Hát xẩm
Hát xẩm có lịch sử ít ra từ 700 năm trước theo một truyền thuyết mà giới nghệ nhân của hát xẩm vẫn tin rằng có chút gì đấy dính liền với loại hình nghệ thuật này. Truyền thuyết kể lại rằng thái tử Trần Quốc Đĩnh, là một trong hai người con của vua Trần Thánh Tông bị người em của mình là Trần Quốc Toán hại đến mù mắt rồi bỏ vào rừng với ý đồ soán ngôi. Thái tử Đĩnh chỉ biết ngồi hát để than thân trách phận mình. Bụt hiện ra dạy cho vị thái tử bất hạnh cách kéo dây làm đàn và từ đó chàng trở thành nổi tiếng với tài đàn hay hát giỏi.
Thái tử phiêu bạt trên chốn chợ đời và truyền lại nghề hát xẩm này cho những người khiếm thị như chàng và từ đó nghề hát xẩm tôn thái tử Đĩnh là tổ của nghề hát này. Đây cũng là cách giải thích lý do tại sao hát xẩm lại xuất hiện trong giới khiếm thị, kiếm ăn giữa chợ như chúng ta thường biết.
Phiêu dạt giữa chợ với những nhục nhằn sau bao thế kỷ, bỗng nhiên khi sắp bị mai một, hát xẩm lại được chú ý một cách đặc biệt,it nhất là tại Hà Nội, cái nôi phát triển của nhiều thể loại nhạc dân gian miền bắc. Năm 2005 nghệ thuật này đựơc giới nghiên cứu quan tâm chú ý và các nghệ sĩ của Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đã khôi phục bộ môn âm nhạc này một cách tích cực. Một đoàn nghệ thuật được hình thành và hát xẩm mỗi đêm thứ Bảy hàng tuần lại được trình diễn trên sân khấu một cách nghiêm túc với số khán giả ngày một đông hơn.
Trước đây người ta coi thường, cho rằng hát xẩm là loại âm nhạc bình dân. Thế nhưng thật ra do sự bình dân đó nên lại tập họp được rất nhiều đối tượng để nghe nó.
Nhạc sĩ Thao Giang
Nhạc sĩ Thao Giang, phó giám đốc Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam nhận định về hát xẩm: "Trước đây người ta coi thường, cho rằng hát xẩm là loại âm nhạc bình dân. Thế nhưng thật ra do sự bình dân đó nên lại tập họp được rất nhiều đối tượng để nghe nó."
Hát xẩm có nhiều làn điệu và người ta có thể tự sáng tác tùy theo mức cảm hứng của người hát. Các loại thường được trình diễn là xẩm chợ, chênh bong, riềm huê, ba bậc, phồn huê, rồi hò bốn mùa, hát ai, thập ân....Đời sống thị dân ngày càng ảnh hưởng vào người kiếm ăn giữa chợ nên nảy sinh ra nhiều làn điệu khác cho phù hợp. Những làn điệu mới như xẩm tàu điện, xẩm bến xe xuất hiện ngày một phổ biến hơn. Thật ra nhiều nhà nghiên cứu cho rằng các làn điệu này chỉ phát triển thêm từ các thể loại cũ mà thôi.
Người thành thị nếu thích thú với hát xẩm thì âm thầm sáng tác các làn điệu mới bằng cách lấy những bài thơ nổi tiếng hát theo cảm hứng, và giai điệu của loại hát xẩm từ đó đã trở nên phong phú hơn.
Nghệ sĩ Minh Hiền, một giọng hát chính trong đoàn nghệ thuật thuộc Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam cho biết sự thành công mà chị nhận thấy trong thanh niên Hà Nội:"Môn nghệ thuật hát xẩm và hát văn chúng em biểu diễn ở chợ Đồng Xuân đã được 8 năm rồi và được sự ủng hộ của thanh niên Hà Nội rất đông. Có nhiều bạn thanh niên vào đoàn học hát và trở thành nghệ sĩ trình diễn sau này."

Hát xẩm thường được biểu diễn dưới hình thức gia đình hay trong thân hữu. Các nhóm tập trung thường vài ba người trong anh em bè bạn. Trưởng nhóm là người biết sử dụng nhiều nhạc khí, thường là đàn bầu, hoặc nhị hay cò. Những người khác phải biết chơi tối thiểu một nhạc cụ để hòa vào với nhau. Không phải dễ dàng khi gia nhập vào một nhóm hát xẩm vì người hát phải biết cách xướng, cách phổ thơ hay là soạn những bài thơ trong khi biểu diễn.
Thật ra hát xẩm không phải lúc nào cũng buồn, cũng than thân trách phận về những mảnh đời phiêu dạt. Hát xẩm cũng có những làn điệu vui, yêu đời và người hát thoải mái với những phát hiện của mình và nhờ hát xẩm vui chuyên chở tới người nghe. “Vui nhất có chợ Đồng Xuân” là một thí dụ.
Sau nhiều biến động thời cuộc, trong thập niên 60 một ban nhạc hài hước có tên AVT ra đời tại miền Nam. Những nhạc phẩm của ban AVT phần đông dùng làn điệu dân ca lồng vào các câu chuyện thời sự để cuối cùng ra đời nhiều nhạc phẩm bất hủ. Một trong những nhạc phẩm gần với hát xẩm mà ban AVT sáng tác có tên “Em tập Vespa”.
Hát văn
Trở lại với đoàn nghệ thuật thuộc Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam, nhạc Sĩ Thao Giang cho biết các chương trình biểu diễn tại chợ Đồng Xuân vào mỗi tối thứ Bảy hàng tuần của đoàn rất thành công.
Ngoài hát xẩm còn có hát văn là bộ môn nhạc dân tộc chính được trình diễn trên sân khấu. Ông nói thêm: "Chương trình của chúng tôi có những diễn xướng dân gian, tức là hầu đồng và có những điệu hát văn rất sôi động. Hát văn cũng có một chút tâm linh trong ấy nữa. Do cái tâm linh nên thu hút người xem. Hiện nay chúng tôi có hai bộ môn hát văn và hát xẩm nên thu hút rất nhiều người xem."
Hát văn còn gọi là chầu văn hay hát đồng bóng là một loại hình nghệ thuật dân gian khác gắn liền với lễ nhạc trong nghi thức tín ngưỡng Tứ phủ. Đây là một nghi thức tín ngưỡng dân gian xuất hiện nhiều trong vùng đồng bằng Bắc bộ. Nghệ sĩ Minh Hiền cho biết đôi điều về bộ môn nghệ thuật này. Bà nói: "Em ở trong đoàn vừa hát vừa múa văn. Hát văn này là của dân gian riêng của Việt Nam. Chỉ Việt Nam mới có văn đồng và văn tín ngưỡng."
Em ở trong đoàn vừa hát vừa múa văn. Hát văn này là của dân gian riêng của Việt Nam. Chỉ Việt Nam mới có văn đồng và văn tín ngưỡng.
Nghệ sĩ Minh Hiền
Nhạc sĩ Minh Thông, trưởng đoàn nghệ thuật thuộc Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam bày tỏ những gì mà đoàn nghệ thuật này đang làm cho hai bộ môn dân nhạc Việt Nam là hát xẩm và hát văn: "Đoàn hát này thành lập để khôi phục hát xẩm có nguy cơ thất truyền hay bị mất. Tôi tham gia ngay từ khi thành lập năm 2005, tôi là một nghệ sĩ biểu diễn vừa rồi chúng tôi có cuộc biểu diễn rất thành công ở Pháp về hát xẩm chầu văn cũng như nhiều thể loại nhạc dân tộc khác"
Chúng tôi mong rằng những nỗ lực của các nhà nghiên cứu cũng như các nghệ sĩ đang làm sẽ giữ gìn đựơc phần nào bản sắc của hai loại hình âm nhạc quan trọng này trong kho tàng âm nhạc Việt Nam.