Cuộc phỏng vấn do Mặc Lâm thực hiện sau đây:
Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh năm 1944 tại Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm, ông vào học chuyên ngành sáng tác trường Âm nhạc Việt Nam từ 1966 đến 1971. Ông là chuyên viên của vụ âm nhạc và múa từ 1976 đến 1985. Hiện ông là Giám đốc trung tâm bản quyền tác giả Việt Nam của Hội nhạc sĩ Việt Nam.
Phó Đức Phương là nhạc sĩ luôn khai thác những tinh hoa trong âm nhạc dân gian đưa vào tác phẩm của mình. Về thanh nhạc ông có nhiều tác phẩm rất nổi tiếng: Những cô gái quan họ, Hồ trên núi, Huyền thoại Hồ núi Cốc, Trên đỉnh Phù Vân, Không thể và có thể, Chảy đi sông ơi …
Ông cũng viết nhạc cho các bộ phim như: Những đứa con, Trăng rằm, Lưu lạc, Giông tố...; Ông cũng viết nhạc cho nhiều vở sân khấu như: Hồn Trương Ba da hàng thịt, Nguồn sáng trong đời, Tôi và chúng ta ….
Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Những cô gái quan họ, Hồ trên núi, Nha Trang thu và Trên đỉnh phù Vân.
Mặc Lâm: Thưa ông, xin ông cho biết bài hát nào mở đầu cho sự nghiệp âm nhạc khá ấn tượng của ông?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: "Những cô gái quan họ" là bài đầu tiên trong cuộc đời sáng tác của một người mà bút danh là Phó Đức Phương. Đôi khi chúng ta phải chấp nhận một sự chống đối vì tôi sáng tác từ năm lớp 7, lớp 8 phổ thông, bài cho lớp ca, cho trường ca, cho tình bạn bè thì mình tính làm gì. Trước bài "Những cô gái quan họ" cũng có một, hai bài chính thức được phát trên làn sóng, nhưng tạm gọi bài đầu tay là bài "Những cô gái quan họ" vì nó có diện mạo, có tên và được mọi người nhớ đến.
Tôi muốn đưa ra triết thuyết không thể và có thể. Cái có thể mới là quan trọng còn cái không thể thì thuộc về duy vật, về sự vĩnh hằng của cuộc sống này, của vũ trụ này mà ta không thể vượt được.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương
Mặc Lâm: Ông là một nhạc sĩ viết khá nhiều nhạc phẩm dưới chủ đề sông nước. Ông có bị ám ảnh gì hoặc có kỷ niệm nào gắn bó với những con sông khả dĩ khiến ông bị cuốn vào chủ đề này hay là còn một lý do thầm kín nào khác?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Có lẽ một phần vì tôi thấy sông nước là một cái gì đó vừa êm ả vừa không hề tĩnh lặng vì nó là một dòng chảy liên tục. Nó gợi cho tôi một cảm giác rung động lập tức và hội cảm với nó luôn. Tôi có thể giải thích bằng cảm xúc như vậy.
Mặc Lâm: Trong "Trên đỉnh phù vân" ông đã lấy cảm hứng từ ca trù để nhào nặn nhạc phẩm này thành một ca khúc có thể nói là đẹp một cách huyền ảo. Bên cạnh giai điệu thì ông có ý định chuyển đi một thông điệp hay ý tưởng gì mới cho nội dung hay không?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Một người đau khổ vì tình yêu muốn trốn lên tận đỉnh núi mây mù sương phủ, có cả cửa thiền để xa lánh cõi đời. Nhưng ở chốn thâm sơn cùng cốc đến mức độ "lên đỉnh núi cao cách trời ba thước, xuống đáy thung sâu thăm thẳm sông dài, vào rừng trúc mai véo von con sáo sậu…" thì tiếng gọi tình yêu lại thôi thúc trong lòng: " ta khóc ròng một câu, đâu người ta yêu dấu". Tức là muốn trốn hết tất cả chốn lụy trần mà cũng không trốn nổi tình yêu!. Đây là một bài hát ca ngợi sức mạnh của tình yêu - sức mạnh tồn tại vĩnh hằng của vũ trụ này, yêu đến thế là cùng. Vậy có thể coi đây là một bài hát về triết lý hay bài hát về tình yêu cũng được.
Mặc Lâm: Trong tác phẩm "Không thể và có thể" hình như ông định đưa ra một triết lý sống gì đó thì phải?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Tôi muốn đưa ra triết thuyết không thể và có thể. Cái có thể mới là quan trọng còn cái không thể thì thuộc về duy vật, về sự vĩnh hằng của cuộc sống này, của vũ trụ này mà ta không thể vượt được. Thí dụ như quy luật của thời gian (thời gian đã trôi qua thì không thể trở lại), quy luật của sự vận động (đám mây không thể ngừng trôi cũng như trái đất không thể ngừng quay) quy luật của ngày và đêm…Tức là con người ta không thể đụng chạm được đến quy luật cơ bản của sự sống. Vì vậy cái không thể là cái giới hạn còn cái có thể là cái mênh mông.
Tức là con người ta không thể đụng chạm được đến quy luật cơ bản của sự sống. Vì vậy cái không thể là cái giới hạn còn cái có thể là cái mênh mông.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương
Mặc Lâm: Ông là hậu duệ của một nhà cách mạng rất nổi tiếng là cụ Phó Đức Chính. Mỗi khi đi ngang con đường mang tên của cụ thì ông có cảm giác như thế nào?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Tôi có đi qua khu Phó Đức Chính của thành phố HCM và thủ đô Hà Nội. Cụ Phó Đức Chính là ông chú của tôi và là một trong những lãnh tụ đầu tiên của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Tôi rất kính trọng, khâm phục và ngạc nhiên sự can đảm của cụ trước khi bị chém đầu tại Yên Bái. Cụ xứng đáng là một lãnh tụ của phong trào yêu nước.
Mặc Lâm: Xin cám ơn nhạc sĩ Phó Đức Phương về buổi nói chuyện ngày hôm nay.