Trao đổi thư tín với thính giả (ngày 25.6.2010)

Việt-Long kính chào quý vị với mục trao đổi thư tín cùng quý thính giả, tuần lễ từ 25 tháng 6 năm 2010.

0:00 / 0:00

Người Việt chúng ta trong cũng như ngoài nước đều lên cơn sốt vì bóng đá, dù đội tuyển Việt Nam không thi đấu trong World Cup năm nay.

Cơn sốt World Cup

Ở tại đài RFA thì chỉ có ban Hàn ngữ được mở internet để coi trực tiếp, các ban khác làm xong việc mới được xuống phòng ăn coi TV truyền trực tiếp. Hôm nào có trận đấu của Hàn quốc hay Triều Tiên là toàn nghe tiếng la ó ào lên từ phía bên ấy, sát cạnh ban Việt ngữ, làm mình cũng phải bỏ dở bài vở đang làm để chạy qua xem ké một tí.

Đặc biệt trong tuần qua cả nước Mỹ như bừng sáng hơn lên với trận đấu đầy kịch tính của các chàng trai con cháu chú Sam với các tuyển thủ châu Âu Slovenia, rồi đến hôm thứ tư với chiến thắng hồi sinh vào phút thứ 93 trong trận đấu quyết tử với các chàng trai xuất sắc của châu Phi.

Chưa bao giờ đội Mỹ đá hay như thế. Hàng tiền đạo và tiền vệ với Donovan, Bradley, Altimore, Clint Dempsey xông pha như hổ tướng, tung những cú sút đẹp như mơ, mà cứ bị trọng tài không cho ăn đôi lần thật oan uổng. Chính vì bị oan như thế mà những trận tiếp sau lại được cả nước Mỹ thêm chú ý. Bao nhiêu cô gái Mỹ khóc ròng khi nhìn thấy Josy Altidore đau đớn lăn lộn trên sân, và Clint Dempsey miệng môi đầy máu vẫn tiếp tục xông pha trong trận chiến một mất một còn với đội Algeria.

Cũng xin nhắc quý vị và các bạn nhớ vào trang blog RFA trong trang web <a href="https://www.rfa.org/">www.rfa.org</a>, để xem những giòng ý nhị của Nguyễn An và đóng góp bài vở, cũng như trên Diễn Đàn RFA, các bạn nhé. <br/>

Đúng là một mất một còn vì đội thắng trận sẽ hân hoan bước vào vòng 16, còn đội thua thì khăn gói quả mướp về nhà. Rồi cả nước Mỹ ầm vang tiếng hoan hô khi Landon Donovan lao mình qua chấm 11mét tung lưới đội Algeria vào phút giây đã mang nhiều tuyệt vọng. Đúng là phút giây mang nhiều tuyệt vọng, vì đó là phút 93, phần đông dân Mỹ đã chờ đợi tiếng còi kết thúc với tỉ số 0-0 để cho các chàng trai của chú Sam lủi thủi ra về.

Khỏi nói đến nỗi vui mừng của nước Mỹ khi Clint Dempsey, Altidore và Donovan lao mình vào trước cầu môn Algeria, làm nên lịch sử. Vào được vòng trong chưa phải là đã đến đích, nhưng giới bình luận thể thao trên khắp thế giới không tiếc lời ngợi khen các tuyển thủ xứ cờ Hoa là do tinh thần chiến đấu cùng với nghị lực sắt thép song song với kỹ thuật chuyên môn và thể lực đã được rèn luyện đúng mức của họ. Họ liều mình xông pha tới phút cuối cùng cộng ba của cuộc đấu, và thành công xứng đáng.

Chiến thắng này, sau những oan uổng bất công, còn giúp phong trào bóng tròn ở Mỹ sôi nổi hẳn lên. Thanh thiếu niên Mỹ sẽ tham dự các hội banh, các trận đấu với niềm vui và lòng tự tin chưa bao giờ có tại một quốc gia mà bóng rổ và bóng chày, base ball, mới là những môn thể thao vua.

Với Việt-Long và các bạn trẻ của RFA thì niềm vui cho đội Mỹ chưa xong lại tới niềm vui vì trận đá tuyệt vời của đội Nhật trước Đan Mạch. Năm nay Nhật và Hàn quốc đều làm ăn khá giả trên sân cỏ, hứa hẹn làm rạng danh châu Á ở vòng trong.

000_Par3309394-250.jpg
Hai fan của tuyển Ý hôn nhau khi họ xem trận Italy - New Zealand ở màn hình lớn tại Rome hôm 20/6/2010. AFP PHOTO / TIZIANA FABI (Hai fan của tuyển Ý hôn nhau khi họ xem trận Italy - New Zealand ở màn hình lớn tại Rome hôm 20/6/2010. AFP PHOTO / TIZIANA FABI)

Trong nhóm châu Á chỉ tội nghiệp cho thần dân của chủ tịch Kim Jong Il chẳng may bị đội Bồ Đào Nha tặng cho 7 quả tròn trĩnh, không trả lại được quả nào. Thêm vào đó là chút ngậm ngùi cho đội Pháp, cũng là đội tuyển ưa thích của nhiều người Việt Nam chúng ta, rồi đến đội Italy cũng khăn gói ra về sau đội Pháp một hôm. Nhưng riêng về đội Triều Tiên thì một thính giả ở Việt Nam gửi lời nhắn:

Các bạn Triều Tiên đá không giỏi đâu. Đừng đá. Họ chỉ bình chọn các bạn vô đội bóng để hưởng lương thôi, đi đá người ta cười chết.

Bạn này có vẻ đem chính trị vào thể thao quá, và như vậy thì cũng thiếu dân chủ và công bằng mất rồi. Việt-Long vẫn cám ơn bạn đã đóng góp ý kiến, và cám ơn những thư từ của các bạn gửi về góp lời cho chương trình bóng tròn với Nguyễn Khanh-Khánh An, như lời của Timmy:

Ngày nào không nghe được RFA thì cảm thấy nhớ anh Nguyễn Khanh (người đang làm việc vất vả để đưa những thông tin mới nhất từ Nam Phi về - mặc dù anh Khanh dự đoán sai :-). Cám ơn anh Nguyễn Khanh và chị Khánh An với mục Cafe Wifi nữa. Cám ơn các anh chị nhiều lắm.

Cám ơn thịnh tình của Timmy.

Thư đi tin lại

Thính giả Lâm Kim, nếu chúng tôi đoán tên không lầm, từ Đức hỏi Khánh An có thể cho người hâm mộ Cafe WiFi xin tấm hình không. Khánh An được hỏi, tỏ ra mắc cỡ quá, nhờ trả lời là cô ấy không dám cho hình. Hỏi tại sao, thì Khánh An chỉ nói "mình làm phát thanh mà cho hình thì kỳ quá à!" Đó là kết quả vụ xin hình, báo cho bạn Lâm Kim biết, nhé.

Một thư nữa cho Khánh An, nhưng không phải để xin hình, mà trong đó thính giả Nguyễn Phước Đáng cho biết đã nghe nhà giáo Phạm Toàn nói chuyện về sách giáo khoa, ông muốn gởi cho nhà giáo bản nghiên cứu về cách dạy chữ Việt của ông mà ông tin là sẽ giúp ích cho bộ sách giáo khoa.

Thính giả hỏi địa chỉ email của ông Phạm Toàn để liên lạc. Ông cho biết năm nay đã 76 tuổi ta, nhỏ hơn ông Toàn 4 tuổi, và vẫn muốn làm việc gì có ích cho lớp hậu sinh. Nơi gửi của thính giả này là namkymietvuon@gmail.com. Mong ông Phạm Toàn liên lạc.

Ngày nào không nghe được RFA thì cảm thấy nhớ anh Nguyễn Khanh (người đang làm việc vất vả để đưa những thông tin mới nhất từ Nam Phi về - mặc dù anh Khanh dự đoán sai :-). Cám ơn anh Nguyễn Khanh và chị Khánh An với mục Cafe Wifi nữa.

Bạn Timmy

Cũng về đề tài giáo dục, thính giả Hồng Quân cho biết ông là một thính giả thầm lặng của RFA khoảng 5 năm nay, ông cũng giống như nhiều thính giả của RFA thầm lặng khác ở Việt Nam, rất thích nghe thông tin đa chiều và chính xác của RFA, nhưng chỉ lẳng lặng nghe mà không dám nói với ai, cũng không muốn góp ý vì nhiều lý do khác nhau, nhưng:

Lần này tôi quyết định gửi thư cho RFA vì nghe bài viết về vụ bằng cấp của một ông giám đốc sở văn hóa thể thao du lịch. Không hiểu văn hóa của cái sở văn hóa này ở đâu vì ở Việt Nam có quy định phải có bằng TOEFL 500 thì mới được học thạc sĩ hay tiến sĩ, huống chi không biết tiếng Anh mà bảo vệ luận án tiến sĩ ở Mỹ thì chỉ lừa được trẻ con thôi. Sự thật đã được RFA làm rõ tôi không còn gì để nói, mong được nghe những bài kế tiếp.

Vẫn về đề tài giáo dục ở Việt Nam, thính giả Ngọc Du gởi bài thơ mang tên "Ngàn tiến sĩ, triệu đô la và vài câu chuyện"; chúng tôi đã đăng trên Diễn Đàn ở trang web RFA.

Thính giả Henry Việt viết email cho rằng nghe đài RFA hằng ngày đã giúp ông mở mang thêm kiến thức, và ông rất thích những bản tin nóng và nhạy nhất trong các đài, cả về số lượng lẫn tình tiết, chỉ tiếc là mấy tuần nay tin buồn nhiều hơn vui. Thính giả muốn chia sẻ đôi chút tâm tình về bài "Viết cho con trai vừa có bằng lái xe" của tác giả Dr. Nikonian qua bài thơ mang tựa đề "Con sẽ về". Chúng tôi đăng bài thơ này trong mục Diễn Đàn trên trang web www.rfa.org, nút tiếng Việt.

Cũng xin nhắc quý vị và các bạn nhớ vào trang blog RFA trong trang web đó, để xem những giòng ý nhị của Nguyễn An và đóng góp bài vở, cũng như trên Diễn Đàn RFA, các bạn nhé.

pediatric-heart-surgery-200.jpg
Một em bé được mổ tim miễn phí tại bệnh viện Việt Đức Hà Nội đang được Bác sĩ của tổ chức CardioStart International săn sóc. Photo courtesy of HSCV.org (Một em bé được mổ tim miễn phí tại bệnh viện Việt Đức Hà Nội đang được Bác sĩ của tổ chức CardioStart International săn sóc. Photo courtesy of HSCV.org)

Thính giả Trần Tánh từ Colorado viết:

Em là một thính giả trung thành gần 10 năm của đài Á Châu Tự Do. Các anh chị trong ban Việt ngữ như bỏ thuốc mê cho em vậy. Ngày nào cũng phải nghe tin tức của đài mặc dù công việc rất bận rộn, nhưng không nghe đài là khó chịu, cảm thấy như thiếu một cái gì vậy.

Sáng nay (06/24/2010), ngồi nghe online thì bản tin chỉ được 30 phút thôi, không hiểu tại sao, nhưng không sao cả...em không muốn mắng vốn đâu nghe.

Em muốn hỏi chị Thanh Trúc về tin tức của chị y tá Thủy Tiên về việc mổ tim cho các em nhỏ VN. Em muốn giúp chút chút trong khả năng của mình.

Cám ơn thính giả TrầnTánh, người ở cao nguyên Colorado giàu lòng nhân đạo. Thanh Trúc đã trả lời bạn, và vấn đề kỹ thuật cũng đã được giải quyết rồi nhé. Thanh Trúc gửi lời cám ơn chung đến các thính giả đã quan tâm đến hội nhân đạo lo việc mổ tim cho thiếu nhi ở Việt Nam, và có thể trả lời để cung cấp thông tin cho ai thì Thanh Trúc đã làm.

Thính giả Lê Nguyên chuyển bài của một tác giả trong nước gửi ra, mang tựa đề "Việt Nam tổ chức hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới cho ai và vì ai". Chúng tôi đăng vào mục Diễn Đàn, mời quý vị qua xem, nhớ bấm vào nút "bài của thính giả", chọn bài nào ưa thích thì bấm vào đó, xem xong các bạn còn có thể góp ý kiến khi bấm vào nút "trả lời".

Chúng tôi cũng nhận được thư của mục sư Phạm Hữu Thịnh, đã chuyển cho Thanh Quang. Thông bạch của Giáo hội Phật giáo Hoà hảo thuần tuý cũng đăng trên diễn đàn.

Các thư hỏi thăm về kỹ thuật và yêu cầu gửi bản tin của các thính giả NMT, Trọng Tuyển, Chiều Hạ Vắng, Vô Danh thì đã được trả lời trực tíếp và gửi bản tin xong ngay. Các bạn có gì muốn yêu cầu xin cứ email về cho vietweb@rfa.org

Lời nhắn từ số điện thoại Việt Nam mang 3 số cuối là 020, khi chúng tôi gọi về thì người nghe lại không nghe được gì hết, không hiểu tại sao, dù là Việt-Long nói rất rõ và nói lớn bằng tiếng Việt.

Sau cùng, hộp thư thoại có lời than phiền của một bạn thính giả từ California, bạn nói là "thích nghe tên thành phố Sài Gòn, không muốn nghe nói thành phố Hồ Chí Minh vì nghe không hợp tai."

Việc này thì chúng tôi đã trả lời cặn kẽ trong một chương trình trao đổi thư tín trước đây và đã hẹn không quay lại vấn đề này nữa. Bạn vui lòng gửi địa chỉ email của bạn về vietweb@rfa.org, Việt-Long sẽ gửi chương trình phát thanh đó cho bạn.

Việt-Long kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại vào thứ sáu tuần sau, mùng 2 tháng 7 năm 2010.

Theo dòng thời sự: