Chuyện chàng trai nấu ăn cho quốc khách

Quỳnh Chi mời quý vị làm quen với chàng trai tài hoa của làng ẩm thực Việt Nam – Võ Quốc.
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2012.02.06

Năng khiếu bẩm sinh

116voquoc-200.jpgĐã biết Võ Quốc với những giải thưởng quốc tế liên quan đến nghề bếp; đã biết anh từng “làm mưa làm gió” với vai trò đầu bếp trong các lễ hội văn hóa, ẩm thực dân tộc và đã biết anh là chàng trai vinh dự nấu ăn cho nhiều quốc khách của Việt Nam. Nhưng người ta vẫn bất ngờ khi gặp Võ Quốc. Quốc chia sẻ điều bất ngờ đầu tiên khi anh đến với nghề bếp:

“Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống học hành, có tám anh chị em. Trong khi bảy anh chị của tôi đều thi đậu đại học nhưng chỉ riêng tôi là thi đến ba lần vẫn không đậu. Gia đình tôi la mắng và bắt đi luyện thi đại học tiếp. Nhưng lúc đó tôi nghĩ mình cũng không có tâm trí học tiếp và muốn tự kiếm tiền để nuôi sống mình nên tôi đi học nghề bartender. Từ đó, tôi nhìn thấy những người học bếp và thích. Sau khi kết thúc khóa học bartender tôi bắt đầu học bếp. Dĩ nhiên là việc tôi học nghề được tôi giấu nhẹm với gia đình”.

Năm 2000, sau hai lần không đậu đại học, chàng trai tỉnh Bình Dương quyết định vào Sài Gòn học nghề và chọn nghề bếp chỉ đơn giản vì anh bị thu hút bởi “cái nón đầu bếp”. Nhưng trong thời gian học bếp, Quốc bộc lộ năng khiếu bẩm sinh và được chọn đi thi một cuộc thi nghề của Châu Á được tổ chức ở Bắc Kinh.
Chưa đầy sáu tháng sau khi học bếp, Quốc tham dự cuộc thi như một trong những đầu bếp trẻ tuổi và ít kinh nghiệm nhất. Nhận thấy mình không thể đánh bại các đầu bếp dày dặn kinh nghiệm khác về phần kỹ thuật và trình bày, Quốc đã đi đến một quyết định “táo bạo”:

“Tôi chọn món cơm chiên. Món cơm chiên rất là bình thường. Cô giáo đưa tôi đi thi thấy như vậy thì phản đối. Cô nói là tôi phải thi cái món đã luyện ở nhà rồi thì nếu có rớt cũng không sao, còn tự đổi món mà rớt thì hai cô trò sẽ bị kỷ luật. Cho nên tôi đã quyết định nấu cho cô ăn thử”.

Theo Quốc, cái có thể làm món dự thi của anh thu hút sự chú ý của ban giám khảo là hương vị đặc biệt của món ăn và anh quyết định chọn cách làm món cơm chiên cũng rất đặc biệt:

“Tôi dựa theo cách làm xôi vò. Người Bắc mình có cách là áo đậu xanh hạt nếp để hạt xôi rời rạc. Tôi cho cô giáo tôi ăn thử và cô thích và đồng ý cho tôi thi món đó”.

Quốc kể lại, khi các món ăn được dọn ra, trong khi những đầu bếp đến từ các nước khác bày biện nào long phụng, nào yến xào với cách trang trí vô cùng bắt mắt thì đĩa cơm chiên đơn sơ của anh nằm đầy khiêm tốn trên bàn thi. Nhưng kết quả của bí quyết làm cơm chiên theo cách xôi vò là một sự đầy bất ngờ cho tất cả những ai có mặt ngày hôm đó:

“Khi trưởng ban giám khảo đến chấm thì ông rất thích. Nhưng vị này là người Hoa nên có ý muốn “giấu nghề”. Ông nói với tôi là nếu tôi thuyết trình về cách làm thì tôi cũng được giải nhất, nhưng không thuyết trình thì cũng được giải nhất. Tuy nhiên, phần thuyết trình là phần bắt buộc nên lúc đó tôi đã thuyết trình về cách làm cơm chiên. Cuối cùng tôi được giải nhất”.

Quốc là người Việt Nam đầu tiên đoạt giải nhất trong cuộc thi này. Với độ tuổi 20, ý nghĩa giải thưởng càng trở nên đặc biệt. Từ đó, Quốc bắt đầu tham gia những lớp học nấu ăn với các đầu bếp quốc tế. Cách nấu canh “vừa ngọt, vừa chua thanh”, cách kho thịt “làm sao cho phần nạc thì mềm còn phần mỡ thì cứng”... đã làm Quốc lọt vào mắt xanh của các giáo viên nước ngoài  và anh cũng đạt giải nhất sau khóa học đó.

Đây cũng là lúc gia đình chấp nhận cho anh chọn nghề bếp và mọi người nghĩ việc Quốc bám theo “con dao, tấm thớt” là chuyện đương nhiên, nhất là lúc Việt Nam đang bắt đầu thu hút đầu tư và các khu nghỉ dưỡng ngày càng mọc lên như nấm. Thế nhưng, một lần nữa Quốc đã gây sự bất ngờ cho những người từng trao giải thưởng cho anh:

“Học xong tất cả những lớp này thì tôi suy nghĩ là nếu tôi đứng bếp thì sẽ không thành công. Tôi nghĩ làm bếp thì tính tình cần điềm đạm, chứ nóng như tôi thì khi ở trong bếp sẽ có lúc nóng nảy và ảnh hưởng đến khẩu vị nêm nếm. Tôi biết được điều đó và định rẽ sang một hướng khác”.

Sau khi tốt nghiệp hệ tại chức, Quốc trở thành nhân viên ngân hàng, một nghề không liên quan đến những giải thưởng mà anh đạt được. Tuy nhiên, sau một thời gian, anh bỏ công việc này và bắt đầu nghiên cứu các trang báo ẩm thực thế giới và nảy ra ý tưởng làm một trang báo về món ngon Việt Nam trong đó chú trọng cách trình bày, hình ảnh để món ăn Việt có thể thu hút được du khách nước ngoài.

Tinh thần dân tộc

Dần dà, Quốc bắt tay vào nghiên cứu các món ăn Việt và được biết đến với vai trò bếp chính trong các bữa tiệc quan trọng như tiệc dành cho quốc khách hay các bữa tiệc lễ hội lớn tại Việt Nam. Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu cũng là một trong những nhân vật quan trọng nhiều lần yêu cầu Quốc nấu ăn cho ông. Tuy nhiên, một trong những kỷ niệm đáng nhớ của Võ Quốc là dịp Việt Nam tổ chức đại lễ Nghìn năm Thăng Long. Anh cho biết:

1_bc4d7-dantri.jpg
Anh Võ Quốc. Photo courtesy of dantri
Anh Võ Quốc. Photo courtesy of dantri
“Trong dịp lễ Ngàn năm Thăng Long, tôi làm những món của của giới quý tộc Hà Nội xưa, nhưng làm theo kiểu “mâm cao cỗ đầy” để đãi khoảng 100 nhân vật quan trọng trong các đoàn nghệ thuật quốc tế và các chính khách nước ngoài. Lúc đó tôi chưa bao giờ nấu những món này nên phải vào thư viện quốc gia tìm những món thất truyền của người quý tộc miền Bắc xưa. Một số nguyên liệu không có ở miền Nam nên tôi phải ra Bắc ở một tháng rưỡi để tập nấu. Lần đó tôi cũng rất ấn tượng với các công thức nấu ăn cổ bởi vì tất cả nguyên vật liệu đều được viết thành thơ”.

Trước khi tổ chức lễ hội Nghìn năm Thăng Long, ban tổ chức đã nhiều lần mời các đầu bếp danh tiếng làm các món ăn quý tộc của Hà Nội xưa để đãi những vị khách nước ngoài quan trọng nhưng đều không thành công. Tuy nhiên, có vẻ như Quốc đã chinh phục được những người Hà Nội khó tính nhất:

“Có một bác là con gái một gia đình quý tộc Hà Nội cổ ngày xưa nói với tôi là những người nấu được như thế này thì một số đã chết, một số đang sống ở nước ngoài và một số thì đang ở trong Nam, không ai ở Hà Nội còn có thể nấu mấy món này nữa”.

Sau thành công từ đại lễ Nghìn năm Thăng Long, Quốc bắt đầu tìm thấy thêm sự thú vị trong món ăn Việt. Hễ khi có thời gian rảnh, Quốc lại vào thư viện quốc gia tìm kiếm những cuốn sách về món ăn xưa cũng như nguồn gốc của món ăn và nghiên cứu. Hiện tại, anh đang nghiên cứu về sự tương đồng giữa các món ăn Việt Nam và các nước trong vùng. Quốc chia sẻ, càng nghiên cứu, anh càng bị thu hút bởi sự đặc trưng của các món ăn Việt cho nên dù nấu cho bất cứ ai, ngay cả các vị khách nước ngoài, Quốc cũng giữ sự đặc trưng của món ăn. Và theo anh, đó chính là điểm khác biệt của món ăn Việt:

“Các món ăn phải có gia vị tương tác với nhau mới tốt cho sức khỏe. Thức ăn Việt Nam có rất nhiều gia vị nhưng lại mang tính trung hoà và không gây khó chịu. Ví dụ, khi nấu ăn cho người nước ngoài thì một đầu bếp Thái phải giảm bớt gia vị. Hay món ăn Ấn cũng được bỏ ít gia vị hơn khi phục vụ người nước ngoài. Tuy nhiên, thức ăn Việt Nam thì không bị như vậy. Ví dụ, một nồi bún bò dù nấu cho người nước ngoài cũng phải nấu theo cách đặc trưng cho người Việt nhưng tôi dám chắc rằng họ sẽ ăn được. Thêm vào đó, cái vị cay của món ăn Việt là cay ở mép chứ không phải cay ở lưỡi cho nên sẽ không làm mất vị giác. Đó mới là đúng cái cay của thức ăn Việt”.

Nấu theo cách thức đặc trưng Việt Nam là cách chàng trai trẻ này giữ cho ẩm thực Việt Nam không lẫn với bất kỳ một nền ẩm thực nào khác. Theo Quốc, những loại rau mùi ăn kèm cùng các món ăn Việt chính là những  bài thuốc tốt cho sức khỏe. Những loại nước chấm của từng món ăn chính là cái làm cho thức ăn Việt Nam vừa giữ được đặc sắc hương vị nhưng cũng đồng thời giúp thức ăn Việt Nam ngày càng nhận được sự quan tâm của bạn bè quốc tế.

Với độ tuổi vừa bước qua 30 nhưng có đến 10 năm làm ẩm thực, Quốc khá trẻ trong đường đời nhưng lại khá già trong sự nghiệp. Quốc chia sẻ, anh chưa bao giờ ngại về quan niệm “con trai vào bếp” bởi đối với anh, dường như cái nghề đã chọn chính bản thân anh. Qua cách anh nói chuyện, người ta có thể cảm nhận được chàng trai này yêu nghệ thuật nấu ăn đến lạ kỳ. Anh có thể thao thao bất tuyệt về bất cứ điều gì liên quan đến ẩm thực:

“Rất nhiều người nghĩ rằng đầu bếp là phải có một cái lưỡi giỏi nhưng thực sự điều đó không phải. Một người đầu bếp giỏi thì phải có đôi mắt và đôi tay giỏi. Một người đầu bếp nấu ăn ngon do nếm thì chỉ ngang với người nội trợ giỏi. Khi người đầu bếp có thể ngửi mà biết thức ăn ngon hay dở thì đó chỉ là cấp bậc thứ hai. Vì khi nấu nhiều thì vị giác và khứu giác sẽ bị mất cảm giác. Một người đầu bếp giỏi phải dùng mắt và tay để cho đủ gia vị cần thiết”.

Cách nấu ăn bằng mắt và bằng tay không phải là điều ngạc nhiên lớn nhất mà chàng trai trẻ Võ Quốc dành cho người đối diện. Có lẽ điều gây bất ngờ nhất là cách chàng trai này học nấu các món đặc trưng của Việt Nam:

“Những món ăn của tôi đến 90% là được học từ chợ. Tôi rất thích đi chợ ở mỗi vùng khác nhau. Tâm lý người bán hàng là thường chỉ bảo cách nấu cho người mua. Biết được như thế nên tôi hay hỏi cách nấu sao cho ngon khi mua nguyên vật liệu. Mỗi vùng đều có một cách nấu khác và dùng nguyên liệu khác. Đó chính là nơi tôi học thêm được nhiều món ăn”.

Theo một nguồn tin khả tín, Võ Quốc đã được chọn làm Đại sứ Ẩm thực Việt Nam và tin tức sẽ được công bố chính thức vào tháng tới. Không ai biết Quốc sẽ mang món ăn nào đến bạn bè quốc tế trong vai trò mới nhưng điều chắc chắn các món ăn đó sẽ mang đậm chất Việt Nam, như những gì Quốc luôn theo đuổi.

Hơn ai hết, Quốc biết được việc này có ý nghĩa như thế nào bởi một món ăn thường chỉ là một món ăn; nhưng một món ăn mang đậm chất đặt trưng Việt Nam đứng tự tin bên cạnh các món ăn quốc tế khác, là một món ăn dân tộc.

Liên lạc với tác giả tại: QUYNHCHI@RFA.ORG

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.