Bóng chày với giới trẻ Việt Nam

Những ngày tháng 4 vừa qua, học sinh, sinh viên nhiều trường ở Hà Nội có dịp được tiếp xúc và chơi bóng chày với một huấn luyện viên người Mỹ, ông Phil Rognier.

0:00 / 0:00

Đây không phải là lần đầu tiên người Hà Nội chơi bóng chày nhưng môn thể thao này vẫn còn là khá mới mẻ đối với đa số người dân Việt Nam. Tuy thế, đã có những bạn trẻ, những người nước ngoài quyết tâm chung tay xây dựng môn thể thao này ở Việt Nam với hy vọng một tương lai không xa nó sẽ được đón nhận không kém gì môn thể thao vua, bóng đá. Tạp chí câu chuyện hàng tuần kỳ này sẽ gửi tới quý vị những tìm hiểu về môn thể thao này ở Việt Nam.

Thử cái mới

Cách đây khoảng 3 năm khi sân bóng chày đầu tiên của Việt Nam được khánh thành tại trường trung học Lê Lợi, ở thị xã Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, ít ai có thể nghĩ môn thể thao này sẽ nhanh chóng được các bạn trẻ Việt Nam đón nhận và chơi rộng rãi. Nhưng trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2009, ông Phil Rognier giám đốc điều hành quỹ First Swing, một tổ chức phi chính phủ về môn bóng chày tại Mỹ, đã hết sức ngạc nhiên về sự đón nhận nhiệt tình của người Việt Nam với môn thể thao này. Ông nhớ lại:

Điều tôi thích ở họ là họ muốn được thử cái mới và không sợ thất bại. Và đó là điều quan trọng trong cuộc sống vì cuộc sống là bạn phải luôn cố gắng và đừng sợ thất bại.

Ông Phil Rognier

Phil Rognier: Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam là vào tháng 4 năm 2009. Ấn tượng đầu tiên là sốc thực sự bởi tôi không tưởng tượng được trước đó là mọi người sẽ chấp nhận chương trình của tôi nhanh đến vậy. Trẻ em thì muốn chơi, còn cha mẹ thì hỗ trợ nhiệt tình. Điều tôi thích ở họ là họ muốn được thử cái mới và không sợ thất bại. Và đó là điều quan trọng trong cuộc sống vì cuộc sống là bạn phải luôn cố gắng và đừng sợ thất bại. Nếu thất bại thì phải cố gắng hơn nữa.

Khi sân bóng chày đầu tiên của Việt Nam được dựng lên ở một nơi đã từng bị bom đạn tàn phá do chiến tranh, sân bóng là một biểu tượng của sự hàn gắn mà hội cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam muốn qua đó mang thông điệp đến với mọi người cả Việt Nam lẫn Mỹ. Buổi khánh thành sân bóng lần đầu tiên của Việt Nam được diễn ra trang trọng, với sự góp mặt của một cầu thủ bóng chày người Việt đang chơi tại Mỹ. Nhưng 3 năm sau khi sân bóng đó khánh thành, nó đã không được dùng để chơi như mong muốn của những người thành lập nó, bởi nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Cũng không có nhiều người Việt Nam biết đến sân bóng đó.

Học sinh trường Chu Văn An - Hà Nội đang chơi bóng chày hôm 21/03/2010. Photo courtesy of leaguelineup.com
Học sinh trường Chu Văn An - Hà Nội đang chơi bóng chày hôm 21/03/2010. Photo courtesy of leaguelineup.com

Thế nhưng, như một sự lan tỏa tự nhiên trong thời toàn cầu hóa, vào khoảng giữa năm 2007, một sinh viên của trường đại học Hà Nội đã đứng ra thành lập câu lạc bộ bóng chày được coi là đầu tiên của Hà Nội lúc đó và cũng có thể là câu lạc bộ bóng chày hiếm hoi đầu tiên của Việt Nam. Châu Quốc Hưng, chàng sinh viên và là sáng lập viên câu lạc bộ lúc đó, cho biết nguyên nhân đưa bạn đến quyết định chơi bóng chày và thành lập câu lạc bộ như sau:

Châu Quốc Hưng: Xuất phát rất tình cờ. Có một nhóm sinh viên trường Duke của Hoa Kỳ đến giao lưu với sinh viên. Các bạn đến thực tập ở môi trường các nước đang phát triển như Việt Nam. Trong giai đoạn giao lưu, các bạn có hướng dẫn qua một số bài tập bóng chày cơ bản. Em thấy cách chơi, cách phối hợp đồng đội hết sức thú vị của môn thể thao mang tính giải trí cao. Em mới có nung nấu là tại sao các bạn Mỹ có câu lạc bộ bóng chày ở trường thì tại sao mình không lập ra câu lạc bộ bóng chày ở Việt Nam do người Việt Nam chơi. Từ đó em có ý tưởng muốn nghiên cứu về nó và xây dựng nó trong trường đại học.

Sự đam mê thú vị

Trước đó, Hưng cho biết bạn chỉ biết đến bóng chày qua các truyện tranh của Nhật Bản hoặc trên các kênh thể thao quốc tế. Nhận xét chung của rất nhiều bạn trẻ Việt Nam lúc đó là môn chơi này rất nhàm chán. Hưng cho biết:

Đặc biệt bóng chày rèn luyện được tính điềm tĩnh, khả năng phán đoán của con người. Em thấy môn này phải chơi nó mới thấy hết được sự đam mê thú vị của nó.

Châu Quốc Hưng

Châu Quốc Hưng: Ở Việt Nam các bạn biết qua truyện tranh nhiều từ bộ truyện Doremon của Nhật Bản. Trước dó chỉ biết qua hình ảnh hoạt hình thôi. Cơ bản là em thấy chơi bóng chày rất nhàm chán. Theo em thấy chỉ xem trên sân vận động và nhìn qua TV thì thấy vậy. Nhưng khi vào sân chơi thì em hiểu được cách phối hợp đồng đội, kỹ năng cần thiết, đặc biệt bóng chày rèn luyện được tính điềm tĩnh, khả năng phán đoán của con người. Em thấy môn này phải chơi nó mới thấy hết được sự đam mê thú vị của nó.

Bị môn bóng chày lôi cuốn, Hưng quyết định thành lập câu lạc bộ ở trường. Nhưng để có người chơi thì phải thuyết phục được các bạn tham gia. Ban đầu câu lạc bộ của Hưng chỉ có 6 người, gồm Hưng, một sinh viên khác trong trường và 4 học sinh ở các trường khác. Các bạn đến chơi chủ yếu là tò mò chứ không hứng thú. Không những thế, câu lạc bộ cũng gặp nhiều khó khăn về thiết bị, sân bãi chơi. Hưng nhớ lại:

Châu Quốc Hưng: Thực ra bây giờ nhớ lại ngày đấy thì rất là khó. Có những lúc chỉ có 3 cái găng trên sân. Hồi đó có một ông thầy người Mỹ, thì đến ngày em xin ra sân vận động của trường thì thầy hướng dẫn một số bài cơ bản. Rồi em gửi một số thông tin là đã có câu lạc bộ bóng chày ở trường đại học Hà Nội, ai thích thì tham gia đăng ký. Có một số em ở trong trường biết qua bạn bè thì các em có một số đồ sẵn rồi nhưng không biết chơi với ai cả. Những em đó là những em đầu tiên mang dụng cụ đến sân. Quá trình đầu tiên thuyết phục các em chơi thì rất là khó khăn, chơi chỉ cho biết thôi chứ không có đam mê. Nhiều khi chỉ có một mình em đến sân, đến với một em gần nhà, nhưng mà hai anh em vẫn tập với nhau. Tức là lúc đầu rất khó khăn.

Một học sinh ở Hà Nội đang tập luyện bóng chày hôm 13/03/2010. Photo courtesy of leaguelineup.com
Một học sinh ở Hà Nội đang tập luyện bóng chày hôm 13/03/2010. Photo courtesy of leaguelineup.com

Với vốn tiếng Anh khá được học trong trường và do được tiếp xúc với các giáo viên nước ngoài trong trường, những người cũng chơi môn thể thao này, Hưng và các bạn câu lạc bộ sau đó đã nhận được thêm các găng tay, bóng, và chày để lập đủ một đội chơi 9 người. Thậm chí khi làm luận văn tốt nghiệp vào năm 2008, Hưng đã làm luận văn về phát triển môn thể thao bóng chày ở Việt Nam trong thời toàn cầu hóa.

Bản luận văn này của Hưng đã thu hút được sự chú ý của một sinh viên người Mỹ. Sau đó người này đã giúp Hưng gửi các bản đề nghị về Mỹ để tìm người tài trợ. Và đó là lý do mà tổ chức First Swing của ông Phil Rognier bước đầu biết đến Việt Nam và mong muốn được chơi bóng chày của các bạn trẻ Việt Nam.

Phil đã đến Việt Nam 2 lần. Lần đầu vào năm 2009 và lần gần đây nhất là vào tháng 4 năm nay. Mục đích là để giúp phát triển môn bóng chày trong giới trẻ ở Việt Nam. Ông cho biết:

Phil Rognier: Vào năm 2009, tôi đến thăm khoảng 24 trường cấp 1, cấp3, và đại học. Năm nay tôi đến thăm khoảng 30 trường nữa. Tôi dạy trong các lớp rồi chúng tôi ra ngoài và tôi dạy các em cách chơi cơ bản. Chúng tôi chỉ có khoảng 2 tiếng mỗi lần. Có nhiều trường ở Hà Nội, thậm chí cả nhà trẻ, chúng tôi vào tận lớp, vẽ hình và chỉ cách chơi cơ bản rồi ra ngoài chơi. Các em đều yêu môn thể thao này. Điều thành công nhất là ở mức trường đại học là nơi chúng tôi bắt đầu. Ở trường đại học Hà Nội chúng tôi có một câu lạc bộ, rồi lại có câu lạc bộ bóng chày Hà Nội. Hai câu lạc bộ này giờ chơi bóng với nhau vào các ngày chủ nhật. Rồi trường trung học Chu Văn An cũng muốn có một đôi riêng và có lẽ đó là đội trung học đầu tiên. Có nhiều trường tiểu học giờ đây cũng đã cho bóng chày là một phần trong chương trình giảng dạy. Tôi đã giúp dạy các giáo viên và cung cấp hai cuốn sách hướng dẫn bằng tiếng Anh và tiếng Việt để chỉ họ cách chơi.

Cần phát triển

Không những thế tổ chức First Swing hàng tuần vẫn gửi đều đặn các chuyến hàng đồ dùng cho môn thể thao này bao gồm găng, bóng, gậy… sang Việt Nam để ủng hộ cho các câu lạc bộ. Phil cho biết đến giờ ông đã gửi khoảng 50 chuyến hàng sang Việt Nam cho mục đích phát triển môn thể thao bóng chày ở Việt Nam.

Điều quan trọng là cho bọn trẻ biết làm thế nào để trở thành các công dân có ích khi chơi môn thể thao này, trở thành những cha mẹ tốt, những người chủ gia đình tốt.

Ông Phil Rognier

Toàn bộ phần chi phí đều do tổ chức First Swing và công ty Microsoft tại Việt Nam hỗ trợ.

Theo Phil, đây là một môn thể thao bổ ích giúp rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ. Ông nói, qua bóng chày, những điều ông dạy còn nhiều hơn một môn thể thao đơn thuần. Chính bởi vậy, trong chuyến thăm Việt Nam lần này, khi làm việc với các giới chức thể thao ở Hà Nội, ông đã nhận được nhiều sự ủng hộ. Ông nói:

Phil Rognier: C hính quyền và người dân khi tôi nói về môn thể thao này đều thích nó bởi nó củng cố những gì mà họ biết trong việc giáo dục giới trẻ, để biến chúng thành những công dân có ích cho xã hội, cho chúng hòa nhập với xã hội. Nguời ta thường cho trẻ sách để đọc thay vì cho chúng những kinh nghiệm sống thực sự, bón chày cho bọn trẻ nhiều tình huống mà chúng phải tự quyết định, tự giải quyết vấn đề, học cách sống với người khác mà vẫn vui chơi giải trí. Điều quan trọng là cho bọn trẻ biết làm thế nào để trở thành các công dân có ích khi chơi môn thể thao này, trở thành những cha mẹ tốt, những người chủ gia đình tốt.

Theo Phil, các em nhỏ Việt Nam rất có năng khiếu để chơi môn thể thao này:

Phil Rognier: Các em Việt Nam rất nhanh, nhanh đến nỗi các em cần phải chậm lại một chút. Các em học rất nhanh, phối hợp tay và mắt tốt. Khi tôi mới sang các em chưa hiểu gì về cách chơi, nhưng khi tôi ném bóng các em có thể chạy theo và bắt được. Các em có tiềm năng rất lớn để thành công, các em lúc nào cũng muốn học. Khi tôi không có ở đó, các em tự tập. Tôi không thể tưởng tượng chỉ trong vòng 2 năm khi tôi quay lại, năm 2009 còn tệ thì năm 2010 khi tôi mang theo 4 em Mỹ, các em đã có thể chơi cùng.

Huấn luyện viên Rick Dell đang chỉ dẫn chơi bóng chày cho các em thiếu niên Hà Nội hôm 21/02/2010. Photo courtesy of leaguelineup.com
Huấn luyện viên Rick Dell đang chỉ dẫn chơi bóng chày cho các em thiếu niên Hà Nội hôm 21/02/2010. Photo courtesy of leaguelineup.com

Phil dự định sẽ đưa 16 em nhỏ Việt Nam sang Mỹ vào tháng 8 tới để tập với các đội bóng Mỹ. Ông hy vọng những cọ xát sắp tới sẽ khiến các cầu thủ nhỏ tuổi Việt Nam trưởng thành hơn trong môn thể thao này.

Tất nhiên, khó khăn lớn nhất lúc này của Việt Nam vẫn là điều kiện sân bãi. Hiện ngoài sân bóng chày bị bỏ hoang tại Quảng Trị, tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai nơi có các câu lạc bộ bóng chày vẫn chưa có một sân bóng nào riêng cho bóng chày. Các cầu thủ vẫn phải sử dụng các sân bóng đá và đôi khi phải bỏ tập để nhường sân cho môn thể thao vua.

2 lần đến Việt Nam, Phil đã gặp và tiếp xúc với rất nhiều người Việt từ người lớn đến trẻ em để tuyên truyền về môn thể thao này. Con số người đã được nghe ông giới thiệu về môn bóng chày có thể lên đến hàng ngàn người. Hiện số người tham gia 2 trại bóng chày của ông ở Hà Nội đã lên đến hơn 400 người. Ông hy vọng trong tương lai không xa, ông sẽ giúp xây dựng được một sân bóng chày thực sự ở Việt Nam và có thể tiến đến thành lập một giải thi đấu trẻ. Đó cũng chính là mong muốn của Hưng và các bạn trong câu lạc bộ bóng chày đại học Hà Nội.

Tạp chí câu chuyện hàng tuần kỳ này xin tạm dừng tại đây. Việt Hà thân ái tạm biệt quý vị và xin hẹn gặp lại vào sáng thứ ba tuần tới.

Theo dòng thời sự: