Cảm động ông cụ vay tiền cứu vợ
Quỳnh Chi, phóng viên RFA, Bangkok
2012.02.27
2012.02.27
Courtesy vnexpress
Tình yêu đích thực
Tại bệnh viện tim Hà Nội, ông Đặng Xuân Bá cẩn thận đút từng muỗng cháo cho người vợ thân yêu của mình, bà Muồi. Thấy người vợ đã bắt đầu có chút thần sắc và ăn được gần hết chén cháo, trong lòng ông lão 76 tuổi cũng mừng khấp khởi. Vợ ông vậy là đã qua được cơn nguy kịch sau đợt mổ thay van tim và điều trị kéo dài hàng tháng trời và có thể xuất viện trong vòng 1 hoặc 2 tuần nữa.
“Bà bị suy tim, lại suy gan, suy thận, suy phổi, lại thêm chứng máu trắng. Sau khi mổ, bác sĩ cho biết bà chỉ có 30% là sống sót và 70% chết. Mười lăm ngày sau khi mổ thì bà mới có dấu hiệu khả quan. Tôi cũng phải khóc với bà rất nhiều lần. Con cháu cũng khóc với bà nhiều lắm”.
Theo chuẩn đoán của bác sĩ bệnh viện tỉnh Hà Tĩnh, nơi hai ông bà cư ngụ, bà Muồi mắc bệnh suy tim từ năm 15 tuổi nhưng chỉ mới biểu lộ triệu chứng từ 12 năm nay. Hiện tại bà ở giai đoạn suy tim độ 4, lại thêm các chứng bệnh khác nên việc điều trị càng khó khăn. Điều đó cũng có nghĩa là việc chăm sóc bà càng vất vả và nặng nề đối với ông lão gần 80 tuổi.
Tôi thương bà nhà tôi ở cái tính siêng năng lao động, lại dịu dàng. Bà lại luôn thương chồng con. Nhưng trong những năm gần đây bà cũng không có điều kiện chăm sóc cho tôi vì bà đi viện nhiều quá
Hồi thập niên 60, cảm động trước cô gái cùng quê chịu thương chịu khó, ông Bá phải lòng và mang trầu cau dạm hỏi. Lần lượt bốn mặt con ra đời trên đôi tay tần tảo của hai vợ chồng. Từ hơn mười năm nay, bốn người con của ông bà đã lớn và có gia đình riêng. Vậy là hai vợ chồng già lại sống nương nhờ nhau trong cái nghĩa phu thê. Nhưng cũng từ mười mấy năm nay, sức khỏe của bà Muồi đã yếu đi:
“Tôi thương bà nhà tôi ở cái tính siêng năng lao động, lại dịu dàng. Bà lại luôn thương chồng con. Nhưng trong những năm gần đây bà cũng không có điều kiện chăm sóc cho tôi vì bà đi viện nhiều quá”.
Từ tháng 9 năm ngoái, bà Muồi được đưa đến bệnh viện tỉnh Hà Tĩnh và sau đó đến bệnh viện Tim Hà Nội. Tại đây, tháng 11, bà được mổ để thay van ba lá. Cứ nghĩ bà Muồi nhỏ hơn ông vài tuổi thì ông Bá sẽ ra đi trước, nhưng từ mười năm nay, chứng bệnh suy tim của bà trở nặng và thường bị ngất, nhiều lúc bà Muồi tưởng có lúc thập tử nhất sinh. Những lúc như thế ông lão chỉ biết khóc và cầu Trời:
“Tôi lo cho bà lắm. Lúc bà mổ, bốn đứa con đều ở đây nhưng tôi phải cho hai đứa về lo đóng quan tài cho bà. Tôi cũng gọi về địa phương nói họ nếu có tin xấu thì trên đường tôi về thì họ ở nhà giúp lo hữu sự cho bà. Trong lúc đó ở Hà Nội, ngoài cung cấp các loại thuốc theo yêu cầu bác sĩ, tôi cũng đi đến các nhà thờ, chùa chiềng để cầu xin cứu bà”.
Nhìn ông già gầy xơ xát chạy tất tả trong bệnh viện, nấu từng nồi cháo cho vợ mình và mỗi ngày phải lên xuống tầng ba bệnh viện một cách khó nhọc, ai cũng cảm thương.
Nhìn ông già gầy xơ xát chạy tất tả trong bệnh viện, nấu từng nồi cháo cho vợ mình và mỗi ngày phải lên xuống tầng ba bệnh viện một cách khó nhọc, ai cũng cảm thương. Chị Kim Anh, một người quen của hai ông bà lão cho biết:
“Tôi nói thật là qua đợt ốm đau này mới thấy ông với bà có một tình cảm tuyệt vời”.
Từ mấy tháng nay, ông lão cũng ở suốt tại bệnh viện, ròng rã chăm sóc bà lão. Suốt thời gian đó, ông lão luôn quấn quít bên vợ mình và chưa rời bà nửa bước. Chỉ khi bà thiếp đi, ông mới tranh thủ đi mua đồ ăn hay chợp mắt một chút:
“Ngủ thì tôi thuê một giường trọ mỗi ngày 50 ngàn để trực tiếp chăm sóc bà. Còn ăn thì mỗi ngày tôi được cho một bịch cơm từ thiện. Riêng bà thì phải đầy đủ, không có thì phải vay nặng lãi để cấp cứu bà khi cần thiết và ăn uống hằng ngày”.
Cầm nhà vay nặng lãi để đóng viện phí
Từ khi vợ bệnh đến nay, chỉ mấy tháng mà ông lão mất gần 10kg. Phần vì lo cho vợ, phần vì ông lo cho số nợ đã mượn để chữa bệnh cho vợ mình. Nhà nghèo cộng với đồng lương hưu ít ỏi, vợ chồng ông lão cũng chẳng để dành được đồng nào. Bốn người con cũng không thể san sẻ được gánh nặng của hai ông bà khi chỉ làm nghề nông và vừa thoát khỏi diện nghèo năm ngoái.
Trước khi đưa vợ đi bệnh viện, ông đã cầm “sổ đỏ” căn nhà để vay ngân hàng được 25 triệu đồng trị bệnh cho vợ. Ông cũng vay hàng xóm được thêm vài chục triệu nhưng không ngờ bệnh bà quá nặng khiến việc mổ khó khăn và việc điều trị kéo dài hằng tháng trời. Chính vì thế, vào tháng 11 năm ngoái, trước ca mổ thay van tim của bà Muồi, ông Bá đánh bạo vay nợ nặng lãi tại Hà Nội hơn 100 triệu đồng để có tiền đóng viện phí cho bà.
“Tôi vay thuế chấp sổ đỏ cho ngân hàng vay 25 triệu, mượn được thêm 100 triệu vì không ngờ ra HN mới biết bệnh nặng quá, nên nhờ người ở Hà Nội “vay nóng”. Dành dụm được vài ba chục triệu nhưng khi bà bệnh thì cũng tiêu hết”.
Tôi vay thuế chấp sổ đỏ cho ngân hàng vay 25 triệu, mượn được thêm 100 triệu vì không ngờ ra HN mới biết bệnh nặng quá, nên nhờ người ở Hà Nội “vay nóng”. Dành dụm được vài ba chục triệu nhưng khi bà bệnh thì cũng tiêu hết
Có lúc quá kiệt quệ, sau ca mổ, trong lúc bà Muồi vẫn còn nguy kịch, ông lão lại xin bệnh viện cho mang bà về nhà chờ chết vì biết không thể lo nổi số nợ đã “vay nóng” và số nợ viện phí đã lên đến hàng trăm triệu đồng. Thậm chí, ông từng chua chát nói với bệnh viện rằng nếu bà lão chết ở bệnh viện, ông cũng không có tiền mang bà về quê:
“Sau khi mổ một tháng thì bà bị suy tim, suy phổi, thận trở lại. Và còn bao nhiêu chuyện khác nữa. Cho nên tôi nói bác sĩ là gia đình tôi vay mượn và gom góp đóng cho bệnh viện 100 triệu rồi. Bây giờ bà đau ốm như thế mà điều trị quá nhiều nên tôi xin đem bà về chịu chết. Bây giờ gia đình tan nát hết rồi. Không còn gì cả, giấy tờ nhà cũng thuế chấp rồi”.
Tuy nhiên, bệnh viện đã không đồng ý cho mang bà lão về vì nghĩ rằng bà có cơ may còn sống. Bà Muồi được giữ lại điều trị đã mấy tháng cho đến bây giờ và cũng đồng nghĩa với việc tiền nợ viện phí ngày càng chất chồng quá sức của đôi vợ chồng già. Ông lão buồn bã tâm sự về mong ước của mình:
“Điều ước thứ nhất là mong sao cho bà sống được vài năm nữa. Điều thứ hai ước làm thế nào để có tiền trả nợ cho nhà nước và chủ nợ vì cũng khó khăn lắm. Nói thật là tôi chưa biết phải làm thế nào”.
Dù mắc chứng viêm khớp và bị suy nhược thần kinh, nhưng khi hỏi đến bệnh tình, ông lão chỉ khoát tay, xuê xoa. Ông chia sẻ, hy vọng của ông là có thể được chăm sóc bà cho đến không còn đủ sức nữa:
Sức của tôi thì bây giờ chịu khó chịu khổ thì có thể gắng gượng được vài năm nữa. Tôi thương bà xã lắm. Truyền thống Việt Nam mình, một khi đã hứa nhau, khi lấy nhau thì phải trọn đời chăm sóc nhau. Đui hay què thì mình cũng phải dìu dắt, bệnh tật thì phải nuôi.
“Sức của tôi thì bây giờ chịu khó chịu khổ thì có thể gắng gượng được vài năm nữa. Tôi thương bà xã lắm. Truyền thống Việt Nam mình, một khi đã hứa nhau, khi lấy nhau thì phải trọn đời chăm sóc nhau. Đui hay què thì mình cũng phải dìu dắt, bệnh tật thì phải nuôi. Cho nên khi bà tôi bị nặng mà bệnh viện tỉnh giới thiệu ra Hà Nội thì tôi cũng đi theo để nuôi bà. Từ đó đến nay tôi cũng chưa về quê”.
Hiện tại, mặc dù đã qua giai đoạn nguy hiểm nhưng bà Muồi vẫn còn mệt và không nói chuyện được. Khi được hỏi cảm nghĩ về người chồng của mình, bà chỉ nắm tay ông lão, rấm rứt khóc. Có lẽ cả hai ông bà đều nghĩ rằng họ còn quá ít thời gian để yêu nhau; mà cũng có lẽ đó là những giọt nước mắt hạnh phúc khi nhận ra rằng tình yêu của họ mặc dù không đến từ trái tim lành lặn nhưng nó luôn nguyên vẹn.
Quý thính giả vừa đến với chương trình “Câu chuyện hàng tuần”. Mời quý vị đóng góp ý kiến và chia sẻ câu chuyện của mình với Quỳnh Chi tại email QUYNHCHI@RFA.ORG. Hẹn gặp lại quý vị vào thứ Ba tuần tới.