Luân vũ mùa đông
2015.11.29
Một tuần lễ trôi qua với rất nhiều những sự kiện vui buồn, với Việt Nam và với cả thế giới. Trong lúc đó, đất trời cũng đang bước vào những ngày đầu tiên của mùa đông. Những chiếc que diêm cũng bắt đầu được đốt lên nhiều hơn để thổi bùng những đóm lửa sưởi ấm trong ngày đông giá. Có phải mùa đông sắp đến trong thành phố?
Mùa đông sắp đến…
“Mùa đông sắp đến trong thành phố
Buổi chiều trời lạnh
Heo may từng cơn gió bước chân về căn gác nhỏ
Nhìn xuống công viên.
Ngồi xem lá úa trên đường vắng
Buổi chiều ngủ vùi
Cô đơn còn theo dấu những đêm dài nghe tiếng sầu
Thì thầm với nhau…” (Mùa đông sắp đến trong thành phố)
Sau một đêm thức dậy, chúng ta bỗng thấy những chiếc lá úa vàng cuối cùng trên cành cũng phải rơi theo cơn gió heo may đang tràn về. Ô cửa sổ không thể mở toang để có thể chào đón ánh nắng hiền hoà, se dịu của mùa thu. Những người hành khất không nhà cũng co ro hơn trong buổi chiều tắt nắng sớm. Những hàng cây dần dần trơ trụi lá tạo thành bức vẽ khô cằn trên bức tường thành phố. Bức vẽ ấy là dấu hiệu của một mùa đông nữa, sắp đến trong thành phố, như nhạc sĩ Đức Huy đã nói trong ca khúc của mình.
Mùa đông, mùa cuối cùng trong một năm. Mùa tụ hội những trăn trở, băn khoăn, vui buồn khi thời gian đang chạm đến ngày cuối cùng của vòng quay 365 ngày. Lúc đó, trong cái cảm giác nôn nao đón chờ năm mới thì người ta cũng dễ say sưa với những giấc ngủ vùi mỗi sáng, cuộc tròn trong chiếc chăn ấm, mặc cho ngoài trời gió đông ngõ cửa.
Nếu mùa đông của Đức Huy là hình ảnh người thiếu nữ mang dáng vẻ cô đơn trong miền băng giá của buổi chiều lạnh cùng nỗi tương tư suốt những đêm dài cùng tiếng sầu, thì mùa đông của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng là một bản tình ca cất lên cho một cuộc hẹn hò không tròn vẹn như lời đã hứa.
“Bài tình ca mùa đông anh hát giữa đêm lạnh giá
Tình còn mãi chờ mong thấp thoáng bóng em vợi xa
Hẹn hò sẽ vì nhau qua phong ba
Anh cố bước, đôi chân chậm quá!
Để rồi ta gặp nhau, mới biết em không đợi nữa
Trời lại thêm mùa đông, cho tuyết than trên đầu non
Kỷ niệm giăng ngập đêm nay trong mưa
Anh hứng nốt những giọt cuối mùa…” (Bài tình ca mùa đông)
Mùa đông về cùng với những kỷ niệm giăng ngập trong đêm mưa lạnh giá. Bên ngoài, tiếng nhạc đêm đông rả rích. Bên trong, là nỗi nhớ mỗi ngày mỗi đầy. Hình như mùa đông đã lạnh, nay càng thêm lạnh trong tiếng nhạc Tango giận hờn. Trầm Tử Thiêng đã chọn điệu Tango cho bài tình ca mùa đông của mình, khắc khoải càng thêm khắc khoải, cô đơn càng thêm cô đơn. Chỉ có thể là mùa đông mới có thể làm cho ông viết lên những giai điệu như thế.
Nhưng rồi, cũng có những người yêu mùa đông, yêu cái lạnh giá, cho dù đó là mùa đông của chia ly, như cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã từng yêu một mùa đông như thế.
“Ngày nào anh yêu em, anh đã quen trong cay đắng tuyệt vời.
Ngày nào em yêu anh, em hẳn quên với trời hạnh phúc mới
Em ơi Đông lại về từ trăm năm lạnh giá
Tim anh như ngừng thở, từ sau ân tình đó ...
Em nghe không? Mùa đông, mùa đông
Ngày nào ta xa nhau, anh bước sâu trong vũng tối nhạt nhòa
Từng mùa đông theo qua, anh đã quen với đường đời băng giá
Xưa hôn em một lần, rồi đau thương tràn lấp
Anh yêu em một ngày và xa em trọn kiếp
Nên anh yêu mùa đông, nên anh yêu mùa đông, ôi Mùa Đông của anh. …” (Mùa đông của anh)
Đêm đông và lữ khách
Trong bốn mùa của đất trời, thì có lẽ mùa đông là mùa làm cho người ta dễ dàng thấy cô đơn nhất, cho dù đây cũng là một trong những mùa lễ hội lớn nhất và lãng mạn nhất trong năm, mùa Giáng Sinh, mùa của yêu thương và của những lời chúc tụng. Bất cứ người Việt Nam nào, mỗi khi nghĩ về mùa đông, thì hầu như người ta nghĩ ngay đến giai điệu trầm buồn, chậm chạp, lạnh lẽo của một đêm đông với lữ khách tha hương không nhà.
“Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống
Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông
Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời
Cùng mây xám về ngang lưng trời
Thời gian như ngừng trong tê tái
Cây trút lá cuốn theo chiều mây
Mưa giăng mắc nhớ nhung, tiêu điều
Sương thướt tha bay, ôi! đìu hiu…” (Đêm đông)
Trong lần trả lời phỏng vấn của nhà báo Lê Quang Thanh Tâm, danh ca Bạch Yến, hiện sống ở Pháp, là con dâu của GS. Trần Văn Khê kể rằng:
“Tôi trình bày ca khúc này năm 1958, lúc đó tôi mới 16 tuổi. Thời ra đời của Đêm đông và Sơn nữ ca chỉ mới có các nhịp điệu fox trot, valse, tango, boston... Mãi sau năm 1950 mới có điệu slow rock. Đêm đông ngay từ lúc mới ra đời đã mang giai điệu tango. Chính tôi đã gặp nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, trao đổi và xin ý kiến đổi cách hát Đêm đông từ điệu tango sang điệu slow rock. Thật bất ngờ, khán giả hài lòng và giai điệu này được giữ cho đến bây giờ…”.
Đêm đông được cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương viết khi ông đang học chuẩn bị thi tú tài ở Hà Nội năm 1939. Năm ấy, vì không có tiền, nên ông không thể về nhà ăn Tết cùng gia đình. Lang thang trên phố phường giữa cái lạnh mùa đông Hà Nội cho đến khi mệt nhoài, ông về phòng trọ của mình và cho ra đời ca khúc Đêm đông trong đêm đó.
Những tư liệu về ca khúc nổi tiếng này đều nói rằng hình ảnh người ca nhi trong ca khúc chính là người ông đã nhìn thấy trong đêm ông đi lang thang giữa phố Hà Nội.
Cho đến tận bây giờ, người ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng, và người thiếu phụ ngẩn ngơ mong chồng trong ca khúc này đã trở thành tiếng nói chung cho tâm tư của tất cả những người xa quê, mơ về một mái ấm, một gia đình, một quê hương xa vời vợi.
Và cho dù đến khi họ đã dừng bước phiêu lãng, nhưng Đêm đông vẫn được nhắc đến như kỷ niệm của ngày tháng cũ, như câu chuyện của Trang, cô gái đã trải qua năm mùa đông ở Ottawa cách đây 10 năm.
“Trước đây, và cả bây giờ, dù đã không còn sống xa gia đình, bạn bè, nhưng tôi vẫn còn thói quen nghe ca khúc này mỗi khi Giáng Sinh về, vào cuối năm. Ở Sài Gòn, mùa đông, và Giáng Sinh không lạnh như nơi tôi đã từng sống và học, trời chỉ hơi se lạnh. Nhưng cái lạnh đó cũng đủ để tôi cảm nhận hết sự cô đơn của tác giả khi viết lên ca khúc này. Tôi nghĩ, Đêm đông là ca khúc kinh điển của Việt nam khi nói về mùa đông.”
Như một vòng luân vũ, mùa đông này trôi qua, mùa đông khác sẽ đến. Xuân, hạ, thu, đông, bốn mùa thay áo. Mỗi sớm mai thức dậy, chúng ta biết rằng một đêm đông đã trôi qua, và một ngày mai đang đến. Cho nên, dù đó có là cơn gió lạnh cắt da, nhưng đâu đó, vẫn sẽ luôn có những ngọn lửa ấm áp nuôi dưỡng nguồn khát vọng cháy bùng cùng ngày mới.