Người đàn bà bán vé số muốn sống trọn đạo
2012.04.17
"Bất lực và thất bại"
Tại một xóm nhà trọ bình dân nhỏ ở huyện Bình Chánh, Tp. HCM, chị Trần Thị Hoa có lẽ là một trong những người kiệm lời nhất. Những vất vả trong cuộc sống đã làm cho người phụ nữ này trở nên ít nói để khi nói về câu chuyện của mình, chị chỉ gói gọn trong hai từ “bất lực và thất bại”.
Hằng ngày, cứ sau 5 giờ sáng, khi người dân xóm trọ còn say giấc nồng, chị Hoa lại lê từng bước chân khó nhọc về ngôi nhà trọ 8m vuông nhỏ bé. Nghe tiếng chị mở cửa cót két, dân trong xóm biết rằng chị vừa hoàn thành một nửa ngày lao động của mình:
“Tôi bán vé số ban đêm từ 12 giờ đêm đến 5 giờ sáng. Sau đó thì tôi lo chuyện gia đình và đi bán tiếp đến khoảng 2¬-3 giờ chiều mới về nhà”.
Đó là những ngày làm việc bình thường của chị. Những ngày mưa dài hơn, khách vắng hơn là những lúc ngày làm việc của chị dài hơn nhiều lần. Chứng thấp khớp, viêm gan và đau thần kinh tọa đã lấy đi sức khoẻ và sinh lực của người đàn bà ngoài 50 này, nhưng nó không lấy đi sự cần cù và trách nhiệm nuôi sống gia đình của chị.
Trong căn nhà trọ ẩm thấp đơn sơ, chỉ cần ngồi được năm người đã chật, chị phải chăm sóc người mẹ chồng mù lòa, đứa con 15 tuổi và đứa cháu mới vừa lên năm.
Chị bắt đầu câu chuyện của mình với cái thất bại của một người mẹ. Do những vất vả của cuộc sống, chị Hoa ngày đêm đầu tắt mặt tối lội bộ hàng chục cây số mỗi ngày với mong muốn duy nhất là bán hết xấp vé số trên tay. Thời gian chị dành cho con là vài tiếng đồng hồ ít ỏi sau một ngày làm việc vất vả. Hậu quả của những năm tháng làm việc “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” là việc đứa con gái lớn của chị làm mẹ ở tuổi 15.
Cách đây năm năm, sau khi sinh con, cô gái ấy đã ra đi bỏ lại đứa con còn đỏ hỏn cho chị Hoa nuôi dưỡng. Nhắc đến đứa con gái đầu còn chưa bước qua tuổi hai mươi, đang trôi dạt nơi nào chị còn không biết, chị Hoa chỉ biết thở dài buồn bã:
“Lâu lâu con gái tôi gọi về một lần mà tôi chưa kịp dặn dò thì nó đã tắt máy mà tôi gọi lại không được. Nhiều khi tôi lo lắm, chỉ mong là nó đừng vì cuộc sống mà làm chuyện gì bậy bạ.”
Chị Hoa người gốc An Giang. Chị lên Sài Gòn bán vé số đã mười lăm năm nay. Không có nổi một cục đất cắm dùi, chị đành từ bỏ những cánh đồng lúa mênh mông chen chân tại Sài Gòn. Ngày chị và chồng bắt đầu cầm xấp vé số đầu tiên, chị bế đứa con vừa tròn 9 tháng tuổi đi bộ khắp ngõ ngách.
“Ơ ̉dưới quê cũng chẳng làm được gì cả, tôi không có ruộng vườn, lại hay bệnh nên chỉ còn cách lên Sài Gòn bán vé số. Lúc con út tôi được 9 tháng, tôi đã ẵm cháu lên Sài Gòn bán vé số”.
Lâu lâu con gái tôi gọi về một lần mà tôi chưa kịp dặn dò thì nó đã tắt máy mà tôi gọi lại không được. Nhiều khi tôi lo lắm, chỉ mong là nó đừng vì cuộc sống mà làm chuyện gì bậy bạ.
Chị Hoa
Nếu bắt gặp chị Hoa trên đường, dễ dàng nhận ra nỗi khắc khổ trên gương mặt đen đủi của người đàn bà này. Cái khổ của chị không chỉ còn là cái khổ của người phụ nữ thất bại trong hôn nhân. Chị tâm sự, cái tên Hoa mà cha mẹ đặt cho chị với mong muốn chị sẽ trở thành một đóa hoa đẹp. Nhưng kết quả của những năm tháng làm thuê chân lấm tay bùn từ quá sớm đã làm chị đen đủi và thô kệch. Ơ ̉ miền tỉnh lẻ như An Giang, khi các bạn cùng trang lứa lấy chồng từ tuổi trăng tròn, chị Hoa lập gia đình ở tuổi 30 được hàng xóm gọi là muộn chồng. Vậy mà cách đây hơn 3 năm, sau hơn mười năm lên Sài Gòn cùng vợ, chồng chị cũng bỏ căn nhà trọ ra đi, để lại chị với gánh nặng cuộc sống. Mỗi khi phải nói về chồng, chị chỉ khẽ khàng lãng tránh:
“Chồng tôi đi làm xa, ít về lắm...”
Đứa con trai út của chị mới được mười lăm tuổi đầu, cũng vừa nghỉ học đi làm bốc vác giúp mẹ. Nhìn thân hình nhỏ thó còn chưa phát triển của thằng bé cõng bao hàng còn to hơn nó, ai cũng không khỏi xót xa.
“Thấy con làm như vậy tôi thương đứt ruột. Nó vừa nghỉ học từ hôm tết Dương lịch đến giờ. Thầy giáo có đến khuyên nó đi học lại nhưng nó nói là phải đi làm giúp tôi vì tôi bị bệnh”.
Từ 0 giờ sáng, khi xóm nhà trọ nơi con hẻm sâu của vùng ngoại thành này đã chìm trong đêm tối là hai mẹ con chị Hoa lại lặn lội dắt díu nhau ra chợ Bình Điền bắt đầu ngày làm việc. Đứa con trai vì chưa quen việc nặng, tay cũng bắt đầu chai sần, rỉ máu. Còn chị do đi quá nhiều, chân cũng sưng tấy mà chưa bao giờ có thời gian để các vết thương lành lại. Chị tâm sự, mỗi khi sắp đến giờ sổ số mà xấp vé trên tay còn nặng là lòng chị lại rối bời, chân lại càng bước nhanh mặc cho các vết thương thi nhau rỉ máu. Vậy mà gia đình chị vẫn không đủ ăn và chị cũng không lo nỗi cho con trai và cháu của mình đi học. Chị buồn bã tâm sự, cái nghèo đã biến chị thành một người phụ nữ thất bại liên tiếp. Và bây giờ chị lại thất bại trong vai trò của một người bà đối với giọt máu của con chị.
Ước một lần về thăm cha mẹ
Nhiều khi nhìn đứa cháu bi bô ca hát, chỉ Hoa chỉ ước sao cháu mình cũng được đến trường như bao đứa trẻ khác, nhưng cuộc sống của chị cứ thiếu trước hụt sau:
“Cứ thiếu trước hụt sau, nhiều khi cứ phải hỏi tiền góp nên cũng rất mệt mỏi”.
Với số tiền kiếm được mỗi ngày, chị Hoa chỉ có thể lo bữa ăn cho cả gia đình và đóng tiền nhà mỗi tháng. May mắn lắm thì số tiền dư đủ để chị đóng lãi cho những lần phải mượn nợ chữa bệnh cho bốn người trong nhà. Chị tằn tiện từng ổ bánh mì, mót từng củ khoai, để mong được một lần về quê thăm cha mẹ ruột đã ngoài tám mươi.
“Trời ơi, bốn năm năm nay tôi cũng không về quê thăm cha mẹ được. Ông bà cũng già lắm rồi”.
Mẹ chồng chị Hoa, mặc dù đã phần nào lãng trí và không nhớ được tên mình nhưng bà biết được chị Hoa đã vất vả như thế nào. Nói đến chị Hoa, bà lão xúc động:
“Nó là dâu mà chăm sóc ăn uống, thuốc thang, tôi thương lắm”.
Mặc dù chồng đã bỏ đi nhưng chị Hoa cũng phụng dưỡng bà lão như mẹ ruột. Hai mươi năm nay, chưa một ngày chị than vãn:
“Không có bà thì làm sao có con tôi và cháu tôi, cho nên mình thương bà thì bà thương mình thôi”.
Mỗi ngày, sau khi bán hết xấp vé số, chị Hoa đều bỏ vào túi mình một hai tờ chờ đến giờ xổ. Chị nói, không phải chị tham chi giàu có nhưng có lẽ chỉ có ông Trời mới có thể giúp thay đổi cuộc sống của chị:
“Tôi cũng muốn có cuộc sống thoải mái hơn nhưng đâu có được. Ngày nào tôi cũng vái Trời Phật cho mình trúng vé số để có cuộc sống khác hơn nhưng mà đâu có thành hiện thực”.
Kết thúc câu chuyện, chị Hoa vẫn chưa hết ưu tư về những khốn khó của cuộc đời mình. Cái làm chị khác những người trong xóm trọ này là sự cố gắng không ngừng, một tình yêu thương sắt son dành cho gia đình và một ước mơ thầm kín. Chị Hoa có lẽ không phải là một trong những người kém may mắn nhất và có lẽ câu chuyện của chị chưa hẳn đã làm người ta cảm động vì những khó khăn mà chị đang trải qua.
Nhưng trò chuyện với người phụ nữ này, mới thấy nhân nghĩa và cách đối nhân xử thế luôn được chị đặt vào góc trang trọng nhất của trái tim. Đó là cái người ta biết đến chị.
Kính mời quý vị đóng góp ý kiến và chia sẻ câu chuyện của mình với Quỳnh Chi qua email Quynhchi@rfa.org; hoặc cũng có thể kết nối với Quỳnh Chi trên Facebook và Twitter.