Tình khúc Trần Trịnh

Thy Nga đang gởi đến quý thính giả các nốt nhạc mở đầu bài “Một đóa bâng khuâng màu e ấp”. Đây là một trong các sáng tác sau này của Trần Trịnh, mà sẽ được trình làng vào đêm 27 tới đây tại vùng Quận Cam, Nam California, Hoa Kỳ.
Thy Nga, phóng viên đài RFA
2009.03.15

tran-trinh-200.jpg
Nhạc sĩ Trần Trịnh. Hình do nhạc sĩ cung cấp khi còn sống.
“Một đóa bâng khuâng màu e ấp” qua giọng hát Bảo Yến …

Đêm nhạc do các nghệ sĩ cùng trong ban “The Stars band” với Trần Trịnh, phối hợp với Viet Foundation và nhóm “Tình ca muôn thuở” tổ chức. Nghệ sĩ Kiều Anh cho hay là cuộc vận động của Dân biểu Trần Thái Văn với Quốc hội bang California để vinh danh nhạc sĩ Trần Trịnh đã có kết quả: Văn bản “Resolution of Commendation” Dân biểu Trần Thái Văn đã có trong tay để sẽ trao cho nhạc sĩ Trần Trịnh trong đêm nhạc ấy.

Với người Việt mình, Trần Trịnh đã nổi tiếng từ năm 1968 qua các bài “Lệ đá” (lời do thi sĩ Hà Huyền Chi đặt), “Tiếng hát nửa vời”, và những nhạc khúc loại kích động do ông cùng với nhạc sĩ Nhật Ngân tung ra.

Hội nhập thị trường âm nhạc Hoa Kỳ

Với Hoa Kỳ, đất nước mà ông đến định cư từ hơn 13 năm nay, thì Trần Trịnh đã chứng tỏ được nỗ lực để hội nhập dòng chính, qua các nhạc khúc được một hãng thâu nhạc của Mỹ đưa vào thị trường.

“Forget me not” do Cody Lyons hát …

 “Forget me not” chính là bài “Một đóa bâng khuâng màu e ấp” mà quý vị nghe vào đầu chương trình.

Hilltop Records là một cơ sở về âm nhạc, nhỏ thôi nhưng đã có một số người, nhờ Hilltop khám phá tài ca nhạc, giới thiệu vào mainstream nhạc Mỹ, mà rồi được nổi tiếng.

Trần Trịnh có 4 sáng tác được Hilltop Records chọn, đưa cho dàn nhạc và ca sĩ của họ trình bày, thâu vào CD: đó là các bài “Crying rocks” từ “Lệ đá”, “Forget me not” từ “Một đóa bâng khuâng màu e ấp”, “Forever love” được thâu vào CD “The best of Hilltop” phát hành năm 2008.

“Forever love” …

Các bài vừa kể xuất phát từ nhạc Trần Trịnh, với lời tiếng Anh do Jolly (là Kiều Anh trong nhóm “Tình ca muôn thuở” ) đặt.

Nhạc khúc thứ tư là “The Stars band” kỷ niệm về ban nhạc mà Trần Trịnh từng tham gia đánh keyboard và hòa âm, cho tới khi bị bệnh.

Bốn bài đó, với cuốn CD và tập nhạc “Tình khúc Trần Trịnh” sẽ được trình làng trong đêm nhạc sắp tới, 27 tháng Ba.

Theo nhạc sĩ cho biết thì CD “Tình khúc Trần Trịnh” gồm 12 sáng tác sau này: 10 bài có lời, và 2 bản nhạc hòa tấu.

“Hoa nắng” qua giọng hát Xuân Phú …

Kiều Anh cho biết tiếp rằng mục đích nữa của đêm nhạc tới đây, là để giúp cho nhạc sĩ Trần Trịnh khuây khỏa nỗi buồn. Vợ ông mất cách nay khoảng hai tháng, khiến tinh thần ông hụt hẫng.

Ông cũng lâm bệnh từ hơn một năm nay, chỉ sống bằng tiền trợ cấp của chính phủ Mỹ.

Ngược dòng thời gian

Ngược dòng thời gian, Thy Nga xin nói sơ lược về nhạc sĩ Trần Trịnh. Nhạc sĩ tên thật là Trần Văn Lượng chào đời trên đất Thái nhưng lớn lên ở Hà Nội. Theo gia đình vào Saigon năm lên 9, theo học trường Taberd. Chú học trò rất ngưỡng mộ thày dạy nhạc, là sư huynh Rémi Trịnh Văn Phước nên ghép họ của mình với họ của thày để tạo thành nghệ danh Trần Trịnh cho những sáng tác nhạc.

Ý nhạc đầu tiên đến vào năm 14 tuổi nhưng chỉ viết được dòng nhạc chứ còn nhỏ quá để có thể viết ca từ. Phải 3 năm sau, mới hoàn tất phần lời, Trần Trịnh trình làng sáng tác đầu tay của mình: bài “Cung đàn muôn điệu” được nhiều ca sĩ chuộng hát, và nhà xuất bản An Phú phát hành.

“Cung đàn muôn điệu” do nhạc sĩ Thanh Trang hòa tấu …

Sau đó, bài “Cung đàn muôn điệu” còn được sử dụng làm nhạc chuyển mục trong một chương trình tân nhạc cùng với một sáng tác nữa của Trần Trịnh, là bài “Chuyến xe về Nam”.

Năm 1958, thi hành xong nghĩa vụ quân dịch, Trần Trịnh trở lại, theo học hoàn toàn về nhạc với sư huynh Rémi.

Buổi tối, thì đi đàn Piano tại các phòng trà và vũ trường.

Ông cũng tình nguyện tham gia ban Văn Nghệ của Trung tâm Huấn Luyện Quang Trung để có dịp ủy lạo binh sĩ. Tại đây, Trần Trịnh gặp nhạc sĩ Nhật Ngân để rồi từ năm 67, cùng với Lâm Đệ sáng tác nhiều nhạc bản, ký dưới cái tên ghép lại là Trịnh Lâm Ngân. Các bài này mang âm hưởng quê hương, và khá nổi tiếng.

Cũng trong năm này, Trần Trịnh trở thành nhạc trưởng ban đại hòa tấu và hợp xướng Đống Đa trên đài truyền hình.

Năm 1968, vào một đêm cấm trại 100% sau biến cố Tết Mậu Thân, Trần Trịnh được một nhạc sĩ giới thiệu với nhà thơ Hà Huyền Chi khi đó phục vụ tại Cục Tâm Lý Chiến. Cuộc gặp gỡ này dẫn đến việc Hà Huyền Chi nhận viết lời cho một nhạc bản của Trần Trịnh: đó là bối cảnh ra đời bài “Lệ đá”. Bài này tức khắc được mọi người yêu thích, và số bản nhạc in phá kỷ lục. Đến năm 1971 thì đạo diễn Võ Doãn Châu lấy tên “Lệ đá” đặt cho cuốn phim ông thực hiện, trong đó nhạc nền là bài “Lệ đá” do Khánh Ly hát …

Người vợ đầu của Trần Trịnh là ca sĩ Mai Lệ Huyền. Nhận thấy Mai Lệ Huyền thích hợp với loại nhạc tươi trẻ, Trần Trịnh cùng với nhạc sĩ Nhật Ngân sáng tác loại nhạc kích động cho Mai Lệ Huyền trình bày với Hùng Cường. Những buổi ca diễn của “cặp sóng thần” này làm mưa làm gió trên các sân khấu đại nhạc hội một thời.

“Tại anh tại em” Mai Lệ Huyền & Hùng Cường …

Vào các ngày cuối tháng Tư 1975, Trần Trịnh không thể ra đi vì còn cha mẹ đã trọng tuổi. Do đó, Mai Lệ Huyền cũng không mang con theo được, khi rời khỏi Việt Nam.

“Tiếng hát nửa vời” qua giọng ca Vũ Trung Hiền …

Như mọi người trong cơn lốc đổi đời, Trần Trịnh phải chấm dứt sinh hoạt trước kia. Nhạc bị gọi là “nhạc vàng” không có đất sống, Trần Trịnh cũng như những ca nhạc sĩ khác, phải theo các đoàn Cải lương hoặc gánh xiệc đi lưu diễn các tỉnh.

Bảy năm sau, khi các phòng trà dần được mở cửa, Trần Trịnh trở lại Saigon, tiếp tục đảm trách chương trình nhạc tại phòng trà Đệ Nhất Khách Sạn, kế đến là vũ trường Maxim’s. Tới năm 94 thì phải nghỉ vì bị thương nặng ở đầu gối, do tai nạn xe cộ.

Tháng 10 năm 95, do sự bảo lãnh của chị, ông cùng với người vợ sau và 2 con qua Hoa Kỳ.

Đầu năm 96, Trần Trịnh dời xuống Quận Cam để có nhiều cơ hội cho hoạt động âm nhạc. Ông ra CD “Trần Trịnh 20 năm lệ đá”, và viết hòa âm cho một số trung tâm nhạc tại Nam California nhưng chỉ được một thời gian thì phải ngừng trước sự cạnh tranh của làn sóng băng dĩa ở trong nước.

Từ đó, Trần Trịnh chỉ tham gia “The Stars band” là ban nhạc do Bác sĩ Phạm Gia Cổn thành lập và làm trưởng ban, trình diễn trong những sinh hoạt có tính cách cộng đồng.

Ca khúc “Tiếng hát nửa vời” kết thúc chương trình về nhạc sĩ Trần Trịnh …

Thy Nga chào tạm biệt quý thính giả.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
16/10/2012 21:36

Xin có ý kiến ngắn, về tiểu sử nhạc sỹ Trần Trịnh :
Ban biên tập nên xem lại chi tiết về nơi sinh của Trần Trịnh. Bài "Tình khúc Trần Trịnh" của chi Thu Nga cho rằng nhạc sỹ TT "ra đời trên đất Thái" (?) - Còn bài của anh Nguyễn Hoàng lại Viết : ông "sinh năm 1937, tại Hà Nội." ! Vậy thông tin nào đúng ? Thông tin nhầm lẫn là dễ xảy ra, không có gì to tát cả ! nhưng khán, thính giả cần có thông tin chính xác, nhất quán ! - Cảm ơn và phiền quý đài xác định, chỉnh sửa lại cho !