“Xe Lên Xe Xuống” của Nguyễn Bình Phương (Phần 2)

Tạp chí Văn Hóa Nghệ Thuật tuần này Mặc Lâm xin tiếp tục giới thiệu cuốn tiểu thuyết “Xe Lên Xe Xuống,” của Nguyễn Bình Phương.

Trong tuần trước nhà báo Ngô Nhân Dụng còn được biết dưới tên khác là nhà thơ Đỗ Quý Toàn nói về tác phẩm này qua việc phác họa lại kết cấu câu chuyện. Kỳ này chúng tôi tiếp tục bàn sâu hơn về những gì mà Nguyễn Bình Phương muốn mang đến người đọc từ cuộc chiến tranh dưới dạng thổ phỉ, tới nhân cách sống của từng nhân vật trong truyện đã nói lên rất nhiều điều điển hình của xã hội hôm nay.

Cũng xin được nhắc lại một ít về tác giả Nguyễn Bình Phương. Ông sinh năm 1965 tại Thái Nguyên, sau khi tốt nghiệp trường viết văn Nguyễn Du, Nguyễn Bình Phương bắt đầu sự nghiệp văn chương của ông với 4 cuốn tiểu thuyết gây sự chú ý của dư luận. Đó là “Những đứa trẻ chết già”, “Người đi vắng”, “Thoạt kỳ thủy”, và “Ngồi”.

Nguyễn Bình Phương cũng có 3 tập thơ xuất bản trong những năm qua là các tác phẩm mang tên “Lam chướng”, “Xa thân”, “Từ chết sang trời biếc”.

“Xe Lên Xe Xuống,” vừa được Diễn Đàn Thế Kỷ xuất bản tại California vào tháng 12 năm 2011, theo nhiều người thì có thể coi đây là đỉnh cao nhất trong tất cả các tác phẩm đã xuất bản của ông.

Sau đây mời quý vị theo dõi tiếp cuộc mạn đàm giữa chúng tôi và nhà báo Ngô Nhân Dụng về những gì ông cảm nhận từ tác phẩm “Xe Lên Xe Xuống” của Nguyễn Bình Phương.

Nhân bản thiện ác

Nhà thơ - nhà văn Nguyễn Bình Phương. Ảnh: Nguyễn Đình Toán/thethaovanhoa.vn
Nhà thơ - nhà văn Nguyễn Bình Phương. Ảnh: Nguyễn Đình Toán/thethaovanhoa (Ảnh: Nguyễn Đình Toán/thethaovanhoa.vn)

Mặc Lâm: Thưa nhà báo Ngô Nhân Dụng, tiếp tục câu chuyện về tác phẩm "Xe lên xe xuống", khi bắt đầu đọc tác phẩm này tôi nghĩ Nguyễn Bình Phương sẽ chú trọng đến cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, nhưng càng đọc thì chủ đề chiến tranh hình như càng xa hơn, nó chỉ có thể là một cái cớ để tác giả dẫn chuyện và khai thác những khía cạnh khác. Ông có chia sẻ nhận xét này hay không?

Nhà báo Ngô Nhân Dụng: Vâng, có thể Nguyễn Bình Phương dùng cuộc chiến tranh đó như một cái cớ để kể chuyện vì chuyến đi của nhân vật chính này đi lên đỉnh Tà Vần là muốn tìm hiểu ông anh mình đã đi như thế nào, nhất là lúc anh ta trốn ở bên Tàu về và đến đỉnh Tà Vần thì bị bắt trở lại. Sau đó anh ta trở về rồi dần dần anh ta hóa điên. Có thể đấy là chi tiết đáng chú ý, nhưng cái quan trọng là chung quanh tất cả những câu chuyện đó nó còn thêm một điều là tác giả cho chúng ta hình ảnh về một lớp người, về một lớp tuổi ở Việt Nam sống trong thời đó và thời nay, về tâm trạng của họ như thế nào. Đấy là một sự liên hệ mà có thể nhiều người không thấy ngay lúc mới đọc tác phẩm.

Cuộc chiến là chuyện đã xảy ra nhưng những con người sống trong cuộc chiến, rồi sau cuộc chiến đó hàng mấy chục năm, người ta sống như thế nào? Những nhân vật trong câu chuyện này có thể nói là những nhân vật sống cuộc đời bình thường ở trong xã hội Việt Nam. Một anh đi làm việc, một chị đi buôn lậu, và những người vợ chồng lấy nhau xong rồi bỏ nhau, tất cả những chuyện đó cứ diễn ra trước mắt mọi người. Nhưng cái cách người ta sống ở trong cả một xã hội như vậy nó cho thấy một trạng thái tâm lý rất là lạ mà khi đọc tác phẩm cho đến gần chót thì chúng tôi mới có cảm giác đó là: "À, đây là cốt truyện mô tả tâm trạng sống của người Việt Nam, của rất nhiều người Việt Nam. Không thể nói rằng tất cả nhưng mà có một loại người đã bị ảnh hưởng trong cuộc sống khiến cho tâm hồn họ khác với lại mình."

Mặc Lâm: Theo như ông vừa trình bày thì cuộc chiến tuy vậy vẫn xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Lúc đậm lúc nhạt qua hình ảnh và cách ứng xử của các nhân vật trong truyện. Theo ông, hình ảnh nào gây ấn tượng nhất cho ông khi đọc tác phẩm này, thưa ông?

Ngô Nhân Dụng: Thí dụ như nhân vật chính kể chuyện rằng anh ấy có những người tình, một cô tên là Trang, cô tên là Vân Vi, và có những người khác nữa. Thế nhưng mình đọc mình thấy chuyện anh ấy liên hệ với hai người phụ nữ như vậy thì mình có thể tưởng rằng anh này có hai mối tình, hay là anh này là người đang phân vân giữa hai người đàn bà thì ai là người mà anh ấy yêu hơn, vân vân. Nhưng đến cuối cốt truyện thì mình mới thấy là không phải. Câu chuyện không phải như vậy. Cái điều mà tôi thấy nó đập vào cảm tưởng của tôi, và cuối cùng thì mình nhận thấy nhân vật này không có tình ái. Tất cả những liên hệ của anh ta với các phụ nữ giống như liên hệ mà người này dùng người kia chứ không có tình cảm ở trong đó. Đó là điều nó làm cho mình cảm thấy phải nói là ghê rợn.

Mặc Lâm: Có nhiều người nhận xét là tâm lý nhân vật cũng như cách hành sử của họ trong truyện có vẻ tương tự như cách viết của Nguyễn Huy Thiệp đã từng viết, ông nghĩ sao về điều này?

Nhưng trong cuốn truyện này của Nguyễn Bình Phương sau khi đọc xong, cảm giác của chúng tôi là tác giả muốn tả một xã hội mà trong đó con người không còn phân biệt thiện ác, và con người cũng không có cái khao khát về điều thiện và tránh điều ác nữa.

Nhà báo Ngô Nhân Dụng<br/>

Ngô Nhân Dụng: Trong tiểu thuyết của Nguyễn Huy Thiệp về những con người trong xã hội mà ông chứng kiến thì thấy rằng người ta có thể đối xử với nhau không có tình cảm, người ta có thể tàn nhẫn với nhau. Sự phân biệt giữa thiện và ác không còn nữa. Người ta có thể làm chuyện ác một cách hết sức là thản nhiên. Thế nhưng, ở trong tiểu thuyết của Nguyễn Huy Thiệp, trong những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp thì chúng ta vẫn còn thấy có những phản ứng rất là người. Vẫn có những khao khát hướng về điều thiện, nó làm cho người đọc phân biệt cái này là ác, cái kia là thiện.

Nhưng trong cuốn truyện này của Nguyễn Bình Phương sau khi đọc xong, cảm giác của chúng tôi là tác giả muốn tả một xã hội mà trong đó con người không còn phân biệt thiện ác, và con người cũng không có cái khao khát về điều thiện và tránh điều ác nữa. Có thể nói rằng Nguyễn Bình Phương đã làm cho người đọc phải sững sờ và đó là một giá trị của văn chương. Bởi vì hoàn cảnh sống như vậy mà bình thường người ta không nhận thấy. Phải có văn chương, phải có một cuốn tiểu thuyết, phải có những nhân vật sống trong cuốn tiểu thuyết đó, với ngòi bút diễn tả hết sức kỹ lưỡng và cẩn thận của tác già. Mình thấy rõ là trong xã hội đó rất nhiều người gần như sống không phải là người nữa, và người ta coi người khác cũng không phải là người mà giống như đồ vật để cho mình dùng mà thôi. Đấy là giá trị nhân bản mà tác giả muốn đánh thức dậy ở trong lòng người đọc, ở trong lòng cả cái xã hội của chúng ta.

Mặc Lâm: Tiểu thuyết "Xe lên xe xuống" được xem là một thành công trong cuộc chuyển mình làm mới phong cách viết của hậu hiện đại, có phải đây là yếu tố gây sức hấp dẫn cho cuốn sách hay không?

Ngô Nhân Dụng: Thực sự ra nếu chúng ta đọc văn chương quốc tế thì chúng ta thấy Nguyễn Bình Phương cũng không phải là cái gì mà nó hoàn toàn độc đáo của riêng ông. Những tác phẩm của những tác giả ở khắp thế giới nơi những người trẻ, tôi có đọc những tác giả người Ấn Độ, người Bồ Đào Nha, họ viết, kể chuyện và họ còn phá cách, họ làm cho nó không có đầu đuôi, cũng giống như Nguyễn Bình Phương, mà theo cái cách của họ. Cái gọi là táo bạo về phương diện kỹ thuật của Nguyễn Bình Phương là cái điểm mà mọi người đều ghi nhận, nhưng đó không phải là chuyện quan trọng nhất làm cho tác phẩm này trở thành tác phẩm đặc biệt và có thể nói là một tác phẩm lớn.

Quan trọng là tính chất nhân bản trong tác phẩm đó và cách mà tác giả cho mình thấy bộ mặt sâu ở bên trong của con người, của rất nhiều người đang sống ở Việt Nam. Nếu chúng ta ý thức được điều đó thì chúng ta thấy rằng chúng ta cần phải làm sao giúp cho xã hội đó nhân bản hơn, có chất người nhiều hơn.

Đánh thức lương tâm

Truyện “Xe Lên Xe Xuống” của Nguyễn Bình Phương
Truyện “Xe Lên Xe Xuống” của Nguyễn Bình Phương.Screen capture (Screen capture)

Mặc Lâm: Thưa, ông vốn là một chuyên gia viết về kinh tế, ông thấy có liên quan nào giữa nền kinh tế thị trường hiện nay với đời sống của từng cá thể nhân vật trong "Xe lên xe xuống" hay không?

Ngô Nhân Dụng: Trong thời gian xã hội Việt Nam đang thay đổi vì những thay đổi kinh tế qua kinh tế thị trường, làm ăn, kinh doanh…. thì trong truyện "Xe lên xe xuống" này cho chúng ta thấy hình ảnh mà không phải những nhà kinh doanh, ngay cả những người rất là bình thường sống cuộc đời bình thường, cũng không giàu có gì, và chính họ thì họ cũng sống theo cái quan niệm hoàn toàn là duy lợi. Cái gì cũng chỉ tính toán là cái này có lợi hay không, cái này có phục vụ cho mình hay không, chứ không ai nghĩ đến chuyện như là cái này có làm cho người khác hạnh phúc hay không, có làm cho mọi người hòa hợp hay không. Đấy là vấn đề lớn trong cuộc thay đổi kinh tế ở nước ta hiện nay. Nó làm cho người ta dần dần chỉ nghĩ đến cái lợi, và chỉ nghĩ đến quyền lợi của riêng mình mà thôi. Đây là tác phẩm có thể nói là nó đánh thức lương tâm của một xã hội, của một dân tộc.

Mặc Lâm: Nếu theo như ông nói thì "Xe lên xe xuống" rất đa dạng và có giá trị nhất định. Theo ông nếu nó được phổ biến rộng rãi trong nước thì sẽ gây hiệu ứng thế nào đối với xã hội?

Ngô Nhân Dụng: Tôi nghĩ rằng nếu người Việt Nam mà đọc, giới trí thức Việt Nam cũng đọc, các bạn trẻ ở Việt Nam cùng đọc, có thể họ sẽ cảm thấy rằng họ phải thay đổi, thay đổi chính tâm trạng của họ, thay đổi quan niệm sống của họ. Những điều mà người ta chê tác phẩm này để mà cấm, thí dụ như là trong đó có kể những chuyện về đàn ông đàn bà một cách sổ sàng thì thực tình hiện nay đối với giới trẻ Việt Nam thì những chuyện đấy chả có gì sổ sàng cả. Họ sống như vậy và họ viết trên mạng đấy những câu chuyện như vậy.

Thế nhưng nếu họ đọc tác phẩm này họ thấy rõ rằng như thế là không được, con người sống như vậy là không được, thì chính họ họ sẽ thay đổi. Người ta không thể nào sống duy lợi. Người ta không thể nào sống với người bên cạnh, với người chung quanh mà coi tất cả chỉ như những vật để cho mình dùng vì mục đích lợi của mình, hay là vì cái bản năng, vì cái thú tính của mình, mình lợi dụng được cái gì thì mình làm cái đó. Tôi nghĩ rằng đây là tác phẩm có thể đặt ra vấn đề xã hội, vấn đề tâm lý cho toàn thể xã hội, và nó rất ích lợi nếu được phổ biến.

Tôi nghĩ rằng đây là tác phẩm có thể đặt ra vấn đề xã hội, vấn đề tâm lý cho toàn thể xã hội, và nó rất ích lợi nếu được phổ biến.

Nhà báo Ngô Nhân Dụng

Mặc Lâm: Thế nhưng nó lại bị cấm in trong nước! Ông có ý kiến thế nào về sự cấm cản này, thưa ông?

Ngô Nhân Dụng: Chuyện cuốn sách này không được xuất bản thì chắc chắn là có nhiều lý do, mà một trong các lý do đó là chuyện dính dáng đến cuộc chiến tranh với Trung Quốc. Cái đó thật là đáng tiếc bởi vì rằng đây là một tác phẩm quan trọng, đây là một tác phẩm có thể nói là đánh dấu một sự biến chuyển trong nghề viết tiểu thuyết ở Việt Nam.

Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà báo Ngô Nhân Dụng.

Thưa quý vị, chúng tôi xin trích dẫn một đoạn phê bình tác phẩm “Xe lên xe xuống” của nhà phê bình văn học Thụy Khuê nhìn dưới góc cạnh đặc sắc khác của Nguyễn Bình Phương để làm phong phú thêm cái nhìn của độc giả đối với “Xe lên xe xuống”…

“Cách đây hơn 20 năm, Bảo Ninh mô tả chiến tranh như một bộ máy nghiền nát tất cả, trừ tình yêu.

Nguyễn Bình Phương tiến thêm một bậc: chiến tranh nghiền nát cả tình yêu chỉ để lại tội ác, không cho con người một hy vọng nào. Bình Phương chiếu ống kính vào tội ác của một dân tộc được giáo huấn thường trực trong các bài học chiến thắng và anh hùng, mà bản chất sâu xa chỉ là thổ phỉ. Chiếu vào hậu quả của các chiến thắng từ thời Lý, thời Tây Sơn-Gia Long, đến thời Cách Mạng-Thổ Phỉ, cuộc chiến Việt-Trung… Văn hóa chặt đã thấm vào máu, nằm trong mâm cơm: dân ta mãi chặt mà quên sống. Vùng đất biên giới anh hùng nằm trên những xác người, chỉ tạo nên những hệ gia đình thui chột như gia đình Hiếu: Ông ngoại trùm phỉ bị chặt đầu; mẹ buôn lậu vào tù; chú ngớ ngẩn; anh chiến sĩ đánh Tàu, chết vì điên, bị chuột gặm mắt và hai cánh mũi; em trùm phỉ hiện đại, bị phục kích chết ở đỉnh Tà Vần…

Sự giáo dục chiến thắng chỉ tạo nên những ông thánh, nhưng “không một bà mẹ nào muốn con mình là thánh”. Nền tảng đầu tiên của con người là gia đình đã bị hủy diệt. Hệ thống mây ngũ sắc chụp lên toàn lãnh thổ, khiến con người không thoát ra được vòng phong tỏa để tìm đến một chân trời mới. Thế hệ thanh niên, ngụp lặn trong vùng đất thánh, gây tội ác, bị rình rập, chạy lên đỉnh, bị sập lưới, đẩy xuống vực sâu. Họ chưa từng ý thức được thế nào là tội ác, trước khi lìa đời."

Hy vọng rằng qua hai chương trình vừa qua quý vị cho dù chưa đọc tác phẩm “Xe lên xe xuống” của Nguyễn Bình Phương nhưng chắc cũng sẽ nắm bắt được tổng thể của tác phẩm qua những gì mà ông Ngô Nhân Dụng, và bà Thụy Khuê đã đánh giá. Một lần nữa cảm ơn quý vị đã theo dõi chương trình. Hẹn gặp lại quý vị trong kỳ sau.

Theo dòng thời sự: