Bình yên Em nhé

“Câu chuyện hàng tuần” kỳ này mời quý vị theo dõi câu chuyện về bé Tâm, một em gái mới 3 tuổi, đã hi sinh mạng sống của mình để cứu đứa em chưa tròn một tuổi.
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2012.01.02
chau-chua-kip-an-xong-to-my-thi-to-ong-roi-xuong-305.jpg Bà Ngoại của bé Tâm bên bàn thờ Cháu.
Courtesy Bee.net

Đạt ơi chạy đi

Tại một xóm nhỏ ở huyện Long Biền, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, một ngôi mộ nhỏ mới đắp nằm bình yên trong khu nhà dân. Mới tuần trước, khoảng đất nơi đây còn phẳng lì, đầy bước chân trẻ con qua lại. Trên bia mộ, là hình một cô bé chưa đầy ba tuổi vô tư chống hai tay vào bẹ sườn. Đó là bé Tâm.

“Hình đó là hình tôi chụp cháu bằng điện thoại. Mỗi khi tôi mặc đồ đẹp cho cháu là tôi hay lấy điện thoại ra chụp. Chỉ có tấm này là bé không làm duyên và đứng chống nạnh nên có thể lấy thờ.”

Bé Tâm cố kéo chân em mình ra khỏi võng nhưng mà Tâm không thể bế bé Đạt nổi. Tâm thấy vậy, cháu đành ôm em mình để che cho ong khỏi chích em.

Chị Vân

Vừa trả lời, chị Lê Thị Hồng Vân, dì ruột bé Tâm, vừa buồn bã. Ngồi bệch dưới đất trước phòng hồi sức của bệnh viện Nhi Đồng II là chị Lê Thị Hồng Chi, mẹ ruột bé Tâm. Đã hơn một tuần trôi qua sau cái chết đột ngột của con mình, chị Chi còn chưa lấy lại được bình tĩnh. Hễ khi có ai hỏi đến bé Tâm là giọng chị lạc đi, mắt nhìn lơ đãng.

Có lẽ chị Chi đang nghĩ đến bé Tâm, đứa con nhỏ chưa đầy ba tuổi vừa ra đi của chị. Mà cũng có lẽ chị đang lo cho bé Đạt, đứa con chưa đầy một tuổi vẫn đang nằm trong phòng hồi sức vì chưa qua được cơn nguy kịch.

Trưa 23 tháng 12, chị Chi đưa con gái lớn học lớp 4 đến ngôi trường cách đó khoảng vài phút, trong lúc đứa con út đang nằm ngủ trên chiếc võng bên ngoài. Không ngờ, chỉ trong vài phút, đàn ong vò vẽ bay đến tấn công hai cháu bé. Chị Vân kể lại:

“Bình thường bé không ở nhà một mình như vậy. Chị Chi đi đâu cũng gởi bé Đạt cho tôi hay cho hàng xóm, còn bé Tâm đi với mẹ. Hôm đó bé Hồng bị bể bánh xe đạp bên chị Chi phải đưa con đi học. Bé Tâm tự dưng lại xung phong ở nhà đưa bé Đạt ngủ. Khi ong chích bé đạt thì bé Tâm cố kéo chân em mình ra khỏi võng nhưng mà Tâm không thể bế bé Đạt nổi. Tâm thấy vậy, cháu đành ôm em mình để che cho ong khỏi chích em. Tội nghiệp lắm.

Lúc chị Chi về đến thì thấy ong bu các cháu. Lúc đó bé Tâm nói là “Đạt ơi chạy đi, ong chích”. Chị Chi bỏ xe chạy  đến ôm hai đứa bé. Chị khóc quá chừng. Tôi lúc đó vừa chạy đến, thấy cháu  như vậy tôi cũng khóc và chở cháu đi cấp cứu”.

Nghe em gái của mình kể đến đây, chị Chi bắt đầu trào nước mắt. Hôm đó vừa về đến nhà, chị đã nghe tiếng hai đứa con khóc. Bé Đạt thì đang nằm úp mặt xuống đất và chân vẫn còn vướng trên võng. Trong khi đó, bé Tâm vẫn còn ôm em mình và hô to bằng giọng nói chưa hết ngọng “Đạt ơi chạy đi”. Nén cơn xúc động, chị Chi nói:

images652108_toong1-200.jpg
Cây có tổ ong nơi bé Tâm và bé Đạt bị đốt. Courtesy Bee.net
“Tôi ôm hai đứa con chạy đi và bắt ong từ trên đầu cháu xuống. Khi chạy được khoảng 5 – 10 mét thì ong ngưng đuổi. Lúc đó tôi hoảng quá lấy nước miếng tha cho cháu và cầu cứu hàng xóm. Họ mới kêu tôi mang cháu đi cấp cứu. Tại bệnh viện Bà Riạ, bác sĩ nói là trường hợp này nặng. Mà tôi nghe nói nặng nhưng sao mà họ chỉ truyền dịch. Tôi cứ nghĩ là họ trị được. Nhưng không ngờ đến 6 giờ chiều thì cháu bắt đầu làm mệt.”

Sau đó, bé Tâm và bé Đạt được chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng II tại Sài Gòn, và đây cũng là nơi bé trút hơi thở cuối cùng sau khi than rằng “Con mệt quá”. Trước lúc mất, bé Tâm còn kêu “má Tư”(chị Vân) mua quà cho em của mình. Chị Vân xúc động nhớ lại:

“Bé Tâm kêu lên “Tư ơi, con mệt quá”. Tôi nói cháu cố khoẻ đi rồi tôi mua đồ cho nó mặc. Tâm còn nói “Mua áo mới, giày đẹp, vớ đẹp đi ăn cưới”. Tôi an ủi cháu cố gắng  ngoan tôi sẽ mua, còn em Đạt không ngoan tôi không mua. Vậy mà Tâm nói với tôi “Đạt ngoan lắm, má Tư mua cho đạt luôn nghe”. Xong rồi cháu nói trong mê sảng “Cố lên, cố lên”. Y tá cũng tưởng nó tỉnh. Ai ngờ vừa bế cháu vào phòng cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng II thì...

Trời ơi, nếu tôi có thể chết được thay cho bé Tâm thì tôi cũng đã chết rồi. Tôi không dám bế cháu mà cũng không dám ký giấy xác nhận cháu đã chết. Bởi vì tôi mới bế cháu trên tay cách đó vài phút. Lúc đó bé còn nói chuyện. Mặc dù cháu nói mê sảng nhưng đó cũng là tiếng nói của cháu. Mà người ta nói cháu mất chỉ sau đó 10 phút thì tôi không nghĩ đó là sự thật.”

Không một ai muốn tin sự ra đi của việc bé Tâm là sự thật khi bé còn chưa kịp đón sinh nhật thứ ba của mình và nhất là khi chỉ cách đó không lâu, người ta còn bế cháu trên tay. Anh Đặng Thành, chồng chị Chị cho biết:

“Bình thường, chúng tôi làm thuê làm mướn cho người ta mà thôi. Tôi đi làm xa nhà, cách nhà khoảng 40 cây số. Sáng 6 giờ tôi đi và 6 giờ chiều mới về. Hôm đó điện thoại của tôi lại hư. Mãi cho đến khi gia đình tôi nhờ người bạn làm chung báo lại tin con tôi bị ong đốt, tôi mới tức tốc đến bệnh viện Bà Rịa. Lúc đó, cháu còn đòi tôi. Tôi ẵm cháu và cho cháu uống sữa, uống nước.

Khi bác sĩ ở bệnh viện Bà Rịa yêu cầu chuyển hai cháu lên BV Nhi Đồng II thì tôi về lại nhà để chuẩn bị đồ đạc, định sáng mai mang lên cho hai cháu. Nhưng không ngờ, đến khoảng 23 giờ thì tôi được tin bé Tâm mất. Tôi đành ở lại nhà mà lo mai táng cho cháu.”

Nơi ấy, bình yên sẽ bắt đầu

Mẹ em chưa có điều kiện nên tôi nói là để năm sau tôi sẽ cho cháu đi mẫu giáo. Mỗi lần mẹ nó đưa chị nó đi học là Tâm nói “Tâm cũng đi học nữa nhe.

Chị Vân

Vừa xót xa, anh Thành vừa cho biết hai vợ chồng tự đến với nhau bằng tình yêu mà không được gia đình chấp thuận. Những đứa con được sinh ra cũng trong sự không tròn vẹn ấy. Thương cháu, bà ngoại  bé Tâm cho hai vợ chồng dựng ngôi nhà nhỏ trên phần đất của bà để có cái che mưa che nắng. Cứ tưởng những cố gắng của hai vợ chồng rồi sẽ bù đắp cho con phần nào. Vậy mà khi phải đưa con vào viện, họ cũng chỉ được 20 ngàn đồng. Rồi khi bé Tâm mất, hai vợ chồng cũng không thể xây nổi cho con một cái mộ đàng hoàng. Dì bé Tâm đứt ruột tâm sự:

“Sau khi bé mất thì cũng có bà con cô bác đến phúng điếu thì tiền đó cũng đủ xây mộ cho em. Nhưng mà bà con khuyên bảo rằng tiền đó  nên để lo thang thuốc cho bé Đạt được phần nào hay phần ấy. Cho nên người thì cho đá, người cho công, người cho xi măng nên cũng xây được cái mộ nhỏ cho cháu Tâm.

Bây giờ bé Tâm được chôn trên phần đất của ông bà, bên cạnh nhà tôi. Ai cũng thương cháu và tôi cũng năn nỉ chôn cháu bên cạnh nhà tôi để tôi tiện đốt nhang cho cháu. Cũng giống như mỗi buổi sáng, cháu hay sang nhà kêu tôi vậy đó.”

Vì không có con nên chị Vân mặc dù là dì nhưng lại thương bé Tâm như con ruột. Mỗi khi lãnh lương, chị cố mua cho một cái áo mới để sang năm bé đi học. Chia sẻ với đài, chị cho biết lòng cứ ray rứt mãi chuyện chưa có cơ hội cho Tâm đến trường:

chau-chua-kip-an-xong-to-my-thi-to-ong-roi-xuong-3-250.jpg
Nơi cư ngụ của gia đình bé Tâm và bé Đạt. Courtesy Bee.net
“Bé Tâm rất thích đi học nhưng phần gì em chưa đầy ba tuổi, phần vì mẹ em chưa có điều kiện nên tôi nói là để năm sau tôi sẽ cho cháu đi mẫu giáo. Mỗi lần mẹ nó đưa chị nó đi học là Tâm nói “Tâm cũng đi học nữa nhe.

Bé Tâm rất ngoan, phần tôi lại không có con nên yêu thương cháu như con ruột. Tôi thương nó từ lúc nó mới đẻ chứ không phải đợi nó biết ăn biết nói rồi tôi mới thương. Tâm rất khôn, chưa bao giờ xô đẩy em, chưa bao giờ hỗn hào với người lớn. Chưa bao giờ cháu vòi vĩnh đồ chơi.”

Trong ba đứa con, bé Minh Tâm xinh xắn và thông minh nhất nhà. Lúc còn sống, bé luôn nghe lời người lớn, ngay cả khi đau đớn khắp người vì bị ong chích, cháu vẫn nghe lời mẹ dạy là “không được ngủ”. Đó là khoảnh khắc cuối cùng chị Chị nhớ mãi trên gương mặt con mình. Và đó cũng là một nỗi buồn mà chị không thể nào quên được. Chị Chi cho biết:

“Khi chở cháu đi bệnh viện, tôi thấy cháu nhắm mắt. Chúng tôi cố gắng gọi cháu dậy, không cho cháu ngủ. Mỗi lần lay cháu dậy thì cháu lại mở mắt ra. Cháu biết nghe lời lắm. Trong nhà thì bé Tâm đẹp gái nhất và lanh lẹ nhất. Chị của cháu thì cũng học giỏi nhưng khờ hơn. Nuôi nó mấy năm trời, mến tay mến chân...nên nhớ lắm. Bây giờ tôi chỉ có một niềm vui là mong cho bé Đạt được khoẻ. Chứ đau là tôi đã mất đi bé Tâm rồi...”

Kết thúc buổi nói chuyện, đôi vợ chồng trẻ chưa bước qua tuổi ba mươi vẫn còn ngồi bệch bên hành lang trước phòng hồi sức để ngóng tin bé Đạt mà nước mắt khô trên má. Dưới căn tin, người dì đang xếp hàng chờ đón lấy bữa cơm từ thiện. Thi thoảng, họ thay nhau về Bà Rịa – Vũng Tàu thăm ngôi mộ nhỏ. Và mỗi lần như thế là mỗi lần họ khóc.

Ơ ̉ một khía cạnh nào đó, câu chuyện về gia đình bé Tâm là một câu chuyện buồn với những người nghèo khổ. Tuy nhiên, có lẽ trên hết nó là một mẫu chuyện cảm động về tình yêu. Đó là tình yêu của cô gái miền Nam cùng anh chàng tỉnh lẻ miền Trung vượt qua bao thử thách. Đó là tình yêu vô tận của người dì dành cho người cháu. Và đó cũng chính là tình yêu kỳ diệu của người chị dành cho người em. Họ - những người không cùng lứa tuổi, có những nỗi lo khác nhau trong cuộc sống nhưng đều có một trái tim biết yêu thương. Người ta biết chắc rằng nơi ấy, bình yên sẽ bắt đầu.

Có lẽ ở một nơi đầy hoa và cỏ nào đó, bé Tâm cũng sẽ ngủ một giấc bình yên...Và – “bình yên nhé, Đạt ơi”.
Quynhchi@rfa.org

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
18/03/2012 15:59

toi muon' lien lac voi' chi CHI de tang mot ti' qua`cho 2 chau' be'.