Luật sư thiện nguyện bảo vệ trẻ em bị bạo hành và xâm hại

Tệ nạn trẻ bị bạo hành, bị bóc lột sức lao động, bị xâm hại tình dục thì nơi nào cũng có chứ không riêng ở Việt Nam.

0:00 / 0:00

Trẻ em là đối tượng cần bảo vệ

“Vấn đề ở đây là trẻ được luật pháp bảo vệ tới mức nào, hình phạt nào dành cho những kẻ nhẫn tâm gây tổn thương cho trẻ mà trong đó có cả cha mẹ của các em.”

Đó là lời thổ lộ của luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, người thường đi tìm kiếm những vụ án liên quan đến thiếu nhi chỉ với ước nguyện bảo vệ và lấy lại niềm tin cho trẻ thơ. Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên chia sẻ những mẩu chuyện nhỏ với mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi kỳ này.

Bà nói: “Trẻ em là tương lai của dân tộc, là người chủ của đất nước, tôi chọn trẻ em là đối tượng cần bảo vệ. Việt Nam đã tham gia ký kết công ước quốc tế về quyền trẻ em và có luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Những trường hợp trẻ bị bạo hành bị xâm hại thì luôn luôn có luật pháp bảo vệ.

Nhưng mà phải nói rằng do điều kiện kinh tế khó khăn, việc bạo hành trẻ em không thể nào gọi là chấm dứt ngay mà phải có một thời gian, rồi người dân phải được tăng cái nhận thức lên, rồi kinh tế phải được nâng cao lên, thì dần dần những việc bạo hành trẻ em hay xâm hại trẻ em mới từ từ được loại bớt. Tôi thấy tại những nước tân tiến, bạo hành trẻ em cũng có xảy ra chứ không chỉ riêng ở nước Việt Nam.”

Vấn đề ở đây là trẻ được luật pháp bảo vệ tới mức nào, hình phạt nào dành cho những kẻ nhẫn tâm gây tổn thương cho trẻ mà trong đó có cả cha mẹ của các em.

LS Hồng Liên

Thanh Trúc: Thưa luật sư, luân lý trong gia đình Việt Nam là "yêu cho roi cho vọt" và "dạy con từ thuở lên ba". Trong cách giáo dục đó thì không loại trừ roi vọt răn đe, mà đôi khi lỡ tay quá trớn. Vậy tới mức nào thì gọi là bạo hành đối với thiếu nhi?

LS Hồng Liên: "Đối với những trẻ em bị bạo hành thì Việt Nam có luật hình sự. Đối với những trường hợp bạo hành mà xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em thì nó có tính chất nghiêm trọng. Còn nếu như cha mẹ dạy con mà giơ cao đánh khẽ hay la rầy thì chuyện đó không tổn thương đứa bé nhiều. Dạy dỗ chứ không phải đánh đập là thượng sách để mà giáo dục con."

Thanh Trúc: Thưa luật sư, bạo hành thiếu nhi cũng bao gồm cả vấn đề chửi rủa nhiếc móc trẻ. Đôi khi cha mẹ quên rằng tuy còn nhỏ nhưng có nhiều em rất nhạy cảm hoặc sớm biết nhận thức. Những lời nói quá nặng nề hay có vẻ miệt thị...

LS Hồng Liên:Làm tổn thương đứa bé ...

Thanh Trúc: Đó cũng là bạo hành đối với thiếu nhi...

LS Hồng Liên: "Tôi đồng ý, cái đó là một hình thức bạo hành về tinh thần. Nhà nước cũng nghiêm cấm việc đó."

Những trường hợp điển hình

Thanh Trúc: Trở lại với công việc của bà. Xin kể những trường hợp khiến bà phải quan tâm phải đi tìm kiếm các em nhỏ bị bạo hành để giúp đỡ?

LS Hồng Liên: "Tôi tham gia rất nhiều vụ án để bảo vệ quyền lợi cho trẻ em. Mỗi vụ án đều để lại cho tôi những ấn tượng riêng, nhiều vụ thì ấn tượng rất sâu sắc. Trong thời gian gần đây thì gây xúc động là vụ án của bà Nguyễn Thị Mỳ.

Bà Nguyễn Thị Mỳ phạm tội cố ý gây thương tích đối với con ruột của mình mới ba tuổi, cháu Nguyễn Thị Hảo. Khi thấy vụ án đăng trên báo tôi rất quan tâm. Những vụ đó là tôi tình nguyện tham gia trợ giúp pháp lý cho gia đình này, làm sao lấy lại được sự công bằng, bảo vệ cho đứa trẻ này. Nếu ra toà thì mình cũng căn cứ vào pháp luật để bảo vệ những quyền lợi chính đáng theo qui định của pháp luật.”

tre-em-AFP-HDN-250.jpg
Nụ cười trẻ thơ VN. AFP photo/Hoang Dinh Nam (Nụ cười trẻ thơ VN. AFP photo/Hoang Dinh Nam)

Thanh Trúc: Nguyên nhân nào khiến một người mẹ nỡ dùng dao cắt ngón tay và gân chân của đứa bé ba tuổi như thế?

LS Hồng Liên: "Bà Nguyễn Thị Mỳ là mẹ ruột của cháu Hảo. Việc đưa đến hành vi phạm tội theo tôi nguyên nhân là nghèo khổ rồi dốt nát và quẫn bách quá, cộng thêm phần biểu hiện về tâm thần cấp độ nhẹ khiến bà Mỳ phạm tội với con mình."

Thanh Trúc: Thưa luật sư, có thể nào cứ vin vào cái nghèo và cái quẫn trí hay là cái bức bách để mà biện hộ cho hành động bạo hành đối với con cái của mình hay không?

LS Hồng Liên: "Theo quan điểm của tôi, và như nãy tôi đã trao đổi với chị, trường hợp bà Mỳ là do hoàn cảnh nghèo khổ, thiếu học, nhận thức hạn chế về pháp luật rồi lại quá quẫn bách về hoàn cảnh kinh tế của mình rồi thêm tinh thần của bà không được bình thường nên có hành vị rất tàn ác với con mình. Đó là những tình tiết được xem xét tại toà để giảm cho bà Mỳ bớt một phần hình phạt. Nghèo khổ không phải lý do để mà bạo hành xâm phạm đánh đập con cái mình. Đó là xâm phạm trẻ em."

Thanh Trúc: Có thể nào biện hộ cho sự gọi giáo viên đánh đập học sinh, phạt học sinh một cách quá đáng đến nỗi đứa bé không những bị chấn thương về thể xác mà còn bị chấn thương cả tâm hồn?

Nghèo khổ không phải lý do để mà bạo hành xâm phạm đánh đập con cái mình. Đó là xâm phạm trẻ em.

LS Hồng Liên

LS Hồng Liên: "Theo phương pháp giáo dục của Việt Nam bây giờ thì giáo viên cũng không được dùng những hình phạt hay những lời lẽ miệt thị gây tổn thương tình thần trẻ em. Tất cả đều bị hình thức xử lý kỷ luật hết."

Thanh Trúc: Thưa luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, một vụ án khác cũng làm bà mất nhiều công sức là vụ một bé gái tiểu học ở Đồng Tháp, bé Trâm mới mười tuổi. Trâm bị công an xã hỏi cung khiến em gần như là bị hoảng loạn tinh thần.

LS Hồng Liên: "Cháu Ngọc Trâm sinh năm 1996, học lớp Năm trường An Hiệp 2 huyện Châu Thành tỉnh Đồng Tháp, cũng làm cho tôi rất bức xúc. Cháu giữ tiền quĩ của lớp hình như là bốn mươi bảy ngàn mấy trăm gì đó. Thầy giáo của cháu nghi là cháu đã lấy cắp tiền này. Trong cách nghĩ đơn giản của thầy là làm rõ việc mất, thành ra thầy mới đưa cháu qua bên công an xã để lấy cung. Công an xã đâu có biết tâm lý trẻ em, cách hỏi cung có thể đã làm tổn thương đứa bé. Cháu bị khủng hoảng tinh thần và rơi vào hoảng loạn sau chấn thương. Cháu được đưa vào bệnh viện Nhi Đồng 1 để điều trị một thời gian rất dài khoảng tám tháng."

Thanh Trúc: Bà đã mất bao nhiêu thời gian để biện hộ và bảo vệ cho Ngọc Trâm?

LS Hồng Liên: "Vụ án này thực ra không đưa ra toà xét xử. Tôi tham gia là sau khi cháu bị công an xã bức cung rồi cháu bị hoảng loạn. Tôi trợ giúp pháp lý miễn phí cho gia đình.

Khi cháu nhập viện ở Nhi Đồng Một thì hồ sơ có ghi là bị tâm lý hoảng loạn. Cháu co rúm người, che mặt khi gặp người lạ, nhất là đàn ông. Cháu còn tự đánh mình, rồi la hét, phải nói rằng lúc thì nó vui rồi lúc làm như tức giận lắm rồi sau là nó ngưng nói luôn, nó không nói được nữa. Khi tôi tới để tiếp xúc với cháu thì gần như cháu cũng tránh tôi. Lần lần và từ từ do điều trị thì cháu hồi phục trở lại.”

Thanh Trúc: Hai người công an xã hỏi cung bé Ngọc Trâm có bị hình phạt gì không?

LS Hồng Liên: "Công an xã, và cả thầy giáo đã dẫn giải cháu qua công an để lấy cung, đều bị kỷ luật của ngành và bị cho nghỉ việc hết. Sau khi cháu được hồi phục trở lại, nếu mà họ không chịu bồi thường thì vụ án phải đưa ra toà xét xử. Nhưng sau khi tôi tham gia vụ án này tôi thấy vấn đề đưa ra toà cũng không cần thiết.

tre-em-bi-ban-AFP-250.jpg
Em bé gái Việt Nam được cứu thoát khỏi một nhà chứa. AFP photo (AFP photo)

Nếu những người này thấy được trách nhiệm của mình làm tổn thương đứa bé thì họ đã cùng gia đình bàn cách bồi thường thiệt hại cho cháu để bù đắp lại những thiệt thòi và tốn kém mà cháu và gia đình cháu phải chịu trong thời gian qua. Họ đã bồi thường thỏa đáng thành ra vụ án được khép lại.”

Thanh Trúc: Thưa luật sư, bà cũng có thụ lý một vụ xâm hại tình dục trẻ em khiến em bé này có thai. Trong vụ này cha mẹ cũng đã lợi dụng cái không may của cháu để đòi bồi thường một cách vô lý như thế nào đó. Bà đã giải quyết như thế nào?

LS Hồng Liên: "Tôi nhớ em đó mới mười hai mười ba tuổi, nghĩa là chưa thành niên. Phải nói rằng cha mẹ đứa bé có phần lợi dụng cái việc đứa bé bị xâm phạm tình dục để đòi bồi thường cho nhiều. Họ đòi hỏi những điều kiện quá đáng để bù đắp lại những thiệt thòi của đứa bé như là nuôi mẹ nuôi con, mỗi tháng phải có người chăm sóc, mỗi tháng là bao nhiêu tiền. Rồi đứa bé sinh ra khi lớn lên phải được cho đất để cất nhà. Đại khái họ đòi hỏi rất nhiều điều kiện vật chất buộc phía bị cáo phải bồi thường.

Với tư cách luật sư tôi đã thấy được sự thiệt hại của đứa bé về vật chất, về tinh thần, về những hậu quả lâu dài, sau này còn đưá con phải nuôi nữa. Tôi thấy cái việc bồi thường là phải thỏa đáng, nhưng đồng thời cái gì quá đáng mà luật không cho phép, không có cơ sở để toà chấp nhận được thì tôi đã giải thích cho bên gia đình bị hại biết là mọi chuyện đều có qui định của pháp luật, chỉ căn cứ vào đó để bồi thường, không thể đòi số tiền quá lớn được. Gia đình người ta chấp nhận số tiến bồi thường mà theo tôi biết thì cũng rất là thỏa đáng.”

Bảo vệ pháp luật miễn phí

Thanh Trúc: Phần lớn các vụ án mà bà là người bảo vệ pháp lý cho các em nhỏ thì gần như bà bảo vệ miễn phí. Thí dụ trường hợp của bốn em nhỏ bị chủ xưởng may hành hạ và chính vụ án này khi phiên toà phúc thẩm kết thúc bà cũng đã bị phía thân nhân của bị cáo đi theo đe dọa?

Việt Nam thời gian qua đã phát hiện một số vụ bán trẻ qua biên giới để làm mãi dâm. Tôi đã trực tiếp tham gia một số vụ, đưa bé về Việt Nam rồi đưa trở lại với gia đình.

LS Hồng Liên

LS Hồng Liên: "Đúng, hầu hết những vụ án trẻ em tôi tham gia trong tư cách luật sư bảo vệ quyền lợi đều là miễn phí cả. Thành ra vụ án này khi tôi tham gia, mà khi xong phiên toà phúc thẩm thì ra ngoài gia đình họ đuổi theo vừa đe dọa vừa xúc phạm. Tôi phải cố gắng nhịn, tại vì nếu mình trả lời hay làm cái gì đó thì họ sẽ tấn công sẽ thiệt thân mình. Tôi lầm lũi đi về cho nhanh."

Thanh Trúc: Thưa luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, xâm hại tình dục hay lạm dụng tình dục đối với trẻ em thì ở đâu cũng có. Nhưng bây giờ mình đang nói về Việt Nam, đã có nhiều em nhỏ Việt Nam, nhỏ lắm, bị bán qua biên giới Kampuchia để hành nghề mãi dâm thiếu nhi. Bà cũng biết các em phải làm gì rồi, những kẻ mua các em thì đối xử với các em tàn tệ như thế nào, bạo hành có, lạm dụng có...

LS Hồng Liên: "Tôi nghĩ những vụ bắt cóc hay là dụ dỗ trẻ em rồi bán qua biên giới, hoặc là có những em nó có thể ham chơi mà không có tiền, rồi bị dụ dỗ.

Những đứa bé trong tình cảnh đó rất đáng thương. Việt Nam thời gian qua đã phát hiện một số vụ bán trẻ qua biên giới để làm mãi dâm. Tôi đã trực tiếp tham gia một số vụ, đưa bé về Việt Nam rồi đưa trở lại với gia đình. Có những vụ án khi phát hiện ra thì người bán trẻ em ra nước ngoài chính là cha mẹ của cháu.”

Thanh Trúc: Thưa luật sư, trong cuộc sống từng ngày mà phải đi lo bảo vệ pháp lý miễn phí cho trẻ bị bạo hành, Thanh Trúc không tin là luật sư kiếm được nhiều tiền. Đã vậy còn phải tiêu pha vào những thùng quà cho trẻ và cho người thân của các em nữa. Liệu bà sẽ làm những việc này cho đến lúc nào?

LS Hồng Liên: "Khi còn bé tôi có mơ ước làm bác sĩ để cứu người nhưng mà số phận đưa đẩy tôi thành luật sư. Tôi đã sử dụng những kiến thức pháp luật của mình để bảo vệ miễn phí cho trẻ em bị bạo hành và cho người nghèo bất hạnh. Tôi nghĩ đó cũng là một cách để cứu người.

Có lẽ cái số tôi là luật sư chứ không phải là bác sĩ. Mình có sức tới đâu thì mình giúp tới đó. Một số công ty một số doanh nghiệp biết tôi làm công tác xã hội như vậy thì những lần mà tôi đi bào chữa miễn phí ở vùng sâu vùng xa thì họ thường có những gói quà gởi tôi cầm đến cho trẻ em nơi này.

Sau khi tham gia phiên tòa rồi, lúc rảnh rỗi thì mình tiếp xúc với địa phương, thấy nơi nào nghèo mình có những phần quà của các doanh nghiệp các công ty cho thì tôi đem xuống tận nơi đưa tận tay các cháu. Các cháu nó vui mừng thì đó là niềm vui của tôi.”

Tuy đa đoan công việc của một luật sư trong Đoàn Luật Sư thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Hồng Liên vẫn bảo vệ không mệt mỏi cho những nạn nhân của không biết bao nhiêu vụ bạo hành thiếu nhi mà bà biết đến. Vụ mới nhất mà bà đang thụ lý là một bé gái bị người nhà quẳng vào đống rơm đang cháy.

Theo dòng thời sự: