Cho nghìn sau lơ lửng với nghìn xưa ...

Quý vị đang nghe nhạc khúc “Em cứ hẹn” do Hoàng Thanh Tâm phổ ý bài thơ “Ngập ngừng” của Hồ Dzếnh, và trình bày.

0:00 / 0:00

“Tình mất vui khi đã vẹn câu thề

Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở

Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ

cho nghìn sau lơ lửng với nghìn xưa.”

moon-niagara-falls-220.jpg
Ảnh minh họa. Photo by Sydney Tran/RFA.

Mấy câu thơ này, người Việt mình hầu như ai cũng đã nghe qua. Và những kẻ mà cuộc tình không đi đến kết cục như mong muốn thì đành ngâm nga các câu ấy để tự an ủi.

Tình cảm lãng đãng

Thế nhưng, không ít người đã đồng ý với tác giả bài thơ, là tình yêu mà dang dở thì đẹp hơn là cuộc sống vợ chồng. Hẳn là thế, vì những gì con người chưa đạt đến, khi nào cũng hấp dẫn hơn là những cái đã có trong tay. Mộng ước bao giờ cũng đẹp hơn thực tại. Tuy nhiên, phải nói là tình cảm của nhà thơ Hồ Dzếnh quá lãng đãng. Bài thơ mở đầu với câu

“Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé”,

tác giả lập lại câu này ở đầu đoạn kế tiếp, và một lần nữa trong bài. Điều này cho thấy là ông muốn thế, muốn rằng

“thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ

cho nghìn sau lơ lửng với nghìn xưa”

Thơ Hồ Dzếnh có các câu mang nét thơ cổ Trung Hoa như

“... Tô Châu lớp lớp phù kiều

trăng đêm Dương Tử, mây chiều Giang Nam

Rạc rời vó ngựa quá quan

cờ treo ý cũ mây giàn mộng xưa ...”

(trích đoạn bài thơ “Phút linh cầu”)

Chào đời năm 1916 tại làng Đông Bích, tỉnh Thanh Hóa, cha là người gốc Quảng Đông, mẹ là người Việt. Tên ông phát âm theo giọng Quảng Đông là Hồi-Tsìu-Díng. Tiếng Việt gọi là Hồi-Díng thì nghe không được hay nên ông ghi tên mình là Hồ Dzếnh. Tuy nhiên, bạn bè trong giới văn nghệ vẫn trêu đùa, gọi ông là Hồ Dính, có người còn đặt vế đối

"Hồ Dính dính hồ, hồ chẳng dính" để thách đối. Đã có vài người đối lại, nhưng nghe nói là chưa chỉnh. Vậy nhân đây, mời quý vị thính giả tham gia, đối lại nhé.

Hồ Dzếnh làm thơ, viết báo từ năm 1931 tại Hà Nội. Năm 1953, ông vào Saigon làm báo nhưng năm 54, trở ra Bắc, tiếp tục viết báo, làm thơ. Ông cũng viết nhiều truyện ngắn, truyện dài, và là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam ngay từ buổi đầu thành lập (năm 1957). Thêm nữa, ông còn mấy vở kịch đã công diễn.

Nhận định về Hồ Dzếnh, nhà thơ Hoài Anh viết:

“Phần đóng góp quan trọng nhất của anh cho văn học Việt Nam là tập truyện ngắn “Chân trời cũ” thể hiện nếp sinh hoạt, tính cách, tình cảm, tâm lý của người gốc Hoa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Hồ Dzếnh kể chuyện về cha mình, các anh chị em mình mà làm người đọc Việt Nam rung động tận đáy lòng.”

Về thơ cũng thế, tuy là người Minh Hương nhưng Hồ Dzếnh có những vần thơ hoàn toàn Việt Nam và rất mượt mà.

“... Áo em sáng dệt trời xuân thắm

Sông cũ nguồn xưa rộn trở về

Ngõ hạnh mấy mùa quên sắc thắm

nở bừng khi thoáng bóng hoa lê ...”

(trích đoạn bài thơ “Xuân đôi ta”)

Thể thơ lục bát thì nhà thơ Bùi Giáng cho rằng Hồ Dzếnh làm tuyệt hay, như bài “Rằm tháng Giêng” Hồng Vân diễn ngâm sau đây (trích đoạn) ...

Thơ Hồ Dzếnh có các bài phổ nhạc, như bài thơ “Màu cây trong khói” Dương Thiệu Tước phổ thành nhạc khúc “Chiều” rất được mến chuộng.

“Chiều” Khắc Dũng hát ...

và bài thơ “Ngập ngừng” được tới 3 nhạc sĩ phổ. Được biết đến nhiều nhất, là nhạc khúc của Hoàng Thanh Tâm - bài “Em cứ hẹn”, quý vị đã nghe ở phần đầu chương trình.

Nhạc sĩ Anh Bằng thì phóng tác thành ca khúc “Anh cứ hẹn” để người nữ cất lời, mời quý vị nghe Như Quỳnh trình bày ...

Nhạc sĩ Minh Duy thì giữ y tựa đề bài thơ để phổ, chúng ta hãy cùng nghe bài “Ngập ngừng” ...

Hồ Dzếnh từ trần vào ngày 13 tháng 8, 1991 tại Hà Nội, thọ 75 tuổi.

Nhạc khúc Chiều trong tiếng dương cầm, khép lại chương trình về nhà thơ/nhà văn Hồ Dzếnh ... Thy Nga xin tạm biệt quý thính giả ...