Ca trù đang được phục sinh trong lòng Hà Nội đó là niềm mơ ước của nhiều người hiểu biết và yêu mến loại hình nghệ thuật này.
Số lượng các nhóm ca trù tuy nhiên không nói lên được phẩm chất cũng như những thành quả mà các nhóm này đạt đựơc. Vì nói tới nhóm, người ta dễ dàng liên tưởng đến chỉ vài người có chung sở thích họp lại vói nhau và điều này dẫn tới kết luận rằng các nhóm mang tiếng là ca trù sẽ không thật sự lột tả cái hồn của loại hình nghệ thuật này.
Tự thân ca trù đã chứa rất nhiều yếu tố văn học. Từ người sáng tác cho tới ca nương và nghệ nhân sử dụng loại nhạc cụ đặc trưng của ca trù là chiếc đàn đáy, đều phải hiểu biết một cách thấu đáo tinh hoa của nó mới có thể mang tới cho người nghe những đồng cảm sâu lắng qua từng lời ca, giọng nhấn, tiếng tom chát hay tiếng phách kèm theo.
Biến thể, lạm dụng
Giới nghiên cứu lo ngại trong hiện tình ca trù xuất hiện tự do như hiện nay, tự thân người nghệ sĩ thể hiện loại hình này có thể sẽ va vấp vào những kỹ thuật đòi hỏi thời gian và sức sáng tạo lớn. Họ sẽ hướng dẫn người thưởng thức theo cung cách pha trộn và đôi khi rơi hẳn xuống một cấp độ có thể gây nguy hại cho loại hình này hơn là tôn tạo nó.

Nhiều nhóm ca trù hiện nay sử dụng những nhạc cụ điện tử và chất liệu bài hát cũng rất đáng xem xét lại. Chất giọng và kỹ thuật ngân nga, luyến láy cũng đang cho thấy người nghệ nhân thiếu ý thức sáng tạo đang xa dần cung bậc nhạy cảm của một thể loại tài tử cần hết sức tỉ mỉ trau chuốt và cẩn trọng từng nốt nhạc lời ca.
Nếu trong Nam có loại hình cổ nhạc đang dần dần bị biến thể thì ca trù tuy xuất hiện muộn nhưng hướng đi của nó không mấy rõ ràng. Có nhóm chủ trương đem ca trù vào lòng đại chúng càng đông càng tốt và vì vậy họ sửa đổi một ít các tiết tấu khó trong khi diễn âm để người nghe dễ cảm nhận hơn. Yếu tố này rất gần với tình trạng cải lương hiện nay ở trong nước khi hầu như việc chạy theo thị hiếu là chính và vì thế kéo theo kịch bản, diễn xuất hay giọng ca khiến cải lương ngày càng xa dần quần chúng hơn.
Trong năm 2006, tình hình phục hồi ca trù nở rộ một cách khó hiểu khi UNESCO có kế hoạch công nhận ca trù của Việt Nam là một loại di sản phi vật thể. Nhà nước tung ra tiền tỷ để vận động cho ý định này và ca trù một lần nữa, cũng như những loại hình khác đang bị lạm dụng một cách thô thiển.
Giáo phường Thái Hà
Tuy nhiên bên cạnh những tiêu cực dễ thấy thì người dân thủ đô cũng không hết lạc quan khi vẫn còn nhiều nhóm ca trù hoạt động trong tinh thần phục cổ, bất vụ lợi. Một trong các nhóm này là giáo phường Thái Hà. Đây là một nhóm ca trù đặc biệt vì tính cách truyền đời của nó. Đã có 7 đời truyền nhau trong lĩnh vực ca trù nên các thành viên trong nhóm không ai bảo ai, trong tiềm thức của họ ca trù đã thành máu thịt, hơi thở và cũng không quá lời nếu nói rằng các nghệ nhân trong nhóm sẽ sống chết với ca trù bất kể thành công hay thất bại trong việc quảng bá.
Tháng trước, Trung Tâm Văn Hóa Pháp tại Hà Nội đã tổ chức một buổi biểu diễn của giáo phường Thái Hà với sự giới thiệu của TS Nguyễn Xuân Diện, người nghiên cứu ca trù từ nhiều năm nay. Chúng tôi có dịp trao dổi với các thành viên trong giáo phường Thái Hà và xin trình bày những chi tiết chúng tôi trao đổi với họ sau đây.
Trước tiên, TS Nguyễn Xuân Diện, với tư cách là người giới thiệu sự ra đời của ca trù cùng những giai đoạn thăng trầm của nó cho chúng tôi biết:
Ca trù đúng là có một thời gian rất là dài, khoảng độ 6-7 mươi năm gần như vắng bóng tại Việt Nam. <br/>
TS Nguyễn Xuân Diện<br/>
TS Nguyễn Xuân Diện: Ca trù đúng là có một thời gian rất là dài, khoảng độ 6-7 mươi năm gần như vắng bóng tại Việt Nam. Nó có một nguyên nhân rất là sâu xa, như quý vị đã biết là trước năm 45, vào khoảng đầu thế kỷ 20 thì ở những ca quán ở đô thị đã hình thành nên hai loại cô đầu là cô đầu rượu và cô đầu hát. Cô đầu rượu là tiếp viên ở trong ca quán còn cô đầu hát thì là những nghệ sĩ của ca trù thật sự. Thế nhưng trước năm 45 vì có những hoạt động của cô đầu trong ca quán làm cho tình hình phức tạp vì làm tiếp viên.
Mặc Lâm: Thưa TS trong giai đoạn hiện nay có những nghệ nhân đầu đàn nào còn sống để góp tiếng nói truyền bá kinh nghiệm và kiến thức của mình cho lớp nghệ nhân trẻ sau này hay không?
TS Nguyễn Xuân Diện: Chúng ta có hai người một là nghệ sĩ nhân dân Quách thị Hồ, hai là GS Trần Văn Khê. Năm 1976 ông Khê từ Pháp về Hà Nội đã tổ chức ghi âm được tiếng hát của cụ Quách Thị Hồ, sau đó ông đã giới thiệu khắp thế giới về loại hình ca trù này.
Mặc Lâm: Vâng thưa quý thính giả, nghệ sĩ Thúy Hòa có lẽ là người học trò duy nhất của cụ Quách Thị Hồ, nhân dịp chị có mặt tại đây chị có thể nói vài kỷ niệm của chị đối với người nghệ sĩ bậc thầy này hay không?
Thúy Hòa: Thực ra thì cũng là nhân duyên. Em được sinh ra trong một gia đình có truyền thống ca trù và bà Quách Thị Hồ thường đến nhà chơi, thắp hương cho ông nội của em. Khi đó em còn rất là nhỏ, bà rất thích em và xin ba mẹ cho em theo bà học thành ca nương.

Mặc Lâm: Xin được quay lại với TS Nguyễn Xuân Diện, thưa TS ca trù phát xuất từ thú ăn chơi của các văn nhân tài tử có kiến thức cao về văn chương thi phú và cũng chính giới này sáng tác các bài hát cho ca trù. Trong các tác phẩm của họ thường đòi hỏi ca nương phải có kiến thức nhất định về chữ nghĩa như nghệ sĩ Thúy Hòa vừa nói...theo TS thì lớp ca nương hiện nay của Hà Nội liệu có thỏa mãn được yêu cầu này hay không?
TS Nguyễn Xuân Diện: Dạ thưa chỗ này có một ý rất hay tức là giới nghệ sỹ ngày xưa, có lẽ chỉ có giới ca trù tức là Ả đào thì mới được cho đi học chữ, tại vì họ phải thực hiện những bài thơ do các văn nhân làm ra để tặng cho bạn bè.
Mặc Lâm: Một quan ngại nữa là làm sao đem ca trù vào công chúng được để phát triển nó hơn nữa thưa TS?
Ca trù nó có mặt hầu hết trong các sinh hoạt tinh thần của người Việt. Nó có ở trong hát thờ,, trong hát chơi, trong hát thi, và nó có ở trong trúc gỗ tức là trong khánh tiết của triều đình hoặc là trong các cuộc đón tiếp ngoại giao...
TS Nguyễn Xuân Diện
TS Nguyễn Xuân Diện: Ca trù nó có mặt hầu hết trong các sinh hoạt tinh thần của người Việt. Nó có ở trong hát thờ,, trong hát chơi, trong hát thi, và nó có ở trong trúc gỗ tức là trong khánh tiết của triều đình hoặc là trong các cuộc đón tiếp ngoại giao...
Quý vị vừa nghe chúng tôi tìm hiểu nghệ thuật ca trù qua các ý kiến của TS Nguyễn Xuân Diện và ca nương Thúy Hòa của giáo phường Thái Hà. Trong lần phát thanh tiếp chúng tôi sẽ tìm hiểu vấn đề kỹ thuật với nghệ sĩ đàn đáy Nguyễn Văn Khuê cùng ái nữ của ông là ca nương Nguyễn Thu Thảo, chỉ với lứa tuổi 16 nhưng giọng hát của cô đã chín muồi đến độ bất ngờ. Mời quý vị nhớ đón nghe những kỹ thuật hết sức độc đáo trong loại hình nghệ thuật ca trù cũng như phần trình diễn của ca nương Nguyễn Thu Thảo trong bài Hồng Hồng Tuyết Tuyết...