Điện ảnh Việt Nam – chưa lấy gì làm khởi sắc

Nhiều người hoạt động trong ngành điện ảnh Việt Nam tỏ ra lo ngại cho loại hình nghệ thuật này ngày càng xa rời quần chúng xem phim.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2011.10.02
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp

nguyen-thi-hong-ngat-200.jpg
PCH Hội Điện ảnh VN Nguyễn Thị Hồng Ngát. Photo courtesy of www.hongngatfilm.com.
Nguyên nhân một phần do người làm phim thì thiếu năng lực, đội ngũ sản xuất thiếu vốn liếng, còn nhà nước thì chỉ nhấn mạnh tới tuyên truyền hơn là khuyến khích các công ty quốc doanh cạnh tranh với các hãng phim tư nhân.

Chương trình VHNT tuần này Mặc Lâm phỏng vấn nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát chung quanh những câu hỏi có liên quan đến vấn đề này. Bà Hồng Ngát nguyên là diễn viên chèo, sau đó chuyển sang viết kịch bản và du học tại trường ĐH Sân Khấu Điện Ảnh tại Mátxcova - Liên Xô cũ. Tốt nghiệp đại học và về làm tại Hãng Phim Truyện VN. Sau làm giám đốc Xưởng Phim Thanh Thiếu Nhi thuộc Hãng Phim Truyện VN, rồi làm giám đốc Hãng Phim Truyện VN. Nguyên Cục phó Cục Điện Ảnh - hiện đã về hưu. Hiện nay bà là Phó chủ tịch thường trực Hội Điện Ảnh Việt Nam.

Còn thiếu nhiều thứ

Khi được hỏi tình hình điện ảnh Việt Nam hiện nay ra sao bà Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết:

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát: Thưa anh, điện ảnh Việt Nam trong độ mười năm trở lại đây thì cũng vẫn vậy, tức là năm nào cũng có khoảng độ mười phim được sản xuất, và bên cạnh đó thì có một số phim nhà nước đặt hàng hoặc là trợ giá, còn lại là số phim khoảng độ già nửa phim là của các hãng phim tư nhân. Các hãng phim này tự bỏ tiền ra để sản xuất những phim mà đa phần là phim giải trí, phim để chiếu trong những ngày hè hoặc là ngày Tết, đa phần cũng là những phim hài hước nhẹ nhàng.

Tôi nghĩ trong tình hình hiện nay, trong độ một hai năm trở lại đây thì số lượng phim càng ngày càng ít đi, bởi vì kinh phí để tìm, để đầu tư cho sản xuất phim quả rất là khó khăn. Nhà nước thì cũng thế này thế nọ nhưng mà các kịch bản để đưa vào thì dường như là cũng còn hiếm những kịch bản hay, vì thế là nó cũng hứa hẹn một mùa phim chưa lấy gì làm khởi sắc lắm.

Mặc Lâm: Thưa bà, theo như bà nói thì nguyên nhân đầu tiên do kịch bản không đáp ứng thị hiếu của khán giả, nhưng ngoài nguyên nhân đó thì vấn đề thiếu thốn kỹ thuật hậu kỳ hay là khả năng của đạo diễn có phải là những trở ngại lớn hay không ạ?

Đứng về người làm nghề, tôi nhiều lúc cũng cảm thấy bất tài và cả bất lực nữa (cười), cả vốn thì thiếu, rồi tài cũng thiếu, rồi bất lực trước cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát

Nguyễn Thị Hồng Ngát: Nó cũng nhiều lý do lắm anh ạ. Bây giờ các nhà làm phim, các nhà lý luận người ta cũng tạm khoanh vùng. Có những phim nghệ thuật, rồi có những phim giải trí, phim thị trường. Có những tác giả,  một số đạo diễn trẻ người ta cũng có dòng phim tác giả của họ, thí dụ như vừa nổi lên như anh Phan Đăng Di – anh làm bằng nguồn vốn mà anh xin được từ các quỹ tài trợ của nước ngoài lẫn trong nước. Ảnh làm những phim mà ảnh thích. Ảnh thích theo cái “gu” của anh ấy.

Nhưng cũng có nhiều nguyên nhân khác, thí dụ như là kịch bản thì viết cũng chưa đi sát vào đời sống ngày hôm nay. Thế rồi các phim đặt hàng thì đa phần là phim để chào mừng các ngày lễ thì ta phải làm theo rất là nghiêm túc để phản ánh của giai đoạn lịch sử của đất nước như nó xảy ra đúng cái gì, thí dụ như là “Nghìn năm Thăng Long” hoặc là “120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Tôi nghĩ rằng đề tài thì đều không có lỗi gì cả, có lỗi chăng là ở người làm. Người làm thì có thể có quan niệm khô khan hoặc là cứng nhắc, hoặc là cuộc sống thì riêng bản thân tôi, tôi thấy cuộc sống đương đại đang mở ra rất là nhiều điều: Kinh tế thì cũng có thể gọi là phát triển hơn trước rất là nhiều, nhưng văn hóa nói chung và điện ảnh nói riêng chưa theo kịp được cuộc sống, phản ánh chưa hết được tình trạng cuộc sống.

Bên cạnh cuộc sống có những cái tốt, có những người làm kinh tế tốt cho đất nước, nhưng cũng còn rất nhiều thực trạng cần được phản ánh, báo động. Cái mảng này ở trong phim cũng chưa nói được nhiều, chưa đủ thuyết phục; nó cũng thiếu tính chân thực nữa. Nguyên nhân thì nhiều lắm: khách quan có, chủ quan có. Đứng về người làm nghề, tôi nhiều lúc cũng cảm thấy bất tài và cả bất lực nữa (cười), cả vốn thì thiếu, rồi tài cũng thiếu, rồi bất lực trước cuộc sống. Đấy, cá nhân tôi, tôi chỉ có một vài nhận xét như vậy.

Phim nghệ thuật bị kén

bi-oi-dung-so-250.jpg
Một cảnh trong phim "Bi, đừng sợ!". Nguồn Thể thao & Văn hóa Online.
Mặc Lâm: Thưa, riêng cuộn phim “Bi, đừng sợ!” của Phan Đăng Di tuy nhận được khá nhiều giải thưởng ở bên ngoài, nhưng đối với khán giả trong nước cũng như các nhà phê bình thì họ không đánh giá cao phim này. Đây có phải cảm nhận thẩm mỹ của khán giả Việt Nam chưa điều chỉnh kịp với nhận thức đương đại hay không thưa bà?

Nguyễn thị Hồng Ngát: Tôi thấy cũng có một phần như vậy. Thật sự tôi cũng đã xem “Bi, đừng sợ!”, tôi nghĩ đây là một bộ phim cũng có cái ý tứ của nó. Trước thực trạng gia đình với nhau rất là lỏng lẻo, thế mà mỗi người trong gia đình lại có cuộc sống riêng và nó không gắn kết nhiều với nhau, và anh Di là tác giả và anh tự viết, tự làm nên tôi thấy cũng có rất nhiều những tìm tòi của anh ấy. Hình ảnh cũng rất đẹp, có thể nói rằng bộ phim khá là chỉnh chu và khá mới mẻ.

Mặc Lâm: Còn nhận xét của giới phê bình cho là khá nhiều màn sex nóng quá, không thích hợp với khán giả Việt Nam thì bà nghĩ sao ạ?

Nguyễn Thị Hồng Ngát: Tôi nghĩ là những cái “sex” trong phim, riêng cá nhân tôi thì tôi cho rằng nó vào bối cảnh ấy thì nó cũng hợp lý chứ không phải ảnh cố tình thế để câu khách.

... huống hồ trong lãnh vực làm nghề thì cũng có những người có cái nhìn thông thoáng, tiến bộ, những cũng có những người vẫn còn một chút gì đấy chưa được thoáng lắm.

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát

Trong một gia đình, ví dụ cảnh vợ chồng chẳng hạn, ông chồng thì mãi chơi chẳng chú ý gì đến vợ, cho đến lúc bị cô mà ông ta thích nó từ chối, nó không chiều chuộng, và lúc ấy ông nhớ đến vợ nên ông về. Và sau cuộc trở về đấy thì dường như cũng áy náy với vợ và sau đó thì có tình cảm chăn gối giữa vợ chồng. Đó là bối cảnh rất là đúng, rất là có lý, và xảy ra chuyện chăn gối mà người ta vẫn gọi là “sex” ấy, thì tôi nghĩ là anh ấy làm cũng rất là tinh tế, không hề lộ một tí nào cả, “lấy mây tả trăng”. Thế nhưng rồi cũng bị cắt đi.

Đây cũng là một điều mà chúng tôi cũng còn phải bàn thảo nhiều, bởi vì khán giả thì rất nhiều người. Người thì quan niệm thế này, người thì quan niệm thế kia. Để làm sao những quan niệm đó thông thoáng hơn và dân chủ hơn, có một cái gì đấy nó đời sống hơn, nó như cuộc đời hơn. Để cho những người khác hiểu được điều ấy thì cũng còn là một chặng đường dài, bởi vì phong tục Á Đông nhà mình thì vốn thích những gì nó kín đáo. Thế mà có một chút gì gọi là “sexy” thì người ta vẫn chưa chấp nhận.

Tôi nghĩ vấn đề phát hành nữa. Việc phát hành ở trong nước thì do ở tác giả và theo như Phan Đăng Di nói thì bản quyền lại thuộc những nhà đầu tư, cho nên ảnh cũng không có quyền phát hành ở trong nước hoặc là những nhà phát hành ở trong nước cũng chưa mặn mà với những phim nghệ thuật như thế này. Những phim nghệ thuật thường là rất kén khán giả. Người ta không thu được lợi nhuận là người ta quay lưng chứ không phải là do cấm đoán gì, anh ạ. Nói chung là rõ ràng là nó có hai bản, một bản nguyên bản và một bản bị cắt cho nên ảnh cũng thấy buồn và tôi cũng chia sẻ cái nỗi buồn của anh ấy.

Nhưng như tôi đã nói, vì mỗi người một ý kiến, trong khán giả thì có ý kiến của khán giả thế này thế kia huống hồ trong lãnh vực làm nghề thì cũng có những người có cái nhìn thông thoáng, tiến bộ, những cũng có những người vẫn còn một chút gì đấy chưa được thoáng lắm. Nó vẫn còn các mâu thuẫn nhau.

Luồng gió Việt kiều

Diễn viên Dustin Nguyễn trong  phim
Diễn viên Dustin Nguyễn trong phim "Cánh Đồng Bất Tận". Photo courtesy of BHD.
Mặc Lâm: Thưa, bà nhận xét ra sao về những đóng góp của đạo diễn cũng như diễn viên Việt kiều khi họ về nước làm phim?

Nguyễn Thị Hồng Ngát: Cá nhân tôi, tôi thấy rất mừng vì những năm gần đây có các anh chị đạo diễn, diễn viên Việt kiều về nước tham gia vào việc làm phim. Họ mang đến cho những người làm phim trong nước một luồng gió mà tôi nghĩ rằng rất là tốt đấy. Các anh các chị ấy được đào tạo ở nước ngoài, được tiếp cận rất là nhiều những trường phái, những khuynh hướng điện ảnh mới. Các anh ấy làm rất chuyên nghiệp, hầu như các bộ phim do các anh ấy làm, tôi không nói gì về nội dung, mà tôi nói về kỹ thuật và cái sự chỉnh chu, sự tận tâm cho bộ phim thì quả tình là điện ảnh trong nước cần phải học tập.

Nói nghiêm túc là như vậy. Bất kỳ lao động nghệ thuật nào cũng vất vả, khó nhọc, thế mà các anh ấy rất là chuyên nghiệp trong công việc của mình. Điện ảnh Việt Nam tiếp cận với thế giới không được nhiều lắm, có các anh ấy về tham gia vào, đương nhiên là các đời sống trong nước thì các anh ấy sống khá lâu cho nên các anh ấy chưa hiểu hết được cuộc sống ở trong nước nó không hoàn toàn lúc nào cũng toàn nhà lầu xe hơi, mà nó còn nhiều những mối lo toan khác trong xã hội.

Các anh diễn rất hay, thí dụ như là Dustin Nguyễn, anh ấy diễn rất là tốt.

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát

Mặc Lâm: Cũng có ý kiến cho rằng vì là Việt kiều nên họ chưa thể thích hợp hoàn cảnh sống Việt Nam như người trong nước và do đó có một rào chắn tuy vô hình nhưng rất rõ nét trong cung cách của họ khi diễn tả nhân vật hay là dựng nhân vật trong kịch bản phim, bà nhận xét ra sao về các ý kiến này?

Nguyễn Thị Hồng Ngát: Mình không thể đòi hỏi các anh ấy những điều cần phải như mình đã hiểu, như mình được, tại vì không gian – thời gian các anh ấy sinh sống và học tập ở bên kia quá dài. Tôi nghĩ rằng dần dần khi mà các anh ấy sống ở trong nước, các anh ấy hòa nhập cùng với trong nước, thì tôi nghĩ những bộ phim sắp tới có thể là những bộ phim không chỉ hay về kỹ thuật, không chỉ hay về những kỹ thuật hiện đại mà các anh vận dụng vào, mà bên cạnh đó các anh ấy sẽ thở cùng với chúng tôi cái hơi thở đúng với người Việt Nam ngày hôm nay, phản ánh trong các bộ phim sắp tới.

Mặc Lâm: Còn diễn viên ngoại thì sao thưa bà?

Nguyễn Thị Hồng Ngát: Các anh diễn rất hay, thí dụ như là Dustin Nguyễn, anh ấy diễn rất là tốt. Tôi cũng rất thích diễn viên này. Hoặc chị Cathy Uyên. Cathy Uyên cũng diễn rất là tốt, rồi chị Ngô Thanh Vân, những gương mặt ấy phải nói là đang làm sáng giá cho điện ảnh Việt Nam cũng nhiều, anh ạ. Rất cảm ơn các anh các chị đã trở về và tham gia với chúng tôi làm cho nền điện ảnh trong nước. Nói chung dù các anh trở về hay là chúng tôi hòa nhập cùng các anh ấy làm phim, nếu mang phim ra nước ngoài là hai chữ “Việt Nam”, đúng không anh?

Góp mặt với thế giới

khat-vong-thang-long-250.jpg
Cảnh phim Khát vọng Thăng Long - Ảnh do đoàn phim cung cấp. Photo courtesy of Thanh Niên Online.
Mặc Lâm: Thưa bà, mới đây bộ phim “Khát vọng Thăng Long” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã được Hội đồng tuyển phim lựa chọn gửi đi tham dự giải Oscar 2012, bà nghĩ sao về sự chọn lựa này?

Nguyễn Thị Hồng Ngát: Tôi không ở trong hội đồng chọn lựa, thế nhưng mà có 3 phim vào chung kết để chọn và bộ phim này đã được nhiều phiếu hơn và được đề cử. Với Lưu Trọng Ninh thì tôi đã từng làm việc với anh từ phim đầu tay của anh là phim “Canh bạc” mà tôi là tác giả nên tôi cũng biết cái “air” của đạo diễn này và các cái tài của anh ấy trong việc thể hiện trong phim. Có lẽ là về kỹ thuật trong phim này thì nó cũng còn nhiều điều để bàn, nhưng tôi nghĩ bộ phim đó cũng hấp dẫn và nó cũng rất là “ciné” và nó cũng thuần Việt.

... nếu được tham gia thì nó cũng có được cái tiếng nói của điện ảnh Việt Nam được ra với nước ngoài và được khán giả ở các nước xem ...

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát

Các anh nói là nó thuần Việt cho nên là các anh thích để đưa đi. Nó thuần Việt ở cái nó phản ánh phim lịch sử khi những ông vua Việt Nam thì quần áo cũng nâu sòng vào cái thời đó và anh cũng phản ánh đậm đặc cái chất nhà chùa trong phim. Hoặc là các mảng miếng hấp dẫn, những trường đoạn tốt thì anh Lưu Trọng Ninh khá giỏi về những chuyện này.

Tôi cũng làm việc với anh mấy chục năm nay, tôi cũng biết. Tôi nghĩ rằng thôi thì trong bó đũa chọn cột cờ chứ tôi cũng chẳng dám hy vọng là nó có được cái giải gì ở bên kia. Đất nước mình như thế này, kinh tế thế này, văn hóa xã hội thế này thì phim ảnh nó cũng chỉ đến thế thôi. Không dám nghĩ là mình có thể đọ được với những bộ phim bom tấn ở những nước phát triển khác, nhưng ít nhất nếu được tham gia thì nó cũng có được cái tiếng nói của điện ảnh Việt Nam được ra với nước ngoài và được khán giả ở các nước xem và hiểu rằng Việt Nam cũng có một nền điện ảnh và cũng đang làm những bộ phim lịch sử như thế. Tôi nghĩ như vậy.

Mặc Lâm: Một lần nữa xin cảm ơn bà Nguyễn Thị Hồng Ngát dã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn đặc biệt này.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.