Làng ca nhạc Việt sau 35 năm tại hải ngoại (Phần 3)

Tình cảnh xa quê hương khiến người Việt ở các phương trời thiết tha hơn với việc bảo tồn văn hoá dân tộc.
Thy Nga, phóng viên RFA
2010.05.13
NguyenDNghia-1997-305 Cố nghệ sĩ Nguyễn Đình Nghĩa được mệnh danh "Tiếng Sáo Thần", cùng vợ là Diệu Tân chụp năm 1997.
Photo courtesy of nguyendinhnghia.net

Trong mục này, Thy Nga đã gởi đến quý thính giả những chương trình từ các danh thủ guitar chuyển soạn những bản dân ca đến các đoàn văn nghệ như “Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng” với Giáo sư Nguyễn Châu trong công cuộc duy trì và phát huy nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam, cũng như phối hợp những nét đặc biệt của các nền âm nhạc đông phương và tây phương.

Bảo tồn văn hoá dân tộc

Thêm nữa, các giáo sư dân tộc nhạc học như Trần Quang Hải, Nguyễn Thuyết Phong, ... với công cuộc giới thiệu nhạc dân tộc Việt Nam ra thế giới. Cũng thiết tha với việc này, có nghệ sĩ thổi sáo Nguyễn Đình Nghĩa cùng với ban nhạc gia đình; trong khi nhạc sĩ Lê Văn Khoa kết hợp với dàn nhạc giao hưởng nước ngoài để trình tấu các bài dân ca Việt Nam.

Chương trình sẽ có hoà tấu, sẽ có hát những ca khúc nghệ thuật với sự hỗ trợ của dàn nhạc giao hưởng quốc tế. Tôi nghĩ đây là một việc làm rất quan trọng để nói lên tiếng nói nghệ thuật của người tỵ nạn Việt Nam trên đất Hoa Kỳ.

Nhạc sĩ Lê Văn Khoa


Mới đây nhất là vào ngày 30 tháng Tư vừa qua, trong buổi lễ vinh danh Người Việt Tự Do trên hàng không mẫu hạm Midway, nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã điều khiển hai ban nhạc của học sinh trung học để tấu lên quốc thiều Việt Nam Cộng Hòa. Nhạc sĩ Lê Văn Khoa cho hay:

“Chương trình sắp tới chúng tôi dự định trình diễn vào ngày 11 tháng 9, 2010. Đó là chương trình kết hợp với dàn nhạc giao hưởng quốc tế “Kiev symphony orchestra and chorus” tại Ukrain, sẽ qua chừng 100 người.

Chương trình có phần trình diễn nhạc ái quốc của Mỹ, của Ukrain, và phần thứ hai là nhạc của Lê Văn Khoa viết, thành ra đó là một sự kết hợp văn hoá.

Đây cũng là lần đầu tiên, một dàn nhạc giao hưởng danh tiếng quốc tế trình diễn nhạc Việt Nam của người Việt Nam viết, mà trình diễn tại Washington DC, thủ đô nước Mỹ. Ngày đó cũng là ngày đặc biệt bởi vì trong chương trình, sẽ có những bài ca ngợi Tự Do, những bài nói lên niềm đau của người Việt Nam đã phải lìa quê hương, kết hợp với cái phản ảnh của tôi về niềm đau của người Mỹ trong biến cố 11/9/2001 thành ra tôi lấy tên là Eulogy để tưởng niệm những nạn nhân của biến cố đó.

Chương trình sẽ có hoà tấu, sẽ có hát những ca khúc nghệ thuật với sự hỗ trợ của dàn nhạc giao hưởng quốc tế. Tôi nghĩ đây là một việc làm rất quan trọng để nói lên tiếng nói nghệ thuật của người tỵ nạn Việt Nam trên đất Hoa Kỳ.”       

Thành công của người gốc Việt

Tran-Quang-Hai-250
Nhạc sư Trần Quang Hải. Photo courtesy of Tranquanghai blog
Nhạc sư Trần Quang Hải. Photo courtesy of Tranquanghai blog
Từ bỡ ngỡ, như Diệu Hương phải đi hỏi từng bước để thực hiện cuốn CD, thời gian trôi qua ... đến sau này thì người Việt ở hải ngoại đã vào được dòng chính của quốc gia mình đến định cư. Thy Nga ghi nhận, có Kristine Sa vào được thị trường ca nhạc của Mỹ, và mở talk show tại California. Hevin vào thị trường ca nhạc ở Canada. Roni Trọng đứng hạng 6 trong cuộc thi Idol tại Phần Lan, và được công ty Sony để ý đến.

Thanh Bùi vào top 10 Australian Idol, và cộng tác với các nhạc sĩ ngoại quốc để ra CD. “Mirror mirror” do Thanh Bùi sáng tác và trình bày.

Cũng từ Úc, Phương Vy (không phải Phương Vy “Vietnam Idol” mà là con gái của nữ ca sĩ Phương Dung) đã đóng vai nữ chính trong vở ca nhạc kịch nổi tiếng “Miss Saigon” tại Úc; Phạm Quỳnh Anh hát tại Pháp.

Có một cô trong ban nhạc trẻ của Đức được vài năm; và một số nhạc sĩ trong những dàn hoà tấu tại các nước, ... Về việc này, nhạc sư Trần Quang Hải cho biết thêm:

“Theo như tôi biết thì ở Đan Mạch có nhạc sĩ Kỳ Lân, cha là người Việt, mẹ là người Đan Mạch. Anh rất nổi tiếng về thể loại nhạc Pop, từng được Tổng thống Hoa Kỳ, Bill Clinton mời sang đàn tại White House, và đã có sang Việt Nam trình diễn mấy lần.

Phạm Quỳnh Anh thì chỉ nổi tiếng trong cộng đồng người Việt chứ người Pháp ít ai biết đến cô này. Quỳnh Anh chỉ nổi tiếng qua bài Bonjour Vietnam thì bài đó đã đi các nơi, bên Pháp cũng có các tiệm bán dĩa đó.   

Nhạc cổ điển thì có rất nhiều người Việt: Cô Đỗ Bằng Lăng đàn piano, Phạm Vinh đàn violon nổi tiếng ở Pháp và khắp Âu châu, nhạc sĩ Stephane Trần Ngọc đàn violon rất giỏi.

Theo như tôi biết thì ở Mỹ có giáo sư Nguyễn Thuyết Phong được giải thưởng National Heritage Fellow vào năm 1997, là giải thưởng quan trọng và duy nhất trong giới nghệ sĩ Việt ở Mỹ.

Nhạc sư Trần Quang Hải


Ở Ba Lan, Hungary, Ukrain cũng có một số người Việt Nam đàn rất giỏi.

Về nhạc Jazz thì ở Pháp có nhạc sĩ Nguyên Lê nổi tiếng cả Âu châu, đã thực hiện trên 16 CD. Nữ ca sĩ Hương Thanh (em gái của Hương Lan) hợp tác với nhạc sĩ Nguyên Lê thực hiện 4 CD phối hợp dân ca Việt Nam với nhạc Jazz trong loại fusion music (nhạc hoà hợp).”   

Sau những thập niên ở hải ngoại, người Việt gặt hái được thành quả đáng kể trong nhiều lãnh vực. Về ngành âm nhạc, Thy Nga được biết nhạc sư Trần Quang Hải lãnh tới hai chục giải thưởng quốc tế, kể ra thì phải cả trang nên chỉ xin ông cho biết các giải đặc biệt.

NTP-vietnamnet-250
GS Nguyễn Thuyết Phong nhận giải thưởng National Heritage Fellow năm 1997 do bà Hilary Clinton trao tặng tại Nhà Trắng. Photo courtesy of vietnamnet
GS Nguyễn Thuyết Phong nhận giải thưởng National Heritage Fellow năm 1997 do bà Hilary Clinton trao tặng tại Nhà Trắng. Photo courtesy of vietnamnet
Nhạc sư Trần Quang Hải cho biết:           

“Vào năm 1983, tôi được giải thưởng Charles Cros cho dĩa hát Việt Nam / Trần Quang Hải & Bạch Yến.

Năm 1990-91, cuốn phim “The song of harmonics” chiếm được 4 giải thưởng quốc tế của Estonia, Pháp và Canada.

Năm 1996, tôi được Medal of Crystal của trung tâm nghiên cứu khoa học của Pháp dành cho 25 năm nghiên cứu nhạc hát đồng song thanh.

Năm 2002 thì tôi được Bắc Đẩu Bội Tinh là huy chương lớn nhất của Pháp.”    

Nhạc sư am tường về sinh hoạt âm nhạc tại các nơi trên thế giới, cho nên xin hỏi thăm ông là có những người Việt nào chiếm giải thưởng về âm nhạc, và những giải nào, thì Nhạc sư Trần Quang Hải nói:          

“Theo như tôi biết thì ở Mỹ có giáo sư Nguyễn Thuyết Phong được giải thưởng rất lớn do tổng thống Bill Clinton tặng, đó là giải National Heritage Fellow vào năm 1997, là giải thưởng quan trọng và duy nhất trong giới nghệ sĩ Việt ở Mỹ. Bên Pháp, nhạc sĩ Nguyên Lê được giải Django d’Or về guitar vào năm 2006 về loại nhạc Jazz và điện tử.

Quách Vĩnh Thiện sau khi sáng tác 78 bài toàn thể truyện Kiều, 2 cuốn CD về Chinh Phụ Ngâm, và làm một số CD về nhạc thiền đã được Hàn Lâm Viện Âu châu bầu vào năm 2010 thành viện sĩ của hàn lâm viện này.

Năm 2008, Pháp tặng cho nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo huy chương về nghệ thuật và văn học.      

Về sáng tác nhạc đương đại thì ở Mỹ có tiến sĩ Phan Quang Phục mà người Mỹ gọi là P.Q. Phan là nhạc sĩ duy nhất được giải Grand Prix de Rome (tương đương với giải Oscar của ngành điện ảnh). Hiện nay, ông là phó giáo sư tại Indiana University dạy về sáng tác âm nhạc và nhạc điện tử, rất nổi tiếng ở Mỹ, được dân Mỹ xem là một trong 6 người soạn nhạc trẻ tuổi nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ.”      


Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.