Tiếng hát một nữ tu
2011.08.02
Quyết định đi tu
Nghe tiếng hát lúc bổng khi trầm, người nghe cứ ngỡ mình lúc đang bay tận không trung, khi miên man cùng những suối cỏ. Đó là tiếng hát mà có thể làm người buồn trở nên vui, người u uất trở nên thanh thản và người toan tính trở nên thật thà. Và có một điều đặc biệt nữa: đây là giọng hát của một ni cô.
Sinh ra và lớn lên tại Nepal, nhưng cả cha mẹ sư cô Choying Drolma đều là người Tây Tạng. Những tưởng nền văn hóa Himalaya, đặc biệt là thung lũng văn hóa Phật giáo Kathmandu của Nepal, nơi Drolma sinh ra và lớn lên, chính là khởi nguyên hạt giống thiện căn, nhưng đó chỉ là suy đoán của nhiều người.
“Từ nhỏ, không biết vì sao tôi đã cảm nhận được rằng có sự phân biệt đối xử giữa con trai và con gái và không lấy gì làm vui lắm về điều này bởi là con người, không ai muốn phải sống chịu đựng cả. Mong muốn tự nhiên của con người là được hạnh phúc. Mặc dù lúc còn là một cô bé con, tôi cũng muốn được hạnh phúc. Và lúc đó tôi nghĩ rằng cách duy nhất đạt được điều này là không lập gia đình. Và tôi quyết định đi tu”, sư cô Drolma chia sẻ với chúng tôi.
Năm 12 tuổi, Drolma vào sống tại tu viện dành cho nữ tu Nagi Gompa trên ngọn núi Shivapuri, cách thung lũng Kathmandu không xa lắm. Tại đây, chính là nơi mang Drolma đến với âm nhạc – thứ âm nhạc đặc biệt của trí tuệ và tâm linh, của cổ kính và huyền thoại từ những bài hát cổ xưa, kết hợp với những bài chú. Thế nhưng trước khi đến với những giai điệu độc đáo ấy để cảm hóa lòng người, Drolma đã trải qua giai đoạn cảm hóa chính mình.
Mong muốn tự nhiên của con người là được hạnh phúc. Và lúc đó tôi nghĩ rằng cách duy nhất đạt được điều này là không lập gia đình. Và tôi quyết định đi tu.
Sư cô Drolma
“Những ấn tượng thời thơ ấu trong gia đình là mầm móng của sự giận dữ và ganh ghét trong tôi. Chính vì thế tôi trở thành một cô bé không vui vẻ và lúc nào cũng giận dữ”, Choying Drolma vừa giải bày vừa nhớ lại.
Drolma cho biết tiếp, tại tu viện, Drolma đã được sư phụ dạy bảo và với những chỉ bảo đó những sự nóng giận, ganh ghét, tức tối đã biến thành sự hiểu biết và nhận thức. Cuộc đời Drolma là một sự biến đổi – biến đổi giận dữ thành hiểu biết, ganh ghét thành yêu thương, và thất vọng thành sự thanh thản.
Hạnh phúc khi được hát
Lúc còn nhỏ, Drolma đã thích hát. Hát là niềm vui duy nhất của Drolma. Khi đến ở tại nữ tu viện, mỗi buổi sáng, các ni cô cùng thực hiện lễ bái và hát cùng rất nhiều loại nhạc cụ. Bất cứ khi nào thực hiện những nghi lễ đó, Drolma đều cố gắng cảm nhận và thả hồn vào giai điệu và hát một cách đúng nhất và hay nhất. Những cố gắng đó đều được sư phụ Drolma dần dần nhận ra và bắt đầu dạy bảo.
Tất cả những bài hát mà Drolma hát lên đều về tâm linh. Drolma cho biết, vì đã trải qua những thăng trầm đau khổ và tìm ra được ánh sáng cuộc đời nên sư cô nghĩ mình cũng nên hát về mản sáng cuộc sống. Đặc biệt, Nepal là đất Phật sinh ra nên Drolma cũng muốn mang những lời dạy trong kinh kệ đến cho mọi người để họ có thể phần nào đó hiểu thêm lời Phật và đến với hạnh phúc. Có lẽ chính vì thế, khi hát, Drolma thường nhắm mắt nhưng trái tim lại mở ra. Drolma hát một cách chậm rãi, thanh thản như để cảm nhận được niềm vui, sự hạnh phúc của bài hát, đặc biệt là đối với những bài chú. Giọng hát ấy là sự kết hợp của cống hiến, của tự tin và tình người.
Con đường ca hát của ni cô Drolma thật sự mở ra từ năm 1994, khi nhạc sĩ Steve Tibbetts phát hiện ra giọng hát Drolma trong một lần ghé tu viện. Năm 1997, vị nhạc sĩ này trở lại Kathmandu và album đầu tiên của Drolma ra đời. Lúc đó, đối với Drolma, sư cô nhận lời thu âm chỉ với hy vọng mang những lời dạy chân thành của Đức Phật đến với mọi người.
“Tôi luôn cố gắng sống thành thật từ trái tim mình. Tất cả những bài hát của tôi không có bài nào là não tình cả, mà nó là những bài hát về sự dâng hiến, về những bài chú. Mỗi khi hát, tôi hát bằng cả tấm lòng mình vì tôi tâm niệm rằng, những bài hát này sẽ có ích cho bất cứ ai nghe chúng. Tôi không biết lợi ích đó lớn đến mức nào nhưng những khi tôi nói, tôi hát hay làm bất cứ điều gì, tôi đều cầu nguyện sẽ mang đến niềm vui cho người khác. Có thể tôi không thể làm tất cả mọi người hạnh phúc được, nhưng như thế cũng đủ rồi”.
Tuy nhiên, album đầu tiên ấy đã được đón nhận nồng nhiệt:
Mỗi khi hát, tôi hát bằng cả tấm lòng mình vì tôi tâm niệm rằng, những bài hát này sẽ có ích cho bất cứ ai nghe chúng.
Sư cô Drolma
“Một năm sau khi album phát hành, chúng tôi nhận được rất nhiều người phản hồi của thính giả và bắt đầu từ đó tôi được nhận lời mời đi biểu diễn ở Hoa Kỳ”.
Hoa Kỳ là nơi sư cô Drolma thực hiện tour diễn đầu tiên, thế nhưng bắt đầu từ đó, âm nhạc của Drolma được nhiều người biết đến. Sau hơn 10 năm bắt đầu tour diễn đầu tiên, Drolma đã lưu diễn ở rất nhiều nước trên thế giới. Mỗi năm, Drolma chỉ ở Nepal 6 tháng, thời gian còn lại đều dành cho việc lưu diễn. Drolma đã có vinh dự được hát riêng cho những nhân vật quan trọng trên thế giới, trong đó có Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Trái tim nhân ái
Thế nhưng, nếu Drolma chỉ là một ni cô biết hát, điều đó chỉ làm Drolma đặc biệt chứ chưa chắc mang lại cho sư cô sự kính trọng của nhiều người.
“Dần dần tôi nhận ra rằng tôi có thể kiếm được tiền và làm gì với số tiền ấy. Đó là lúc tôi thực hiện ước muốn của mình – giúp nữ tu và phụ nữ Nepal được đi học. Bạn có thể nhìn thấy dễ dàng rằng tại Nepal, sư sãi được học hành cao hơn ni cô nhiều. Mỗi khi nhìn thấy sư phụ giảng bài, tôi thấy sự tuyệt vời toát lên. Rồi tôi cũng mong muốn được thấy những ni cô có thể trở thành một người như thế. Nghĩa là tôi mong muốn có một cơ hội công bằng cho tất cả mọi người”, Drolma chia sẻ.
Drolma thành lập tổ chức thiện nguyện, mở tu viện nữ dạy học cho các em gái có hoàn cảnh đặc biệt bởi theo Drolma “nếu ta dạy một người đàn ông, chỉ có 1 người nhận được sự giáo dục. Còn nếu ta giáo dục 1 người đàn bà, thì cả gia đình được giáo dục”. Bắt đầu từ năm 2000 đến nay tu viện đã có được 70 ni cô từ 7 đến 23 tuổi theo tu tập, đa số từ nông thôn Nepal, Ấn Độ và Tây Tạng. Đây là một trong những ngôi trường hiếm hoi tại Nepal, nơi phụ nữ thường chỉ quanh quẩn trong xó bếp. Tại nữ tu viện này, các ni cô ngoài được dạy giáo lý Phật pháp, còn có tiếng Anh, văn chương, kỹ năng y tế và các môn khoa học khác.
“Cái chính là tôi muốn phụ nữ hiểu rằng họ có khả năng làm nhiều việc giống như nam giới. Để làm điều này, tôi chia sẻ lời Phật qua âm nhạc. Phật có dạy rằng con người đều mong muốn được hạnh phúc, kể cả con kiến cũng không muốn đau khổ. Một sa mạc tự nhiên là một sa mạc tự nhiên, không ai có thể biến nó thành sa mạc”.
Mặc dù Drolma sử dụng thành thạo 4 thứ tiếng: Anh, Hindi, Nepalese, Tây Tạng và được nhiều người kính trọng, ít ai rằng Drolma chưa học hết lớp 5. Có lẽ chính vì thế, Drolma luôn khuyến khích mọi người nhất là phụ nữ, trẻ em và ni cô học tập. Tất cả tiền bạc Drolma kiếm được từ các tour diễn hay bán CD, đều đầu tư cho giáo dục.
Thêm vào đó, sư cô Drolma cũng là người xây dựng bệnh viện về thận đầu tiên tại Nepal.
Thế nhưng, không phải lúc nào Drolma cũng nhận được những sự ủng hộ từ nhiều người. Việc Drolma hát, việc sư cô kiếm tiền và đi khắp nơi trên thế giới đã bị chỉ trích gay gắt, trong đó có các thầy tu.
“Phật có dạy rằng dù bạn im lặng hay lên tiếng, người ta cũng có thể chê bai hay khen ngợi bạn được. Đó là điều tự nhiên và cuộc sống là như thế. Dĩ nhiên là một con người, tôi cũng thấy vui khi được khen và thấy hơi bất an khi bị chê. Tuy nhiên, những điều đó chưa bao giở trở nên quá lớn đến nỗi làm tôi từ bỏ những việc mình đang làm. Không phải tất cả nhưng đôi lúc con người hơi bảo thủ và cho rằng ni cô chỉ nên ở một chỗ trong chùa hay ni cô không nên hát…đại khái như vậy”, sư cô Drolma nói.
Những lúc bị chỉ trích, là những lúc Drolma tìm về những lời dạy của Phật và sư phụ:
Nếu ta dạy một người đàn ông, chỉ có 1 người nhận được sự giáo dục. Còn nếu ta giáo dục 1 người đàn bà, thì cả gia đình được giáo dục.
Sư cô Drolma
“Trong những trường hợp như thế, tôi cho rằng chúng ta là con người, chúng ta thích mang theo bên mình một cái khung. Đi đến đâu hoặc gặp bất cứ ai, chúng ta cố gắng lắp cái khung ấy vào người đối diện. Tùy vào việc chúng ta có thể mang một cái khung lớn hay nhỏ mà chúng ta đánh giá sự việc. Có nhiều người có cái khung rất nhỏ và khi người đối diện không vừa với cái khung của ấy, chúng ta bắt đầu thấy không thoải mái”.
Trong cuộc sống, sẽ không khó để thấy chúng ta bị đóng vào “cái khung” của một ai đó. Tuy nhiên, sẽ rất khó để nhận ra rằng, chính chúng ta cũng là người mang “cái khung” nặng nề ấy.
Sẽ không bao giờ có một “cái khung” chung có thể vừa vặn tất cả mọi người. Có lẽ việc “đóng khung” một ai đó suy cho cùng không có ý nghĩa gì nữa nếu ngoài “khung” là những giá trị đẹp bởi giá trị cuộc sống là tình yêu, là niềm vui, là hạnh phúc, là những giá trị nhân bản…và dĩ nhiên, còn là sự mở rộng trái tim.
Mời quý vị đóng góp ý kiến và kết nối với Quỳnh Chi tại email QUYNHCHI@RFA.ORG.