Như thế là đã hơn 12 năm nay, chúng tôi quyết giữ, không thay đổi khúc nhạc đó.
Riêng với Thy Nga thì từ buổi đầu tiên góp tiếng với chương trình của đài, tiếng đàn ấy luôn gợi nhớ hình ảnh quê hương xa xôi.
Bản đàn tranh này từ đâu tới, để rồi đồng hành với ban Việt Ngữ đài chúng tôi? Mặc Lâm có câu trả lời, trong chương trình “Văn học Nghệ thuật” kỳ này, mời quý vị cùng nghe.
Mười ba năm sau khi đồng hành cùng với Ban Việt Ngữ, tiếng đàn tranh này được mở ra nghe lại cùng lúc với bức thư hết sức cảm động của một thính giả mà chúng tôi chưa hề quen biết được gửi đi từ Miền Nam California.
Người gửi thư là ông Hải Nam, cũng là người gửi bản nhạc dạo đầu chương trình từ khi Ban Việt Ngữ phát buổi đầu tiên vào năm 1997.
Từ đài phát thanh Quốc Gia
Ông Hải Nam là một chuyên viên âm thanh từ khi Đài Tiếng Nói Việt Nam phát thanh chương trình lần đầu tiên vào năm 1949, sau khi Đài được chuyển giao từ tay người Pháp vài tháng trước đó. Ông kể lại kỷ niệm mà ông còn nhớ đúng 60 năm sau:
Nghe nói Ban Việt Ngữ - Đài Á Châu Tự Do phát về Việt Nam …tôi nghĩ bây giờ mình phải làm cái gì đây để giúp Đài? Bây giờ mình chỉ có cách là mình thu thanh cái khúc nhạc đàn tranh đó … để cho họ dùng làm khúc nhạc dạo đàn tranh y như ngày xưa, cũng để kêu gọi - mời chào - báo hiệu rằng âm thanh này là biểu tượng của Ban Việt Ngữ - Đài Á Châu Tự Do
Ông Hải Nam, người gửi bản nhạc dạo đầu chương trình ban Việt Ngữ
“Thời gian đấy là vào khoảng cuối năm 1949, thời gian tiếp theo tôi sử dụng cái máy của Đài để mà thu thanh bản nhạc Quốc Thiều Việt Nam đầu tiên và thêm 4 bản nhạc quân hành nữa. Bởi vì phải có bản Quốc Thiều để mở đầu buổi phát thanh thì nó là ưu tiên trước hết.
Đài Phát Thanh Sài Gòn lúc ấy có 2 phòng ghi âm mà thôi: Phòng A là phòng lớn để thu thanh ban nhạc và Phòng B thì dùng cho hai xướng ngôn viên đọc tin tức và thời sự.
Sau bản nhạc Quốc Thiều xong thì tôi thâu tiếp 4 bản nhạc kia, đó là bản thứ hai là bản Hồn Tử Sĩ của Lưu Hữu Phước, bản thứ ba - thứ tư là bản Rạng Đông và Minh Châu Trời Đông của Hùng Lân, và bản thứ năm thì hình như là bản Nhân Dân Cách Mạng Việt Nam.”
Ngày ấy ông có kỷ niệm thật đẹp về màn trình diễn tuyển lựa nhạc phẩm dạo đầu cho chương trình của đài phát thanh quốc gia này. Ông nhớ lại như in nhạc sĩ Bửu Lộc, người trình tấu nhạc phẩm dạo đầu do ông ngẫu hứng sáng tác và tác phẩm này chính thức được chọn như thế nào, ông Hải Nam kể lại:
“Người tổng giám đốc đầu tiên là ông Nguyễn Hữu An. Tổng giám đốc là vì ổng coi tới 4 đài. Sau 1954 với Hiệp Định Genève chia đôi đất nước thì còn mỗi Đài Phát Thanh Sài Gòn mà thôi. Trước khi phát thanh ông tổng giám đốc có ý kiến. Chắc có lẽ ổng nghe mấy đài ngoại quốc thường xuyên là nó phải có một khúc nhạc rao lên, để chi, để lưu ý thính giả rằng chúng tôi sắp sửa phát thanh.
Nhạc sĩ Bửu Lộc nhận được giấy, ông đến Đài và có mang theo cây đàn tranh. Ông để cây đàn lên bàn ông tổng giám đốc rồi ông bình tĩnh vén hai tay áo lên, đeo móng tay giả, rồi ông đàng hoàng ngồi xuống và dạo lên khúc nhạc đàn tranh đó. Trời ơi! Cử tọa nổi da gà! Xong rồi ông buông cây đàn ra, mọi người vỗ tay hoan hô. Vì sao?
Cây đàn tranh biểu tượng cho quê hương. Tiếng đàn tranh lanh lãnh, sâu sắc, đi vô tâm hồn người ta, thành ra tất cả cử tọa đồng ý dùng khúc nhạc đàn tranh đó để làm âm thanh kêu gọi mời chào thính giả rằng "thưa quý vị, chúng tôi sắp sửa phát thanh đây. Xin quý vị đừng rời máy." Đấy là tiểu sử của khúc nhạc đàn tranh, nó là như vậy.”
Số phận của đoạn nhạc tuyệt vời này dính liền với gót chân ông Hải Nam cho tới một hôm tại một nơi xa lạ, nhạc phẩm này lại trở về trong trí nhớ của ông với một hoàn cảnh thật đặc biệt. Ông Hải Nam kể:
“Sau này tôi nghĩ nhớ ngày 19-6-1995, rồi một năm sau là năm 1996 - tôi không nhớ tháng nào ngày nào - tôi xem báo Việt có loan tin rằng sắp có Đài Á Châu Tự Do mà trong đó có tiếng Việt, máu nghề nghiệp nổi lên liền. Nghe nói Ban Việt Ngữ - Đài Á Châu Tự Do phát về Việt Nam là tôi biết ngay, vì tôi là một chuyên viên về phát thanh ở Việt Nam thành ra tôi nghĩ bây giờ mình phải làm cái gì đây để giúp Đài?
Bây giờ mình chỉ có cách là mình thu thanh cái khúc nhạc đàn tranh đó để gửi tới Đài, để cho họ dùng làm khúc nhạc dạo đàn tranh y như ngày xưa, cũng để kêu gọi - mời chào - báo hiệu rằng âm thanh này là biểu tượng của Ban Việt Ngữ - Đài Á Châu Tự Do”.
Quá trình thực hiện
Từ ý tưởng đến thực hiện là một bước rất xa, nhất là vào trường hợp của ông lúc ấy khi vừa mới qua Mỹ, ông kể:
“Khi ấy tôi mới qua, còn ăn welfare mà. Mình muốn thâu thì phải có tiền mới được. Tôi mới nghĩ rằng "Trời ơi, bây giờ làm sao kiếm đâu ra nhạc sĩ đàn tranh đây?" Mới qua làm sao biết ai là nhạc sĩ đàn tranh? Cái thứ hai là phải có tiền. Số tiền thì không bao nhiêu, tôi dự trù khoảng hai trăm (đô) thôi. Luôn một tuần sau trong đầu tôi cứ suy nghĩ, cứ vẩn vẩn vơ vơ khúc nhạc đàn tranh đó, không làm sao mà biết ai là nhạc sĩ đàn tranh cả.”
Theo lời ông kể thì chính nghệ sĩ Ngọc Phu là người giới thiệu nhạc sĩ đàn tranh Bích Thuận cho ông. Ngay lập tức ông gọi điện cho người nhạc sĩ này với hy vọng một cái gật đầu đồng ý của cô:
“Tôi điện thoại cho cô Bích Thuận. Suốt ngày hôm đó không được, là vì cô Bích Thuận sang đây không sống được với nghề đàn tranh, cô đi học nghề làm nail. Tôi chờ tới 10 giờ tối tôi mới liên lạc được.
Mừng quá! Tôi nhờ cô ấy đàn cho tôi một vài khúc nhạc rao đàn tranh. Tôi nói với cô về ý nghĩa của công việc này là tôi sẽ gửi khúc nhạc đàn tranh này đến Ban Việt Ngữ - Đài Á Châu Tự Do. Cô nghe nới vậy thì cô bằng lòng.
Rồi tôi mới điện thoại qua bên Đài VNCR mà lúc bấy giờ anh Lê Đình Điểu là Giám Đốc. Anh Lê Đình Điểu là chỗ quen biết, nhưng biết tiếng thôi, với Hải Nam ở Sài Gòn. Nghe tôi nói thì anh nhận ra tiếng của tôi.
Tôi nói: "Anh Điểu ơi, anh làm ơn cho mượn phòng ghi âm - tôi tránh chữ thuê - cho mượn phòng ghi âm tôi thâu vài khúc nhạc dạo đàn tranh để gửi cho Ban Việt Ngữ - Đài Á Châu Tự Do. Đài này sắp sửa phát thanh."
Ảnh nghe nói thì trả lời liền: "Ồ, tôi biết. Tôi có xem báo, tôi biết. Đồng ý. Bây giờ mời anh. Mời anh. Tôi cho anh cái ngày thu thanh. Và người thu thanh là cháu Hoàng Trọng Thụy. Anh tới là thu thanh cho anh."
Thế là tôi được thuận lợi cả hai việc. Tôi mừng vô cùng, bởi vì từ khi tôi bắt đầu có ý kiến thì tôi lo ghê lắm. Tôi mới qua, đi đứng như người đi trên mây, lo lắm vì không biết có thành công hay không. Thế nhưng rốt cuộc rồi trời thương, cả hai đều đồng ý hết.
Tôi đến đài bằng xe buýt, còn bố con cô Bích Thuận thì đến bằng xe taxi. Thế thì chưa vào ngay được, còn ngồi ở phòng chờ. Trong khi ngồi chờ ở phòng khách, tôi hỏi cô Bích Thuận rằng cô là nhạc sĩ đàn tranh thì cô có biết ông Bửu Lộc không?
Cô Bích Thuận cười nói: Thưa Bác, cháu biết, nhạc sĩ Bửu Lộc là bậc tiền bối của cháu. Ông thầy dạy cháu đó. Cháu là học trò của ông Bửu Lộc.
Tôi mới hỏi câu nữa: Cháu là học trò ông Bửu Lộc, cháu biết rao đàn tranh không? Bây giờ cháu rao thử cho bác nghe coi.
Thế là cổ rao khúc đàn tranh, đúng là khúc đàn tranh mà mấy chục năm về trước ông Bửu Lộc đã rao trước mặt ông tổng giám đốc và cử tọa. Tôi nghe khúc nhạc đàn tranh đó y như vậy, không sai một nét nào hết. Trời ơi, tôi xúc động quá! Thôi được rồi, đúng rồi. Đúng là khúc nhạc rao đàn tranh này rồi!
Tôi hỏi: Nhưng mà cháu à, từ ngày cháu qua đây tới giờ cháu đã rao khúc nhạc đàn tranh này cho ai chưa?
Tôi hỏi như vậy là để đề phòng nếu mà cổ đã rao đàn tranh cho một đài phát thanh nào rồi hay gì đó thì tôi sẽ bảo cổ rao khúc đàn tranh khác.
Cổ nói: Thưa Bác, không ạ. Chỉ có Bác là người nhờ cháu rao khúc đàn tranh này mà thôi.
Trời ơi, tôi nghe xong tôi mừng quá. Thế là bác cháu vô trong phòng ghi âm. Gặp cháu Hoàng Trọng Thụy. Cháu Hoàng Trọng Thụy để microphone xuống, dàn xếp đâu đó rồi thì thâu. Thâu xong rồi thì Hoàng Trọng Thụy thâu vô cái mini-disque. Thâu xong rồi thì Hoàng Trọng Thụy đưa cả hai cái cho tôi.
Đến chương trình Việt Ngữ RFA
Quý vị đang theo dõi lời kể chuyện của ông Hải Nam về tiến trình mà ông vận động để thu âm lại khúc nhạc dạo đầu cho chương trình phát thanh của ban Việt Ngữ - Đài Á Châu Tự Do. Sau nhiều khó khăn mà ông vượt qua được cuối cùng thì bản nhạc ngắn ngủi này cũng được gửi tới Ban Việt Ngữ - Đài Á Châu Tự Do ngay trước khi đài phát sóng buổi đầu tiên vài ngày.
Với tâm trạng nôn nao chờ nghe kết quả của công trình mình, ông Hải Nam kể:
Những kỷ niệm đó quay về làm tôi xúc động lắm. Mà càng hơn nữa là sau 1950 cho tới bây giờ - 1996, bao nhiêu năm tôi tưởng khúc nhạc đàn tranh đó không xuất hiện trên cõi đời này nữa.
Ông Hải Nam
“Lúc bấy giờ đài chưa có lên internet mà phát thanh về Việt Nam trên sóng điện ngắn thì bên Mỹ không nghe được đâu. Mấy năm sau khi Ban Việt Ngữ - Đài Á Châu Tự Do lên Internet được thì lúc bấy giờ Đài Little Saigon của ông Vũ Văn Ninh tiếp vận, bấy giờ tôi có tiền mua một radio-cassette, tôi bắt tôi nghe Little Saigon, thì tôi nghe khúc nhạc đàn tranh rao lên.
Trời ơi, tôi mừng quá. Thì ra Ban Việt Ngữ - Đài Á Châu Tự Do đã dùng khúc nhạc đàn tranh này làm mở đầu chương trình, y như ngày xưa. Y như ngày xưa Đài Tiếng Nói Việt Nam (Sài Gòn) đầu tiên cũng phát thanh khúc nhạc rao đàn tranh này!
Quá xúc động, tôi nhớ ngày đầu tiên ông Bửu Lộc mang cây đàn tranh để trên bàn, trước mặt ông tổng giám đốc, ông rao lên và cử tọa nổi da gà hết. Những kỷ niệm đó quay về làm tôi xúc động lắm. Mà càng hơn nữa là sau 1950 cho tới bây giờ - 1996, bao nhiêu năm tôi tưởng khúc nhạc đàn tranh đó không xuất hiện trên cõi đời này nữa."
Cám ơn ông Hải Nam, cám ơn những đóng góp thầm lặng khác của hàng triệu thính giả đã bồi đắp cho tiếng nói của Ban Việt Ngữ ngày một vững vàng hơn sau mười ba năm hoạt động. Không chỉ riêng một nhạc phẩm mà cả một tấm lòng của người nghệ nhân đối với nét độc đáo của văn hóa Việt Nam mà dù có đi đến đâu cũng chiếm một phần rất quan trọng trong tâm hồn của người xa xứ….