Đôi nét về nhạc Rap và Rap Việt
2013.11.10
Trong số những email nhận được từ quí thính giả gần đây, chúng tôi có được một số yêu cầu giới thiệu về những loại nhạc mà phần đông giới trẻ Việt Nam yêu thích như hip hop và rap. Hôm nay chúng tôi xin được cùng quý vị điểm lại đôi nét về nhạc rap và rap tại Việt Nam.
Có thể nói, rap bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam khoảng hơn một thập kỷ trước. Điểm đặc biệt của rap khi du nhập vào Việt Nam là trực tiếp từ Hoa Kỳ chứ không đi đường vòng thông qua các quốc gia Châu Á láng giềng như một số thể loại nhạc khác mà giới trẻ Việt học hỏi. Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều về thể loại nhạc này, nhưng khó có thể phủ nhận được sự tác động ngày càng phổ biến của rap đến những ca khúc của giới trẻ Việt Nam, nhất là trong những bài hát sôi động, lời rap tạo điểm nhấn cho bài hát thêm phần lôi cuốn, thú vị, mang sự phá cách khác thường.
Nguồn gốc nhạc rap
Chắc hẳn quý vị tự hỏi nghĩa thực sự của rap là gì? rap là viết tắt của 3 chữ Tiếng Anh: rhythm and poetry (nghĩa là nhịp và thơ). Rap là hình thức thể hiện giọng hát trên nền nhạc hip hop, vì thế rap và hip hop luôn đi kèm với nhau, có thể hiểu một cách đơn giản, rap là một thể loại nhạc người hát thuộc lòng những câu gieo vần nối tiếp nhau theo một giai điệu. Những tay rapper luôn ấn tượng với những chiếc quần rộng thùng thình, mũ lưỡi trai và những đồ phụ kiện đeo lủng lẳng đầy mình.
Bắt nguồn từ Hoa Kỳ, rap được người ta biết đến từ những năm 1980, hiện tượng âm nhạc này đã thu hút và lôi cuốn giới trẻ cả thế giới theo một phong cách mới: phóng túng và đầy cá tính.
Ngược dòng lịch sử của rap, loại nhạc này bắt nguồn từ tầng lớp người lao động nghèo khổ hay thậm chí là những kẻ tù tội, rác rưởi, của những người được coi là tận cùng trong xã hội Hoa Kỳ, vì thế họ được gắn với cái tên ghetto. Cuộc sống bần hàn, súng đạn, bạo lực và đen tối... như một cái vòng luẩn quẩn... để thoát khỏi sự đói khổ, bần cùng ấy, những ghetto này phải lên tiếng để xã hội chú ý đến họ... và rồi những tiếng nói ấy của họ đã dần dần trở thành những ngôn ngữ ban đầu đặt nền móng cho rap.
Vì thế, những chủ đề mà các tay rapper hướng đến thường là những gì bị xem là "đầu đường xó chợ" ghẻ lạnh, của những tay anh chị, băng đảng, du côn, họ sử dụng những ngôn từ của kẻ thất học, hận thù, bế tắc và thậm chí là cả chết chóc. Đối với họ rap là thứ duy nhất để họ góp tiếng nói với bên ngoài và rap là liều thuốc duy nhất để những ghetto có thể làm để khiến bộ não của họ hoạt động.
Thế nhưng vì sao rap lại vẫn tồn tại và có một sức sống mãnh liệt đến vậy, có lẽ tại bởi trong sâu thẳm ý nghĩa của những ca từ bạo lực, bị xem như chửi rủa kia lại là tự do: công lý trong bất công, niềm vui trong bất hạnh và tương lai trong bế tắc. Chứa đựng trong những lời rap tưởng chừng vô nghĩa, "đường phố" và thô tục kia lại là ước mơ của những kẻ cùng khổ, họ phơi bày sự thật trần trụi, bất công hay thậm chí cả sự phân biệt giai cấp và màu da. Nói chung, ở rap không có bất cứ một ranh giới hay rào cản nào mà người ta có thể ngăn trở được những tay rapper thực thụ cất lên lời, họ bước ra khỏi hận thù và ước mong về một thế giới hòa bình, yên ấm.
Nếu quí vị nghe những lời rap mà không hợp lỗ tai thì cũng là điều dễ hiểu, vì rap không phải dành cho tất cả mọi người, bởi ngay thậm chí tại Mỹ, nơi sản sinh ra rap cũng chỉ có một số nhỏ người nghe chấp nhận được, nhiều gia đinh cấm con em của họ nghe loại nhạc của "quỷ dữ" và trong quá khứ, rap đã từng không được thừa nhận một cách chính thức như những dòng nhạc thuần chủng kiểu pop, country, rock, R&B... Dư luận lên án mạnh mẽ nhạc rap, thậm chí người ta còn nghiên cứu thấy tỉ lệ thuận giữa những thanh thiếu niên nghe nhạc rap và tội phạm.
Mặc dù những từ ngữ trong rap bị xem là dung tục, chợ búa, khiến nhiều người lầm tưởng rằng rap là phải chửi, nhưng thực tế không hẳn vậy, bởi nếu cố tình gượng ép đem những lời lẽ thô thiển và cục cằn gượng ép cho rap thì sẽ bị phản tác dụng.
Có 3 yếu tố cơ bản tạo nên rap là flow, hiểu nôm na là nhịp "chảy" của rap với những quãng ngắt nghỉ, điểm nhấn để tạo sự liền mạch mà người nghe không cảm thấy bị hụt hẫng, thứ hai là twist, đó là kỹ năng thay đổi nhịp đột ngột, tăng tốc ở một nhóm từ hay một vài câu trong ca khúc, thậm chí rất nhanh đến nỗi người nghe không thể đoán hay nhận ra ca từ và cuối cùng là battle, đó là môi trường để các tay rapper thể hiện khả năng ứng khẩu, ngẫu hứng đối đáp.
Ngoài ra, trong rap cũng có trường phái cổ điển và biến thể. Trường phái cổ điển có nhịp đơn giản, không sử dụng nhiều kỹ thuật, ca từ chú trọng đến vần điệu, trong khi đó rap biến thể được sử dụng nhiều hơn ở các nước du nhập châu Á với đặc điểm chính là nhịp phức tạp, đi kèm cùng những nhạc cụ nền như violon, piano, harmonica, có flow nhanh và không quá chú trọng đến lời hát.
Bên cạnh đó, rap được chia thành 2 hình thức cơ bản là rap underground là người hát dấu mặt và ngược lại overground là người hát lộ mặt.
Nhạc rap tại Việt Nam
Người đầu tiên được cho là đưa rap đến với Việt Nam là chàng thanh niên có tên Khanh Nhỏ sinh sống tại Hoa Kỳ với bài hát có tên Vietnamese Gang. Nội dung bài hát này giống với cái tên "gang" có nghĩa "băng đảng" nên nó cho thấy sự phá phách, giang hồ muốn thể hiện một cái tôi đậm chất Việt giữa một quốc gia đa chủng tộc, đa sắc dân như Hoa Kỳ. Vietnamese Gang là bài hát đầu tiên đại diện cho ghetto Việt tại Hoa Kỳ mà đến bây giờ nhiều người vẫn xem như đặt nền tảng cho rap Việt.
Sau Khanh Nhỏ có khá nhiều người Việt khác rap cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh trong một nhóm mang tên vietrapper, thế nhưng, đa phần các bài hát của nhóm này thường có nội dung hay những câu chữ giang hồ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt, nên không được chấp nhận một cách rộng rãi trong xã hội. Những nhân vật trong nhóm này thường bị xem là đua đòi, a dua và thường bị nhận những ánh mắt thiếu thiện chí của mọi người dành cho mình.
Rap Việt bùng phát mạnh từ những năm 1997 đến 2005... Trong giai đoạn này, với sự phát triển mạnh của mạng internet và dịch vụ thu âm giá rẻ nên đã có nhiều rapper Việt xuất hiện đến mức không thể kiểm soát nổi con số. Tuy nhiên, rap Việt bị đánh giá là mang tính bột phát, sự phát triển không chiều hướng, và không có lối đi riêng, nên vô hình chung đã biến rap Việt thành sự hỗn loạn.
Kể từ năm 2006 đến nay, rap Việt đã trở thành một làn sóng, cùng với thể loại nhạc hip hop, rap hip hop đã được giới nghe nhạc trẻ tuổi yêu thích. Những cái tên được người ta chú ý nhiều đến như Andree (tên thật Bùi Thế Anh), Đinh Tiến Đạt, LK (tên thật Nguyễn Quang Hưng), Lil Shady (tên thật Nguyễn Minh Đức), Kyo (tên thật Lê Hải Sơn) và tay rap nữ Suboi (tên thật Trang Anh).
Những nghệ sĩ rap Việt Nam ngoài sự nổi tiếng, tài năng... thì chắc hẳn một điều khiến họ luôn sống với âm nhạc là bởi sự đam mê, bộc lộ cảm xúc, cá tính và thể hiện cảm hứng vượt ra khỏi những quy chuẩn khắt khe của âm nhạc truyền thống... chắc chắn con đường của rap Việt còn nhiều chông gai, nhưng chúng ta cứ thử chờ đợi để chứng kiến về tương lai của một dòng nhạc còn mới mẻ ở nước nhà...