Hội Xuân - Quan Họ Bắc Ninh
2013.02.24
Cứ vào dịp trung tuần tháng giêng, khoảng từ 12 đến 14, ngay sau Tết Nguyên Đán, người dân vùng đất Quan Họ Bắc Ninh lại tổ chức lễ hội Xuân đầu năm, là dịp để các liền anh, liền chị gặp mặt chúc tụng, hội hè và cũng là lúc để tiếng hát Quan Họ nổi tiếng vùng đất kinh Bắc được vang xa, và được du khách từ khắp mọi miền đất nước thăm viếng.
Trong chương trình âm nhạc kỳ này, nghệ sĩ Nguyễn Hữu Duy sẽ gửi đến quý vị ý nghĩa dịp gặp mặt đầu Xuân của các liền anh, liền chị, cũng như một ngày hội của làng Lim diễn ra như thế nào.
“Quan Họ thông thường gặp nhau vào mùa Xuân; mùa Xuân là mùa của Quan Họ, là không gian của Quan Họ; môi trường của Quan Họ là mùa Xuân; người ta ví mùa Xuân như một môi trường cho Quan Họ tồn tại và thể hiện.
Hàng năm, cứ mỗi độ Xuân về thì làng Quan Họ sở tại mời Quan Họ bạn (nghĩa là Quan Họ bạn kết bạn với mình) sang làng Quan Họ của mình để du Xuân.
Hát chúc mừng
Họ gặp nhau ở cổng làng và hát những câu hát chúc, hát mừng; sau đó, họ dắt nhau vào trong đình, cùng thắp hương Thành Hoàng Làng và hát những câu hát thờ; rồi sau đó, họ ra trung tâm lễ hội, hát với nhau ở lễ hội, hát ở hội, họ có thể hát trên bộ hoặc có thể hát ở dưới thuyền. Sau khi hát ở trên bộ và dưới thuyền như vậy, họ cùng nhau về nhà chứa, để thưởng thức những canh hát Quan Họ thâu đêm suốt sáng. Quan Họ gặp nhau về mùa Xuân là như thế.
Hát chúc, hát mừng là khi họ mới gặp nhau họ hát những câu hát chúc mừng để mừng sức khỏe nhau. Họ thường hát ở đầu làng hoặc khi Quan Họ mới gặp nhau. Thường thì họ hát những bài như:
hôm nay tứ hải giao tình,
tuy rằng bốn bể nhưng chung một nhà,
hôm nay gặp mặt giao hòa,
nguyện xin nguyệt lão giăng già se duyên.
Những bài hát chúc mừng thì họ thường hay hát giọng lề lối, mà không hát những giọng lẻ, giọng vặt.
Còn khi hát ở trên bộ hoặc hát ở dưới thuyền, trong Quan Họ gọi là hát hội. Khi hát hội thì người ta không hát những bài theo giọng lề lối, mà người ta hát những bài thuộc giọng lẻ, giọng vặt, chẳng hạn những bài như: Mời Nước, Mời Giàu, Hoa Thơm Bướm Lượn, Yêu Nhau Cởi Áo Cho Nhau, hay Ngồi Tựa Mạn Thuyền, Ngồi Tựa Song Đào, hay những bài hát về giao duyên như Lý Giao Duyên, Lóng Lánh Lúng Liếng… đó là những bài hát trong hát hội hay dùng.
Hát hội
Hát hội là hình thức ca cầu vui, chủ yếu hát ở trung tâm hội làng, nghĩa là hội mùa Xuân, bao gồm cả hát trên bộ và hát dưới thuyền. Chính vì là hát cầu vui nên những câu hát cầu vui ở nhà riêng của liền anh, liền chị nào đó có tiệc mừng, người ta cũng gọi là hát hội và cũng ca theo lề lối quy định của hát hội. Tuy nhiên, khi ca ở nhà riêng thì mỗi giọng quan họ ngồi ở một chiếu, hoặc một bên tràng kỷ rồi ngoảnh mặt vào nhau mà hát. Còn ở trong hát hội, thì người ta đứng trên bộ hoặc dưới thuyền và ngoảnh mặt vào nhau mà hát.
Trong hát hội, lề lối quy định là từng cặp (nghĩa là từng đôi một), đôi nam hoặc đôi nữ từng cặp Quan Họ kết bạn tìm địa điểm thích hợp đứng ngoảnh mặt vào nhau mà hát hoặc là thực hiện nguyên tắc “nam tòng nữ”hoặc là “âm xướng dương họa” nghĩa là bên nữ bao giờ cũng được ca câu trước, nghĩa là bên nam nhường quyền cho bên nữ ca câu trước. Đấy là quy định của Quan Họ, Quan Họ bao giờ cũng khiêm nhường, bao giờ cũng tôn trọng các liền chị, bao giờ khi ra câu, các liền anh cũng nhường các liền chị ra câu trước, sau đó, các liền anh hát đối lại.
Trong hát hội, nếu như ở làng quan họ sở tại mà tổ chức hát canh thì Quan Họ sẽ về nhà chứa để hát canh mà không hát những bài hát thuộc hệ thống bài hát giã bạn ngoài lễ hội, mà người ta sẽ về nhà chứa để hát canh.
Nếu như sau cuộc hát hội đó, mà không có hát canh nữa, thì sau những bài giọng lẻ, giọng vặt, người ta sẽ hát những bài thuộc hệ thống giã bạn như Người Ơi, Người Ở Đừng Về, Kẻ Bắc Người Nam hoặc là Con Nhện Giăng Mùng…
Hát canh
Khi trở về nhà chứa để hát canh, thì đây có thể được coi là cuộc tranh tài cao thấp giữa Quan Họ của hai làng, nhưng thực chất là hát để cho vui chứ không phải thi thố gì cả, nhưng trong cuộc hát vui này có phân ra bên thắng, bên thua. Hát canh chỉ có trong hội xuân và vào ban đêm, hát canh chỉ có ban đêm, mà không có trong ban ngày. Ở hình thức hát canh này, sự so tài cao thấp không phải là thi mà chỉ là cầu vui mà thôi.
Sau khi mời bạn vào nhà chứa, mỗi bên nam bên nữ ngồi bên chiếu hoặc bên tràng kỷ. Bên chủ bao giờ cũng ca câu Mời nước, Mời trầu và phải có nước, có trầu thực mà mời khách. Còn khi vào cuộc hát canh rồi, thì có lề lối quy định như thế này, đây là cuộc hát đầy đủ nhất tất cả các hệ thống giọng, bao giờ người ta cũng hát giọng lề lối đầu tiên của một canh hát, chẳng hạn: La Rằng, Tình Tang, Cái Ả, Cây Gạo…
Sau đó, người ta mới sang hát giọng lẻ, giọng vặt, người ta có thể hát lại những bài như Ngồi Tựa Mạn Thuyền, Ngồi Tựa Song Đào, Còn Duyên hay Lóng Lánh, Lúng Liếng…một bên ra thì bên kia lại đối lại, và cuối cùng của mỗi một canh hát, người ta hát những bài hát thuộc hệ thống giọng giã bạn, thì đó là một canh hát.
Một canh hát nằm trong cuộc hát canh này, mỗi một đêm hát canh thì có nhiều canh hát diễn ra, nghĩa là mỗi một canh hát có một đôi liền anh hát đối đáp lại với một đôi liền chị qua đủ 3 giọng lề lối như vậy thì đó được gọi là một canh hát.”