Những ca khúc trong mùa lễ Tạ Ơn

Tiếng hát Natalie Merchant trong bài “Kind and Generous”, tạm dịch là “Lòng quảng đại”, đang mời gọi chúng ta cùng bước vào không khí dịp lễ Tạ Ơn, hay Thanksgiving của nước Mỹ.

0:00 / 0:00

Natalie đang hát lên cho mọi người những lời tạ ơn Thượng Đế cùng tất cả những người thân yêu trong đời mình, từ gia đình đến xã hội, và tất nhiên không thiếu khuôn mặt những người tình, dù là người yêu hay những cái nửa kia tốt hơn của đời ta...

Khởi thủy, lịch sử dịp lễ Thankgiving bắt nguồn từ câu chuyện những người di dân dương buồm từ Plymouth, nước Anh trên con tàu mang tên Mayflower, khởi hành hôm mùng 6 tháng 9 năm 1620 để tiến qua “Tân Thế Giới”, tên gọi của châu Mỹ lúc đó đã là thuộc địa của Anh những cũng là miền đất hứa của những người bị áp bức, kỳ thị ở châu Âu.

102 di dân dự định đến Virginia, nhưng sau chuyến hải hành 66 ngày đầy bão tố đã dạt vào Cape Cod thuộc New England, nay là thành phố cảng Provincetown.

Thuyền trưởng John Smith đặt tên nơi đó theo một thành phố cảng của Anh, Plymouth. Plymouth trở thành quê hương thứ nhì. Họ phải xin phép chính quyền Anh để được định cư, nhưng được hoàn toàn tự do, tự quyết, tự lập, trên vùng đất đầy những tài nguyên, và thổ dân da đỏ cũng là những người hiếu hòa, hiếu khách.

Nhưng niềm vui sớm tắt. Mùa đông ập tới, đoàn người thiếu chuẩn bị cho cuộc sống trên miền hoang dã, bị đói kém, đau ốm, chết chóc. Chính những thổ dân da đỏ đã giúp họ thoát cơn hoạn nạn. Thổ dân tiếp tế một phần lương thực, chỉ vẽ cho họ trồng bắp và các giống rau địa phương, chỉ cách tồn trữ thực phẩm để dành cho lúc khó khăn.

traditional-thanksgiving-dinner-250.jpg
Bữa tiệc truyền thống trong ngày Lễ Tạ Ơn. Photo courtesy of Wikipedia.

Khi mùa đông sau vừa lấp ló, họ đã trồng tỉa và để dành đủ thực phẩm cho những ngày lạnh giá. Mùa thu năm 1621, dân số chỉ còn 53 người, họ vui mừng tổ chức ăn tiệc được mùa như từng làm ở quê hương Anh Quốc. 90 người bạn da đỏ sắc dân Wampanoag cũng đến dự, có cả vua Massasoit của họ. Thực đơn có bí đỏ, ngô vàng, đậu cô ve xanh, lúa mạch, thịt nai, cá, gà vịt và tất nhiên có cả gà tây. Người Mỹ ngày nay nhớ ơn những người da đỏ, coi đó là ngày Thanksgiving đầu tiên, nhưng thực ra không phải vậy.

Năm sau bị hạn hán, Trưởng làng William Bradford ra lệnh tổ chức lễ nhịn ăn và cầu nguyện vào ngày 29 tháng 11 năm 1622. May sao, mưa đổ xuống sau đó không lâu. Di dân gọi đó là lễ Thanksgiving, mang màu sắc tôn giáo, nhưng đời sau thích coi buổi tiệc năm 1621 nổi bật tình hữu hảo với người da đỏ mới là lễ Thanksgiving đầu tiên.

Bài hát này được các trẻ em học sinh hát vang trong những mùa lễ tạ ơn, nói lên ý nghĩa của ngày lễ, khi mọi người quây quần quanh bữa tiệc mừng có mời bạn bè như tổ tiên họ đã mời các thổ dân da đỏ... Bài hát còn kể ra nào là gà tây, khoai tây nghiền, đậu cô ve, rồi thì bánh bí, cùng nhảy múa với người da đỏ trong tiếng trống bập bùng.... và bài hát không quên tạ ơn mẹ cha, ơn thầy cô giáo nữa...

Nay thì người Mỹ nghỉ lễ Thanksgiving vào ngày thứ năm và thứ sáu trong tuần lễ thứ tư của tháng 11, và họ nhớ lại đời xưa mà nói lên lời tạ ơn tất cả mọi người thân, cha mẹ, người yêu, người phối ngẫu, bè bạn. Tinh thần ngày tiệc đầu tiên giữa thổ dân với di dân Anh sang Mỹ đã trở thành tinh thần chào đón bảo bọc của toàn dân Mỹ đối với những người tìm tự do từ những miền đất có áp bức, ngược đãi trên khắp thế giới.

Người Việt ta ở Mỹ nhanh chóng hấp thụ ý nghĩa dịp lễ Tạ Ơn đã làm đẹp cho nền phong tục xứ cờ Hoa, để cùng tạ ơn mọi người, dù quen biết hay chẳng biết nhau, trong một thế giới hiếu hòa, bao dung, quảng đại như tấm lòng những người Mỹ cổ xưa nhất trên lục địa Mỹ Châu, những người da đỏ. Nhưng đầu tiên, với người Việt, thì phải tạ ơn những đấng sinh thành.....như trong bài “Tạ Ơn Cha Mẹ”, ban hợp ca Asia trình bày.

Sau cha mẹ, thì người được cám ơn và ca tụng nhiều nhất là những người phái đẹp, những nửa kia tốt hơn của phái mạnh.

asia-ta-on-250.jpg
Nhạc phẩm "Bước Chân Việt Nam" của Trầm Tử Thiêng và Trúc Hồ do TT Asia trình bày. Hình chụp từ youtube.

Bài “Tạ Ơn Em”....hay “Giữ Đời Cho Nhau” với những lời “Tạ Ơn Em” của Từ Công Phụng, Tuấn Ngọc hát lên, là nhạc phẩm được nhiều người Việt biết đến nhất trong dịp lễ Tạ Ơn, nhất là phái nam, vì đó là dịp các ông các cậu tha hồ ca tụng người yêu, người vợ, bằng những lời ve vuốt đẹp ngời mà nhạc sĩ họ Từ đã viết lên cho chúng ta...

Giới yêu nhạc chắc chưa quên một bản nhạc Pháp tuyệt vời của nhạc sĩ người Áo Udo Jurgens, nói những lời cám ơn người yêu, cám ơn cuộc tình, những ngày những đêm ngập tràn hạnh phúc dù tình nay đã vắng xa...

Jo Marcel trình bày “Merci, cherie....” nhạc phẩm đoạt giải nhất sáng tác tại Pháp năm 1966.

Đáp lại, Trương Quỳnh Anh hát “Cám Ơn Đời, Cám Ơn Anh” với lời “cám ơn tình yêu của người đã cho tôi thấy trái tim mỏng manh giữa đời bể giông”.

Lời cám ơn nào cũng làm đẹp lòng người, đẹp thêm tình người cho một thế giới hòa bình, nhân ái... Việt Long chào tạm biệt quý vị và các bạn, với lời cám ơn đã lắng nghe và thưởng thức âm nhạc cuối tuần.

(Xem bản tin video về Phụ nữ Việt với Lễ Tạ Ơn ở Mỹ)

Theo dòng thời sự: