Ca Trù

“Thu hứng” thơ Đỗ Phủ, người dịch: Ngô Thế Vinh, nghệ nhân Quách Thị Hồ hát ...
Thy Nga, phóng viên đài RFA
2009.10.18

UNESCO vinh danh

PhamThiHueCaTru200.jpg
Chị Phạm Thị Huệ và hai người thầy: bà Nguyễn Thị Chúc, ông Nguyễn Phú Đẹ. Photo courtesy TuoiTre Online.
Tin vui liên tiếp đến với ngành âm nhạc truyền thống Việt Nam: Quan Họ được UNESCO vinh danh tối hôm trước thì chiều hôm sau, 1 tháng Mười 2009, Ca Trù được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể, cần được bảo vệ khẩn cấp”.

“Ủy ban Liên Chính phủ Công Ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể” thẩm định như vậy, xét vì nguy cơ mai một của bộ môn nghệ thuật độc đáo này của Việt Nam.

“Hồng Hồng Tuyết Tuyết” thơ Dương Khuê, quý vị đang nghe giọng hát của nghệ nhân Quách Thị Hồ, người được mệnh danh là “Đào nương bậc nhất thế kỷ 20”.

Nghệ nhân Quách Thị Hồ từ trần vào năm 2001, thọ 92 tuổi. Tới nay, chưa ai đạt đến trình độ hát đổ hột như bà. Bà cũng là người số một về lối hát hàng huê. Không chỉ hát, bà còn là tay phách lão luyện.

Gìn giữ, phổ biến

Nhạc sư lão thành Trần Văn Khê thuật lại là năm 1976, từ Paris ông được UNESCO giao việc về nước tìm xem các bộ môn nghệ thuật nào có giá trị rất cao mà đã bị chìm trong quên lãng vì chiến tranh.

Cho nên ông đã xúc tiến việc phục hồi Quan Họ và Ca Trù cũng như phổ biến hai môn nghệ thuật này ra các đại học đường ở Âu Mỹ.

Riêng về Ca Trù thì nhạc sư Trần Văn Khê ghi âm giọng hát của bà Quách Thị Hồ vào dĩa hát (khi đó, bà đã gần bảy mươi tuổi), và năm 1978, bà được UNESCO trao bằng danh dự cho sự tham gia “gìn giữ và phổ biến Ca Trù, di sản nghệ thuật độc đáo của Việt Nam và vốn quý của nhân loại ra thế giới”.

“Tỳ Bà hành” thơ Bạch Cư Dị, người dịch” Phan Huy Chú ...

Tiết mục “Tỳ Bà hành” do bà Quách Thị Hồ trình diễn, được Giáo sư Lưu Hữu Phước và nhạc sư Trần Văn Khê tích cực hỗ trợ, gởi tham dự “Diễn đàn Âm Nhạc châu Á” năm 1983. Kết quả được tuyên dương là một trong 9 tiết mục xuất sắc nhất tại diễn đàn quốc tế ấy.

“Tỳ Bà hành” ...

Năm 2004, chính phủ Việt Nam lại mời nhạc sư Trần Văn Khê về nước lập hồ sơ Ca Trù đệ trình lên UNESCO. Tuy nhiên, vì không ở thường trực tại Hà Nội, nhạc sư Trần Văn Khê chỉ nhận làm cố vấn đặc biệt cho hồ sơ.

Ban biên tập hồ sơ gồm các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Đặng Hoành Loan và Bùi Trọng Hiền, các chuyên gia như Giáo sư Vũ Nhựt Thăng, Tiến sĩ về Hán-Nôm Nguyễn Xuân Diện.

Ngày càng mai một

Theo hồ sơ Việt Nam thì cả nước hiện chỉ có 21 nghệ nhân thành thục các kỹ thuật của Ca Trù, trong đó chỉ 12 cụ là còn sức khỏe để tiếp tục trình diễn và truyền dạy. Song các cụ trí nhớ ngày càng giảm, sức ngày càng yếu trong khi thế hệ kế tiếp vẫn chưa có điều kiện để được truyền dạy.

Điều nữa là do không gian trình diễn môn nghệ thuật này dần mất đi, Ca Trù hát thờ, hát cung đình, và cả không gian của Ca Trù hát chơi cũng không còn nữa mà chỉ còn hát ca quán (tức là vừa nghe ca, vừa uống nước).

Cuộc kiểm kê di sản văn hóa Ca Trù do Viện Âm Nhạc tiến hành năm 2008 cho thấy hiện nay, số người có thể hát 10 làn điệu trở lên không nhiều, hầu hết chỉ từ 1 đến 5 làn điệu.

Về múa thì các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định rõ các điệu múa dùng trong Ca Trù. Tới giờ, chỉ có điệu múa “Bài bông” là được Nghệ sĩ Ưu Tú Phó thị Kim Đức phục dựng theo phương cách truyền nghề trực tiếp.

Về phía Nhà nước thì chưa có chính sách đãi ngộ nghệ nhân, cả với các nghệ nhân từng được phong tặng là “báu vật sống” hiếm hoi còn lại của nền văn hóa nước nhà.

“Tỳ Bà hành” ...

Nhận được tin UNESCO vinh danh Quan Họ và Ca Trù, nhạc sư Trần Văn Khê viết bài ghi lại cảm nghĩ. Theo ông thì sự việc này là “tiếng chuông cảnh tỉnh những kẻ đang bị mê hoặc bởi sự hào nhoáng của các luồng âm nhạc hiện đại, hoặc nhạc nước người, để họ quay lại, tìm hiểu thêm về các bộ môn âm nhạc truyền thống của nước nhà. Có hiểu mới thương, có thương mới chịu khó học tập, có khi đi tới trình diễn ... thì lúc ấy, nghệ thuật dân tộc Việt Nam sẽ đủ sức hồi sinh”.

Chương trình xin kết thúc nơi đây, Thy Nga hẹn tái ngộ quý vị thính giả trong kỳ tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.