Nhà văn Mai Thảo và tập thơ “Ta thấy hình ta những miếu đền”

Mai Thảo tên thật là Nguyễn Đăng Quý. Sinh năm 1927 tại Nam Định, di cư vào Nam năm 1954. Viết truyện ngắn trên các báo Dân Chủ, Lửa Việt, Giòng Việt từ năm 1954. Chủ trương các tạp chí Sáng Tạo, Nghệ Thuật, Văn. Tị nạn tại Hoa Kỳ từ 1978. Mất tại California năm 1998.
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2009.10.31

mai-thao-185.jpg
Nhà văn Mai Thảo. Photo courtesy of VOA.

Thành lập nhóm Sáng Tạo

Mai Thảo nổi tiếng với tác phẩm đầu tiên mang tên “Đêm giã từ Hà Nội” và sau đó hơn 50 tác phẩm vừa tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn ra mắt độc giả. Năm 1956 cùng với Thanh Tâm Tuyền và một nhóm nhỏ bạn hữu, Mai Thảo đã thành lập tạp chí Sáng Tạo và sau đó tạp chí này trở thành nơi tập họp các văn thi họa sĩ sáng tác dưới cái tên nhóm Sáng Tạo. Những công trình của các nghệ sĩ trong nhóm sau nhiều thập niên đã có một số ảnh hưởng đến giai đoạn sáng tác của giới cầm bút, và tên tuổi của nhóm Sáng Tạo vẫn được giới phê bình văn học đánh giá cao qua các lĩnh vực sáng tác cũng như lý luận phê bình.

Tập thơ duy nhất của Mai Thảo được xuất bản trước khi ông mất ít lâu mang tên: “Ta thấy hình ta những miếu đền” sau nhiều chục năm sáng tác với thể loại văn xuôi. Hôm nay chúng tôi mời quý thính giả lần giở lại tập thơ này, tỉnh lặng trong giây lát để sống cùng với ông qua những nỗi niềm mà ông lặng lẽ viết và đọc một mình trong một thời gian rất lâu trước khi tập thơ xuất hiện.

“Ta thấy hình ta những miếu đền” với phụ bản của ba họa sĩ Ngọc Dũng, Thái Tuấn, và Nguyên Khai. Hình bìa của tác giả Trần Cao Lĩnh chụp chân dung của tác giả. Văn Khoa xuất bản 1989. Tập thơ có 44 bài thơ Mai Thảo đã viết trong nhiều năm và một thân hữu đã thay ông tập trung lại in thành sách.

Mai Thảo từ nhiều thập niên trước khi sang Mỹ đã được giới phê bình đánh giá là ngòi bút văn xuôi đậm chất thơ nhất nước. Văn chương của ông ngoài phần kỹ thuật viết, bàng bạc trên các trang chữ là không khí lung linh của thi tứ, của chắt lọc tinh tế chỉ có trong thơ và hơn hết, Mai Thảo chứng tỏ rất sành sõi khi lựa những cặp chữ đậm dấu ấn thi ca vào truyện của ông.

Nhiều nhà phê bình cho rằng văn của Mai Thảo chỉ hay khi ông có hứng thú thật sự và biến sự hứng khởi này thành chất lửa rồi đưa chúng vào tác phẩm. Nếu thiếu yếu tố này mà vẫn phải viết thì Mai Thảo sử dụng kỹ thuật để che bớt khiếm khuyết của chất lửa. Chất lửa trong sáng tác là phần cốt lõi làm nên bản sắc Mai Thảo.

Ngạo mạn

Thế nhưng khi làm thơ, hầu như Mai Thảo chưng cất chữ nghĩa cẩn thận hơn trong tất cả các bài thơ ông có. Trong tập thơ “Ta thấy hình ta những miếu đền”, nhiều bài chỉ bốn câu ngắn viết lên những suy tưởng khác nhau của Mai Thảo. Ngắn nhưng được ông gọt giũa, chưng cất nên thơ ông trở thành chuẩn mực của một kinh nghiệm có được sau khi sống trọn đời cho văn xuôi. Bài thơ Cục Đất vừa hóm hỉnh lại vừa thâm trầm, ít nhiều nói lên được cá tính của ông:

Biển một đường khơi xa thẳm xa

Núi vươn trượng trượng tới mây nhoà

Thì treo cục đất tòng teng giữa

cho cái vô cùng vẫn nở hoa

Từ trên phi cơ, núi non ngất ngưỡng và mây trắng bồng bềnh, Mai Thảo nhìn thấy cái vô cùng vừa bát ngát vừa đe dọa cho mầm sống cũng đang lơ lững trên không là ông. Mai Thảo “Con người” chợt nảy ra ý tưởng cân bằng cái bao la của vạn vật chỉ bằng một cục đất treo tòn teng chính giữa. Và ông nhận ra rằng cái vô cùng cũng hiền hòa, cũng bình an như cục đất vậy thôi. Triết lý biến sự vật nhỏ lại bằng ý muốn, tức cái vô cùng của con người đã được Mai Thảo nhiều lần áp dụng vào sáng tác của ông. Có người bảo rằng ông tự kiêu, có người nặng nề hơn cho là ngông cuồng. Có nhẹ lắm thì cũng là ngạo mạn. Nhà phê bình Thụy Khuê có nhận xét về sự ngạo mạn dễ thương này của ông như sau:

Mai Thảo tự coi mình là trung tâm của vũ trụ, ông viết Ta thấy hình ta những miếu đền, cái trung tâm này phát xuất từ câu đầu khi ông viết truyện ngắn đầu tiên Đêm giã từ Hà Nội.

Nhà phê bình Thụy Khuê

“Mai Thảo tự coi mình là trung tâm của vũ trụ, ông viết Ta thấy hình ta những miếu đền, cái trung tâm này phát xuất từ câu đầu khi ông viết truyện ngắn đầu tiên Đêm giã từ Hà Nội.”

Trong bài thơ “Em đã hoang đường từ cổ đại”, mặc dù vẫn còn cái lung linh hào sảng của một người tự nhận mình và người mình yêu hội tụ những đặc sắc mà trời đất đã ban tặng, Mai Thảo chỉ lặng lẽ thở dài cho những ân sủng ấy, bởi ông biết dù tài tử giai nhân thế nào chăng nữa cuối cùng thì cũng chỉ còn lại một nhánh hương cúng Phật.

Em đã hoang đường từ cổ đại

Anh cũng thần tiên tự xuống đời

Đôi ta một lứa đôi tài tử

Ngự mỗi thiên thần ở mỗi ngôi

Đừng khóc dẫu mưa là nước mắt

Đừng đau dẫu đá cũng đau buồn

Tâm em là Bụt tâm anh Phật

Trên mỗi tâm ngời một nhánh hương

Phù du

Càng gần với trời đất, Mai Thảo càng nhận chân được cái hão huyền của đời sống. Như một người tù của nhân thế, ông vạch từng ngày còn sống sót lên trên bức tường đời bao chung quanh, và ông tự hỏi phải chăng những vết gạch này chính là chiếc lá trôi trong không gian vô tận đưa ông đến vô biên, đến nghìn năm trước mặt?

Mỗi ngày một gạch một ngày giam

Lên bức tường câm lạnh chỗ nằm

Gạch miết tới không còn chỗ gạch

Gạch vào trôi giạt tới nghìn năm

Mai Thảo đặt bút xuống bài thơ “Ta thấy hình ta những miếu đền” chừng như để tự trả lời cho chính mình một câu hỏi mà từ rất lâu khi bước chân vào ngôi đền thờ văn chương đã phát sinh: Phải chăng văn chương cuối cùng thì cũng chỉ là một cuộc bể dâu, tên tuổi, đền thờ miếu mạo rồi cũng không nói lên được gì cả ngoài cái lãng quên, cái bạc đãi cùng những đớn hèn ích kỷ của con người dành cho văn chương chữ nghĩa? Nếu nhìn bài thơ qua lăng kính này người đọc sẽ thấy Mai Thảo xuất hiện ở một tâm thế khác, đáng thương và quỵ ngã như một con sư tử già chịu thua số phận. Ở đoạn đầu bài thơ, những câu hỏi liên tiếp đặt ra với thủ pháp gần với thậm xưng, tự trào thường thấy ở nhiều bài thơ cổ.

Ta thấy tên ta những bảng đường

Đời ta, sử chép cả ngàn chương

Sao không, hạt cát sông Hằng ấy

Còn chứa trong lòng cả đại dương

Ta thấy hình ta những miếu đền

Tượng thờ nghìn bệ những công viên

Sao không, khói với hương sùng kính

Đều ngát thơm từ huyệt lãng quên

Từ những hình ảnh mang dáng dấp giữa cuộc đời, Mai Thảo đẩy chúng lên tận trời đất

Ta thấy muôn sao đứng kín trời

Chờ ta, Bắc Đẩu trở về ngôi

Sao không, một điểm lân tinh vẫn

Cháy được lên từ đáy thẳm khơi

Không ngừng ở đó, Mai Thảo tìm tới cả Chúa và Phật để chia sẻ sự vinh quang này của ông, một vinh quang ảo không hề có.

Ta thấy đường ta Chúa hiện hình

Vườn ta Phật ngủ, ngõ thần linh

Sao không, tâm thức riêng bờ cõi

Địa ngục ngươi là, kẻ khác ơi!

Ta thấy nơi ta trục đất ngừng

Và cùng một lúc trục trời ngưng

Sao không, hạt bụi trong lòng trục

Cũng đủ vòng quay phải dửng dưng

Khi người đọc còn đang chông chênh giữa những điều huyễn hoặc mà Mai Thảo đưa ra, người đọc chợt nhận ra mình bị lừa khi tới những câu cuối:

Ta thấy rèm nhung khép lại rồi

Hạ màn. Thế kỷ hết trò chơi

Sao không, quay gót tên hề đã

Chán một trò điên diễn với người

Ta thấy ta treo cổ dưới cành

Rất hiền giấc ngủ giữa rừng xanh

Sao không, sao chẳng không là vậy

Khi chẳng còn chi ở khúc quanh.

Rèm nhung đã khép, tấn tuồng văn chương, nghệ thuật cũng khép theo. Giai nhân tài tử lẫn các vai hề lặng lẽ trở về với vai trò thật của mình. Mai Thảo từ ẩn dụ ham muốn phù vân của thế sự, muốn tìm kiếm hư danh qua các bảng đường đầy những tên của mình trên đó, đột ngột khép lại bằng tiếng than muôn thưở của nhân sinh: Mọi sự ở đời chẳng qua là phù phiếm. Mai Thảo lấy mình ra như một cái bia, vừa chế giễu vừa thương xót lại cũng vừa chua chát qua những câu cuối của bài thơ.

Cô độc

Mai Thảo trong những năm cuối đời đã uống rượu thay cơm và hầu như ông ăn rất ít. Rất hiếm khi người ta thấy ông say cái say sinh lý, nhưng ông lại say liên miên theo cung cách của một nhà thơ. Bốn câu thơ nói về rượu của ông trong bài “Một mình” là bốn câu hay trong tập thơ, ông viết:

Ngồi tượng hình riêng một góc quầy

Tiếng người: kia, uống cái chi đây?

Uống ư? một ngụm chiều rơi lệ

Và một bình đêm rót rất đầy

Chữ “Ngồi tượng hình” vừa quen vừa lạ. Tượng hình khiến người ta liên tưởng đến một pho tượng hơn là một con người. Pho tượng một mình trong một góc lại dẫn người đọc đến một liên tưởng khác, vừa cô đơn lại vừa hiện hữu trong đám đông. Trong câu “Tiếng người: kia, uống cái chi đây?” Mai Thảo không cụ thể ai hỏi, người hỏi đứng ở vị trí nào và vai trò của y ra sao? Một bartender hay một người nào khác? Tiếng người Mai Thảo sử dụng ở đây vừa mênh mang rộng lại vừa lay lắc buồn. Buồn và rộng là hai yếu tố làm bài thơ tuy ngắn nhưng đầy ứ nỗi niềm.

Mai Thảo cũng dùng kỹ thuật biền ngẫu quen thuộc để đưa ra từng cặp chữ đối xứng hết sức hoàn chỉnh. Kỹ thuật xưa cũ này qua tay Mai Thảo đã thành mới và hết sức day dứt. “Một ngụm chiều” đối với “một bình đêm” chỉ thật sự thành thơ khi rơi lệ đối với rót đầy. Động tác “rót rất đầy” của “chiếc bình đêm” chỉ cốt làm cho chiều rơi lệ qua một “ngụm” vừa cay đắng, vừa chịu đựng như một định mệnh khiến bốn câu thơ này trở thành ám ảnh.

Trong bài Thơ say trên máy bay Mai Thảo diễn tả tâm trạng của mình khi đặt chân xuống đất. Tâm trạng của một người suốt đời không vợ không con, không một mái ấm đúng nghĩa. Mai Thảo thẩn thờ viết lên sự thật của những lần ông đi đó đi đây:

Máy bay đáp xuống chuyến bay đáp

Hồn bỗng thương tâm một cảnh mình

Điều chi nên vẫn là chẳng tới

Nghĩ vậy trong lòng bỗng nín thinh

Mai Thảo nhấn mạnh ở cụm từ “máy bay đáy xuống” và rồi “chuyến bay đáp” nghe có vẻ choáng váng của một người chưa quen với tình trạng thay đổi trọng lực. Hai cụm từ gần như giống nhau này lại rất khác nhau. Máy bay là một thực thể không thay đổi nhưng chuyến bay thì có thể thay đổi. Hàm ý của Mai Thảo trong câu này chứng tỏ rất chi tiết trong cách diễn tả. Máy bay đáp xuống là điều hiển nhiên, không có sự cố kỹ thuật nào trục trặc và vì vậy chiếc máy bay mà ông đi đã đáp. Vậy ông còn chờ đợi một điều gì? Một trục trặc khác cho chuyến bay mà ông miêu tả? Chuyến bay bị trì hoãn hay đã bị hủy bỏ? Phải chăng khi viết câu này ông đưa ra một tâm lý rất hoang mang, rằng ông mong chuyến bay không đúng giờ, thậm chí bị hủy bỏ, vì chuyến đi này của ông cũng như bao chuyến bay khác đều ngoài ý muốn, đều phù phiếm và đầy những bâng khuâng.

Ra đời muộn màng nhưng tập thơ “Ta thấy hình ta những miếu đền” chứa rất nhiều ưu tư của Mai Thảo. Ông làm thơ không dễ dàng như viết văn. Làm thơ đối với ông như một cách viết nhật ký. Và viết chỉ cho ông đọc khi một mình. Có phải vì vậy mà ông chắt chiu đến từng ý từng lời để đời có tập thơ tuy nhỏ nhưng lại ẩn chứa nhiều điều đáng nói như vậy?

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
09/11/2009 12:23

Xin vui long post phan audio cua chuong trinh ve Mai thao.
Xin cam on

Anonymous
02/11/2009 11:30

Chao phong vien Mac Lam,


Toi doc bai viet cua anh ve Mai Thao tren chuong chuong Van hoc nghe thuat cua RFA. Anh da viet rat dung ve Mai Thao. Dung nhung chua trung.

Toi hen lan sau, chung ta se trao doi voi nhau ve tho cua Mai Thao.

Kinh chao anh.
[Posted by 58.187.107.110 via http://webwarper.net This is added while posting a message to avoid misuse.
Try: http://webwarper.net/webwarper.exe Example of viewing: http://www.webwarper.net/ww/~av/www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts ]