Ông lão và những đứa con không bao giờ lớn

Quỳnh Chi chào đón quý thính giả đến với chương trình “Câu chuyện hàng tuần”, được phát vào mỗi sáng thứ Ba. Thưa quý thính giả, thật khó để tìm một người đàn ông tâm sự về cuộc sống của mình.
Quỳnh Chi, phong viên RFA
2012.07.03
Ông Trương Bá Vinh cùng ba người con bị bệnh thần kinh Ông Trương Bá Vinh cùng ba người con bị bệnh thần kinh
Source giaoduc.net.vn

Nhưng đôi lúc những bộn bề và những gánh nặng trong cuộc sống khiến họ phải trải lòng - trải lòng sau những tiếng thở dài vì những đứa con không bao giờ lớn. Mời quý vị nghe tâm sự của ông Trương Bá Vinh mà Quỳnh Chi chia sẻ sau đây.

Con mình thì mình phải gánh…

Ông Trương Bá Vinh vác cuốc về nhà sau buổi ra đồng, vừa kịp lúc đứa con út chân đất chạy lon ton mừng bố.  Trong nhà, hai người con khác ngồi bệt xuống sàn, khóc lóc đòi ăn ầm ĩ. Biết tính khí háo ăn và hay giận dỗi của các con, ông Vinh chỉ biết nhanh nhẩu dọn mâm cơm ra trước khi họ có thể ném vỡ hết những thứ trong nhà. Vừa nhìn ba đứa con ăn cơm, ông lão vừa bước qua tuổi 80 thở một hơi dài, chắc lưỡi. Ông chắc lưỡi vì ba đứa con ngồi trước mặt ông nhỏ nhất cũng đã 40 và lớn nhất cũng đã 50. Ông tâm sự:

“Các con tôi sinh ra là bị tâm thần bẩm sinh, triệu chứng là lúc nào cũng chảy nước bọt.  Lúc khoảng hai tuổi đã thấy hiện tượng ấy rồi, chúng cứ ngây ngô. Tuy nhiên, sau này chúng tôi mới phát hiện là các con bệnh tâm thần”.

Ông Trương Bá Vinh vác cuốc về nhà sau buổi ra đồng, vừa kịp lúc đứa con út chân đất chạy lon ton mừng bố. Trong nhà, hai người con khác ngồi bệt xuống sàn, khóc lóc đòi ăn ầm ĩ...ba đứa con ngồi trước mặt ông nhỏ nhất cũng đã 40 và lớn nhất cũng đã 50

Ông Vinh cho biết, gia đình bên vợ ông có tiền sử bệnh thần kinh. Và những bất hạnh ấy lại trở về với dòng họ sau 5 đời.  Ông Trương Bá Vinh và vợ có tất cả 6 người con. Ba người con đầu không thông minh sắc sảo nhưng không quá khờ khạo, còn ba người con sau từ lúc sinh ra đã có những triệu chứng bất thường. Từ khi đứa con thứ tư là Trương Bá Mai (SN 1962) lên hai, gia đình ông đã ngờ ngợ nhận ra con có chứng bệnh tâm thần, đành dành hy vọng những đứa con sau. Thế nhưng khi hai người con tiếp theo là Trương Thị Tuyên (1967) và Trương Bá Huấn (1972) sinh ra cũng ngờ nghệch không thua người anh của mình thì ông và vợ chỉ còn biết thở dài, nuốt lệ vào lòng. Lần duy nhất vợ ông đưa ba người con tâm thần vào bệnh viện là vào năm 1976, nhưng cũng đành trở về trong vô vọng:

“Lúc đưa các con chữa bệnh tại BV Việt – Trung ở Thanh Hóa thì các bác sĩ Đông Tây y đều nói rằng bệnh là do bẩm sinh nên không thể chữa được. Sau đó thì chúng tôi đành trở về chứ biết làm thế nào được”.

Năm tháng trôi qua, sáu người con với ba người không bao giờ nhớ nỗi tên mình dần trở nên quá sức đối với đôi vợ chồng già chỉ có vài sào ruộng. Năm ngoái, vợ ông không chiến thắng được tuổi già và bệnh tật đã ra đi bỏ lại ông cụ với ba đứa con chỉ biết khóc và đòi ăn. Trong cảnh gà trống nuôi con, ông lão vừa là người cha, vừa là người mẹ, sống nhờ vào đồng lương hưu ít ỏi và 30 kg gạo được nhà trước trợ cấp mỗi tháng cho ba người con:

“Bây giờ thì chủ yếu thì cơm canh rau cà thế thôi, có biết làm thế nào để ăn ngon hơn. Thỉnh thoảng mua con cá, con tép thôi chứ chủ yếu là rau, nước mắm, cà, muối… Biết làm sao được. Hôm nào có thịt cá thì chúng ăn rất lẹ, không can được, ăn hết thì thôi”.

“May là có thu nhập chứ nếu không thì khó khăn vô cùng. Con mình thì mình phải gánh chứ vứt cho ai được”.

Lòng kiên trì không tưởng ở Cha Mẹ…

Dù đã trên 80, ông cụ vẫn hằng ngày lao động đồng áng kiếm cơm nuôi con. Nhiều lúc thấy ông bổ xong nhát cuốc lại lăn ra thở dốc. Mỗi sáng, ông lão vẫn cong lưng vác cuốc ra đồng cấy lúa, trồng khoai, đến bữa lại phải về nhà nấu ăn cho các con. Có lúc, ba người con của ông cũng lẽo đẽo vác cào theo cha đi bộ ra đồng. Hễ thấy ông Vinh cuốc đến đâu thì ba đứa con lại đứng sau cào đến đó, như những đứa trẻ lên năm không thể làm khác những gì được sai bảo. Có lẽ chuyện cào đất là việc duy nhất mà ba người con này của ông có thể làm được, ngay cả tắm giặt, nhóm bếp hay dọn bàn với họ cũng là những công việc quá khó khăn:

Dù đã trên 80, ông cụ vẫn hằng ngày lao động đồng áng kiếm cơm nuôi con. Nhiều lúc thấy ông bổ xong nhát cuốc lại lăn ra thở dốc. Mỗi sáng, ông lão vẫn cong lưng vác cuốc ra đồng cấy lúa, trồng khoai, đến bữa lại phải về nhà nấu ăn cho các con

“Cũng phải lôi ra tắm, có đứa tự tắm nhưng làm sao sạch được? Phải lấy khăn lau đất đai mặt mũi, có hôm phải mang cả bàn chải ra đánh mới  hết. Còn hơn là  nuôi con nhỏ. Con nhỏ thì con dễ sai biểu, chứ những người như thế rất khó”.

Ông Vinh cùng ba người con đều đã 40, 50 tuổi nhưng ngơ ngẩn không biết gì. Ảnh: Văn Định/Xaluan.com
Ông Vinh cùng ba người con đều đã 40, 50 tuổi nhưng ngơ ngẩn không biết gì. Ảnh: Văn Định/Xaluan.com
Ảnh: Văn Định/Xaluan.com
Mỗi người con của ông có một tính khí khác nhau. Anh Huấn thì hay lẩm bẩm, nói cười một mình, đêm lại ngủ ít và hay đi lung tung. Nhiều đêm chợt tỉnh giấc, giật mình không thấy con đâu, ông Vinh đi tìm thì thấy con ngồi ngay đầu cầu hóng mát. Thấy vậy, ông cũng im lặng ngồi cạnh ôm vai con. Nhiều lúc ông Vinh ngủ quên, con đi lúc nào chẳng hay. Đến sáng ông lại thấy con ôm gối nằm ngủ cong queo dưới đất, chân đầy bùn. Nhà ông cụ Vinh lại gần rừng, nhiều lúc anh Huấn ham chơi chạy theo đoàn chiếu phim, ông phải vất vả đốt đuốc đi tìm.

“Có một hai lần. Nó đi mà chúng tôi đi tìm mãi cho đến gần sáng mới thấy nó về. Hắn đi chơi rồi đi theo đoàn chiếu phim. Khi người ta đến điểm chiếu mới thì hắn lại ngơ ngác, đi lung tung. Tôi tìm mãi  mới ra”.

Hay đi đứng lung tung nhưng có lẽ anh Huấn còn dễ đối phó hơn các anh chị của mình. Hai người con kia của ông Vinh thì có tính hung hãn, mắt hay gầm gừ. Hễ mỗi khi đến bữa ăn mà chưa kịp dọn cơm ra thì anh Mai và chị Tuyên lại hung hăn, cắn tay chân, xé quần áo, làm ông Vinh cũng “không thể kiểm soát được”:

“Biết tính con như thế thì mình phải nhỏ nhẹ, phải dần dà thỏ thẻ với nó. Biết hoàn cảnh như thế thì mình phải gánh, cố chèo chứ biết làm sao”.

Từ lâu ông cụ Vinh đã quen với những âm thanh lúc than khóc, lúc giận dữ, lúc hớn hở trong gia đình và cố gắng sống hết những năm tháng còn lại một cách vui vẻ với các con. Hai năm trước, ông được người ta cho cái TV cũ, mang về cho con mà lòng mừng hăm hở, mở cho con xem hằng ngày:

“Chỉ một hai đứa xem là nhìn hình ảnh chứ có biết gì đâu. Nhưng tôi cũng tập cho chúng đến giờ thì mở TV lên, tối cha con ngồi xem cho đỡ buồn”.

Mỗi ngày, sau khi cho các con ăn uống và tắm rửa xong, ông lại cùng các con ngồi xem TV như để an ủi cho chính cái phận của ông và ba người con ấy. Mỗi tối, trong căn nhà nhỏ cấp bốn xập xệ, bốn cha con ngồi dán mắt vào TV mà nói cười vui vẻ mặc dù họ nói, họ cười vì những lý do hoàn toàn khác nhau...

Mỗi ngày, sau khi cho các con ăn uống và tắm rửa xong, ông lại cùng các con ngồi xem TV như để an ủi cho chính cái phận của ông và ba người con ấy. Mỗi tối, trong căn nhà nhỏ cấp bốn xập xệ, bốn cha con ngồi dán mắt vào TV mà nói cười vui vẻ mặc dù họ nói, họ cười vì những lý do hoàn toàn khác nhau. Đây có lẽ cũng là trò vui duy nhất ông có thể mang lại cho các con. Ông tâm sự, ngoài thời gian xem TV thì các con ông thường nhớ mẹ. Nhiều khi thấy con nhớ mẹ, ông cảm động không cầm nước mắt mà cũng không biết làm gì hơn:

“Khi bà xã tôi mất thì chúng cũng buồn. Có cái ảnh bà trên bàn thờ thì hắn suốt ngày cứ đến nhìn mặt, tức là nhớ mẹ, thắp hương cho mẹ”.

“Làm sao không động lòng được, thương con nhưng biết làm gì được. Thôi thì đành hướng dẫn nó thắp hương khấn mẹ. Đứa thì lẩm bẩm nói thế này thế khác. Biết làm sao được”.

Ông cụ cho biết, biết mình có thể về với Trời Đất bất cứ lúc nào, ông đã nhiều lần dặn dò và gởi gắm ba người con khờ cho ba người con tỉnh táo, hiện đang kiếm sống nơi xa. Tuy nhiên, ngặt một nỗi ba người con ngờ nghệch đã quen sống trong ngôi nhà của cha mẹ nên không chịu đi nơi khác. Đó là điều ông sợ nhất nếu một mai không còn ở bên cạnh con. Tuy nhiên, ông cho biết, còn sống ngày nào là ông nuôi nấng, dạy dỗ con đến ngày đó:

“Mấy đứa con cũng lớn lên, lập gia đình. Mình đâu có gì cho con mà trách nó. Cha ông bảo là chỉ nuôi đủ lông đủ cánh để kiếm ăn thôi thì tôi cũng chỉ làm được như thế.

“Hoàn cảnh như thế thì mình phải gánh thôi chứ vứt cho ai được nên cũng chẳng phàn nàn gì. Lúc bà xã còn thì tôi cũng nói là thôi hoàn cảnh như thế thì chắt chiu nuôi con. Bà đi trước thì bà khỏe, tôi đi sau thì tôi khổ, chỉ thế thôi”.

Từ khi vợ mất, ông cụ Vinh càng buồn và già đi thấy rõ. Cái khổ của ông cụ không chỉ là cái khổ của một người nuôi những đứa con không bao giờ lớn; mà đó là cái khổ của sự cô đơn không thể giải bày, của người vẫn lo cho con một khi đã vĩnh viễn nằm xuống. Nhiều khi nhìn ba đứa con khờ khạo thấp nhang cho mẹ, miệng lẩm bẩm khấn vái những câu không thành nghĩa mà ông cụ không kềm được nước mắt, trong lòng cứ nghĩ nếu lỡ mai ông mất đi, ai sẽ thay ông dạy các con thấp nhang, khấn vái?

Qúy thính giả vừa đến với chương trình “Câu chuyện hàng tuần”. Mời quý vị tham gia đóng góp ý kiến và chia sẻ câu chuyện của mình tại email Quynhchi@rfa.org. Hẹn gặp lại quý thính giả vào kỳ tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.