Trao đổi thư tín

Hòa Ái, phóng viên RFA
2015.12.23
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp
000_6O3LB Trang trí cho Giáng Sinh trước tòa thị chính Hamburg ở miền bắc nước Đức hôm 22/12/2015
AFP photo

Tiếng chuông nhà thờ vang lên trong đêm Giáng sinh năm 2015 không chỉ nhắc nhở riêng những tín hữu Ki-tô giáo về tình thương yêu và tha thứ của Thiên Chúa dành cho nhân loại mà cùng với âm vọng của những bài thánh ca trong đêm khuya lan tỏa đến tâm hồn của cả những người không phải là “con chiên ngoan đạo” trong những phút giây lắng lòng nghĩ về những gì “được và mất” suốt một năm qua trong cõi tha nhân.

Trong không khí an lành của mùa Giáng sinh, dường như lòng người được nhẹ nhàng, thanh thản khi tình cờ bắt gặp những ánh mắt hân hoan cùng những nụ cười ấm áp đâu đó xung quanh mình. Hòa Ái xin phép được mở đầu chương trình hôm nay với lời chúc lành của Linh mục Đinh Hữu Thoại:

“Đối với Ki-tô giáo, lễ Giáng sinh là kỷ niệm biến cố Đức Giê-su, con Thiên Chúa đã xuống trần thế làm người, ở với nhân loại để nâng con người lên làm con cái của Chúa. Ngày nay lễ Giáng sinh không còn là lễ riêng của người Ki-tô giáo nữa mà là lễ của cả thế giới, mọi người đều hướng về biến cố này. Họ đón mừng như một dịp lễ hội cuối năm để gặp gỡ, đúc kết 1 năm qua đi. Tôi cũng xin có một lời chúc lễ đến tất cả quý thính giả của đài ACTD lễ Giáng sinh thật ý nghĩa, tràn đầy niềm vui, được Thượng Đế và Thiên Chúa hiện diện giữa loài người để chúng ta càng ngày sống càng tốt đẹp hơn; chúng ta được mời gọi để quan tâm đến nhau hơn, đặc biệt là những người có hoàn cảnh không được may mắn. Tôi xin chúc lễ đến quý vị!”

Theo quý vị, những người có hoàn cảnh không được may mắn mà Linh mục Đinh Hữu Thoại nhắc đến, họ là ai? Có lẽ không ít người trong chúng ta thấy chính mình cũng trong hoàn cảnh này, phải không dạ? Tuy nhiên, qua những thông tin biến chuyển ở VN suốt năm 2015, Hòa Ái ghi nhận nhiều phận đời sao thật đáng thương. Nhưng với tấm lòng quan tâm, san sẻ của tình đồng bào, những người gặp cảnh oan khiêng cảm thấy mình không đơn độc và được nâng đỡ rất nhiều. Tiếp theo đây, Hòa Ái gửi đến chia sẻ của thính giả Paulus Lê Sơn, anh là một cựu tù nhân lương tâm trẻ tuổi, người vừa mãn án 4 năm tù giam hồi tháng 8 vừa qua:

Bây giờ Noel tới, chuẩn bị Tết Dương lịch 2016 và chuẩn bị Tết Âm lịch, chúng tôi không biết đi về đâu. Nhờ các cấp chính quyền cũng như các cơ quan ngôn luận hãy can thiệp và giúp đỡ cho chúng tôi có nơi ăn chốn ở ổn định.
- Một cư dân Sài Gòn

“Sau 4 năm trong ngục tù, tôi vô cùng khát khao và vô cùng mong muốn được đón Giáng sinh với gia đình và anh em bằng hữu. Năm nay là năm đầu tiên tôi được đón Giáng sinh ở ngoài xã hội. Những ngày vừa qua, tôi cảm thấy lòng mình rộn ràng và hân hoan. Nhưng trong niềm hạnh phúc và vui sướng đó thì tôi cũng không quên những anh chị em của tôi còn đang trong lao tù Cộng sản. Với tấm lòng của tôi, tôi chỉ biết chia sẻ và cầu nguyện cho họ được tràn đầy ơn Chúa để họ được đủ sức khỏe, đủ can đảm để họ bước tiếp. Chân thành cảm ơn tất cả anh chị em và tất cả quý vị đã đồng hành và cầu nguyện cho chúng tôi, cho chính bản thân tôi vào mỗi dịp Noel về trong 4 năm qua”.

Qua chia sẻ vừa rồi nhắc nhở chúng ta ở trong nước còn lắm người bị cảnh tù đày. Mong rằng mọi người nhớ đến họ qua lời cầu nguyện bình an trong mùa lễ này. Và khi nghĩ về những người không may mắn, có lẽ chúng ta cũng không quên hàng trăm ngàn dân oan đói khổ khắp đất nước VN. Thật là ngậm ngụi cho những cảnh đời bất hạnh! Sau đây là tâm tình của 1 cư dân ở Sài Gòn vừa trở thành dân oan chỉ vỏn vẹn 1 tuần lễ:

“Một tuần lễ nay, nhà cầm quyền VN ở UBND Phường 22, Quận Bình Thạnh đã cưỡng chế, đập phá nhà và đuổi chúng tôi ra khỏi nhà. Hiện tại bao nhiêu hộ bị cưỡng chế ngày 15 vừa qua là chúng tôi đang sống cảnh màn trời chiếu đất. Có những người tám mươi mấy tuổi đi ăn nhờ ở đậu hết nơi này đến nơi kia, cuộc sống rất vất vả. Đòi hỏi của chúng tôi không có gì hơn là Nhà nước bồi thường theo đúng giá thị trường để chúng tôi tự lo cuộc sống mà không làm phiền gì tới Nhà nước. Chúng tôi không cần Nhà nước tái định cư. Bây giờ Noel tới, chuẩn bị Tết Dương lịch 2016 và chuẩn bị Tết Âm lịch, chúng tôi không biết đi về đâu. Nhờ các cấp chính quyền cũng như các cơ quan ngôn luận hãy can thiệp và giúp đỡ cho chúng tôi có nơi ăn chốn ở ổn định”.

Nguyện vọng của các dân oan chỉ đơn thuần được an cư lạc nghiệp ngay chính quê nhà của họ mà dường như chỉ có thể thành hiện thực qua những giấc mơ hiếm hoi chợt đến trong mùa lễ lạc giáp năm. Không biết bao nhiêu người trong số họ được trở lại thời thơ ấu trong những giấc ngủ chập chờn, ước ao được phép màu của các đấng Thần Tiên, của ông Già Nô-en hiền hậu đưa họ về cảnh sống hoài niệm của những tháng ngày xưa cũ cùng gia đình, người thân. Tuyệt vọng thay, tỉnh giấc mở mắt ra là hình ảnh bị rượt đuổi, không có chổ nương thân khi đi khiếu kiện, là người mẹ tử tù Hồ Duy Hải thống thiết kêu oan, là đứa con gái bé xíu của tử tù Nguyễn Văn Chưởng lê la khắp phố phường với chiếc áo mỏng manh dài quá gối ghi trước ngực dòng chữ “Án Oan”.

(Audio file) “Tôi là Nguyễn Thiện Nhân xin gửi lời đến dân oan 3 miền Bắc-Trung-Nam. Trong tình hình xã hội hiện nay dân oan khắp nơi rất nhiều, ngày ngày đều tăng lên, cuộc sống của họ vô cùng khốn khổ. Có lẽ họ là thành phần thấp cổ bé họng và gặp vấn nạn lớn nhất trong xã hội Cộng sản này. Noel tới với thời tiết giá lạnh nhưng họ lại không nhà, không cửa, bơ vơ ở Hà Nội và một số tỉnh. Cuộc sống của họ khó khăn mà vẫn bị sự đàn áp của nhà cầm quyền. Do đó, tôi kêu gọi tất cả mọi người hãy mở chút lòng nhân ái để giúp đỡ họ vượt qua nghịch cảnh này để đấu tranh cho một xã hội tốt hơn”.

Qua làn sóng phát thanh của Ban Việt ngữ, gia đình chúng tôi mạn phép kính chúc những con dân nước Việt luôn có tấm lòng son sắt với quê mẹ VN mùa Giáng sinh và năm mới an vui, hạnh phúc.
- Thính giả Trần Ngọc Tâm

Xã hội VN được tốt hơn thì người dân Việt phải phải làm gì? Quý thính giả nghĩ sao về câu hỏi này? Trong thời gian còn lại của chương trình, Hòa Ái gửi đến chia sẻ của thính giả Nguyễn Kim Luyến:

“Như một nhà tư tưởng nào đó đã nói ‘chính cái tính cách của một dân tộc nó định đoạt số phận của dân tộc ấy’. Quả vậy! Tổ tiên ta đã không ươn hèn nên mới gìn giữ và truyền lại cho chúng ta giang sơn gấm vóc này.

Bất cứ cái gì cũng phải có giá của nó: Để có được cuộc sống tự do, nhiều trăm ngàn người đã phải vùi thây nơi biển cả hay trong rừng sâu, nhiều triệu lượt người đã phải lâm vòng tù tội. Để có được những thành quả hôm nay, hàng trăm ngàn người Miến Điện, trong hơn 20 năm ròng rã, đã phải xuống đường, chịu đàn áp dã man, nhiều người hy sinh cả tính mạng; các nước Đông Âu cũng thế. Nếu người dân Việt còn chọn thái độ cúi đầu cam chịu, vô cảm trước vận nước, xem việc nước mất hay còn không phải là việc của mình. Nếu người trẻ có thể kéo hàng mấy chục ngàn người ra sân bay đón một siêu sao hay một danh thủ, nhưng hoàn toàn vô tâm đối với những cuộc xuống đường đòi giữ gìn biển đảo, thậm chí còn dè bỉu, xuyên tạc, thì nếu phải sống kiếp nô lệ ngoại bang xin đừng than trời, trách đất.

Ngày xưa, trong cuộc đấu tranh bảo vệ tự do, nhiều người đã chọn cho mình một thái độ bàng quang, hay tiếp tay cho giặc. Rồi khi tiếp cận với những người giải phóng, chứng kiến những ‘thành quả’ của ‘sư nghiệp giải phóng’, lúc ấy có hối hận cũng đã quá muộn màng. Mong rằng con dân nuớc Việt không phải lập lại bài học đắt giá ấy thêm một lần nào nữa!”

Sau đây, Hòa Ái trích đăng email của thính giả Việt Nhân, gửi về Ban Việt ngữ từ bang Florida, Hoa Kỳ:

“Nhờ cô cho phép tôi được thay mặt cô trả lời hai câu hỏi của thính giả đã nêu ra trong chương trình ‘Trả lời Thư tín’ kỳ trước, thắc mắc ‘Có phải nhà cầm quyền VN chủ trương cứ thả 1 tù nhân lương tâm ra thì phải nhốt tù 1 người khác thế vào?’ và ‘Tất cả người dân đồng loạt xuống đường để xem Nhà nước-Đảng CSVN có bắt hết được không? Câu trả lời rằng chỉ có thể bẻ gãy từng chiếc đũa một chứ không thể bẻ gãy cả bó đũa một lần. Vì thế, nếu tất cả 90 triệu người dân đồng lòng, nhất loạt bất tuân dân sự thì Đảng CSVN nhất định sẽ không còn tồn tại để đàn áp. Nguyện ước câu trả lời biến thành sự thật để mau chóng đem lại khát vọng cho dân tộc”.

Và sau cùng, Hòa Ái xin được đọc thông điệp trong tấm bưu thiếp được gửi từ bang Texas, Hoa Kỳ của thính giả Trần Ngọc Tâm:

“Kính chúc ông Nguyễn Khanh, Giám đốc Ban Việt ngữ Đài ACTD và toàn thể quý vị trong Ban cùng quý quyến hưởng một mùa Giáng sinh đoàn tụ, ấm cúng, an vui; bước sang năm mới 2016 gặp nhiều may mắn, hạnh phúc, thịnh vượng, sức khỏe dồi dào.

Từ nhiều năm qua, với rất nhiều khó khăn nhưng Ban Việt ngữ Đài ACTD vẫn cố gắng không ngừng để mang lại những tin tức chính xác, có giá trị bằng sự thật để phổ biến đến khán thính giả và độc giả xa gần. Trong phương tiện truyền thông hiện đại, sự nhanh chóng và chính xác đã giúp cho mọi người hiểu rõ và tỏ bày sự tin tưởng vào truyền thông.

Với tất cả sự trân quý và hy vọng một ngày không còn xa, chúng ta sẽ được hân hoan tay bắt mặt mừng trong không khí ân tình của một Tổ quốc VN bừng sống lại sau một thời ly loạn đau thương.

Qua làn sóng phát thanh của Ban Việt ngữ, gia đình chúng tôi mạn phép kính chúc những con dân nước Việt luôn có tấm lòng son sắt với quê mẹ VN mùa Giáng sinh và năm mới an vui, hạnh phúc”.

Mục “Trả lời Thư tín” đến đây xin tạm dừng. Hòa Ái kính mong quý khán thính giả và độc giả tiếp tục liên lạc với đài cũng như đóng góp ý kiến về các vấn đề quý vị quan tâm. Quý vị có thể liên lạc qua email tại đại chỉ vietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org, hoặc qua hộp thư thoại tại số 202-530-7775.

Kính chúc quý vị một mùa lễ Giáng sinh an vui.

Tấm bưu thiếp được gửi từ bang Texas, Hoa Kỳ của thính giả Trần Ngọc Tâm
Tấm bưu thiếp được gửi từ bang Texas, Hoa Kỳ của thính giả Trần Ngọc Tâm
Tấm bưu thiếp được gửi từ bang Texas, Hoa Kỳ của thính giả Trần Ngọc Tâm

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.