Nhà khảo cổ học TS Nguyễn Thị Hậu và Hội thảo 100 năm nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh

Hội thảo 100 năm nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh vừa diễn ra tại Quảng Ngãi với nhiều tham luận của các nhà khảo cổ trong và ngoài nước, nhằm tìm kiếm cũng như khai thác các chứng liệu mà các di chỉ cũng như hiện vật của nền văn hóa Sa Huỳnh để lại.
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2009.08.01
culture-dong-son-305.jpg Văn hóa Sa Huỳnh là vùng ven biển miền Trung còn văn hóa Đông Sơn thuộc trung du bắc bộ.
Photo courtesy of Wikipedia

Mặc Lâm phỏng vấn TS Nguyễn Thị Hậu, một chuyên gia khảo cổ, phó viện trưởng viện nghiên cứu xã hội TPHCM để tìm hiểu thêm những thông tin về nền văn hóa này.

Lịch sử khám phá

Năm 1909, Văn hóa Sa Huỳnh được nhà khảo cổ người Pháp tên M. Vinet phát hiện lần đầu tiên tại đầm An Khê, một đầm nước ngọt ở Sa Huỳnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi một số lượng lớn quan tài bằng chum . Giới khảo cổ bắt đầu gọi Di tích khảo cổ đó là Kho Chum Sa Huỳnh. Nhiều năm sau đó những phát hiện tiếp theo cho thấy nhiều cổ vật có niên đại sớm nhất của nền văn minh Sa Huỳnh đã cho phép giới nghiên cứu đánh giá rộng rãi hơn về nền văn hóa này. Xuất hiện cách đây khoảng 3000 năm và được xem là kết thúc vào thế kỷ thứ 1 nên niên đại Sa Huỳnh được cho là không dưới 5000 năm. Từ những năm 2004 cho tới năm 2005 Viện Khảo Cổ học quốc gia Đức đã hợp tác với Việt Nam tiến hành khảo cứu sâu hơn tại một số vùng thuộc tỉnh Quảng Ngãi, nơi mới đây tổ chức buổi hội thảo 100 năm ngày phát hiện văn hóa Sa Huỳnh.

Những cổ vật đáng chú ý

Những cổ vật đáng chú ý của văn hóa Sa Huỳnh là thủy tinh nhân tạo và đồ gốm gia dụng. Hai thành tựu của người cổ đại này đã khiến cho Sa Huỳnh có một nét đặc sắc mà nhiều nền văn hóa khác phải ghen tỵ. Thủy tinh nhân tạo phát hiện tại Sa Huỳnh được đánh giá là sớm nhất thế giới và chúng có những mẩu mã tinh xảo đến độ người ta nghi ngờ xuất xứ của nó. Bên cạnh đó, gốm Sa Huỳnh cũng độc đáo không kém. Gốm Sa Huỳnh được tạo dáng với nét thanh tú khó tưởng tượng phối hợp với những hoa văn tinh tế và đặc biệt nhất là người xưa đã biết kỹ thuật nung để độ bóng và bền của gốm trở nên khó thể giải thích.

Nếu nói về di tích thì có lẽ đặc trưng tiêu biểu nhất của Sa Huỳnh là các khu mộ táng bằng chum gốm.

TS Nguyễn Thị Hậu

Tập tục độc đáo của cư dân Sa Huỳnh được các nhà khảo cổ học xác định là tập tục chôn người chết trong các chum lớn. Những chum này được làm từ vật liu đất và được nung khá tốt. Người chết được táng trong chum với tư thế ngồi bó gối - như một hiện tượng được sống tiếp với thế giới bên kia. Đồ tùy táng theo người chết tùy thuộc vào sự giàu có hay nghèo khó mà có nhiều hay ít hiện vật được chôn theo.

Văn hóa ven biển

Những nét độc đáo của văn hóa Sa Huỳnh vẫn còn được tiếp tục nghiên cứu và làm rõ. Hôm nay chúng tôi tìm hiểu thêm một số thông tin có tính học thuật về nền văn hóa này qua cuộc phỏng vấn TS Nguyễn Thị Hậu, một nhà khảo cổ học có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh, mời quý vị theo dõi.

Mặc Lâm: Xin cám ơn TS đã vui lòng dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn ngày hôm nay. Thưa bà, những phát hiện văn hóa Sa Huỳnh được xác định niên đại như thế nào so với các nền văn hóa khác?

TS Nguyễn Thị Hậu: Hiện nay qua 100 năm nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh có thể nhận biết văn hóa Sa Huỳnh không phải chỉ có niên đại sơ kỳ đồ sắt như là người Pháp nghiên cứu trước đây nhưng các nhà khảo cổ Việt Nam đã phát hiện được cái giai đoạn gọi là tiền Sa Huỳnh.

Mặc Lâm: Chúng ta cũng có hai nền văn hóa lớn là Đông Sơn và Đồng Nai, bà có thể cho biết văn hóa Sa Huỳnh có sự khác biệt nào với hai nền văn hóa này?

TS Nguyễn Thị Hậu: Cái đặc điểm khác nhất so với Đông Sơn và Đồng Nai là địa bàn phân bố. Văn hóa Sa Huỳnh là vùng ven biển miền Trung còn văn hóa Đông Sơn thuộc trung du bắc bộ.

Mặc Lâm: Các di tích phát hiện được tại Sa Huỳnh có gì khác biệt với các khu vực khác?

TS Nguyễn Thị Hậu: Nếu nói về di tích thì có lẽ đặc trưng tiêu biểu nhất của Sa Huỳnh là các khu mộ táng bằng chum gốm.

Mặc Lâm: Các chứng tích khảo cổ cho thấy các hiện vật tại Sa Huỳnh rất tinh xảo mà lại có niên đại rất lớn. Điều này đưa đến câu hỏi là liệu có sự chuyển dịch những cổ vật từ nơi khác đến hay không?

TS Nguyễn Thị Hậu: Với niên đại của Sa Huỳnh đặc biệt là 500 năm trước công nguyên thì nhiều người sẽ ngạc nhiên về điều này nhưng các nhà khảo cổ đã tìm ra được chứng cứ có dấu vết chế tạo tại chỗ.

Mặc Lâm: Dấu vết chế tạo tại chỗ như TS vừa nói được xác định qua những chứng cứ nào?

TS Nguyễn Thị Hậu: Dấu vết chế tạo tại chỗ dưới góc độ khảo cổ học thì rất dễ nhận biết đấy là những hiện vật đang làm dỡ dang, hoặc là các phế phẩm trong quá trình chế tác người ta để lại.

Cho tới nay thì các nhà khảo cổ đều cho là văn hóa Sa Huỳnh được coi là tiền thân của văn hóa Chămpa vì trước hết hai nền văn hóa đều có chung một địa bàn phân bố.

TS Nguyễn Thị Hậu

Mặc Lâm: Văn hóa Sa Huỳnh có sự giao lưu nào rõ nét nhất ngoài hai nền văn hóa như Ấn Độ, hay Trung Hoa?

TS Nguyễn Thị Hậu: Nếu nhìn ra biển Đông thì văn hóa Sa Huỳnh gần gũi với các di tích Philippines mà thể hiện rõ nhất là qua hệ thống đồ gốm mà các nhà khảo cổ học gọi là Sa Huỳnh Calanay.

Mặc Lâm: Liệu văn hóa Sa Huỳnh có chứa đựng những yếu tố nào của nền văn hóa Chăm Pa hay không?

TS Nguyễn Thị Hậu: Cho tới nay thì các nhà khảo cổ đều cho là văn hóa Sa Huỳnh được coi là tiền thân của văn hóa Chămpa vì trước hết hai nền văn hóa đều có chung một địa bàn phân bố.

Mặc Lâm: Có nhiều người ghi nhận rằng:“Là một trong những văn hóa tiền sử được phát hiện và nghiên cứu sớm nhất ở VN và ĐNA, văn hóa Sa Huỳnh có vị trí quan trọng trong việc định vị và đối sánh các văn hóa cùng thời, nhất là những văn hóa ven biển và hải đảo…” từ những nhận định này có thể giúp xác định đời sống cư dân cũng như sinh hoạt của từng thời kỳ tại các hải đảo nhằm tìm ra manh mối hay bằng chứng khẳng định chủ quyền biển đảo hay không?

TS Nguyễn Thị Hậu: Nếu nói văn hóa Sa Huỳnh có góp bằng chứng gì khẳng định chủ quyền biển đảo hay không thì theo tôi hơi sớm để nói về điều đấy. Bởi vì văn hóa Sa Huỳnh thể hiện rộng rãi với sự giao lưu khu vực Đông Nam Á vì vậy nếu dựa vào các bằng chứng thì không thể thuyết phục.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.