Tiếng thơ từ trái tim cháy bỏng...
Này buồn ư? Miệng nghêu ngao khúc hát yêu đời
Nằm trũng sâu giữa bạt ngàn lau lách và sườn đồi, thôn Mê Linh của huyện Lắc, tỉnh Đắc Lắc như một vũng sâu lọt thõm giữa đại ngàn Tây Nguyên. Đường duy nhất dẫn tới thôn Mê Linh là các con đường mòn vòng vèo luồn theo các ngọn đồi. Vào những đợt mưa to, thứ đất đỏ ba-zan từ con đường đất như trở thành một chất keo lầy lội và kết dính làm Mê Linh càng trở nên cô lập. Từ huyện Lắc, đi 20 km đường như thế là đến nhà chàng trai 26 tuổi Nguyễn Văn Hợp, còn được gọi là nhà thơ Huệ Nguyên.
“Em bắt đầu có triệu chứng teo cơ từ năm 3 tuổi và đến năm học lớp 11 thì bệnh trở nên rất nặng và em không còn đến trường được nữa”.
Bị bệnh “loạn dưỡng cơ Duchenne”– hay còn gọi là chứng teo cơ toàn thân từ nhỏ và phải ngồi một chỗ gần 10 năm nay, nhưng Hợp được biết đến không phải như một chàng trai dị tật mà chính là một chàng trai “ngạo nghễ” trên nó.
“Này buồn ư?
Ôm đàn dạo nhạc
Miệng nghêu ngao khúc hát yêu đời”
(Trích “Ngày của Hợp” – Huệ Nguyên)
Chỉ khi ở trong thơ em mới thấy mình trở thành một con người bình thường như bao con người khác
Huệ Nguyên
Và nếu ai đã từng đọc tập thơ “Thơ và Tôi” (Nhà xuất bản Văn nghệ TP.HCM) sẽ hiểu rằng thơ chính là nguồn sống, là niềm vui của chàng trai trẻ, mới thấy Hợp yêu thơ đến lạ kỳ. Hợp bắt đầu đến với thơ chỉ một nửa từ sự đam mê, nửa còn lại là do nhu cầu được giãi bày.
“Từ khi học phổ thông em đã tiếp xúc được những vần thơ của các tác giả lớn. Nhưng từ khi căn bệnh của em bắt đầu trở nên quá nặng thì em không còn đến trường được nữa. Kể từ khi phải ngồi một chỗ ở nhà, những vần thơ đã giúp em vượt qua những u buồn và tự ti mặc cảm”.
Vậy là từ đó Hợp đến với thơ. Những nhạy cảm của tuổi mới lớn cộng với những cảm xúc từ cuộc đời đã khiến Hợp trở nên gắn bó và yêu thơ đến lạ. Bị căn bệnh teo cơ hoành hành đến nỗi những xớ nhỏ từ chiếc chiếu Hợp ngồi cũng có thể làm cậu đau nhức, vậy mà cầm một bài thơ trên tay hay thả tâm tư vào các tứ thơ là sự đau đớn biến mất. Thơ đã trở thành một người bạn tri kỷ, một thế giới tự do mà nơi đó Hợp có thể thoát khỏi mảng tối cuộc đời, có thể rũ bỏ đôi chân vướng víu và biến đôi tay còm cõi thành đôi cánh dẫn chàng bay đến ngọn đồi ngồi nghe suối reo...
“Nếu không có thơ hay không được làm thơ nữa thì cuộc sống của em có lẽ sẽ mất đi ý nghĩa. Em đến với thơ để vượt qua nỗi buồn và mặc cảm. Chỉ khi ở trong thơ em mới thấy mình trở thành một con người bình thường như bao con người khác”.
Hai mươi sáu tuổi. Nặng 30 kg. Hợp làm trên 400 bài thơ, và đã xuất bản 1 tập thơ. Thơ của Hợp chưa bao giờ chất chứa một thứ ngôn ngữ trau chuốt hay sự cầu kỳ mà người ta thường thấy trong thơ. Nó chỉ đơn giản là tiếng nói trong lành và dạt dào tình cảm. Đọc thơ của Hợp, người ta tìm thấy sự thân thuộc, một trái tim biết yêu thương, lạc quan và một khát khao cuộc sống cháy bỏng. Trong những khát khao đó, là khát khao được yêu và sống hết mình với tình yêu đó.
Nên ngậm ngùi Mẹ dấu lệ vào tim
Em làm rất nhiều đề tài: về tình yêu đất nước, ca ngợi vùng đất mình đang sống, về gia đình, về mẹ, về cha, về tình yêu đôi lứa…Thể loại thơ em thí
ch nhất là thơ lục bát...
“Hiện tại, em chỉ ngồi một chỗ nhưng việc này không ảnh hưởng gì đến việc sáng tác thơ của em cả bởi em lấy cảm hứng từ cuộc sống chung quanh mình và từ sự tưởng tượng. Những bài thơ em viết về Tây Nguyên, về những lễ hội của các dân tộc thiểu số, những tiếng chiêng, tiếng còng…đều là từ sự tưởng tượng của em cả.
Sinh ra trong một gia đình có đến 11 người con, Hợp là con kế út, ra đời sau khi gia đình về thôn Mê Linh làm kinh tế mới. Thế nhưng đã 34 năm, khi bản làng đã bắt đầu biết đến xe máy, biết đến truyền hình và có của ăn của để, gia đình Hợp vẫn loay hoay với mảnh đất nhỏ. Hợp cho biết, cha mẹ đã đến tuổi “thất thập cổ lai hy”, mong mãi cho đàn con lớn khôn để đỡ đần phận già. Nhưng khi các anh em lớn lên cũng là lúc họ mang một trách nhiệm khác – trách nhiệm với cuộc sống gia đình riêng. Giờ đây, tất cả việc đi đứng, ăn uống sinh hoạt của hai anh em Hợp đều nhờ vào bàn tay hai ông bà già vì cậu em 24 tuổi của Hợp cũng đang bắt đầu bị teo cơ dần.
“Hiện tại, em của em cũng bị triệu chứng như em. Nghĩa là lúc trước em có triệu chứng như thế nào thì bây giờ đứa em cũng bị thế ấy. Em ấy cũng có triệu chứng teo cơ toàn thân nên rất yếu và đi lại khó khăn, có thể bị té ngã. Ngay cả em ấy đứng lên ngồi xuống cũng rất khó khăn”.
Trong khoảng 400 bài thơ của Hợp, người ta nhìn thấy Hợp của sự trong trẻo, của lạc quan, của tích cực qua “Ngày của Hợp”, qua “Đốm lửa”, qua “Lá khô”, qua “Khoảng trời riêng”…..
Xxxxxxxxxx (khoảng trời riêng 3)
Và có lẽ gây xúc động hơn hết, vẫn là những bài thơ về mẹ.
“Mẹ cõng con như ngày xưa
Hai mươi bốn tuổi mà như còn bé nhỏ
Chỉ vì con nên đời mẹ khổ
Chỉ vì con tủi nhục mẹ đã từng…”
(“Mẹ” - Huệ Nguyên)
“Em sáng tác bài Mẹ xuất phát từ hoàn cảnh thật của mình. Khi thấy mẹ đã già còn phải cõng mình trên lưng, em thấy mẹ khổ quá”.
Mẹ Hợp khổ một nỗi khổ do những khó khăn của thiếu thốn vật chất và khổ những khổ tâm nhìn con tàn tật mà vô vọng cứu chữa. Theo Hợp, đã rất nhiều lần anh thất vọng trở về vì bệnh viện và bác sĩ từ chối do chứng teo cơ toàn thân của anh không thể chữa được.
“Biết con bệnh chẳng thể nào lành được
Nên ngậm ngùi mẹ giấu lệ vào tim”
(Trích Mẹ - Huệ Nguyên)
Những tưởng sự nghèo khó, sự hẩm hiu của bệnh tật sẽ làm Hợp thu mình vào cái vỏ ốc trốn tránh cuộc đời; hoặc trở nên buồn bã bất cần; hay thành một con nhím có thể xù gai với bất ai đụng chạm tới nó. Thế nhưng đó không phải là Hợp.
“Nhìn bạn bè có thể làm được những gì mình muốn làm, còn mình thì không – lắm lúc em cũng thấy buồn, thấy tủi thân một chút. Nhưng sau đó mọi chuyện rồi cũng qua. Em nghĩ rằng mỗi người đều có một số phận riêng và em cũng chấp nhận số phận của mình như vậy. Em hiểu được điều này và cũng không còn buồn nữa.”
Nguồn sống và lòng vị tha
em muốn dùng tất cả những tháng ngày còn lại của mình để viết lên những vần thơ làm đẹp cho đời”Nhiều người cho rằng chấp nhận sẽ làm cuộc sống dễ dàng hơn, cũng giống như khi không thể có được ánh sáng đêm trăng, người ta thà chấp nhận bóng tối. Tuy nhiên, đối với Hợp, chấp nhận không có nghĩa là cam chịu, mà chấp nhận là bằng lòng. Không chỉ đến với thơ để tìm những phút thăng hoa, Hợp đến với thơ là để mang nét đẹp trong thơ chia sẻ với mọi người.
Huệ Nguyên
“Đối với em bây giờ, ngoài thơ ra thì cũng chẳng có gì để giãi bày tâm sự. Điều đó có nghĩa thơ là nguồn sống duy nhất của em lúc này. Không phải em làm thơ để mong mình được nổi tiếng nhưng em muốn dùng tất cả những tháng ngày còn lại của mình để viết lên những vần thơ làm đẹp cho đời”.
Không chỉ làm đẹp cho đời từ những vần thơ, vừa rồi, Hợp đã làm đơn gởi Hội chữ thập Đỏ Việt Nam xin hiến giác mạc và cơ thể cho khoa học sau khi anh qua đời. Chia sẻ về điều này, anh nói:
“Có rất nhiều việc chúng ta có thể làm để giúp ích cho cuộc đời. Nếu có điều kỳ diệu từ khoa học tiên tiến và làm em có thể đi được, em sẽ làm rất nhiều việc, trong đó có từ thiện. Còn bây giờ điều làm em vui nhất là được sống những tháng ngày có ý nghĩa nhất, được sống bằng niềm đam mê và được làm điều gì đó có ích cho cuộc đời đến giây phút cuối cùng”.
“Chiếc lá khô rụng xuống, vẫn có ích cho đời.
Khi hiến thân vào đất, hóa mỡ màu tốt tươi”
(Trích “Lá Khô” – Huệ Nguyên).
Nói chuyện với chàng trai trẻ Nguyễn Văn Hợp, hay nhà thơ Huệ Nguyên người ta không khỏi mang những ấn tượng. Có lẽ gây ấn tượng nhất là cách anh mang trái tim nguyên vẹn trong một cơ thể không hoàn hảo. Tất cả những điều ấy đã làm Hợp không trở thành một chiếc lá khô mà chính là một đó đóa hoa Huệ - một loài hoa tỏa ngát hương thơm làm đẹp cho đời.
Qúy vị vừa theo dõi câu chuyện về nhà thơ Huệ Nguyên, người yêu thơ và yêu cuộc sống một cách trong trẻo đến lạ thường. Mời quý vị đóng góp ý kiến, cũng như chia sẻ những câu chuyện có ý nghĩa với Quỳnh Chi tại email QUYNHCHI@RFA.ORG. Xin kính chào và hẹn gặp lại quý vị vào kỳ tới.