Jimmy Phạm với trái tim hướng về Việt Nam

Jimmy Phạm cùng với GS Ngô Bảo Châu là 2 người Việt Nam vừa được bầu chọn là Nhà lãnh đạo Trẻ Toàn cầu năm 2011 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức.
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2011.03.22
koto-305.jpg Tranh vận động các lớp học ở KOTO
Photo courtesy of koto.com.au

Điều gì làm người đàn ông Việt Nam này xứng đáng với giải thưởng ấy? Quý vị sẽ tìm thấy lời giải đáp trong câu chuyện về Jimmy Phạm mà Quỳnh Chi chia sẻ sau đây.

Trên đường Văn Miếu, Hà Nội, người ta thấy có một nhà hàng mang phong cách Á – Âu. Trong đó, người quản lý điều hành thành thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, phong cách làm việc chuyên nghiệp và vừa hoàn thành khóa học nâng cao 2 năm tại trường Box Hill Instition ở Úc về.

“Vị trí của em là quản lý điều hành cho khu vực nhà hàng. Dạo này nhà hàng rất bận”

Cô gái này tên Huệ. Và ít ai ngờ rằng, cô xuất thân từ một trẻ em đường phố. Nếu không có cái ngày định mệnh cách đây 11 năm, chắc có lẽ cô gái này cũng chịu chung số phận với hàng ngàn trẻ em đường phố khác: làm việc quần quật từ sáng sớm đến tối khuya hay lang thang bán bưu ảnh trên đường. Đó là chưa kể đến những tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm rình rập.

Và Huệ chỉ là một trong 300 em khác có câu chuyện tương tự về thay đổi số phận của mình bởi những em này cùng gặp chung 1 người. Đó là Jimmy Phạm, sáng lập viên của KOTO.

Cứu tinh của trẻ đường phố

“KOTO được sáng lập qua lời hứa: Anh không biết sẽ giúp các em như thế nào nhưng sẽ cố gắng tìm cho các em một ngày mai sáng sủa hơn”.

Jimmy Phạm, người đàn ông đã hơn 10 năm nay bỏ công sức giúp đỡ trẻ em đường phố qua dự án KOTO, viết tắt của cụm từ “Know One, Teach One” tức là “Biết một – Dạy một”. Dự án KOTO được thành lập từ năm 1997 để giúp đỡ trẻ em đường phố từ 16 đến 22 tuổi gặp hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam. Tại KOTO, những trẻ em đường phố được dạy nghề phục vụ nhà hàng theo tiêu chuẩn quốc tế, dạy tiếng Anh và điều không thể thiếu là dạy kỹ năng sống.

Đến đây nhiều người có thể cho rằng Jimmy là một người có nhiều kinh nghiệm hay ít ra được đào tạo từ các ngành tâm lý, quản lý hay xuất thân từ ngành nhà hàng khách sạn 5 sao. Thế nhưng, gặp Jimmy mới thấy, người đàn ông đơn giản này thực hiện ước mơ giúp đỡ trẻ em đường phố của mình chỉ vỏn vẹn với trái tim của mình:

“Tôi không có background về quản trị nhà hàng, tâm lý hay quản lý phát triển gì cả. Mà tôi chỉ là 1 người tin tưởng rằng con người có thể tạo nên sự thay đổi”.

Sinh ra tại Sài Gòn, từ năm 2 tuổi Jimmy đã rời Việt Nam sống tại Singapore và Ả Rập và định cư tại Úc năm 11 tuổi. Anh thừa hưởng đức tính thương người của người mẹ (người Việt Nam) và thừa hưởng sự kiên cường từ người cha (người Hàn Quốc). Hai yếu tố này đã giúp Jimmy bắt đầu ấp ủ dự án KOTO cách đây 15 năm.

Năm 1996, Jimmy về Việt Nam sau 22 năm xa quê. Vì xa Việt Nam khi còn quá nhỏ, Jimmy không có những ký ức và hình ảnh về cội nguồn của mình. Lúc đó đối với Jimmy, Việt Nam chỉ đơn giản là những món ăn có mùi nước mắm, là một vài câu tiếng Việt phát âm không chuẩn của mình, hay chỉ là chiếc áo dài mà mẹ anh mặc trong những dịp lễ tết. Chính vì thế, khi trở về Việt Nam, Jimmy ấn tượng với từng con phố, từng hàng cây, và dĩ nhiên, là từng mảnh đời lang thang đánh giày trên phố.

Tôi không có background về quản trị nhà hàng, tâm lý hay quản lý phát triển gì cả. Mà tôi chỉ là 1 người tin tưởng rằng con người có thể tạo nên sự thay đổi.

Jimmy Phạm

“Tôi đi bộ và vô tình gặp được 4 trẻ em đi bán dừa tại Tp. HCM. Tôi đã trò chuyện, dẫn các em ấy đi ăn và tôi đã suy nghĩ rằng các em này gặp hoàn cảnh quá éo le, bất hạnh. Lúc đó tôi có 2 lựa chọn. Một: tôi có thể trở về Úc làm việc rồi gởi tiền nuôi các em. Hai là có những hoạt động như thế nào để đóng góp tích cực”

Và Jimmy đã chọn quay trở lại Việt Nam. Bốn tháng sau, Jimmy quay về sống tại Việt Nam, làm việc cho một công ty du lịch để lấy tiền nuôi một số trẻ em đường phố. Thế nhưng sau 3-4 năm, Jimmy nhận ra rằng, nuôi các em như thế không phải là cách tốt nên đã đi đến quyết định “Tạo cho các em một cái cần câu để tự đi câu cá, không phải cho cá ăn hằng ngày”.

Dự án KOTO ra đời ...

koto-aoam-250.jpg
Một chương trình của KOTO. Photo courtesy of koto.com.au
Một chương trình của KOTO. Photo courtesy of koto.com.au
Dự án KOTO bắt đầu từ đó và với một cơ duyên như thế: không dự tính, không kinh nghiệm, không nguồn hỗ trợ; điều duy nhất Jimmy có là sự thương người và lòng quyết tâm.
KOTO quốc tế được Jimmy sáng lập từ năm 1997 với một số người bạn tại Úc. Họ đều là những tình nguyện viên làm việc để “nuôi” KOTO tại Việt Nam. Năm 2000, KOTO Việt Nam đầu tiên được biết đến. Lúc đó chỉ là một tiệm bánh mì mà nhân viên là những trẻ em đường phố. Sau 11 năm, KOTO Việt Nam có 2 trường dạy và 2 nhà hàng, tại Hà Nội  và tại Tp.HCM.

Đây chính là nơi trực tiếp thay đổi cuộc đời của khoảng 300 em và gián tiếp mở ra một tương lai mới cho khoảng 1 ngàn em khác.

“Cái điều tuyệt vời về dự án này là 300 em ấy mỗi em đi giúp đỡ 3-4 em khác nữa nên số lượng người được giúp nhân lên hơn 1 ngàn người. Xã hội thay đổi suy nghĩ về trẻ em đường phố, trẻ em cơ nhỡ.”

“Biết một dạy một”, chính là triết lý của KOTO. Chính vì thế, những gì được học ở KOTO từ vốn tiếng Anh, từ nghề pha chế, hay từ kĩ năng sống, các em như đều mang đi chia sẻ và giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ khác. Huệ chia sẻ:

“Học ở KOTO thì em được học rất nhiều thứ như học pha chế, học tiếng Anh, học kĩ năng sống và một điều mà em sẽ không bao giờ quên là sự tự tin, biết tự lập  và đứng vững trên 2 chân của mình. Sự quan tâm sự chăm sóc, bảo ban lẫn nhau như một gia đình để em có thể chia sẽ tâm sự của mình. Đó là điều em cám ơn về KOTO”.

Học kỹ năng sống là học sự tự tin và tự lập. Đó còn là học sự yêu thương, quan tâm và chăm sóc lẫn nhau. Vì lý do này nhiều em sau khóa đào tạo 2 năm tại đây đã quay trở lại làm việc tại KOTO để cho đi những gì mình biết. Hiện tại, khoảng 20% nhân viên tại KOTO là những học trò đã từng được đào tạo tại đây.

Cái điều tuyệt vời về dự án này là 300 em ấy mỗi em đi giúp đỡ 3-4 em khác nữa nên số lượng người được giúp nhân lên hơn 1 ngàn người. Xã hội thay đổi suy nghĩ về trẻ em đường phố, trẻ em cơ nhỡ.

Jimmy Phạm

Mỗi ngày, người ta thường thấy Jimmy Phạm bắt đầu một ngày của mình ở KOTO và kết thúc ở KOTO.

“Sáng thức dậy 8 giờ, đến trung tâm KOTO để họp, nói về chiến lược, budget, forecast, work plan và trò chuyện, ăn trưa với mấy em. Sau đó đến nhà hàng, khi bận quá thì rửa cốc. Đến 9 -10 giờ tối thì tôi vẫn có thể tiếp những người khác để bàn thảo và tìm nguồn tài trợ cho KOTO. Công việc hằng này của tôi liên hệ với các em rất nhiều”.

Đó là một ngày làm việc quá dài. Điều gì làm người đàn ông này có thể mệt mỏi nhưng không dừng lại?

“Động lực để làm tôi tiếp tục bước đi vì tôi thấy được rõ ràng rằng đóng góp của mình làm thay đổi của các em. Sự thay đổi ấy không phải ở tay nghề và niềm tin trong cuộc sống của các em. Mỗi ngày thức dậy, đi làm, tôi đều tâm niệm rằng mình đang làm một điều gì đó để làm thay đổi cuộc sống của nhiều người. Chính điều này đã giúp tôi bước tiếp”.

... thay đổi nhiều số phận

koto.com.au-250.jpg
Một lớp học pha chế thức uống tại KOTO. Photo courtesy of koto.com.au
Một lớp học pha chế thức uống tại KOTO. Photo courtesy of koto.com.au
Nhìn những cống hiến của Jimmy Phạm, nhiều người cho rằng, niềm vui của anh không phải là khi được nhận giải thưởng nhà lãnh đạo trẻ mà chính là khi nhìn thấy sau những khóa đào tạo 2 năm về ngành nhà hàng theo tiêu chuẩn quốc tế, nhiều em đã có cơ hội làm việc tại những khách sạn ở Dubai, Macau, Úc và những khách sạn 5 sao tại Việt Nam.

Có ai ngờ rằng cô bé Huệ khi 12 tuổi đã phải bỏ Hưng Yên lên Hà Nội một mình lang thang bán bưu thiếp ngoài đường từ sáng đến tối vẫn không đủ ăn vì không biết nổi một chữ tiếng Anh, nay lại vừa du học ở Úc về và trở thành quản lý điều hành của một nhà hàng có tiếng tại Hà Nội. Có ai ngờ rằng cậu bé Nam từng lang thang trên phố kiếm từng đồng lẻ lại có thể trở thành quản lý điều hành cho công ty iTravel Vietnam.

Có ai ngờ rằng cô bé Thảo từng lội bộ mấy cây số hằng ngày để bán bưu ảnh chỉ hy vọng không bị đói lại có cơ hội du học tại Úc.  Và còn nhiều điều bất ngờ khác nữa bởi sắp tới sẽ có thêm bảy em nữa được gởi sang đào tạo tại Box Hill Institute thuộc nước Úc. Điều đó cũng có nghĩa là, sẽ có thêm  nhiều cuộc đời được thay đổi. Huệ nói tiếp:

Cuộc đời của em thay đổi từ đấy. Đến ngày hôm nay nghĩ lại thời điểm đấy em cũng không nghĩ chuyện này có thật.

Bạn Huệ

“Cuộc đời của em thay đổi từ đấy. Đến ngày hôm nay nghĩ lại thời điểm đấy em cũng không nghĩ chuyện này có thật”

Thế nhưng nó chính là sự thật. Đó không phải chỉ đơn giản là sự thật về một người giúp đỡ trẻ em đường phố mà chính là sự thật về một người làm người khác dám nuôi một ước mơ vì theo Jimmy “thành công lớn nhất của một người giúp đỡ bạn là bạn có thể đứng được trên đôi chân của mình và giúp đỡ người khác vì nếu bạn biết một – bạn nên dạy một”.

Cám ơn quý vị đã đến với chương trình “Câu chuyện hằng tuần”. Rất mong quí vị email cho Quỳnh Chi tại địa chỉ quynhchi@rfa.org và chia sẻ với Quỳnh Chi trên Facebook hoặc Twitter những câu chuyện có ý nghĩa mà quý vị biết hoặc của chính quý vị.

Và, làm thế nào mà một người có thể nhìn thấy chỉ bằng đôi tai của mình? Quỳnh Chi sẽ trả lời câu hỏi này vào chương trình kỳ tới.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
29/07/2012 04:20

Gần nơi Tôi sống và đó là sự thật mà Tôi được mục kích hắng ngày.Anh Tuấn cho đi là Anh đang nhận lại.Chúc Anh luôn dồi dào sức khỏe&mỗi ngày của Anh là mỗi ngày thật tốt lành Anh nhé

Anonymous
30/04/2012 20:58

toi da nhin thay jimmiqua that la mot nguoi rat la hay ma chung ta can phaihoc hoi.