Ngày Quốc tế Thiếu nhi và ước mơ một đôi giày

Ngày Quốc tế Thiếu nhi là một ngày được mong đợi nhất của trẻ em vì đó là ngày mà các em được vui chơi và nhận quà từ cha mẹ. Thế nhưng, đối với những đứa bé nghèo xác xơ, ngày này trôi qua một cách bình thản đến xót lòng.
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2012.06.05
034_375047-305.jpg Những đứa trẻ đánh giày trên đường phố Saigon
AFP photo

Cảnh nghèo

Trong căn nhà nhỏ ọp ẹp tại xã Long Bình, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, bé Trang cùng con chó vện ngồi bó gối trước cửa ngóng mẹ. Cách đó vài căn nhà, chị họ bé Trang, cũng trạc tuổi của em, đang cười hớn hở tít mắt vì nhận được món quà mới, làm Trang buồn thỉu buồn thiu. Đúng ngày Ngày Quốc tế Thiếu nhi (QTTN), mẹ đưa em của Trang, bé An, vừa tròn 4 tuổi đi bệnh viện trên Sài Gòn. Mỗi lần như thế, mẹ đi cả nhiều ngày và chắc lần này cũng vậy. Trang cứ ngồi ở cửa một mình như thế cho đến khi trời chiều tắt nắng mới quệt nước mắt đi lấy cơm ăn. Con vện thấy Trang buồn cũng liếm mặt, cọ chân, quẫy đuôi theo chủ. Vậy là một lần nữa ngày QTTN của Trang trôi qua bình thản.

Chị Ngô Thị Mỹ Thùy, mẹ bé Trang cho biết, mấy đứa con chị chưa bao giờ có ngày QTTN; đối với họ, đây là ngày của thiếu nhi “giàu” mà thôi:

“Tôi nói chị đừng cười, nhiều khi gạo còn không có ăn. Nhiều khi có gạo, đi kiếm được con cá cho con ăn là mừng lắm rồi. Gạo thì kiếm có hôm một lon, hôm một lít. Nấu được hôm nào là hay hôm đó. Cái nhà cũng dột nát mà còn chưa có tiền lợp nóc lại nữa”.

Hiện tại, chị Thùy đang ở bệnh viện ung bướu Sài Gòn lo cho đứa con nhỏ bị ung thư máu. Kể về hoàn cảnh của mình, người đàn bà chỉ mới ngoài 30 tuổi xót xa, đắng giọng:

“Tôi cũng không có tiền gì cả. Hôm rồi tôi cũng vay mượn được người này người nọ, mỗi người vài chục lên Sài Gòn trị bệnh cho con chứ cũng không có tiền bạc gì cả, toàn ăn cơm từ thiện thôi”.

Cách đây 2 năm, bé An bỗng trở nên gầy gộc xanh xao. Sau khi chạy chữa, gia đình mới biết con bị ung thư máu. Nhà lại nghèo, hai vợ chồng chỉ biết ôm nhau khóc, chạy vạy lắm cũng chỉ cầm cự được cho con đến giờ này. Mấy hôm nay, đứa con út chị đã trễ hẹn khám định kỳ, bệnh viện cũng gởi giấy yêu cầu tái khám hơn hai tháng nay, nhưng chị và ông xã vẫn phải “trốn” viện cho con vì thậm chí còn không lo nỗi tiền xe lên thành phố.

Thấy con người ta ăn mặc sạch sẽ trắng tươi mình cũng thấy tủi cho con mình. Cha mẹ nào mà không ước mơ cho con mình được chơi đùa vui vẻ, bằng bạn bằng bè.
Chị Thùy, mẹ bé Trang

Một đứa trẻ bán bánh dạo. AFP
Một đứa trẻ bán bánh dạo. AFP
Một đứa trẻ bán bánh dạo. AFP
Vừa buồn, chị Thùy nhỏ giọng tâm sự, bản thân chị nhận gia công đan rổ lục bình. Mỗi ngày, đan đến chảy máu tay cũng chỉ được một cái, kiếm được 5-7 ngàn đồng là cùng. Chồng chị là dân vác mía mướn, cũng phải đi làm ăn xa mỗi năm chỉ về thăm vợ con một hai lần. Toàn bộ số tiền kiếm được, anh chị chỉ đủ đóng tiền lãi vay mượn lúc con vừa phát bệnh.

“Ơ ̉ vùng tôi thì gia đình tôi là khó khăn nhất vì người khác cũng khó khăn nhưng con cái họ không bệnh, vợ chồng làm ăn cũng được. Lúc trước cháu chưa bệnh thì vợ chồng tôi làm đắp đổi qua ngày. Từ khi cháu bệnh thì xuống luôn, chỉ mình ông xã đi làm, tôi phải ở nhà chăm cháu. Mỗi ngày  kiếm được năm mười ngàn là dữ lắm rồi”.

Biết gia đình nghèo, Trang mặc dù mới 7 tuổi nhưng đã biết quán xuyến việc nhà và cũng chẳng dám vòi vĩnh. Đến tuổi đi học, Trang cũng tự mình đến lớp. Ngày đầu tiên đến lớp, Trang hăm hở bao nhiêu thì về nhà lại khóc bấy nhiêu. Khi đến lớp, Trang mới biết áo các bạn trắng hơn áo của mình và tập sách của các bạn cũng mới tinh, không phải được đóng lại từ các trang giấy cũ. Chị Thùy kể lại:

“Đồ đạc, quần áo các cháu là toàn người ta cho để mặc. Con gái tôi đi học cũng vậy, quần áo, giày dép, sách vở người ta cũng cho, không có đồ gì là mới cả. Đồng phục trắng con đi học cũng là của người ta cho, nhiều khi dính mủ, hay thủng lỗ...cũng phải mặc đi học”.

Chị Thùy tâm sự, mỗi khi đến ngày QTTN, chị càng đau xót không dám nhìn vào mắt con. Nhiều khi muốn kiếm thêm chút tiền mua cho con bộ quần áo mới, chị muốn tìm một nghề khác làm nhưng chị bỏ con ở nhà một mình lại sợ đứa út gặp chuyện chẳng lành.

“Thấy con người ta ăn mặc sạch sẽ trắng tươi mình cũng thấy tủi cho con mình. Cha mẹ nào mà không ước mơ cho con mình được chơi đùa vui vẻ, bằng bạn bằng bè”.

Chỉ ước một đôi giày

Lúc mới lấy nhau, chị và ông xã được cha mẹ đẻ cho một phần nền nhỏ. Hai vợ chồng dựng tạm ngôi nhà tranh che mưa nắng qua ngày. Đã hơn 6 năm, những cơn mưa lũ miền sông nước đi qua làm căn nhà thêm xập xệ và dột nát. Vậy mà mải lo kiếm cái ăn, anh và chị cũng không có khả năng lợp lại mái nhà. Mỗi đêm, ba mẹ con nằm trên chiếc giường nhỏ thó, nghe tiếng dế kêu mà xót dạ. Những đêm mưa rả rích, từng giọt nước trút thẳng từ trên cao vào giường ngủ, là ba mẹ con lại thay nhau thức giấc. Chị Thùy còn nhớ sau khi cơn mưa to năm ngoái qua đi, ngôi nhà của chị càng rệu rã và dường nhưng không còn đứng nổi:

“Con gái tôi mỗi khi mưa dột là kêu tôi “Mẹ ơi mưa dột cuốn chiếu lại, coi chừng ướt em mẹ ơi. Kéo em vô góc ngủ đi, con ngồi con ngủ cũng được”.

Mẹ đưa con đi học, ảnh minh họa. AFP
Mẹ đưa con đi học, ảnh minh họa. AFP
Mẹ đưa con đi học, ảnh minh họa. AFP
Từ khi đi học, Trang biết đến ngày QTTN, cũng thèm được đi chơi, được tặng quà như chúng bạn, nhưng thấy cảnh gia đình túng thiếu, em lại thôi:

“Nhỏ gái lớn cũng biết ngày Quốc tế Thiếu nhi chứ. Nhưng mà nó nói là em nó bệnh nên nó không dám đòi gì cả, chỉ ráng học thôi. Nó nói mà tôi nghe đứt ruột, tôi khóc.

Cháu biết hoàn cảnh tôi nên không bao giờ dám so đo với ai cả. Con của chị dâu tôi được sắm sửa nhiều thứ nhưng cháu cũng không phân bì. Cháu chỉ nói là “Mẹ ơi, chị ba có đồ mới” chứ cũng chẳng dám kêu tôi sắm. Nó kêu tôi để dành tiền lo thuốc cho em. Đứa con gái lớn thấy em nó bệnh nên nó rất giỏi, nó nói với tôi là nó ước cho em hết bệnh để chơi với nó”.

Mặc dù không dám vòi vĩnh cha mẹ, nhưng Trang thật ra luôn có một điều ước. Mấy năm nay, Trang mang độc một đôi dép cũ mòn đế mà mỗi lần gặp người lạ, Trang lại ái ngại nép mình vào một gốc, hai chân dụi vào nhau như muốn giấu đôi dép xấu xí ấy. Vì mang nhiều mà đôi dép trở nên rộng quá so với đôi bàn chân nhỏ nhắn của em. Đôi lúc chạy chơi, Trang phải vấp ngã nhiều lần vì đôi dép cũ. Mỗi lần như thế, Trang lại đứng lên, phủi tay và xỏ dép vào chạy tiếp, nhưng đầu thì chưa bao giờ thôi ước mơ:

Thấy người ta đến đòi nợ thì nó cũng biết là gia đình nghèo nên nó không bao giờ vòi vĩnh gì cả. Có lần nó nói với tôi là nó thấy chị nó mang đôi giày mủ. Nó nói là “Mẹ ơi con ước gì có đôi giày đó. Đẹp quá.
Chị Thùy, mẹ bé Trang

“Thấy người ta đến đòi nợ thì nó cũng biết là gia đình nghèo nên nó không bao giờ vòi vĩnh gì cả. Có lần nó nói với tôi là nó thấy chị nó mang đôi giày mủ. Nó nói là “Mẹ ơi con ước gì có đôi giày đó. Đẹp quá”. Tôi nói với cháu là tôi không có tiền, để tiền trị bệnh cho em, sau đó thì cháu cũng chẳng đòi nữa. Bây giờ cháu mang dép cũ của người ta. Con của chị dâu tôi nhiều khi có đồ đạc cũ thì bỏ ra cho cháu mang, chứ tôi chưa bao giờ mua được đôi giày cho cháu”.

Câu chuyện của bé Trang làm người ta nhớ đến nhân vật Hiên trong truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” của Thạch Lam. Hình ảnh cô bé Hiên đứng co ro bên cột quán, “chỉ mặc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay” vì người mẹ quá nghèo không mua nổi quần áo cho con luôn làm người ta thấy mủi lòng. Tuy nhiên, có lẽ Hiên khác bé Trang ở chỗ em còn được tặng một chiếc áo bông cũ trong cơn gió lạnh tím tái thịt da. Còn Trang, ước mơ về một đôi giày cao su trong ngày QTTN đối với em dường như chỉ còn chờ vào sự kỳ diệu.

Mời quý vị chia sẻ, đóng góp ý kiến tại Quynhchi@rfa.org

Video: Việt Nam Tuần Qua 01.6.2012

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.