Một sinh viên đến trường trên đôi chân ông ngoại

Một sinh viên hằng ngày đến trường với những khao khát hơn bất cứ sinh viên nào. Có lẽ sinh viên này cũng bình thường như bao nhiêu người khác nếu em không đến trường bằng đôi chân của ông ngoại mình.
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2011.05.25
danviet-305.jpg Nguyễn Lê Hoàng Trung cùng ông ngọai tại nhà trọ gần trường
Photo courtesy of danviet

Bi kịch gia đình

Mười mấy năm nay mỗi ngày như mọi ngày, ông Khôi thức dậy từ sáng sớm để kịp đến trường. Hôm nay cũng vậy, trong căn nhà trọ nhỏ ở Thủ Đức, ông Khôi lại cẩn thận lái chiếc máy cũ kỹ từ sáng sớm đến trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Nhiều người ngạc nhiên khi thấy ông già 70 tuổi còn thích học hỏi. Thế nhưng nếu biết ông Khôi, người ta sẽ hiểu rằng ông đến trường mỗi ngày là để đưa cháu tật nguyền của mình đi học.

“Từ lớp 1 đến lớp 9 thì tôi phải chở em đến trường. Đến khi em vào cấp 3 thì chúng tôi thuê nhà trọ và em Trung tự đi xe lăn đến trường rồi bạn bè đưa em lên lớp”.

Nguyễn Lê Hoàng Trung đã đến trường với đôi chân của ông ngoại từ mười mấy năm nay. Trong một đêm kinh hoàng cách đây 16 năm, một bi kịch gia đình xảy ra đã khiến cậu bé Trung mất cha lẫn mẹ và mất luôn nửa phần cơ thể.

Năm ấy Trung vừa tròn 3 tuổi, mẹ là cô giáo Trường tiểu học Đồng Phú, cha là công nhân Nông trường cao su Thuận Phú. Trong một đêm say xỉn và không kềm được cơn ghen của mình, cha Trung đã khóa trái cửa chém nhiều nhát vào mẹ Trung làm bà chết tại chỗ. Trung cũng bị cha chém vào lưng làm đứt tủy sống, liệt nửa người.

Kể từ đó, những nhát dao oan nghiệt đã vĩnh viễn làm nát tan gia đình cậu bé khi mẹ vĩnh viễn rời xa và cha mang án chung thân. Cũng từ đó, Trung về sống với ông ngoại, sống cuộc đời ông già và cháu, sớm tối hủ hỉ cùng nhau. Nhìn đứa cháu thân yêu giờ đây bị đánh vào chân cũng không biết, ông Khôi không khỏi đắng lòng.

Những tưởng với điều kiện sức khỏe khó khăn cùng những vất vả trong cuộc sống, Trung chỉ lớn lên trên chiếc xe lăn và chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà nhỏ của ông ngoại ở Bình Phước. Thế nhưng đó chỉ là suy đoán của nhiều người.

Hằng ngày ông Khôi cõng cháu trên vai chơi đùa cùng Trung như để bù đắp phần nào sự tổn thương của cậu bé. Khi Trung đến tuổi đi học, hai ông cháu lại dắt díu nhau đến trường.

“Lúc đó tôi chỉ nghĩ là đưa em đi học để em vui, niềm vui giống những đứa trẻ khác vậy thôi”.

Ngoài đưa Trung đến trường, ông Khôi còn dành hết thời gian chăm sóc cho đứa cháu mà dù có lớn đến đâu cũng không thể tự lo cho mình. “Trung đã bị liệt nửa phần dưới nên không làm được gì cả, từ chuyện sinh hoạt vệ sinh cá nhân, tôi đều phải lo cho Trung. Phần dưới của em Trung giống như chết rồi, không có cảm giác gì cả. Trung vẫn mang tã như em bé để đi tiểu, còn vấn đề đại tiện thì cứ vài ngày tôi chích thuốc cho em đi 1 lần”.

Tình thương của Ông

Ông Khôi mỗi ngày chở cháu trên chiếc xe cũ kỹ đến trường, cẩn thận bế Trung vào lớp, đến giờ lại đón Trung về. Đến khi Trung lên cấp 3, vì trường cách nhà hơn 10 cây số, ông Khôi  lại mướn nhà trọ gần trường để tiện cho Trung học tập, mỗi tháng gói ghém cuộc sống 2 ông cháu trong đồng lương hưu ít ỏi. “Khi rảnh thì tôi tự nấu ăn cho 2 ông cháu, nhưng khi bận quá thì đành mua cơm hộp trong quán sinh viên để 2 ông cháu qua bữa”.

kynangmem.org-200.jpg
Ông Khôi cùng cháu ngoại là Nguyễn Lê Hoàng Trung. Photo of kynangmem.org
Ông Khôi cùng cháu ngoại là Nguyễn Lê Hoàng Trung. Photo of kynangmem.org
Ngần ấy năm, cậu bé Trung ngày nào giờ đã lớn, cùng với sự trưởng thành đó là sự già nua của ông Khôi. Người ta thấy tóc ông bạc thêm và lưng càng còng xuống. Vậy mà ông Khôi chưa bao giờ thấy mỏi mệt.

“Được đưa em Trung đi học là tôi vui mừng rồi, không thấy khó nhọc gì cả. Khi không đưa em đi học thì tôi đẩy Trung đi chơi hoặc chở em, ra thị xã, mua quà cho Trung, mua sách vở, đi xem văn nghệ…nói chung tôi chở Trung đến những nơi đông đúc vui vẻ để em giải trí cho vui”.

Hạnh phúc của ông già ngoài 70 tuổi chỉ có thế, đã từ lâu ông Khôi lấy niềm vui của cháu làm niềm vui cho mình.  Và ông Khôi chưa bao giờ thất vọng. Tình thương vô bờ bến của ông Khôi như được đền bù xứng đáng với thành tích học tập của Trung.

Nguyễn Lê Hoàng Trung, cậu sinh viên gầy gò có gương mặt dễ mến. Gặp Trung, nhìn cơ thể đã bị teo tóp quá nửa làm cậu khó giữ thăng bằng, người ta thấy xót xa. Thế nhưng, ẩn sau gương mặt thư sinh ấy là một nghị lực khó ai bì.

Từ nhỏ Trung đã ham học hỏi và sáng dạ. Trung đạt học sinh giỏi nhiều năm liền và đạt thủ khoa khi thi vào trường THPT Chuyên Quang Trung (thị xã Đồng Xoài, Bình Phước). Năm lớp 10, cậu cũng được chọn vào đội tuyển Vật Lý của trường. Ngày Trung lên nhận bằng khen với chiếc xe lăn, là ngày bạn bè, thầy cô càng dành cho Trung nhiều thán phục.

Theo thầy Nguyễn Văn Nghiêm, bí thư Đoàn trường, giáo viên Tin học trường THPT chuyên Quang Trung, thì ông rất ấn tượng và quý mến cậu học trò nhỏ ham học: “Khi mới gặp Trung, đầu tiên tôi thật sự ấn tượng với em. Sau này thì tôi cảm phục nghị lực của em và càng tìm hiểu, tôi càng thương em hơn vì bệnh tật của em không do bẩm sinh mà do vấn đề gia đình”.

Lớp học của Trung ở lầu 1, nên mỗi khi ông ngoại chở Trung đến cổng trường là bạn bè thay nhau bế Trung vào lớp. Đi đứng khó khăn, ngồi lâu Trung cảm thấy đau nhức, thậm chí không hề cảm giác được toàn bộ phần dưới cơ thể và đến bây giờ vẫn phải mang tã lót như em bé, thế nhưng Trung vẫn siêng năng đến lớp. Thầy Nghiêm chia sẻ:“Dĩ nhiên là em Trung ham học bởi nếu không có nghị lực thì có lẽ em Trung không vượt qua được. Sức khỏe Trung như vậy nhưng em cố gắng vượt qua được như thế chứng tỏ là niềm say mê học tập của em rất lớn, tôi thường lấy Trung làm tấm gương về nghị lực để giáo dục các học sinh của mình”.

Được đưa em Trung đi học là tôi vui mừng rồi, không thấy khó nhọc gì cả. Khi không đưa em đi học thì tôi đẩy Trung đi chơi, mua sách vở, đi xem văn nghệ…

Ông Khôi

Thế nhưng đôi lúc những khó khăn vì sức khỏe, vì kinh tế chật vật, vì hoàn cảnh gia đình, và vì những cơn đau nơi tủy sống hoành hành mà Trung đã bị giới hạn nhiều cơ hội. Đôi lúc những khó khăn ấy tưởng như có thể đánh gục được cậu học sinh ấy. Thầy Nghiêm cho biết thêm:“Có một thời gian Trung do sức khỏe nên phải nghỉ đến mấy tuần. Từ lúc đó em không theo được đội tuyển Lý nữa. Có lẽ là em cũng rất buồn. Thời điểm đó về mặt tâm lý thì Trung gần như là muốn nghỉ học.”

Năm lớp 10, vì khối lượng bài vở quá nhiều trong đội tuyển Lý, cơn đau nơi tủy sống lại hoành hành, Trung đã phải nghỉ học. Và đó là thời gian Trung buồn bã, thất vọng nhiều nhất.

Lúc ấy những mặc cảm và nỗi đau trong Trung lại hiện về. Trung đã gần như muốn buông xuôi và cho rằng mình không thể làm gì với cơ thể không toàn vẹn ấy.

Nghị lực và ý chí

Tuy nhiên đó chỉ là những khúc quanh của đoạn đường gập ghềnh. Chỉ một thời gian ngắn, được sự động viên của thầy cô, bạn bè và nhất là người ông đáng kính, Trung lại đứng lên bước tiếp: “Tôi đã định hướng cho Trung rằng với năng lực và sức khỏe như vậy thì em nên đi theo ngành Công nghệ Thông tin, còn những ngành khác sẽ rất khó cho em. Lúc đầu có lẽ là Trung cũng buồn lắm vì đã được chọn vào đội tuyển quốc gia thì ai cũng muốn theo cả. Nhưng mà với thể trạng Trung như thế, tôi đã khuyên em là Tin học có thể phù hợp với em về lâu dài chứ không phải trước mắt. Đó là một ngành nghề giúp em có thể kiếm sống được, có thể nuôi bản thân được”.

vietnamnet-250.jpg
Nguyễn Lê Hoàng Trung có gương mặt dễ mến. Photo courtesy of vietnamnet
Nguyễn Lê Hoàng Trung có gương mặt dễ mến. Photo courtesy of vietnamnet
Khi bi kịch gia đình xảy ra, Trung còn quá nhỏ để nhớ. Thế nhưng lớn lên thiếu vắng tình thương cha mẹ, Trung cũng dần hiểu ra những mất mát của mình. Nhiều lần nhìn bạn bè đùa nghịch, nhiều lần rớt bút thước mà cũng không thể tự nhặt lên được, Trung không khỏi mủi lòng. Có lẽ cũng chính vì thế mà Trung rất ngại tiếp xúc người lạ.

Trung hiền lành, trầm ngâm ít nói và đôi mắt thường thoáng vẻ u buồn. Hiện đã trở thành sinh viên năm I khoa Tin học trường ĐH Khoa học Tự nhiên Tp.HCM, vậy mà Trung vẫn chẳng có mấy người bạn mới. Tâm sự với đài RFA, với vẻ e dè, giọng nhát gừng, chàng sinh viên trẻ tâm sự: “Tạm thời em có ít bạn bè lắm, đa số chỉ chơi với mấy bạn cấp 3 cũ mà thôi”.

Mục tiêu đầu tiên của em là tốt nghiệp loại giỏi, tìm được việc làm rồi sau đó tính tiếp chị ạ.

Hoàng Trung

Trung cho biết, cậu thường cùng bạn bè cấp 3, những người đã từng cõng Trung đến lớp, chia sớt những vui buồn cùng nhau. Và một trong những điều Trung hay chia sẻ với bạn bè chính là mục tiêu của mình:

“Mục tiêu đầu tiên của em là tốt nghiệp loại giỏi, tìm được việc làm rồi sau đó tính tiếp chị ạ”.

Tiếp tục con đường học vấn và tốt nghiệp đại học xuất sắc chính là mục tiêu của Trung. Có lẽ chưa bao giờ người ta thấy Trung tự tin như thế. Và rất nhiều người tin vào quyết tâm đó của Trung. Trong đó, dĩ nhiên không thể thiếu niềm tin ông Khôi dành cho đứa cháu thân yêu của mình.

Nguyễn Lê Hoàng Trung, tên của một tấm gương hiếu học có thể quen thuộc với nhiều người. Và khi nói đến Trung, người ta không chỉ nói đến nghị lực kiên cường của chàng sinh viên trẻ mà đó còn là tình thương vô bờ bến của người đàn ông ngoài 70 tuổi. Nhìn hai ông cháu, mới thấy giông tố chỉ có thể mang đến khó khăn, nhưng không thể phá tan hy vọng trong cuộc sống.

Qúy thính giả vừa đến với chương trình “Câu chuyện hằng tuần”. Mời quý vị chia sẻ câu chuyện của mình với Quỳnh Chi qua email QUYNHCHI@RFA.ORG hoặc qua Facebook và Twitter. 

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.