Người khuyết tật ở Việt Nam
2010.08.24
Nói rộng hơn nữa, những khuyết tật về mặt cơ thể hay tinh thần mà một con người phải gánh chịu là cản trở rất lớn đối với họ trong cuộc sống.
Những con số thống kê gần đây ở Việt nam cho thấy có từ khoảng 5 đến 12 triệu người khuyết tật chiếm khoảng 15% dân số. Một tỷ lệ lớn nếu so với nhiều quốc gia khác trong khu vực. Họ đang sống ra sao? Tâm tư nguyện vọng của họ là gì?
Đối diện nhiều khó khăn ...
Cách đây không lâu, một thính giả của đài Á châu Tự do có tên là Cao, 18 tuổi, đã viết thư về đài vui mừng thông báo em đã thi đậu vào nhạc viện Hà nội. Điểm đặc biệt là ở chỗ Cao bị mù bẩm sinh. Cao đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn trở ngại để cuối cùng được nhận thi vào trường. Cuối cùng Cao đã điểm tối đa, vượt qua rất nhiều thí sinh khoẻ mạnh, lành lặn khác để được nhận vào trường. Đối với những người bị khuyết tật như Cao ở Việt nam, việc được đi học và hòa nhập cộng đồng là một thách thức rất lớn.
Những con số thống kê ở Việt nam gần đây cho thấy, với
dân số khoảng 85 triệu người, thì có đến gần 12 triệu người khuyết tật. Họ là
những người vốn đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc học tập và làm việc do những
khiếm khuyết về cơ thể và tinh thần, cộng thêm vào đó là những kỳ thị của xã hội,
và những thiếu thốn về trợ giúp từ phía chính phủ.
Ở Việt nam thì cơ hội học hành cho người khuyết tật, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, thì rất khó, bởi vì muốn được đến trường ở thành phố thì phải có tài chánh. Hầu như các gia đình đều không có khả năng chi trả.
A. Nguyễn Công Hùng, GĐ TT Nghị Lực Sống
Ông Trần Văn Ca, chủ tịch hội trợ giúp người tàn tật Việt nam, một tổ chức phi chính phủ tại Mỹ với nhiều dự án hỗ trợ người tàn tật ở Việt nam cho biết:
Phần lớn người khuyết tật Việt nam sống rải rác nhiều ở nông thôn, cho nên sự hoà nhập của họ khó, về phương tiện, đường đi. Cộng đồng người khuyết tật trong nước còn nghèo, thiếu ăn, trình độ văn hoá kém.
Về trình độ văn hóa, con số thống kê gần đây của bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy có đến hơn 34% người khuyết tật từ 6 tuổi trở lên chưa biết chữ, hơn 21% chưa tốt nghiệp tiểu học.
Anh Nguyễn Công Hùng, một người khuyết tật ở Nghệ An, giám đốc trung tâm Nghị Lực Sống, một cơ sở tự lực của người khuyết tật cho biết:
Ở Việt nam thì cơ hội học hành cho người khuyết tật, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, thì rất khó, bởi vì muốn được đến trường ở thành phố thì phải có tài chánh. Hầu như các gia đình đều không có khả năng chi trả.
Cao, cậu học sinh 18 tuổi ở Phú Thọ cho biết mãi đến năm 13 tuổi em mới được đi học. Và bây giờ ở độ tuổi 18, em mới tốt nghiệp tiểu học và được nhận vào trường cấp hai ở Thái nguyên, một tỉnh khác cách xa nhà mình. Em cho biết:
Chúng em đi học cũng có nhiều khó khăn. Ví dụ không có nhiều trường chuyên biệt cho người khiếm thị. Chỉ có trường cấp 1 và cấp 2 thôi, không có trường nào ở Việt nam có cấp 3 dành cho người khiếm thị. Bộ sách dành cho người khiếm thị cũng rất đắt, có những bộ sách giáo khoa lên đến hàng triệu đồng.
Cao cho biết hiện cả tỉnh Phú thọ mới có một trường tiểu học dành cho người cho người khuyết tật cho nên việc xin được vào trường đối với trẻ khuyết tật là hết sức khó khăn. Trong khi đó gia đình Cao với 7 miệng ăn hoàn toàn chỉ sống dựa vào thu nhập ít ỏi từ công việc đồng áng của cha mẹ.
Ngay cả sau khi học hết cấp một, muốn vào học cấp 2, Cao và nhiều trẻ khuyết tật khác cũng chưa chắc đã được nhận ngay vào trường, bởi toàn miền Bắc với 24 tỉnh, thành phố mới chỉ có 3 trường cấp 2 tiếp nhận người khiếm thị, đó là trường mù Nguyễn Đình Chiểu, trường trẻ em khuyết tật tỉnh Thái nguyên, và một trường dành cho trẻ khuyết tật ở Hải phòng.
... và thách thức
Vào trường cho người khuyết tật đã khó, vào những trường chủ yếu cho người lành lặn là điều rất hiếm thấy ở Việt nam. Trường hợp của Cao khi thi vào nhạc viện cũng gặp rất nhiều khó khăn trước khi được nhận thi vào trường. Em cho biết:
Em thi như một số anh chị khác thì các trường không chấp nhận học sinh khiếm thị vào thi. Có anh Ất ở Nghệ an phải gặp trực tiếp các chú ở Bộ giáo dục đào tạo thì mới được thi, còn em thì được sự hỗ trợ của các cô chú đài tiếng nói Việt nam và mọi người, nói khó nhiều thì em được thi riêng cho người khiếm thị, em thi đàn organ.
Mới đây, ban chỉ đạo Giáo dục trẻ khuyết tật, Bộ giáo dục cho biết, hiện Việt nam có trên 1 triệu trẻ khuyết tật, nhưng có đến 700,000 trẻ chưa từng được đến trường. Tức là chỉ có 1/3 trẻ khuyết tật được đến trường, trong số đó lại có đến gần 33% trẻ phải bỏ học.
Ông Lê Tiến Thành, vụ trưởng vụ giáo dục cho biết nguyên nhân là do ‘trong suốt thời gian dài, hoạt động giáo dục trẻ khuyết tật chưa nhận được sự quan tâm của nhiều ngành, cấp từ trung ương đến địa phương. Sự chỉ đạo chưa đồng bộ ở các cấp, các ngành dẫn đến việc triển khai thực hiện quyền được đến trường của trẻ khuyết tật ở nhiều địa phương còn lúng túng, mang tính chất tự phát’.
Có một thực tế là hầu như tất cả các trường dành cho trẻ khuyết tật ở Việt nam đều được đổ đồng làm một. Tức là trẻ khiếm thính được học chung với trẻ khiếm thị, thiểu năng trí tuệ. Theo các chuyên gia tâm lý thì việc dạy như vậy không thực sự giúp cho trẻ có thể hòa nhập với cộng đồng sau này, và đó cũng là nguyên nhân khiến trẻ phải bỏ học, chưa kể việc đi lại đường xá xa xôi từ tỉnh này sang tỉnh khác vốn rất tốn cho nhiều gia đình có trẻ khuyết tật, như trường hợp của Cao.
Về việc làm thì đối với những người tuyển dụng, người ta tuyển người có khả năng và có điều kiện về đi lại nhưng nhiều người khuyết tật chưa đáp ứng được các điều kiện này.
A. Nguyễn Công Hùng, GĐ TT Nghị Lực Sống
Tuy vậy, cũng đã có những người khuyết tật cố gắng học tập, vượt qua được số phận và tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, trên thực tế, con số người khuyết tật ở Việt nam có bằng đại học và cao đẳng chỉ ít hơn 0,1%. Ngay cả khi đã tốt nghiệp đại học và sẵn sàng đi làm để chứng minh rằng mình là người tàn nhưng không phế, thì họ cũng gặp không ít khó khăn.
Anh Nguyễn Công Hùng, giám đốc trung tâm Nghị Lực Sống cho biết, phần lớn các nhà tuyển dụng chỉ muốn tuyển người còn lành lặn, trong khi việc đào tạo dạy nghề cho người khuyết tật hiện tại phần lớn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của cả người tuyển dụng lẫn người xin việc:
Về việc làm thì đối với những người tuyển dụng, người ta tuyển người có khả năng và có điều kiện về đi lại nhưng nhiều người khuyết tật chưa đáp ứng được các điều kiện này. Khi họ tham gia các lớp học, họ chưa được tham gia các lớp chuyên nghiệp để học nghề, và việc đi lại của những người khuyết tật.
Theo anh Nguyễn Công Hùng, hiện tại, phần lớn các công trình công cộng ở Việt nam vẫn chưa có đường dành riêng cho người khuyết tật. Tất cả các phương tiện giao thông công cộng tại Việt nam đều không có chỗ dành riêng cho người khuyết tật.
Theo con số thống kê của bộ Lao động, thương binh và xã hội, hiện chỉ có khoảng 3% người khuyết tật được đào tạo nghề chuyên môn, và chỉ hơn 4% người có việc làm ổn định.
Một báo cáo về hoà nhập người khuyết tật tại Việt nam do tổ chức lao động quốc tế và Irish Aid cho biết, với trình độ giáo dục và đào tạo thấp, hầu hết người khuyết tật Việt nam phải dựa vào những mối quan hệ gia đình để tìm việc. Gần 33% hộ gia đình có thành viên là người khuyết tật sống dưới mức nghèo.
Theo quy định mới ở Việt Nam, hộ gia đình ở nông thôn được coi là ở mức nghèo có thu nhập dưới 200,000 đồng một tháng, còn ở thành thị là dưới 260,000 đồng một tháng. Chính phủ Việt nam hỗ trợ cho mỗi người khuyết tật thuộc hộ nghèo một tháng là 180,000 đồng. Còn những người khuyết tật khác có thu nhập gia đình trên mức nghèo thì không được nhận trợ cấp này.
Để hỗ trợ cho người khuyết tật tìm việc làm, hiện một số tỉnh của Việt nam đã có những trung tâm đào tạo nghề và tìm việc riêng cho cộng đồng này. Tính cho đến nay, đã có 11 tỉnh thành lập quỹ việc làm cho người khuyết tật.
Tâm tư, nguyện vọng
Tuy nhiên, để người khuyết tật Việt nam hoà nhập được với cộng đồng, họ còn phải vượt qua rào cản rất lớn về nhận thức và sự kỳ thị trong cộng đồng. Một báo cáo vào năm 2007 do viện nghiên cứu phát triển xã hội thực hiện với sự tài trợ của quỹ Ford cho thấy có từ 98 đến 99% số người được hỏi cho rằng người khuyết tật là đáng thương.
Điều này đã được minh chứng bằng một trường hợp được nói đến rất nhiều trên báo chí mấy tuần qua liên quan đến thí sinh Nguyễn Sơn Lâm là người khuyết tật dự thi hát ở cuộc thi Vietnam Idol. Một thành viên ban giám khảo là một ca sĩ nổi tiếng đã thừa nhận thí sinh này có giọng hát tốt nhưng lại khuyên thí sinh nên dự thi các cuộc thi dành cho người khuyết tật. Mặc dù ca sĩ này đã khóc và ôm Sơn Lâm nhưng điều này đối với anh là thiếu tôn trọng. Thạc sĩ chuyên ngành phát triển con người, Võ Hoàng Yến, giám đốc Trung Tâm Khuyết Tật và Phát Triển nhận xét:
Đôi khi mình cứ nói đùa là cái thương của người khác có khi lại thành hại nên mình gọi là thương hại. Khi mình bày tỏ sự thương hại đó ra thì có nghĩa là mình xem người đó thấp kém hơn mình. Điều này không phải ai cũng nhìn thấy. Vì họ nghĩ họ thương thật mà, tôi cảm xúc tôi khóc thật mà. Tại sao lại bảo là phân biệt đối xử. Nhưng khi họ làm điều đó họ không nghĩ là khi họ ôm người khuyết tật mà khóc trước mắt bao nhiêu người, thì ánh mắt của bao nhiêu người nhìn vào người khuyết tật sẽ nghĩ thế nào.
Sự kỳ thị đối với người khuyết tật còn thể hiện ngay trong việc phân biệt đối xử ở chính gia đình họ. Cũng theo báo cáo của viện nghiên cứu phát triển xã hội, có đến 40% gia đình coi người khuyết tật là gánh nặng suốt cuộc đời, thậm chí có hơn 10% người khuyết tật bị khóa xích trong nhà. Ở nhiều nơi người khuyết tật bị thường xuyên lăng mạ, thậm chí theo thạc sĩ Võ Hoàng Yến, những sinh viên khuyết tật khi đi thuê nhà còn bị từ chối vì người cho thuê sợ xúi quẩy.
Hy vọng đêm dài vô tận cũng sẽ có một bình minh, bầu trời dù tối đến đâu cũng có một tia sáng và em cũng như những người khuyết tật ở Việt nam sẽ có tương lai sáng lạn, tự nuôi bản thân mình và giúp ích cho cộng đồng và xã hội.
A. Cao, một người khiếm thị
Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, vấn đề người khuyết tật tại Việt nam đã được chính phủ chú ý đến nhiều hơn. Năm 1998, Việt nam ban hành pháp lệnh về người tàn tật. Việt nam cũng đã tham gia ký công ước quốc tế về người khuyết tật vào tháng 10 năm 2007. Mới đây nhất là vào tháng 6 vừa qua, quốc hội Việt nam đã thông qua luật về người khuyết tật đầu tiên của Việt nam. Luật này sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2011.
Đối với Cao cũng như rất nhiều người khuyết tật khác tại Việt nam, luật mới về người khuyết tật là một bước tiến quan trọng tạo điều kiện ban đầu để họ có cơ hội tốt hơn hoà nhập với cộng đồng. Cao nói em vẫn mơ được học cao hơn nữa, được tiếp tục chơi đàn, có công ăn việc làm tự nuôi sống bản thân mình, giảm gánh nặng cho cha mẹ và gia đình:
Hy vọng đêm dài vô tận cũng sẽ có một bình minh, bầu trời dù tối đến đâu cũng có một tia sáng và em cũng như những người khuyết tật ở Việt nam sẽ có tương lai sáng lạn, tự nuôi bản thân mình và giúp ích cho cộng đồng và xã hội.