sắc. Muốn lấy lại lòng tin của cử tri, Đảng hãy giải quyết hậu quả vụ Formosa này cho đúng tinh thần nhà nước pháp quyền để người dân ghi điểm tín nhiệm.”
“Quê hương Việt Nam tôi đã im tiếng súng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản được cho là ưu việt hơn 4 thập niên qua. Nhưng hàng triệu người dân vẫn cứ mơ ‘lòng dân ý đảng’ quy về một mối vì dân giàu nước mạnh; chứ không phải là những ‘cuộc chiến’ dai dẳng mang tên ‘chống tham nhũng’, ‘chống tiêu cực’… giữa những người nắm giữ quyền lực đang cai trị đất nước này.”
Hòa Ái xin lưu ý quý thính giả Đài Á Châu Tự Do trên toàn thế giới có thể nghe các chương trình phát thanh bằng điện thoại di động một cách dễ dàng và bất cứ lúc nào qua RFA Mobile Streamer App. Quý vị có thể sử dụng RFA Mobile Streamer App, miễn phí cho cả IOS và Android. Quý thính giả cũng có thể chia sẻ các chương trình phát thanh ưa thích qua email, twitter, facebook, Google + và các công cụ mạng xã hội khác.
Ban Việt ngữ luôn mong mỏi quý khán thính giả cùng độc giả đóng góp ý kiến về các vấn đề quý vị quan tâm. Quý vị có thể liên lạc qua email tại địa chỉ vietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org, hoặc qua hộp thư thoại tại số 202-530-7775.