Thấy gì qua sự kiện nữ sinh đánh nhau ở Hà Nội?
2010.03.23

Phần lớn ý kiến đều lên án hành động này của các em. Cũng có không ít các ý kiến phê phán sự thờ ơ của các em khác đứng xem và một số người lớn khi nhìn thấy sự việc mà không can thiệp. Tuy nhiên, sự việc học sinh nữ đánh nhau ở Việt nam giờ đây không phải là mới. Các video clip như vậy hiện có thể nhìn thấy nhan nhản trên mạng internet. Thực trạng này nói lên điều gì? Đó là vấn đề của xã hội hay chỉ đơn thuần của ngành giáo dục Việt Nam? Tạp chí câu chuyện hàng tuần kỳ này xin được đề cập đến những ý kiến của người dân và những nhà nghiên cứu về hiện trạng này, đặng mong tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi trên.
Sự vui mừng tàn nhẫn
Một cô bé tuổi teen đơn độc, cố gắng một cách bất lực che đầu và mặt trước những cú đá bằng chân hết vào đầu lại vào người của mình. Xung quanh em, là đường phố nhộn nhịp, các bạn khác đứng nhìn. Còn người đánh em là một em gái khác cũng ở cùng độ tuổi. Vừa đánh, cô bé vừa chửi.
Khủng khiếp, không thể tưởng tượng nổi là các nữ sinh mà lại hỷ hả mừng vui và tàn nhẫn đến như vậy với các bạn học của mình.
GS Hà Văn Thịnh
Video clip này được tung lên mạng hôm mùng 4 tháng 3 vừa qua và ngay lập tức đã thu hút được hàng vạn người xem. Báo chí Việt Nam lập tức đồng loạt vào cuộc phê phán điều mà họ gọi là sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận học sinh. Bởi vì nam sinh đánh nhau thì không lạ, đây lại là nữ sinh đánh nhau, đánh một cách tàn bạo.
Giáo sư sử học Hà Văn Thịnh thuộc đại học tổng hợp Huế đau xót nói:
“Khủng khiếp, không thể tưởng tượng nổi là các nữ sinh mà lại hỷ hả mừng vui và tàn nhẫn đến như vậy với các bạn học của mình. Cái đó trong lịch sử Việt nam chưa bao giờ chứng kiến. Phụ nữ Việt nam không phải vậy. Trong con mắt của tôi phụ nữ Việt nam khác, là nhẹ nhàng, dịu dàng, hiền thục, chứ không phải côn đồ mất dạy như vậy.”
Video clip này không phải là đầu tiên và cũng không phải là cái duy nhất được phát tán trên mạng. Chỉ cần đánh dòng chữ học sinh nữ đánh nhau trên trang mạng youtube là sẽ thấy hàng chục kết quả hiện ra. Điều đó cho thấy việc học sinh nữ đối xử thô bạo với nhau như vậy không phải là mới ở Việt nam.
Ý kiến của đa số các em học sinh cho rằng việc các bạn nữ đánh nhau, lột quần lột áo nhau ở chỗ công cộng là chuyện thường ở huyện. Nguyên nhân gây ra đánh nhau nhiều khi chỉ là vì thấy “ngứa mắt”. Trong video clip vừa rồi, theo cơ quan điều tra nguyên nhân dẫn đến đánh nhau là vì do dẫm vào chân nhau mà gây mâu thuẫn.
Nguyên nhân sâu xa nào đã khiến các em hành động như vậy? Nhà giáo về hưu Nguyễn Thượng Long ở Hà nội nhận định:
“Tôi nghĩ là hiện tượng nổi loạn của giới trẻ, các cháu đang sống trong một khủng hoảng ghê gớm về mặt nhận thức, về mặt tinh thần. Chỉ có những kẻ đã trải qua những khủng hoảng, bế tắc về mặt tâm lý thì nó mới có thể đi đến hành động quyết liệt và vô đạo đức, không chấp nhận được.”
Ông Long cho rằng trong xã hội, người lớn cũng đối xử với nhau tàn tệ thì làm sao trách được trẻ em.
Chính nữ sinh đánh bạn đã bình thản trả lời báo chí trong nước như sau: “Cháu đánh thế đã ăn thua gì đâu, vẫn nhẹ mà. Ở ngoài đời, còn có những vụ đánh nhau ác liệt hơn thế.”
Đạo đức xã hội suy đồi
Sự tha hóa đạo đức của toàn xã hội là điều có thực, điều này nếu không nhìn thấy thì sẽ không giải quyết được vì hiện nay tệ nạn nhiều quá.
GS Hà Văn Thịnh
Giáo sư sử học Hà Văn Thịnh cho rằng nguyên nhân của hiện tượng này bắt nguồn từ văn hóa và đạo đức xã hội suy đồi, giáo dục không có thực chất. Ông nói:
“Điều đầu tiên mà tôi nghĩ thì tôi trách Bộ giáo dục và đào tạo Việt Nam. Lâu nay cứ toàn dạy đạo đức, giáo dục công dân trên mây trên mưa, toàn những điều giáo điều, chả có thực chất. Cái điều thứ hai tôi nghĩ là gì, là xã hội Việt nam giờ loạn mất rồi, nó sai lầm, nó hư hỏng, nói chung là đáng buồn toàn diện, và điều đó nó ảnh hưởng toàn xã hội kể cả học sinh. Điều thứ ba ở đây là sự tha hóa đạo đức của toàn xã hội là điều có thực, điều này nếu không nhìn thấy thì sẽ không giải quyết được vì hiện nay tệ nạn nhiều quá. Tôi muốn dùng từ là đạo đức suy đồi, văn hóa suy đồi. Nhưng mà những điều đó người ta không chấp nhận đâu, người ta chỉ cho là xuống cấp thôi.”
Có những ý kiến cho rằng những hiện tượng trên chỉ xảy ra ở Việt nam trong vài năm gần đây là do tác động của nền kinh tế thị trường, do sự chạy theo đồng tiền mù quáng của nhiều người làm cho con người ta trở nên ích kỷ và tàn bạo hơn với nhau, và vì thế ảnh hưởng đến trẻ em. Giáo sư Hà Văn Thịnh cho rằng đó chỉ là một phần nguyên nhân mà thôi. Ông giải thích:
“Cái nền kinh tế thị trường mà Việt nam là nông nghiệp, nông dân theo không kịp cho nên tạo nên những cái quái dị, những cái biến thái về mặt văn hóa không thể hình dung nổi. Nhưng kinh tế thị trường chỉ là phần ngoại vi, phần cớ, phần vin vào đó để mà đổ lỗi. Phần lớn hơn nữa, phần nghiêm trọng hơn là bộ máy lãnh đạo hiện nay có nhiều vấn đề. Trên bảo dưới không nghe, ai muốn làm gì thì làm, công an lập trạm kiểm soát để ăn cướp của dân, những cái gì là cộng hưởng về sai phạm, cộng hưởng về xuống cấp văn hóa, cộng hưởng toàn diện. Điều này thì hiện nay cực kỳ nghiêm trọng.”
Đại biểu quốc hội, giáo sư tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết thì cho rằng nguyên nhân của những hiện tượng này là do thiếu sự giám sát chặt chẽ từ gia đình:
“Tôi cho rằng ở đây cần phải thay đổi cách quan hệ giữa nhà trường với gia đình. Từ trước đến nay thì phụ huynh học sinh chỉ biết gửi con vào nhà trường thôi, phó mặc nhà trường và ngoài giờ học thì cũng tùy con mình làm gì thì làm, một năm thì giáo viên chủ nhiệm hợp với phụ huynh học sinh độ 2 lần. Như thế không đủ để thiết lập mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường phối hợp các cháu.
“Phải chăng xã hội ta hiện nay nhiều người đã bắt đầu bàng quan với các vấn đề chung của xã hội, với trách nhiệm giữ trật tự, an toàn công cộng cũng như việc bảo vệ nhân phẩm con người?”
Ông dẫn chứng ở các nước văn minh thậm chí đánh đập một con vật trên đường cũng bị can thiệp chứ đừng nói đánh đập con người.
Nhà giáo Nguyễn Thượng Long thì gọi đó là căn bệnh vô cảm của toàn xã hội. Sự vô cảm thể hiện cả ở thái độ của cô bé đánh bạn trước cơ quan điều tra mà giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói là không thể tưởng tượng được:
“Điều đáng nói là một số cháu này không có cảm xúc, tức là khi lên làm việc với công an, nó vẫn cười nhơn nhơn, cái đấy là cái không thể tưởng tượng được.”
Không xử lý thích đán
Nhà giáo Nguyễn Thượng Long cho rằng , xã hội, nhà trường, và gia đình đã quá dễ dãi đối với hiện tượng này. Vì thế mà đã có nhiều vụ học sinh nữ đánh nhau, nhiều băng video clip được quăng lên mạng mà không có ai bị xử lý. Bởi vì các em cho rằng đã có sự quen biết của bố mẹ, sức mạnh của tiền bạc để giúp các em thoát khỏi mọi kỷ luật, ông nói:
“Giáo dục ở nước ta không được nghiêm chỉnh, và phần lớn các em gây tội lỗi như vậy là con cái những gia đình khá giả, nếu không phải là con ông cháu cha thì là của gia đình khá giả. Mà những gia đình khá giả trong xã hội giai đoạn hiện nay thì người ta có nhiều sức mạnh lắm, nên con người ta không học trường A thì học trường B.”
Chúng tôi liên hệ với ông Nguyễn Hiệp Thống, chánh văn phòng Sở giáo dục đào tạo Hà nội để hỏi về biện pháp xử lý nào sẽ được áp dụng cho trường hợp này. Ông Nguyễn Hiệp Thống cho biết:
“Có, chúng tôi có hình thức kỷ luật, chị lên báo đọc sẽ thấy, tôi trả lời hết các báo Việt Nam rồi.”
Phải thực thi luật pháp cho nghiêm, tức là cơ quan thi hành luật pháp, cơ quan bảo vệ pháp luật và các tổ chức bảo vệ quyền lợi của thanh thiếu niên của phụ nữ phải lên tiếng.
GS Nguyễn Minh Thuyết
Theo báo chí Việt Nam, hai học sinh tham gia vào việc đánh bạn và quay video clip bị đuổi học và cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 1 năm. Còn học sinh bị đánh thì bị xếp hạnh kiểm yếu và cho thời gian thử thách đến hết năm học. Không thấy nói gì về hình phạt dành cho người trực tiếp đánh dã man nhất là học sinh đã bỏ học Phạm Tường Vi. Cũng không thấy nói gì đến hình phạt dành cho học sinh đã phát tán đoạn video lên mạng là Mai Thùy Linh, người mà theo báo chí Việt nam đưa tin là con của một cán bộ công an.
Vậy đối với những trường hợp đánh nhau khác đã được phát tán trên mạng thì sao? Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu quốc hội thì cho rằng về mặt luật pháp, Việt nam không thiếu luật và chế tài đối với các trường hợp như vậy, nhưng vấn đề là phải thực thi nghiêm minh luật pháp. Ông nói:
“Tôi cho rằng quan trọng nhất là mình phải thực thi luật pháp cho nghiêm, tức là cơ quan thi hành luật pháp, cơ quan bảo vệ pháp luật và các tổ chức bảo vệ quyền lợi của thanh thiếu niên của phụ nữ phải lên tiếng. Phải có chủ thể phát hiện và tố cáo thì người ta mới xử lý được. Tôi cho rằng công an vừa rồi đã làm tốt việc kiểm tra những băng hình ấy và xác định những đỗi tượng vi phạm trong băng hình. Nhưng chắc là trong thời gian tới cần phải xác định những đối tượng tham gia các vụ hành hung khác đã từng tung lên mạng. Tôi cho rằng phải làm triệt để và rất nghiêm thì mới chấm dứt những chuyện thế này được.”
Vẫn chưa có những phản ứng chính thức nào từ Bộ giáo dục và đào tạo về hiện tượng học sinh nữ đánh nhau, ngoài mức kỷ luật như ông chánh văn phòng Sở giáo dục đào tạo cho biết về trường hợp mới xảy ra hồi đầu tháng.
Chúng tôi hỏi chuyện một phụ huynh học sinh, người cũng có một con gái đang đi học phổ thông ở thành phố Hồ Chí Minh. Chị nói chị rất lo lắng về hiện tượng này và hy vọng nó sẽ không xảy ra với con gái mình. Tuy thế, chị cho biết trước mắt chị sẽ cho con đi học võ để tự vệ. Được biết, nữ sinh đánh bạn cũng được bố mẹ cho đi học võ từ khi còn nhỏ.
Tạp chí câu chuyện hàng tuần xin tạm dừng tại đây. Việt Hà xin thân ái tạm biệt quý vị và xin hẹn gặp lại vào sáng thứ ba tuần tới.
Theo dòng thời sự:
- Bức tranh xã hội Việt Nam - Mảng tối và Nỗi ưu tư
- Vụ thả chó béc-giê cắn chết người
- Khi ra biển lớn (phần 1): Nỗi ám ảnh chính trị
- Khi ra biển lớn (phần 2): Lối sống và thói quen
- Khi ra biển lớn (phần 3): Cuộc chơi không dành cho người yếu tim
- Vấn đề dạy và học tiếng Anh hiện nay
- Tại sao nước ngoài chưa muốn đầu tư vào hệ thống giáo dục
- Quy mô phải đi đôi với chất lượng
- Gần 13.000 học sinh Việt Nam sang Mỹ du học trong năm 2009