Đời trẻ lang thang ở Hà Nội
2010.02.01
Tết đang đến với những phố phường của Hà Nội. Trong cái giá lạnh của những ngày cuối năm, người Hà Nội hối hả chuẩn bị đón Tết. Và trong dòng người hối hả ngược xuôi của Hà Nội, người ta vẫn thấy bóng dáng của những em nhỏ đánh giầy, bán báo, thậm chí ăn xin trên đường phố. Đó chính là những trẻ lang thang mà Hà Nội đang phải đối mặt trong nhiều năm qua. Câu chuyện hàng tuần kỳ này xin được gửi tới quý vị những tìm hiểu về tình hình trẻ em lang thang Hà Nội thời gian gần đây.
Hoàn cảnh khác nhau
Từ nhiều năm nay, trẻ lang thang ở Hà Nội là hình ảnh khá quen thuộc với những người dân thủ đô. Cách đây khoảng 20 năm, khi Việt Nam mới bắt đầu thực hiện đổi mới và mở cửa, khái niệm trẻ lang thang đối với nhiều người Hà Nội là cái gì đó còn khá xa lạ, mặc dù lúc đó người ta vẫn gặp những người ăn xin, trong đó có trẻ em trên đường phố. Nhưng rất nhanh chỉ vài năm sau đó, cùng với sự mở cửa của cả nước, tốc độ đô thị hoá đến chóng mặt, Hà Nội đã nhìn thấy số lượng trẻ em lang thang tăng lên nhanh chóng. Theo thống kê chưa chính thức vào năm 2008, Hà Nội có khoảng 1,600 trẻ lang thang.
Ăn xin còn khổ hơn, ví dụ có một người đến nói là cho các em chỗ ăn hoặc cho các em chỗ ngủ, sau đấy nói chung cứ một ngày bắt các em đi ăn xin rồi sau đó lấy lại hết.
Bạn Nguyễn Thanh Huyền.
Những trẻ lang thang này đến Hà Nội từ nhiều tỉnh thành khác nhau. Các em đến Hà Nội kiếm sống. Có em do mồ côi bố mẹ, không người nuôi dưỡng. Có em do gia đình không quan tâm chăm sóc, chán đời mà bỏ đi. Cũng có em do gia đình quá nghèo, cũng lên Hà Nội kiếm sống. Các em làm đủ nghề từ đánh giầy, bán báo, bán vé số, nhặt rác, đến ăn xin, thậm chí móc túi, trộm cắp, mại dâm. Tuổi đời cũng đa dạng, lớn 16, 17 tuổi, còn nhỏ nhất là vài tháng tuổi.
Cuộc sống của trẻ lang thang ở Hà Nội rất cơ cực. Tối đến có em phải ngủ ngoài đường hoặc dưới gầm cầu. Nhưng đa phần các em thường thuê chung những căn nhà trọ xập xệ để ở chung cho rẻ.
Đến miền đất lạ, đa phần các em đều phải chịu bảo kê của các nhóm người bắt đi ăn xin hoặc đánh giầy, bán báo hàng ngày rồi tối đến phải nộp tiền cho họ. Bạn Nguyễn Thanh Huyền, một sinh viên, và cũng là tình nguyện viên của hội chữ thập đỏ Hà Nội, người đã nhiều năm giúp đỡ trẻ lang thang cho biết:
Nguyễn Thanh Huyền: Các em ra Hà Nội bị những người khác ở Hà Nội, thì chắc là người ta cũng có quyền thế gì đây thì người ta bắt nạt các em ấy và bắt các em phải làm theo lệnh và phải nộp phần trăm. Ví dụ các em muốn đánh giầy ở khu vực hồ Hoàn Kiếm thì các em bị bắt một ngày phải nộp lại bao nhiêu tiền hoặc đánh bao nhiều đôi giầy thì phải nộp lại số phần trăm mình thu được. Còn người ta sẽ cho các em đi đánh ở khu vực đấy, nếu không làm thế thì sẽ không được đánh giầy ở khu vực đó. Ăn xin còn khổ hơn, ví dụ có một người đến nói là cho các em chỗ ăn hoặc cho các em chỗ ngủ, sau đấy nói chung cứ một ngày bắt các em đi ăn xin rồi sau đó lấy lại hết. Sau cuối tháng thì có gì như kiểu trả lương.
Huyền cho biết, đã nhiều năm bạn cùng các sinh viên tình nguyện khác ở Hà Nội đều tìm cách tiếp cận để giúp đỡ trẻ lang thang, nhất là vào các dịp lễ tết. Vào những dịp đó, các sinh viên lại đi quyên góp tiền và hiện vật để mang đến tặng cho các em. Thường thì các bạn chỉ trao hiện vật vì sợ đưa tiền thì sẽ bị những người bảo kê lấy mất của các em. Thậm chí tiếp cận được các em cũng khó bởi những người bảo kê không muốn các em được nói chuyện với người ngoài. Tuy thế Huyền cho biết nhiều lúc các bạn cũng không chắc các em còn giữ được các quà tặng sau khi các sinh viên đã đi khỏi hay không, hay cũng bị tịch thu hết như tiền mà các em làm ra hàng ngày.
Nhiều nguy cơ
Trẻ lang thang hàng ngày cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Theo thống kê của bộ Y tế, hiện cả nước có khoảng 8,500 trẻ em bị nhiễm HIV/AIDs thì đa phần là trẻ em đường phố. Nguyên nhân chính là do các em không được thông tin, không có kiến thức về HIV/AIDS, không có khả năng cũng như cơ hội tự bảo vệ bản thân, cộng đồng tránh khỏi lây nhiễm.
Ngoài ra các em còn phải đối mặt với các nguy cơ khác như bị lôi kéo vào các hoạt động phạm pháp như trộm cắp, mại dâm, bán ma túy. Có em bị xâm hại tình dục.
Chính người dân Hà Nội cũng nhìn nhận vấn đề trẻ lang thang cần phải giải quyết triệt để vì quyền lợi của các em và đảm bảo an ninh cộng đồng. Anh Nguyễn Tuấn Anh, một người dân Hà Nội, cho biết:
Nguyễn Tuấn Anh: Phải giải quyết chứ, vì nguồn gốc trẻ lang thang đó là từ các gia đình có quan hệ gia đình không vững chắc, hoặc mồ côi thực sự. Những đứa trẻ đấy mà cuộc sống của chúng không có nuôi dạy thì lớn lên chúng nó không có sự điều chỉnh rõ ràng, thì có thể dẫn vào tệ nạn. Phần lớn các trẻ đó mà lớn lên không có gia đình thì nhiều đứa dính vào tệ nạn rồi. Chỉ cần chúng lớn lên một chút, khoảng 10 tuổi là đi đánh giày, đánh bạc, hút thuốc lá rồi lớn lên thì ma tuý.
Vấn đề trẻ lang tham phạm pháp cũng không phải là hiếm ở Hà Nội. Cũng chính vì thế mà có những người dân Hà Nội nhìn các em không mấy thiện cảm. Do đó, sự bảo vệ của cộng đồng dành cho các em có phần hạn chế. Bạn Nguyễn Thanh Huyền cho biết:
Nguyễn Thanh Huyền: Bọn nó ra đây thì cũng nhiều đứa tụ tập, làm mất an ninh trật tự. Tổ dân phố họ chỉ nhìn thấy cái đấy thôi. Cho nên các em cũng không được bảo vệ lắm. Có nhiều đứa ra làm bọn nó tạo thành một khu tệ nạn, thì tổ dân phố chỉ nhìn thấy thế thôi. Ít người thông cảm với các em nên bọn nó ít được bảo vệ.
Việt Nam là nước châu Á đầu tiên và là nước thứ hai trên thế giới đặt bút ký phê chuẩn Hiệp ước về Quyền của trẻ em vào năm 1990.
Giải pháp thu gom vào nhà sống tập trung thì nó không có tác dụng gì cả vì ngân sách xã hội ngày một phình ra để bao cho các chi phí hoạt động của các trại tập trung này.
Anh Nguyễn Tuấn Anh.
Để giải quyết vấn đề trê lang thang, chính quyền Hà Nội từ hơn 20 năm nay đã thiết lập những trung tâm bảo trợ xã hội, nơi tập trung trẻ lang thang bụi đời, và người lang thang. Trên nguyên tắc tại đây, các em được nuôi dưỡng, học văn hoá và học nghề đến khi trưởng thành. Nhưng những em được tập trung vào các trung tâm này lại chỉ bao gồm các em lang thang xin ăn hoặc ốm yếu, còn những em đánh giày, bán báo thì không được tính là trẻ lang thang. Ông Nguyễn Văn Thắng, giám đốc trung tâm bảo trợ xã hội IV, ở Ba Vì cho biết:
Nguyễn Văn Thắng: Các em đánh giày bán báo thì nhà nước công nhận đó là một nghề, chỉ trừ các em lang thang xin ăn hoặc suy dinh dưỡng thì có nguy cơ cao, còn các em đánh giày bán báo và bán hàng ở đường phố thì không đưa các em vào đây. Chỉ có các em lang thang xin ăn, thì sau khi điều tra căn nguyên. Vào đây thì không ở đây ngay, những em nào còn gia đình, còn địa phương thì sau một số ngày tư vấn khảo sát thì chúng tôi sẽ hồi gia cho các em, trừ các em nào không có gia đình, mồ côi cha hoặc mẹ hoặc địa phương không chăm sóc được các em thì để các em ở đây để dạy nghề hướng nghiệp để các em hòa nhập cộng đồng sau này.
Chính sách chưa hiệu quả
Tuy nhiên, ông Thắng cũng thừa nhận là có một số em vốn quen với cuộc sống tự do bên ngoài, nên sau một thời gian vào trung tâm lại tìm cách bỏ ra ngoài.
Ngoài ra, ở Hà Nội cũng có một số trung tâm nuôi dưỡng và dạy nghề cho trẻ do tư nhân thành lập, như nhà hàng Koko của một Việt kiều ở phố Quốc Tử Giám khá nổi tiếng với người nước ngoài. Ở đây các em được nuôi dưỡng, học nghề nấu ăn để sau này có cuộc sống tự lập hơn. Hoặc như ở chùa Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội, nơi các nhà sư cũng nhận một số trẻ lang thang không có gia đình về để nuôi ăn học.
Năm 2010 cũng là năm Hà Nội có lễ kỷ niệm 1,000 năm Thăng long Hà Nội. Từ giữa năm 2009, chính quyền thành phố Hà Nội đã có chủ trương thu gom trẻ lang thang bụi đời hoặc trả về địa phương với gia đình, hoặc gửi vào các trung tâm bảo trợ xã hội.
Đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội có chiến dịch thu gom trẻ. Những chiến dịch này vẫn xảy ra vào những năm Hà Nội chuẩn bị các chương trình lễ lớn. Ví dụ như năm 2002 khi Hà Nội đăng cai tổ chức Seagames.
Đặc biệt, năm 2006, khi Việt nam đăng cai chủ nhà hội nghị APEC và chuẩn bị đón tiếp các nguyên thủ của nhiều quốc gia, công an và các lực lượng an ninh Hà Nội đã tiến hành truy quét và thu gom trẻ lang thang về các trung tâm bảo trợ xã hội với mục đích làm đẹp bộ mặt phố phường. Vì số lượng trẻ đông, đã có những trung tâm không đáp ứng được nhu cầu chăm sóc tốt trẻ. Theo Tổ chức Theo dõi nhân quyền quốc tế, các em đã bị giam giữ trong các xà lim chật hẹp bẩn thỉu, bị đánh đập và bỏ đói ở một số trung tâm bảo trợ xã hội xa Hà Nội, điển hình là trung tâm bảo trợ xã hội Đồng Đậu.
Một số người dân Hà Nội thì cho rằng, việc thu gom trẻ theo kiểu chiến dịch của Hà Nội chưa có hiệu quả. Anh Nguyễn Tuấn Anh, một người dân ở Hà Nội nhận xét:
Nguyễn Tuấn Anh: Ở đây giải pháp thu gom vào nhà sống tập trung thì nó không có tác dụng gì cả vì ngân sách xã hội ngày một phình ra để bao cho các chi phí hoạt động của các trại tập trung này. Nói về những nỗ lực đó thì không hiệu quả lắm. Vì nói hiệu quả thì trẻ em mồ côi phải giảm đi.
Để giúp Việt Nam giải quyết vấn đề trẻ em lang thang, Uỷ ban châu Âu EC đã tài trợ gần 43 tỷ đồng từ năm 2004 đến 2011 tại 10 tỉnh thành phố trong đó có Hà Nội. Mục tiêu là hỗ trợ hồi gia cho khoảng 7,000 trẻ em lang thang và có nguy cơ lang thang, tái hòa nhập bền vững cho khoảng 500 em. Dự án cũng hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho khoảng 2,000 gia đình nghèo có trẻ lang thang và trẻ có nguy cơ cao, hỗ trợ cho các em được tiếp cận với các dịch vụ y tế và giáo dục.
Thế là một Tết nữa lại đang đến gần. Đối với rất nhiều trẻ em Việt Nam, đây là dịp lễ mà các em háo hức đón chở cả năm, để được mua quà, được mừng tuổi. Nhưng vẫn còn những em nhỏ lang thang trên các đường phố Hà Nội, giờ này vẫn vất vả mưu sinh giữa cái lạnh giá của múa đông, không được hưởng không khí Tết mà tuổi các em xứng đáng được hưởng. Mong sao các em sẽ thực sự sớm tìm được gia đình và tổ ấm của mình để có thể đón Tết như mọi trẻ em có gia đình bình thường khác.
Tạp chí câu chuyện hàng tuần kỳ này xin được tạm dừng tại đây. Việt Hà xin thân ái tạm biệt quý vị và hẹn gặp lại vào sáng thứ ba tuần tới.