Bạo lực học đường
2008.12.30
Pháp luật, gia đình, và nhà trường
Khi hỏi tiến sĩ Võ Văn Nam, đang làm việc tại Trung Tâm Tư Vấn Gia Đình và Hôn Nhân ở TPHCM, về ý kiến cho rằng các em học sinh hiểu biết về pháp luật quá ít, ông cho hay:
Tôi đồng ý với ý kiến đó vì phần lớn các em bạo lực là do không hiểu đầy đủ về tác hại của nó. Các em thích dùng bạo lực với nhau để giải quyết mọi mâu thuẫn, mọi xung đột, các em nhận thức chưa đầy đủ. Trách nhiệm của nhà trường, của các nhà giáo dục không phải chỉ là cung cấp nhận thức, mà còn phải rèn luyện kỹ năng nữa. Trước một cái xung đột, thay vì dùng bạo lực ta phải dùng giải pháp khác, những biện pháp khác để giải quyết mà cái này thì không thể không có kỹ năng. Bởi vì khi nó bực tức lên, nó quên hết cả các nhận thức đi. Lâu nay, chương trình đào tạo trong nhà trường xem nhẹ kỹ năng ứng xử của học sinh, nhất là kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử với những tình huống bất ngờ thì nhà trường chưa có rèn luyện và tập dượt cho các em. Những giờ sinh hoạt ngoại khoá thì quá nghèo nàn, chưa thấm vào tâm hồn, nhân cách của các em được. Vấn đề này phải cải cách về chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo.
Tiến sĩ Võ Văn Nam cho rằng, vì không có cơ hội, nên các em thiếu sự thực hành, chính vì thế:
Cho các em sinh hoạt chung với nhau trong một buổi cắm trại, trong buổi sinh hoạt đó sẽ có những xung đột, những mâu thuẫn, để xem các em giải quyết các mâu thuẫn đó như thế nào, căn cứ vào đó mà ta uốn nắn, điều chỉnh…nếu các em dùng bạo lực thì ta phải chỉ ra cái tác hại của nó cho các em, bạo lực không giải quyết được mâu thuẫn mà chỉ làm cho nó trở nên trầm trọng hơn.
Nhưng về phần cô Diệp Lan, giáo viên giảng dậy môn Đạo Đức ở trường phổ thông cơ sở Phan Đình Giót tại Hà Nội thì:
Thực ra, chương trình về kỹ năng sống cho học sinh, ở trường tôi, triển khai rất đều đặn và nhiều năm rồi. Không phải chỉ dậy trong tiết trong lớp, hoạt động ngoài giờ mà còn đan cải trong các hoạt động khác nữa và các bộ môn liên quan, ví dụ Giáo Dục Công Dân, hoặc trong các giờ sinh hoạt tập thể. Theo tôi, cái nền tảng đầu tiên phải là gia đình, tôi nghĩ vai trò của phụ huynh rất quan trọng. Nếu chỉ để nhà trường không thôi thì không đủ. Một thực trạng khác nữa là chúng tôi dậy về pháp luật, nhưng chúng tôi lại không được đào tạo chuyên ngành về pháp luật để giảng dậy cho các cháu. Hiện nay, giáo viên có hiểu biết chuyên sâu về pháp luật thì cực kỳ ít, nên nó cũng ảnh hưởng đến việc cung cấp kiến thức cho các cháu về pháp luật.
Còn cô giáo Bạch Thị Ngọc Hạnh ở thành phố Huế thì lại cho rằng có tình trạng bạo lực trong trường học vì một số thầy cô đã đối xử không tốt với các em, cô nói:
Không phải các em không hiểu biết, ở đây là có một số hành vi của thầy cô đối xử với các em nên vì sự bức xúc nên có những hành vi như vậy. Thầy cô có những lời nói quá đáng, ví dụ “ngu chi mà ngu quá đáng!” đương nhiên các em có thái độ bức xúc.
Trách nhiệm và cái gương của người lớn
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, một phụ huynh ở Hà Nội thì chuyện bạo lực xảy ra quá thường xuyên ở trường học đã từ lâu, nguyên nhân là vì:
Xã hội tha hoá, những
ảnh hưởng của ngoài xã hội, người lớn làm gương cho trẻ con, internet…Học đường
thì đánh nhau, chửi nhau, khác hẳn ngày xưa. Tinh thần sư phạm cũng bị kém
đi. Khi nhu cầu cuộc sống bức bách thì đạo đức người ta coi xuống hàng thứ
yếu…Ngày xưa học sinh vào trường không dám nói bậy, chửi tục…bây giờ thì nó coi
chuyện đó là bình thường. Sự động chạm ngoài xã hội cả điều xấu lẫn điều tốt,
mà thường thì điều xấu thâm nhập vào chúng nó nhanh hơn là điều tốt. Khá nhiều
gia đình mải kiếm cơm, có quan tâm gì đến con đâu, thiếu sự giáo dục…Người ta
chỉ lao vào kiếm tiền thì thời gian đâu mà quan tâm đến con cái nữa! Về xã hội,
kinh tế thì có khá hơn nhưng đạo đức thì càng đi xuống
Trong khi đó, chị Hoa, một phụ
huynh và cũng là Trưởng Ban Thi Hành Án thuộc công an ở một quận tại Sàigòn thì
quan niệm rằng, học sinh không nhất thiết là phải biết pháp luật để tránh bạo lực,
mà chủ yếu là do sự giáo dục của gia đình, chị nói:
Đâu nhất thiết là phải học pháp luật, hình thành từ trong đầu, trong não, những gì tiếp cận gần nhất thì nó bắt chước. Nó bị ảnh hưởng từ gia đình. Nếu trong gia đình hiểu biết pháp luật, thí dụ, “ việc đó con không nên làm như vậy…” có sự răn đe của gia đình, có định hướng của gia đình. Mình không thể khoán cho nhà trường. Nhà trường chỉ là một trong yếu tố tác động đến học sinh thôi. Quan trọng là gia đình. Cái xử sự trong nhà có như thế nào để có một kỷ luật nào đó, thì ra ngoài, cũng có một kỷ luật và một khi mình làm gì đó thì cũng phải có trách nhiệm việc đó.
Chi kể rằng, trong một lần thi hành công vụ, chị hỏi can phạm mới chỉ 15 tuổi vì sao lại đâm bạn, em học sinh này thản nhiên trả lời với chị rằng:
Nó nói rất đơn giản: “Ba tui nói, nó đánh tôi, tôi phải lấy dao đâm nó lại. Nó đánh tôi một cái, tui phải đâm nó hai cái, hay đánh cho nó chết!” Học sinh nói qua nói lại, vậy mà xách dao đâm chết người. Một trong yếu tố cho đưá bé nên hay không nên người là gia đình, rồi mới đến nhà trường.
Trở lại với cô Diệp Lan, thì việc giảng dậy pháp luật trong trường để giáo dục cho học sinh tránh bạo lực là rất cần thiết, nhưng:
Tôi nghĩ là việc linh hoạt trong phương pháp để học sinh tiếp nhận nó vô cùng quan trọng. Pháp luật vốn đã khô và khó cảm thấy hứng thú, nên mình phải giảng dậy như thế nào đó để thay đổi hình thức hay đan xen cho nó phong phú. Tôi ra trường cách đây 8 năm, thì mỗi lần đi dậy, thì tôi phải tự học về kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm và tự mình phải tích lũy kinh nghiệm. Thực tế bên ngoài nó phong phú và khác nhiều so với sách vở chúng tôi được học trong nhà trường. Tôi cảm thấy một hiện tượng là sinh viên mới ra trường, người ta chưa quan tâm nhiều đến việc phải có ứng xử cho nó phù hợp từng tình huống.
Riêng tiến sĩ tâm lý Võ Văn Nam, thì điều căn bản là người lớn phải chú ý đến hành vi của mình, tránh làm gương xấu cho trẻ, ông nói:
Ngay từ nhỏ, trẻ con thích làm theo cách người lớn làm, mà nó không làm theo cách người lớn khuyên nhủ nó. Trong gia đình phải làm gương. Nếu cha mẹ nóng nảy, dùng bạo lực để giải quyết xung đột của nhau, thì không thể khuyên con cái tránh bạo lực được.
Và nhìn lại một năm qua, với mong ước chấm dứt tình trạng bạo lực trong nhà trường trong năm mới, tiến sĩ Võ Văn Nam tâm sự:
Không phải mong ước của riêng tôi mà của rất nhiều thầy cô giáo, nhiều bậc phụ huynh, vì bạo lực hiện nay nó lan tràn từ trong gia đình đến ngoài xã hội, và nhà trường. Muốn chấm dứt tình trạng này, thầy cô giáo phải tránh bạo lực với học trò, cha mẹ tránh dùng bạo lực với nhau, đặc biệt là đối với con em mình.
Quí vị vừa nghe một số ý kiến về tình trạng bạo lực trong gia đình. Mục Câu Chuyện Hàng Tuần xin ngừng nơi đây. Phương Anh hẹn gặp lại qúi vị vào kỳ sau.