Được biết giáo sư dân tộc nhạc học Trần Quang Hải là một trong hai đại biểu đến từ Pháp, Thy Nga hỏi thăm ông về sự kiện này:
Nhạc cụ Cồng Chiêng
Nhạc sư Trần Quang Hải:Trước tiên, tôi muốn định nghĩa về Cồng Chiêng. Cồng Chiêng là hai nhạc cụ gõ bằng kim khí. Cồng là một cái đĩa bằng đồng, ở trên có một cái núm, đánh vào cái núm đó, thường có âm thanh vang lên rất ấm. Chiêng là một cái đĩa bằng đồng mà không có núm thành ra cái tiếng nghe không được thanh tao cho lắm. Hai cái đĩa bằng đồng đó có thể tạo ra những âm thanh đặc biệt, hòa với tiếng chập chọa hay với tiếng trống mà đặc trưng ở miền Tây Nguyên, mỗi một cái cồng và chiêng do một nhạc sĩ đánh chứ không phải như ở các xứ khác như ở Indonesia, Philippines, nó nằm trong dàn nhạc.
Lần đầu tiên
Thy Nga: Đại hội liên hoan này được tổ chức là do đâu ạ?
Nhạc sư Trần Quang Hải:Đáp lại sự phong tặng của UNESCO về Cồng Chiêng vào năm 2005 thì bây giờ, đáp ứng sự đòi hỏi của UNESCO, Việt Nam đánh dấu sự bảo tồn và phát huy Cồng Chiêng mới tổ chức đại hội, đồng thời cũng tổ chức một hội thảo qui tụ nhiều đại biểu từ các nước như Nhật Bản, Indonesia, Philippines, Lào, Campuchia, Pháp, Hà Lan, Canada, cũng như Việt Nam đến hội thảo về tầm quan trọng của cồng chiêng trong âm nhạc cổ truyền. Họ đóng góp những bài tham luận về vai trò của cồng chiêng và ảnh hưởng trong xã hội, kinh tế ngày nay.
Đây là đại hội liên hoan Cồng Chiêng quốc tế lần thứ nhứt được tổ chức về những cồng chiêng ở Tây Nguyên và Đông Nam Á.
NS Trần Quang Hải
Đây là đại hội liên hoan Cồng Chiêng quốc tế lần thứ nhứt được tổ chức về những cồng chiêng ở Tây Nguyên và Đông Nam Á.
Thy Nga: Từ trước đến giờ, trong vùng Đông Nam Á, các nước khác như ông vừa kể, chưa bao giờ tổ chức đại hội như thế này?
Nhạc sư Trần Quang Hải:Nếu nói về đại hội giống như đại hội Cồng Chiêng Tây Nguyên thì chưa bao giờ có tại vì những xứ kia tổ chức trong lãnh vực địa phương mà thôi.
Thy Nga: Vâng, như vậy xin ông cho biết sơ qua về quang cảnh, quan khách tham dự, dân chúng đến xem, và những tiết mục trình diễn.
Nhạc sư Trần Quang Hải: Ngày 12 tháng 11, hàng ngàn người đã đổ về Quảng trường 17/3 ở thành phố Pleiku để tham dự buổi lễ khai mạc cồng chiêng quốc tế với chủ đề "Âm vang Cồng Chiêng và sức sống Tây Nguyên".
gióng cồng chiêng mở hội ...
Khai hội hết sức ấn tượng với 1000 diễn viên cùng với 1000 chiếc chiêng xếp thành vòng tròn lớn.
Đại diện UNESCO, cùng với đoàn đại biểu của Campuchia, Lào, Miến Điện, Philippines, Indonesia và các đại biểu của nhiều thành phố trên toàn quốc, và khách mời trên 3000 người gồm có những diễn viên của 25 tỉnh, thành phố và thuộc 23 sắc tộc có cồng chiêng.
Hào nhoáng

Thy Nga: Có thể nói là đại hội có các điểm thành công ra sao?
Nhạc sư Trần Quang Hải: Tôi thấy là một chương trình rất hoành tráng của ngày khai mạc và bế mạc qua những ánh đèn laser, âm thanh nổ vang dội với dòng nhạc kích động của Nguyễn Cường trên một sân khấu rộng lớn. Dân chúng vùng Gia Lai được thưởng thức màn pháo hoa rực rỡ.
Điểm thứ 2 thành công là lần đầu tiên, thành phố Pleiku tổ chức đại hội liên hoan cồng chiêng thế giới lần thứ nhứt với sự tham dự của hơn 3000 nhạc sĩ, vũ công của đa số các sắc tộc Tây Nguyên cùng với sự tham dự của 5 dàn nhạc cồng chiêng của 5 quốc gia bạn.
Đây đúng là một chương trình vui chơi với mục đích du lịch, lôi kéo du khách hơn là một sự trình bày các loại cồng chiêng Tây Nguyên.
NS Trần Quang Hải
Điểm nữa là các đại biểu được đưa đến làng Konjơri để xem dân làng đánh cồng chiêng và múa hát trước ngôi nhà rong trong ánh lửa ban đêm, thưởng thức các món ăn dân tộc và uống rượu cần.
Điểm thứ tư là có buổi hội thảo rất quan trọng gồm có trên 100 đại biểu với đề tài là sự thay đổi đời sống kinh tế, xã hội và bảo tồn văn hóa cồng chiêng ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á do Viện Văn Hóa Nghệ Thuật Việt Nam tổ chức tại Pleiku.
“Đôi mắt Pleiku” nhạc bản của Nguyễn Cường với âm hưởng Jarai, Siu Black hát ...
Thất vọng
Thy Nga: Tuy nhiên, còn những điều vẫn chưa được tốt, phải không ạ.
Nhạc sư Trần Quang Hải: Đây đúng là một chương trình vui chơi với mục đích du lịch, lôi kéo du khách hơn là một sự trình bày các loại cồng chiêng Tây Nguyên. Trong buổi khai mạc, tiếng nhạc chát chúa, cái âm thanh điện tử lồng trong tiết tấu Hip hop làm điếc tai, át cả tiếng đoàn cồng chiêng đi qua khán đài danh dự. Hầu như tất cả các đại biểu đều thất vọng khi tham dự 2 chương trình khai mạc và bế mạc, Giáo sư Trần Văn Khê đã phát biểu rằng ban tổ chức quá tham lam về sự hào nhoáng bên ngoài mà quên đi tiếng cồng chiêng thực sự trong không gian thiêng liêng của núi rừng.
“Tình ca Tây Nguyên” nhạc của Hoàng Vân ...
Điểm thứ 2 không thành công là sự tốn kém quá nhiều cho hình thức đại hội, đã làm giảm đi sự vinh tôn Cồng Chiêng Tây Nguyên.
Giáo sư Trần Văn Khê đã phát biểu rằng ban tổ chức quá tham lam về sự hào nhoáng bên ngoài mà quên đi tiếng cồng chiêng thực sự trong không gian thiêng liêng của núi rừng.
NS Trần Quang Hải
Điểm thứ 3 là hội thảo quá ngắn, chỉ trong một ngày mà thôi, không ai có thời giờ để phát biểu mà đành phải chấp nhận sự tổng luận. Đáng lẽ với số những bài tham luận thì phải cần có ít nhứt 3 ngày hội thảo do đó, hầu hết các đại biểu tỏ vẻ bất mãn một chút vì không có dịp để bày tỏ những điểm trong bài tham luận của họ.
Đề nghị
Thy Nga: Riêng về nhạc sư thì có các đề nghị như thế nào?
Nhạc sư Trần Quang Hải: Sau hội thảo này thì tôi có vài đề nghị như sau:
1/ Về mặt âm nhạc, ngoài việc bảo tồn các công thức đánh cồng chiêng truyền thống, có thể sáng tác những bài bản mới dựa theo nhạc cồng chiêng cổ truyền với những tiết tấu mới tạo nên bằng cách đánh cồng chiêng theo sự đối thoại giữa cồng chiêng cha, mẹ và con. Các nhạc sĩ có thể đứng một chỗ, hay đi vòng tròn đệm cho các vũ điệu xưa.
2/ Về mặt y phục, cần phải hồi phục y phục của từng sắc dân để cho thấy sự đa màu, đa dạng chứ không phải “đồng phục hóa” y phục Tây Nguyên.
3/ Không nên chỉnh các chiêng theo thang âm Tây phương vì như vậy sẽ làm mất đi âm thanh linh thiêng của từng chiếc cồng chiêng.
4/ Gửi các đoàn cồng chiêng tham dự những đại hội liên hoan quốc tế với những tiết mục nguyên xi, không pha trộn nhạc khí Tây phương vào.
5/ Giảng dạy căn bản nghệ thuật cồng chiêng ở các trường học đủ cấp bực và đưa cồng chiêng vào âm nhạc viện.
6/ Tổ chức thường xuyên các cuộc gặp gỡ giữa các sắc tộc Tây Nguyên ở miền Trung, Mường ở miền Bắc, và Khmer ở trong Nam để trao đổi nhạc cồng chiêng.
Đặc trưng Tây Nguyên
Thy Nga: Vùng Tây Nguyên gồm có khoảng bao nhiêu sắc tộc, và nhạc cụ nào đặc trưng của họ?
Nhạc sư Trần Quang Hải: Tây Nguyên có khoảng chừng 20 sắc tộc.
Jarai, Bana, Êđê, MờNông, Rađê đông dân nhất và họ có những truyền thống đánh nhạc rất quan trọng, đặc biệt là sắc dân Jarai, họ có một cái thang âm mà tất cả những nhạc sĩ người Kinh, tức là người Việt Nam, khi muốn viết nhạc về vùng Tây Nguyên thì thường dùng cái thang âm của dân tộc Jarai.
“Rộn rã cồng chiêng” ...
Vùng Tây Nguyên đặc trưng là các nhạc cụ bằng tre giống như là khèn, đàn Tr’ưng, đàn môi, đàn Kơní nhưng mà cái quan trọng trong nhạc Tây Nguyên là dùng cồng chiêng, tức là dùng nhạc cụ gõ bằng kim khí. Từ lúc đứa trẻ mới sinh ra, lễ gọi là “xỏ lỗ tai”, đến lúc mừng chiến thắng, lễ hỏi, lễ đâm trâu, lễ mừng lúa mới, ... cả tới tang lễ, tiếng cồng chiêng lúc nào cũng đi liền với cuộc đời của người dân Tây Nguyên.
Thy Nga: Xin cám ơn nhạc sư Trần Quang Hải. Và Thy Nga hẹn tái ngộ quý thính giả trong chương trình kỳ tới.