Trao đổi thư tín ngày 12.8.2016

Hòa Ái, phóng viên RFA
2016.08.12
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp
000_EI90W.jpg Hai người đàn ông đi một chiếc xe máy kéo một bao lớn hàng tái chế trên đường phố Hà Nội vào ngày 12 Tháng 8 năm 2016.
AFP photo

Trong tuần qua, thông tin nổi bật mà có lẽ những ai là công dân Việt Nam chẳng muốn nghe vì nợ của Chính phủ ngày càng gia tăng. Bộ Tài Chính vừa công bố tổng số nợ của Nhà nước Việt Nam trong năm 2016 chiếm 63, 8% tổng sản lượng quốc gia và mức nợ này sẽ tăng xấp xỉ 65% trong vòng 2 năm nữa. Nhiều khán thính giả và độc giả Đài Á Châu Tự Do thắc mắc có phải do tham nhũng hay không mà ngân sách nhà nước lúc nào cũng thiếu hụt?

Hòa Ái ghi nhận qua trang Facebook RFA, một số thính giả khẳng định chính là do tham nhũng nên Việt Nam mới nợ nhiều như vậy.

Thính giả Tran Trung cho rằng “Bất cứ khoản viện trợ nào, khoản vay nào để phát triển đất nước thì Đảng Cộng sản lãnh đạo cũng chia chác nhau bỏ túi”. Thính giả Thọ phân tích “Tiền lương của Bộ trưởng khoảng chừng 10 đến 15 triệu đồng/tháng mà đa số tài sản của họ mấy trăm tỷ, có người lên đến nghìn tỷ. Tiền đó thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng”. Thính giả Tan Le đưa ra một giải pháp đơn giản là “Điều tra, thu lại tiền tham nhũng, trả hết nợ”.

Chính phủ Việt Nam thật là hào phóng, nợ nần như chúa chổm nhưng lại ưu ái miễn giảm thuế cho Formosa, còn người dân cứ è cổ ra đóng đủ thứ thuế.
- Thính giả Khanh Huynh

Đây cũng là giải pháp được số đông người dân trong nước kiến nghị với Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, thật sự không dễ dàng chút nào, thưa quý vị! Cũng trong tuần qua, Thanh tra Chính phủ vừa hoàn tất bản phúc trình tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng tại Việt Nam, cho thấy hầu hết số tiền tham nhũng không thể thu hồi được; chỉ có 7, 8% số tiền tham nhũng được trả về lại cho ngân sách nhà nước, còn gần 92% số tài sản gồm tiền mặt và đất đai tham nhũng đã bị tẩu tán hết.

Trước nỗi lo lắng mỗi người dân Việt phải cõng trên lưng con số nợ công khoảng 30 triệu đồng thì thính giả Khanh Huynh lên tiếng rằng “Chính phủ Việt Nam thật là hào phóng, nợ nần như chúa chổm nhưng lại ưu ái miễn giảm thuế cho Formosa, còn người dân cứ è cổ ra đóng đủ thứ thuế”.

Liên quan đến Formosa, trong ngày Chủ Nhật, mùng 7 tháng 8, hàng ngàn giáo dân và ngư dân ở Vinh thực hiện lời kêu gọi “Một ngày vì môi trường” của Ủy ban Công lý và Hòa Bình giáo phận Vinh được dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm cũng như ủng hộ tinh thần sinh hoạt này cần được lan tỏa nhiều hơn vì môi trường sống trong sạch ở Việt Nam. Cộng đoàn giáo dân Vinh đã có cuộc tuần hành ôn hòa kêu gọi đóng cửa tập đoàn Formosa và lời kêu gọi này cũng là yêu cầu của rất đông khán thính giả cùng độc giả của Đài RFA. Tiếp theo trong chương trình, Hòa Ái trích đăng một vài ý kiên liên quan:

“Bauxit Tây Nguyên, Formosa…là đại thảm họa mà các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, những trí thức đã cảnh báo, đồng thanh lên tiếng báo động và ngăn cản, nhưng Chính phủ không lắng nghe rồi để cho người dân hứng chịu hậu quả.”

“Đừng mờ mắt với 500 triệu đô la chẳng là bao nhiêu đối với việc hủy diệt môi trường biển, đất liền và gây thiệt hại kinh tế, sức khỏe, đời sống của dân Việt. Có nguy cơ diệt chủng. Bọn Formosa cút khỏi Việt Nam là thượng sách.”

“Nước người ta cho người ngoài đầu tư nhằm mục đích tạo công ăn, việc làm cho người bản địa, thu thuế để thêm ngân sách, nhưng thủ tục và điều kiện bắt buộc về môi trường là ưu tiên số một. Nhưng Việt Nam cho đầu tư giàn trải từ bắc xuống nam, từ tây sang đông bằng mọi giá với thủ tục nhanh bất ngờ và quá dễ dãi, bất chấp điều kiện bắt buộc thường thấy mà các doanh nghiệp trong nước nhiều khi phải than trời. Hậu quả môi trường bị tàn phá diện rộng, ảnh hưởng gần như khắp cả nước.

Không chịu đựng khủng hoảng xã hội thì người dân thì biết làm gì? Phản đối bọn tham nhũng thì họ khép tội ‘phản động’, tố cáo họ thì bị hại cho thê thảm.
- Thính giả

Vì sao lại xảy ra chuyện này? Vì nghiệp vụ kém hay vì đất nước quá nghèo? Không như vậy đâu! Bởi vì từ khi đầu tư cơ sở hạ tầng đến khi hoạt động, người bản địa thấy hầu hết là nhà thầu Trung Quốc và công nhân đến từ Hoa Lục hoạt động bên trong và gần như tất cả là các công sự tuyệt mật đến ngay cả nhà chức trách cũng khó mà vào kiểm tra! Như vậy vì lý do gì người ta lại nhắm mắt tiếp tay cho họ một cách tích cực như vậy? Thật khó hiểu và khó có câu trả lời thỏa đáng cho người dân! Hậu quả nhãn tiền đã có, trong tương lai không xa người dân bản địa sẽ tự chết vì dịch bệnh mà không cần đến chiến tranh quân sự.”

“Biết nhìn xa trông rộng thì đóng cửa và đuổi chúng ra khỏi đất nước này đi. Nếu còn để cho chúng hoạt động trên đất nước này rồi có ngày hiểm họa mất nước từ chúng là rất lớn. Con cháu chúng ta sẽ mãi làm nô lệ của chúng đến muôn đời.”

“Tốt nhất là cho đóng Cửa Formosa ngay lập tức nếu các vị lãnh đạo còn chút lương tâm với dân tộc Việt Nam!”

“Tôi có ý kiến nếu chính quyền quyết tâm cứu dân thì phải làm liền. Để lâu chất độc ngấm vào đất, vào người. Ăn cá có độc, ăn cây trái có độc, tắm nước có độc…Nhất là trẻ con phải chịu bệnh hoạn. Tội quá đi thôi! Nhiều khi tôi phải khóc vì thương người biểu tình bị đánh, cứ đổ tội cho bọn phản động rồi đánh và bắt giam người ta. Đã bị nhiễm độc mà còn bị đánh, bị tàn phế thì sống sao nỗi! Ôi, tội quá! Thượng Đế hỡi, có thấu cho Việt Nam này?”

Dân lãnh đủ!

Người Việt Nam làm việc tại Đài Loan với băng-rôn và hình ảnh cá chết bên ngoài trụ sở Công ty Formosa tại Đài Bắc vào ngày 10 tháng 8 năm 2016. AFP photo
Người Việt Nam làm việc tại Đài Loan với băng-rôn và hình ảnh cá chết bên ngoài trụ sở Công ty Formosa tại Đài Bắc vào ngày 10 tháng 8 năm 2016. AFP photo
Người Việt Nam làm việc tại Đài Loan với băng-rôn và hình ảnh cá chết bên ngoài trụ sở Công ty Formosa tại Đài Bắc vào ngày 10 tháng 8 năm 2016. AFP photo

Trong tuần qua, Cơ quan Phát triển Liên Hiệp Quốc-UNDP vừa công bố khảo sát về vấn đề cải thiện chỉ số PAPI, tức chỉ số hiệu quả quản trị và hành chánh công cấp tỉnh tại Việt Nam với kết quả người dân Việt Nam ngày càng có mức độ chịu đựng tham nhũng cao hơn. Quý khán thính giả và độc giả Đài Á Châu Tự Do phản hồi như thế nào về kết quả khảo sát này? Sau đây, mời quý vị cùng nghe một vài ý kiến điển hình:

“Bản thân người dân Việt Nam từ xa xưa đều đã quen với tham nhũng như thói quen hàng ngày. Làm việc gì cũng phải biếu xén lót tay. Ngày nay muốn có việc làm tại các công ty, cơ quan ưng ý đều phải ‘mua’ hàng trăm triệu. Khi có chức rồi thì tha hồ tham nhũng để bù trừ. Không phải chỉ có thời Cộng sản ngày nay mà ngay cả thời Việt Nam Cộng Hòa và Phong kiến trước đây.”

“Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo hô hào giải phóng cho người dân, là nhà nước ‘của dân-do dân-vì dân’. Nhưng người làm quan thì tham nhũng hối lộ vơ vét, người làm dân thì cam chịu tiếp tay, xã hội toàn dối trên lừa dưới, cộng đồng vô cảm thờ ơ giáo điều, luật pháp thì bất minh, bất công tràn lan...Hạ tầng cơ sở của xã hội như thế có phải là dấu hiệu của khủng hoảng xã hội không?”

Đừng mờ mắt với 500 triệu đô la chẳng là bao nhiêu đối với việc hủy diệt môi trường biển, đất liền và gây thiệt hại kinh tế, sức khỏe, đời sống của dân Việt. Có nguy cơ diệt chủng. Bọn Formosa cút khỏi Việt Nam là thượng sách.
- Thính giả

“Không chịu đựng khủng hoảng xã hội thì người dân thì biết làm gì? Phản đối bọn tham nhũng thì họ khép tội ‘phản động’, tố cáo họ thì bị hại cho thê thảm. Nếu cố tình tố cáo bọn tham nhũng với bằng chứng mà muốn thắng thì cũng phải mất tiền, mất thời gian, bỏ công việc thì may ra mới thắng việc mình tố cáo. Được vạ thì má phải sưng. Vì vậy mà dân phải chịu đựng. Cả hệ thống xã hội thế này rồi.”

“Có làm gì được các ông bà tham nhũng đó đâu mà chẳng phải chịu đựng! Luật thì không xử những quan lãnh đạo làm thất thoát hàng nghìn tỷ lại còn được đề nghị miễn trách nhiệm hình sự. Dân trẻ vị thành niên có hai ổ bánh mì do đói quá mà ăn cướp thì đi tù. Có nghĩa là các ông bà lãnh đạo đó cứ ung dung tham nhũng, không có luật nào điều chỉnh cả, chỉ khổ dân thôi.”

Qua kết quả khảo sát vừa được Cơ quan Phát triển Liên Hiệp Quốc-UNDP công bố, Hòa Ái nhận được nhiều tin nhắn bày tỏ rằng người dân Việt Nam không chịu đựng thì biết làm gì hơn được. Trong khi đó, Hòa Ái nhận được đề nghị của một thính giả “Hay là nhân dân Việt Nam nên nhờ ông Tập Cận Bình giúp chống tham nhũng vì kế hoạch ‘đã hổ diệt ruồi’ của ông ta có vẻ hiệu quả đấy!”.

Điều đáng ghi nhận nhất là nhiều khán thính giả cùng độc giả của đài có cùng quan điểm giống như thính giả Bính Phạm “Suy đi ngẫm lại thì cũng phải có đảng đối lập. Có như vậy thì đảng nọ mới đấu tranh với đảng kia, dù có xáo trộn xã hội đi chăng nữa thì sự thiệt hại về kinh tế cũng thua xa so với sự yên ổn trong câm lặng như hiện nay”. Thính giả Bính Phạm còn chia sẻ thêm rằng đây là ý kiến xuất phát từ lòng yêu nước thương nòi của cá nhân nên mọi người đừng cho là ‘phản động’ hoặc âm mưu nọ kia vì bản thân còn chạy ăn chưa xong thì nói gì đến làm chính trị.

Hòa Ái xin được kết thúc chương trình hôm nay với ý kiến của thính giả Nguyễn Thanh Long rằng “Không phải là một sự chịu đựng cao hơn mà là mức độ tham nhũng nhiều hơn và trắng trợn hơn. Sức chịu đựng của con người có giới hạn. Một ngày không xa, người dân ‘tức nước vỡ bờ’ là chuyện không thể tránh khỏi.”

Hòa Ái kính mong quý khán thính giả và độc giả tiếp tục liên lạc với đài cũng như đóng góp ý kiến về các vấn đề quý vị quan tâm. Quý vị có thể liên lạc qua email tại địa chỉ vietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org, hoặc qua hộp thư thoại tại số 202-530-7775.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.