Ông lão đạp xích lô vui tính
2012.03.19
Hình ảnh quen thuộc
Đường phố Sài Gòn lúc nào cũng náo nhiệt. Những quán xá, những dòng người tấp nập hòa cùng với tiếng động cơ inh ỏi như chưa bao giờ thôi trở thành đặc trưng của nơi từng được gọi là hòn ngọc viễn đông. Tại đây, sẽ không khó để tìm thấy những chiếc xích lô đậu tại một góc khuất trên phố. Thế nhưng ông Trung Văn Lai không chỉ là một người đạp xích lô bình thường. Ông là một người đạp xích lô vui tính:
“Tình tình vui vẻ là việc phải cố gắng làm để khách vừa lòng. Đó là tính tốt, mình vui thì khách cũng vui. Nếu mình cọc cằn thì khách không đi”.
Cái chất giọng miền Nam đặc sệt, cộng với cách nói chân tình và nụ cười hóm hỉnh của ông già 72 tuổi làm ông không lẫn được với bất cứ người xích lô nào ở khu chợ Tân Định. Nơi đây là bến của ông Lai từ 15 năm nay. Ông già lúc nào cũng mặc chiếc áo sơ mi ngả màu, chiếc quần sậm nhăn nhún. Đặc biệt, đôi dép nhựa tổ ong và cái nón lưỡi trai là hai vật “bất ly thân” mà hiếm khi ông thay đổi.
Ngày nào cũng như ngày nấy, dường như 365 ngày trong năm là 365 ngày người ta thấy ông già với nụ cười móm mém ngồi đón khách bên một góc nhỏ của khu chợ. Thậm chí, ngày nào vắng ông Lai, là những khách quen hay những người bán hàng trong chợ lại lo lắng và thắc mắc. Bà Thêm, một người khách quen của ông Lai cho biết:
“Đến chợ Tân Định hỏi thăm ông già chạy xích lô là ai cũng biết. Ông là người chạy xích lô già nhất ở đó. Ông ấy rất cởi mở, dễ chịu và vui vẻ đón khách. Tính tình ông ta còn rất hiền nữa”.
Với tính tình hiền lành, vui vẻ, cẩn thận lại biết cách pha trò khi chở khách, ông Lai được nhiều người già tin tưởng. Cứ 6 giờ sáng là ông đã ngồi chờ khách tại bãi xe và chỉ trở về nhà khi trời sụp tối. Cái dáng gầy gò, đen nhẻm của ông Lai không lẫn vào đâu được. Dù khi đường phố ngập người qua lại, người ta vẫn có thể nhận ra chiếc nón của ông nhấp nhô trong dòng người, lên xuống theo từng vòng bánh xe quay. Ông chia sẻ:
“Cái nghề này rất cực và mệt nhọc vì phải dùng sức để đạp mà không có máy móc gì cả. Đặc biệt là từ 12 giờ trưa trở đi là mệt lắm”.
Cái vất vả của nghề đạp xích lô là nắng luôn đến mặt và mưa luôn đến đầu, như hứng hết những cơn hỷ nộ ái ố của trời đất. Trời Sài Gòn lại không hẳn lúc nào cũng dễ chịu:
“Nếu có khách chở thì mặc áo mưa còn không thì tìm mái hiên để đụp. Lúc mưa thì xe có mui để che cho khách. Nếu nước ngập thì vẫn chạy được nhưng đạp hơi nặng một chút. Trường hợp đạp xe mà mắc mưa là chuyện bình thường”.
Đến chợ Tân Định hỏi thăm ông già chạy xích lô là ai cũng biết. Ông là người chạy xích lô già nhất ở đó. Ông ấy rất cởi mở, dễ chịu và vui vẻ đón khách. Tính tình ông ta còn rất hiền nữa.
Bà Thêm
Ông Lai tâm sự, nắng mưa thất thường và những vất vả trong công việc chưa phải là nỗi lo lớn nhất của ông:
“Rất nhiều kỷ niệm vui buồn kể không hết được. Nhưng mà buồn nhiều hơn vui. Những lúc không có khách, thậm chí mấy tiếng đồng hồ không có khách thì buồn lắm. Còn lúc nào mà có khách đi liên tiếp thì vui nhưng mà hiếm khi được như vậy lắm”.
Vừa nói, ông Lai vừa cười buồn. Đối với ông, cái nghịch lý của những người làm nghề bán sức lao động như ông là không bao giờ mong muốn mình được nghỉ ngơi bởi việc ông mệt hay không nó không quan trọng bằng việc có kiếm đủ tiền sinh hoạt cho ngày hôm đó.
Nghề đủ nuôi thân
Ông Trung Văn Lai người gốc Tiền Giang. Khoảng 20 năm trước, ông bỏ quê lên Sài Gòn kiếm sống. Ông bắt đầu cuộc sống vất vả tại Sài Gòn từ ngôi chợ Tân Định với nghề bán lá chuối dạo. Rồi khi quà bánh đóng gói chiếm lĩnh thị trường, những cái bánh quê gói bằng lá chuối cũng từ đó trở nên lạc hậu. Từ đó, thúng lá chuối của ông cũng vắng người thăm hỏi:
"Không còn cái nghề gì nữa nên phải chọn nghề này thôi. Hồi trước ở quê lên thì tôi bán lá chuối ở chợ Tân Định nhưng sau đó ế quá nên chuyển sang nghề đạp xích lô. Ở quê thì cũng chẳng biết làm gì nữa. Ở Sài Gòn thì đạp xích lô cũng sống tạm được”.
Thỉnh thoảng, người ta thấy có một bà già trạc tuổi ông Lai tay xách nải chuối, buồng cau lên thăm ông ở góc chợ Tân Định. Đó là vợ của ông Lai. Cứ lâu lâu, bà lại từ quê lên thăm ông và luôn tiện mang cho ông chút quà quê. Vì những khó khăn trong cuộc sống, ông Lai và vợ sống cảnh “ngưu lang chức nữ” từ khi ông lên Sài Gòn. Đàn con 6 người cũng được hai ông bà chia hai để nuôi nấng.
“Con cái cũng khó khăn quá nên tôi không nỡ ngồi nhà cho chúng nuôi. Khi nào tôi không còn làm được nữa thì thôi, chúng cũng nuôi”.
Hiểu được hoàn cảnh của ông, nhiều khách quen thường cho thêm tiền sau mỗi chuyến đi. Mỗi lần như thế là ông già mừng ra mặt. Ông cẩn thận gói tiền vào bao ny lon và cất thật kỹ để khoe với vợ khi có cơ hội gặp mặt. Bà Thêm cho biết:
“Thương ông ấy nên mới giúp ông như vậy chứ tôi đi bộ cũng được. Tôi đi xe ông để giúp ông vậy thôi. Tôi thường đi xe của ông ấy khi muốn đến nhà thờ hay đi chợ. Tôi thấy ông già nên muốn giúp đỡ ông ấy để ông có tiền sinh sống và cho gia đình. Khi đi xe thì tôi cũng cho thêm tiền và lâu lâu cũng cho tiền ông ấy”.
Cảm thấy lạc lõng
Những khu đô thị mới, những công nghệ mới của cuộc sống hiện đại dần đẩy những người đạp xe như ông Lai ra khỏi lề xã hội. Đôi lúc nhìn những chiếc xe ôm dập dìu trên phố, ông Lai ngẩn ngơ. Cảm giác đó không khỏi làm ông già 72 tuổi hụt hẫng và tủi thân.
“Mai mốt công an cấm xích lô nên bây giờ xích lô bị dẹp từ từ. Bây giờ ở chợ Tân Định có chừng 3 người chạy xích lô thôi. Ông cũng nói là sợ mai mốt người ta không cho chạy nữa” bà Thêm nói.
Ông lão tâm sự, mức sống ngày càng cao nhưng số lượng khách lại cứ vắng dần. Phần vì một số tuyến đường trung tâm Sài Gòn đã cấm xích lô, phần vì xe ôm ngày càng chiếm ưu thế. Mỗi ngày, ông Lai có khoảng 5 người khách, đa số là người già và là khách quen:
“Bây giờ khách giảm nhiều lắm vì bây giờ xe máy nhiều quá. Chủ yếu khách đi xe xích lô bây giờ là người già. Còn người trẻ thì họ chỉ đi xe ôm thôi. Không thể nào cạnh tranh với họ được”.
Ngày mua được chiếc xích lô với giá 2 triệu đồng cách đây 15 năm, lòng ông mừng như mở hội. Trong ký ức của ông, những người phu kéo xe hay những người đạp xích lô trên đường phố nhộn nhịp của Sài Gòn xưa luôn là một phần của cuộc sống bận rộn và xa hoa mà dân tỉnh lẻ như ông hiếm có cơ hội chứng kiến. Thế nhưng, hình ảnh đó rồi có lẽ sẽ trở thành ký ức khi xích lô càng ít được ưa chuộng.
“Đó là niềm vui từ nào đến giờ nhưng tôi nghe nói sẽ cấm tuyệt đối xích lô làm tôi buồn lắm vì làm sao mà có thu nhập được. Làm sao bây giờ, chạy xe ôm thì không được vì lớn tuổi rồi”, ông Lai thở dài tâm sự.
Bây giờ khách giảm nhiều lắm vì bây giờ xe máy nhiều quá. Chủ yếu khách đi xe xích lô bây giờ là người già. Còn người trẻ thì họ chỉ đi xe ôm thôi. Không thể nào cạnh tranh với họ được.
Ô. Trung Văn Lai
Câu chuyện của ông Trung Văn Lai có lẽ cũng chỉ là một trong những câu chuyện buồn về những người bị lãng quên. Có người cho rằng, sự quê mùa của chiếc xích lô cản trở mỹ quan đô thị Sài Gòn cho nên việc cấm loại xe này là cần thiết. Dẫu thế nào đi nữa, những hiệu hớt tóc bên đường, những thiếu nữ với tà áo dài thướt tha và những chiếc xích lô đậu dọc trên các con phố nhỏ luôn là một phần không thể thiếu trong những kỷ niệm về Sài Gòn xưa, thời mà nơi đây gắn với cái tên diễm lệ “hòn ngọc viễn đông”.
Mời quý vị đóng góp ý kiến tại email Quynhchi@rfa.org.