Những ca khúc về thầy cô và trường lớp

Tạp chí âm nhạc kỳ này Vũ Hoàng xin gửi tặng đến quí vị những bài hát để tỏ lòng thành kính đến những người thầy, người cô nhân ngày 20/11 – ngày nhà giáo Việt Nam.
Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2011.11.21
Hoc-sinh-tan-truong-1-3058.jpg Học sinh trường trung học Trần Phú - Hoàn Kiếm ở Hà Nội, ảnh chụp hôm 15/09/2011.
RFA PHOTO

Nhạc phẩm Mãi Không Quên

Thưa quí vị, cứ mỗi năm đến ngày 20/11, dù có là ai, ở nơi đâu và có làm gì đi chăng nữa, thì người Việt Nam lại hướng lòng mình về những người thầy, người cô, những người đã dìu dắt ta đi những bước đi trí tuệ đầu tiên trên đường đời.
Vào ngày này, lời thơ của bài “Người lái đò” lại vang vọng lên trong tâm trí chúng tôi, những kẻ đi đò, đôi khi trong dòng đời bận bịu lãng quên công sức của “người lái đò” năm xưa:

Một đời người - một dòng sông...
Mấy ai làm kẻ đứng trông bến bờ,
"Muốn qua sông phải lụy đò"
Đường đời muôn bước cậy nhờ người đưa ...

Tháng năm dầu dãi nắng mưa,
Con đò trí thức thầy đưa bao người.
Qua sông gửi lại nụ cười
Tình yêu xin tặng người thầy kính thương

Bây giờ mỗi lần nhớ lại kỷ niệm thời đi học với các thầy cô thì mình cảm thấy rất biết ơn, nhờ thầy cô, nhờ sự nghiêm khắc ngày đó, thì mình mới được như ngày hôm nay.

Bạn Tố Nga

Vâng, thưa quí vị, đã có vô số những bản nhạc, lời thơ được ra đời để vinh danh các thế hệ thầy cô, những người cha, người mẹ thứ hai trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Ngày 20/11 là dịp để các thế hệ học trò tỏ lời tri ân, với truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt, đến những người làm trong nghề giáo dục.  
Ca khúc Những Điều Thầy Chưa Kể

Nhân dịp này, chúng tôi trò chuyện với một số bạn trẻ và được các bạn chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ trong thời cắp sách tới trường. Tố Nga, một bạn gái dù đã tốt nghiệp đại học, hiện đang đi làm, nhưng ký ức về cô giáo chủ nhiệm năm cấp 3 như vẫn mới hôm qua:

“Lúc em mới chuyển trường từ một trường cấp 2 đến một trường khác gần nhà hơn. Lúc đi học, cô giao cho các tổ trưởng kiểm tra ngoài môn tiếng Anh ra, còn có môn học thuộc nào sẽ kiểm tra đến sớm trước nửa tiếng, mấy bạn ấy sẽ kiểm tra mình bằng thuộc thì thôi. Ai mà không thuộc, trưa hôm ấy sau khi ăn cơm sẽ phải ngồi chép phạt, mà em mới chuyển trường, nhìn thấy những hình phạt ấy, em cực kỳ sợ luôn. Hồi đó còn kém tiếng Anh mà cô là giáo viên chủ nhiệm tiếng Anh nữa chứ, ôi sợ lắm.

girl-schoolers-in-ao-dai-305.gif
Các nữ sinh Việt Nam trong tà áo dài. AFP PHOTO.
Thế là về nhà học như điên, không phải thích học mà sợ quá phải học, học say học sưa. Sau một học kỳ ấy, chỉ vì sợ bị phạt, mà sau nửa năm đã được vào đội tuyển thi học sinh giỏi Tiếng Anh của trường với khởi điểm là nỗi lo sợ chép phạt thôi. Dần dần qua thời gian, cô trò quen nhau, thấy cô rất là tình cảm, coi học sinh như con em của mình, cũng quát mắng làm việc này, việc kia chứ không chỉ là việc học. Bây giờ mỗi lần nhớ lại kỷ niệm thời đi học với các thầy cô thì mình cảm thấy rất biết ơn, nhờ thầy cô, nhờ sự nghiêm khắc ngày đó, thì mình mới được như ngày hôm nay.”

Vâng, có lẽ chính sự nghiêm khắc, tình thương của thầy cô như lời bạn Nga kể sẽ là một hành trang về tính kỷ luật mà những biết bao thế hệ học trò sẽ mãi mang theo trong suốt cuộc đời.

Ca khúc Thầy Ơi

Tâm sự với chúng tôi, bạn Tố Như không thể nghĩ rằng thời gian lại trôi nhanh đến như vậy, và mỗi khi đến ngày 20/11, bạn vẫn đến thăm cô và kỷ niệm xưa vẫn ùa về như thuở nào:

Cô tớ mặc dù ốm như thế, nhưng thương học trò, mặc dù rất mệt, nhưng cô tớ vẫn cố gắng đến trường để dạy bọn tớ học, đấy là kỷ niệm tớ không bao giờ quên được từ bây giờ đến hết cả đời.

Bạn Tố Như

“Cô giáo của tớ hồi cấp 1, cũng không biết là cơ duyên như thế nào nhưng cô quan tâm đến tớ như một người con của cô. Cô chăm chút đến cả cái tóc tớ buộc như thế nào, bộ quần áo tớ mặc ra làm sao hay cái khăn đỏ tớ thắt như thế nào. Có một lần cô ốm, lớp tớ phải phân chia học cùng các lớp khác. Nhưng sau khi bị sẻ ra như thế thì các bạn ở các lớp khác bình thường đố kị với lớp tớ về thành tích, thế nên các bạn rất xa lánh bọn tớ, cả lớp tụ tập lại, quyết định không học nữa, kéo đến nhà cô, cả lũ khóc thút thít. Cô tớ mặc dù ốm như thế, nhưng thương học trò, mặc dù rất mệt, nhưng cô tớ vẫn cố gắng đến trường để dạy bọn tớ học, đấy là kỷ niệm tớ không bao giờ quên được từ bây giờ đến hết cả đời.

Mỗi lần ngày 20/11, bọn tớ lại đến thăm cô, cô với trò lại nhắc về những kỷ niệm cũ, cảm giác như mới ngày hôm qua thôi. Bây giờ cô đã về hưu và rất già rồi, bọn tớ vẫn quen miệng gọi cô là cô thôi, mặc dù tóc cô đã bạc trắng rồi, không nghĩ rằng cô mình đã già như thế. Trong tâm thức của mọi người, thì vẫn là những người cô, người thầy tại thời điểm mình học lớp 4, lớp 5.”

Vâng, cám ơn bạn Tố Như đã cho chúng ta sống lại những kỷ niệm xưa bé, để tận hưởng lại tình cảm thương yêu mà thầy cô đã dành tặng cho chúng ta từ những ngày bỡ ngỡ bước chân vào trường lớp.

Trước khi chia tay, Vũ Hoàng xin được thay mặt các bạn học trò gửi lời tri ân đến những thầy cô giáo còn đang đứng trên bục giảng hay đã về hưu lời cám ơn chân thành vì công sức và sự dìu dắt của các thầy cô mang đến cho nhiều thế hệ học trò sự thành công trong cuộc sống âu đó cũng là truyền thống “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” hay “không thầy đố mày làm nên” mà người Việt Nam sẽ mãi không quên. Vũ Hoàng xin chào và xin hẹn gặp lại quý vị trong các chương trình âm nhạc tiếp theo.


Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.