Tệ Nạn “Cơm Tù” Ở Việt Nam

Từ ba tháng qua, báo chí trong nước như Tuổi Trẻ Online hay tờ Pháp Luật tại thành phố Hồ Chí Minh liên tục đăng lại loạt phóng sự về tệ nạn “cơm tù” trên những con đường xuyên Việt mà nạn nhân là khách nghèo.

0:00 / 0:00

Thực chất của cơm tù như thế nào, linh mục Martino Nguyễn Bá Thông, tự nguyện về nước để đi thực tế trên chuyến xe đò chở khách ra miền Trung.

Mời quí vị nghe câu chuyện do linh mục Martino kể lại:

Quán ăn bắt buộc

Linh mục Martino: Tôi quyết định đóng vai một người công nhân từ thành phố Saigòn về thăm gia đình ở ngoài miền Trung. Và trên cái chuyến xe đò tôi đi, loại bốn mươi sáu năm mươi chỗ , tới khoảng giữa trưa thì chúng tôi ghé vào quán cơm Khánh Hoà Hai ở tỉnh Bình Thuận, huyện Tuy Phong.

Tôi đã chuẩn bị tinh thần rất là kỹ bởi vì nghe bạn bè và đọc báo chí thì có thể là mình sẽ bị đánh đập, sẽ bị người ta chửi mắng rất là kinh hoàng. Người ta ở đây là những cái người mà quán ăn Khánh Hoà họ thuê, đại khái những người như là đầu gấu, để mà đánh đập để mà chửi những người khách , để bắt những ngưới khách phải ăn trong quán cơm của mình.

Và tôi ước lượng không lầm trong quán ăn đó có khoảng trên dưới hai chục người, không kể những nhân viên làm trong quán.

Lúc đó tôi đếm là có mười một cái xe đò chiếc nào cũng phải chở trên năm mươi người. Thì tôi nghĩ là khoảng sáu bảy trăm người đang ngồi ở đó, cũng còn một số chỗ trống. Quán đó tuy nó mới mở nhưng mà nó tất dơ dáy và bẩn thỉu.

Thanh Trúc: Đó không phải là những chuyến xe đó đi du lịch mà đó là những xe đò chở khách và phần lớn hành khách đi trên những chuyến xe đó đều ít tiền?

L.M. Martino: thật sự đây là những người nghèo , hầu hết là nông dân và sinh viên về thăm gia đình hoặc những công nhân mà ở ngoài miền Trung đi vô miền Nam làm rồi về thăm gia đình.

Thanh Trúc: Khi xe đó đỗ lại quán Khánh Hoà Hai thì cảnh cơm tù diễn ra như thế nào thưa linh mục?

LM Martino: Xe đò vừa đổ vô thì anh tài xế với lại mấy anh lơ xe bảo là "bà con ơi mình nghĩ ăn trưa rồi đi tiếp" . Thì tôi nhìn thấy là có hai , tôi gọi là chữ nhân viên, nhưng mà đúng hơn là những tay anh chị , quí vị biết là cái xe đò ở Việt Nam thì có hai cửa, cửa trước và cửa sau.

Thì họ chặn họ khoá cái cửa sau liền, và có ba bốn ngưới đứng ở đằng trước họ đếm coi có bao nhiêu người từ từ đi xuống. Đến phiên tôi chưa kịp xuống thì một người chỉ vô mặt tôi bảo chứ:”mày có đi xuống hông hay là mày muốn tao lên tao lôi mày xuống thì máy mới xuống”

Tổ chức như "Mafia"

Thanh Trúc: Họ mày tao với khách ?

<i>cụ bảo "bớ làng bớ xóm ơi mấy cô này đánh tôi" . <br/>Cụ càng la thì trên dưới hai chục anh chị em đầu gấu đó bu quanh cụ. Thế là cả quán cả trên sáu trăm người không ai dám động tĩnh gì hết. Ngay cả chính tôi cũng không dám làm gì hết.</i>

LM Martino

LM Martino: Đúng như vậy , không những họ mày tao mà họ rất là bặm trợn và họ chỉ vô mặt mình. Tức là họ hù để cho mình rất là sợ. Cái chuyện họ có đánh mình hay không mình chưa biết nhưng mà họ làm cho mình sợ để mình phải xuống.

Và sau khi tôi xuống rồi thì tôi cũng ráng ngoái cổ tôi nhìn lại, thì tôi thấy mấy tay anh chị đó nhảy lên trên xe và họ đi họ nhìn để bảo đảm là không có ai còn ở trên xe và sau đó họ bảo tài xế đóng khoá cửa xe lại và mọi người đi vô để ăn.

Thanh Trúc: Bắt buộc phải đi vào cái quán rộng rãi và dơ dáy đó?

LM Martino: Vâng. Tôi thì tôi cố tình là tôi đi để thử coi nó như thế nào. Tôi đang tính là tôi đi qua bên kia đường, tức là chỉ để thử xem cái phản ứng của họ như thế nào mà thôi. Nhưng mà cũng may cho tôi, tôi vừa mới tính đi thì có một ông cụ già đã đi trước tôi rồi. Tôi nhìn cụ thì tôi nghĩ là cụ cũng trên dưới bảy mươi tuổi. Cụ đi trước tôi chắc khoảng mười bước.

Hai bóng thanh niên vụt một cái vèo qua mặt tôi, chỉ vô mặt cụ và dằn giọng “mày đi đâu đó, mày ra đường lỡ có chuyện gì xảy ra với mày thì ai chịu trách nhiệm”. Nhưng mà cái chữ mà tôi nhớ rất là kỹ là bởi vì họ dám gọi ông cụ già đó bằng cái chữ mày.

Ông cụ đó thì tôi nghĩ chắc cụ cũng đã đi nhiều lần cho nên cụ đứng cụ cũng chống nạnh lên rồi cụ la lại , cụ bảo “tao đi đâu là quyền của tao chứ tụi mày có quyền gì mà chặn tao” . Sau khi cụ với lại hai thanh niên dằn co thì có một nhóm các nhân viên nữ từ trong quán chạy ra nắm tay cụ và kéo cụ, lôi xềnh xệch, lôi cụ trên đất cát giữa trưa vậy nè. Thì cụ bảo “bớ làng bớ xóm ơi mấy cô này đánh tôi” .

Cụ càng la thì trên dưới hai chục anh chị em đầu gấu đó bu quanh cụ. Thế là cả quán cả trên sáu trăm người không ai dám động tĩnh gì hết. Ngay cả chính tôi cũng không dám làm gì hết.

Thanh Trúc: Thức an trong quán họ dọn như thế nào?

LM Martino: Trong quán này là trả tiền trước, com thịt là mắc nhất là ba mươi nhìn đồng. Rồi phở bún rồi đại khái hăm lăm mười lăm nghìn gì đó. Sau khi mua vé cho cái món gì mình muốn ăn rồi mình mới đi dọc cái hàng đi vô, họ sẽ múc bún múc cơm.

<i>Bát bún của bác còn hôi hơn bởi vì tôi nhìn thấy nó nhớt nhờn nhợt đó, giống như cái kiểu mà nó thiu rồi. Bác ngồi bác cứ lưỡng lự vậy thì có một cái cô đi ra cô bảo" sao không ăn đi, không ngon à?". Cứ là hỏi như là tát vào mặt bác vậy đo.</i>

Nói thật với qúi vị chố đời tôi đã nhìn thấy canh đại dương tức là canh chỉ có nước này nọ không nhưng ít nhất là nó còn cái mùi, chứ cái phở với bún trong cái quán này tôi xin lỗi qúi vị chứ nó đục như nước cám heo á.

Tôi nhớ là tôi đặt một bát phở , rồi sau khi tôi lấy được xong cái bát phở của tôi thì tôi đi ra, tôi cố tình tôi chui vào đám đông người ta ngồi để tôi muốn nghe phản ảnh người ta nói như thế nào.

Thì lại một cảnh tượng nữa xảy ra trước mắt tôi. Là có một bác khoảng năm sáu mươi tuổi gì đó. Bác ngồi lưỡng lự trước cái bát bún mà nói thật với quí vị tô phở của tôi đã hôi tôi nghĩ cái bát bún của bác còn hôi hơn bởi vì tôi nhìn thấy nó nhớt nhờn nhợt đó, giống như cái kiểu mà nó thiu rồi. Bác ngồi bác cứ lưỡng lự vậy thì có một cái cô đi ra cô bảo” sao không ăn đi, không ngon à?”. Cứ là hỏi như là tát vào mặt bác vậy đo.

Thì bác đó bác bảo “tôi mệt mỏi tôi chưa ăn”. Cô ấy đi một vòng xong cô quay lại, nhìn vào mặt bác cô hỏi “không hợp khẩu vị à, sao không lo ăn đi?”

Trong cái hoàn cảnh này mình mà gân lên thì tụi nó sẽ đánh mình. Thế là tôi phải cuối xuống tôi ráng ăn cái bát phở của mình. Tôi nhớ là tôi mua một tô phở tái trong đó miềng thịt ở Việt Nam nó đã mỏng rồi , tôi nghĩ chắc được bốn hay năm miếng thịt gì đó. Mà tôi gắp cái miếng thịt trong cái tô phở tôi đưa lên tôi ngửi . Tôi nói thật với quí vị chứ nếu đi ăn nhà hàng bên Mỹ thì tôi gọi chủ quán ra tôi chửi cho một trận rồi.

Thanh Trúc: Nghe linh mục kể thì chừng như ngàn ấy người, có thể nói rất là động, trong khi chỉ có vài chục nhân viên của quán thôi mà người nào người nấy cam chịu cho họ chửi mắng mà không có phản ứng gì hết?

LM Martino: Thì đấy là tại sao cái chữ cơm tù nó là cái chữ của các phóng viên nhà báo của Việt Nam họ dùng. Thì tôi nghĩ là cái chữ này nó đúng, nó gọi là tù mà chị. Cho nên không khí nó phải nặng nề lắm. Bao nhiêu người họ dòm mình để họ xem mình có ăn không, phản ứng như thế nào. Ăn ở đây không khí nó còn nặng hơn cái tù đó chị.

Thanh Trúc: Nếu mà có những người chỉ ngồi nghỉ thôi và người ta đem theo thức ăn người ta ăn thì sao?

LM Martino: Không có chuyện vào quán này mà ngồi nghỉ được, bắt buộc phải đi mua đồ ăn chứ còn không thì nó sẽ tới nó chửi nó hỏi rồi nó hoạnh hoẹ rồi nó làm khó dễ mình. Có ăn hay không đó là chuyện của mình nhưng mà bắt buộc là phải mua đồ ăn.

Thanh Trúc: Dạ khi mà vào quán như vậy thì có được đi tiêu đi tiểu được đi rửa mặt trước khi ăn?

LM Martino: Sau khi mình đã mua đồ ăn rồi thì mình được phép đi tiêu đi tiểu. Tại vì tôi nhớ là tôi tính vô đó thì tôi cũng dự định đi tiêu đi tiểu trước rồi mới quay ra mua đồ ăn, thì tôi bị hai tay anh chị đứng chặn cái đường đi về hướng nhà vệ sinh , bảo chứ "mày đã ăn uồng gì chưa mà đã đi tiêu với tiểu" Thế là tôi lẳng lặng tôi quay đầu trở về tôi đi mua đồ ăn trước cái đã. Thì phải ăn uống xong mới được đi tiêu đi tiểu.

<i>Tôi mới bảo "cái loại thuốc tôi hút không có nên tôi đi qua bên kia tôi xem thử" . Thế họ bảo thì thúôc nào cũng giống thuốc nào , mày đi thì tao đập mày chết bây giờ. Thế là lặng lẽ cuối đầu nhục nhã quay trở lại.</i>

LM Martino

Hăm dọa trắng trợn

Thanh Trúc: Ăn uống xong rồi linh mục có động thái nào khác không hay ngồi đó chịu trận?

LM Martino: Tức là có khoảng 45 phút thôi để mình ghé mình ăn. Bao nhiêu xe đổ khách xuống ăn trưa cho nên rất là bận rộn. Tôi ăn có nổi cái tô phở của tôi đâu mà bảo ăn với uống. Thì tôi mới ghé cáo chỗ quầy tôi tính mua một ít bánh kẹo để tí nữa lên xe ít nhất là tôi cũng phải có cái gì tôi ăn lỡ tôi đói.

Thì tôi ghé quầy bánh kẹo tôi mua. Tôi nghĩ chắc tôi cũng đã mua nhiều đồ cho cái quán này rồi chắc là nó cũng đối xử tốt lành với tôi.

Thế là tôi gởi đồ lại cái quán đó tại vì tôi muốn đi ra ngoài, tôi muốn nhìn xem như thế nào. Tôi vừa mới mon men tới hàng rào thì lại bị vài anh chị đứng canh ở hàng rào hỏi tôi “mày đi đâu đó” . Lúc đó tôi đã chuẩn bị trước rồi nên tôi bảo tôi đi qua kia mua bao thuốc lá. Nhưng mà thực sự là tôi có hút thuốc đâu. Họ báo chứ” thúôc trong quán này không có à” .

Tôi mới bảo “cái loại thuốc tôi hút không có nên tôi đi qua bên kia tôi xem thử” . Thế họ bảo thì thúôc nào cũng giống thuốc nào , mày đi thì tao đập mày chết bây giờ. Thế là lặng lẽ cuối đầu nhục nhã quay trở lại cái quán cơn Khánh Hoà đó.

Thanh Trúc: Thực sự thì linh mục có tận mắt chứng kiến những cái người anh chi đó những người nhân viên dữ dằn trong quán đó đã đánh ai chưa hay là chỉ lôi kéo cụ già thôi?

LM Martino: Ngay lúc đó thì tôi không nhìn thấy cái đánh. Sau khi đó tôi về tôi nói chuyện với các bạn bè, một số người làm phóng viên này nó đó, thì họ bảo là tại vì bây giờ những người đi cái đường này người ta đã quen rồi người ta phải chấp nhận như vậy.

Chứ cái thời gian mới mở ra thì đánh là chuyện bình thường. Tôi nhớ nếu không lầm tôi đọc một bài báo là có một người bị đánh chết ngay tại quán đó, đánh chết luôn chứ không phải là đánh bị thương.

Công an cũng không tha

Thanh Trúc: Quán Khánh Hoà Hai?

LM Martino: Tôi nghĩ đó là quán Khánh Hoà Một. Quán Khánh Hoà Một ở tỉnh Ninh Thuận, quán Khánh Hoà Hai ở tỉnh Bình Thuận.
Thanh Trúc: Thưa những người dân người ta khiếp sợ như vậy mà không có thể nào cầu viện tới công an cảnh sát hay là có ai bảo vệ cho họ?

<i>" công tác thì công tác chứ mày công an mày làm gì tao. Mày công an xã chứ công an huyện công an tỉnh tao cũng chẳng sợ bởi vì chúng tao mua hết rồi.</i>

LM Martino: Tôi nhớ sau chuyến đó tôi đi về thì có một buổi tối ngồi nói chuyện với một số bạn bè dân nhà báo. Thì phóng viên nhà báo ngừoi ta nói cũng may là bây giờ nó hiền đó chứ.

Họ còn kể cho tôi nghe câu chuyện là hồi trước có một anh công an từ Saigòn đi ra ngoài Huế hay đi đâu đấy mà vô cái quán Khánh Hoà đó, bị nó chửi nó đòi đập anh bực mình quá anh móc cái thẻ công an ra anh bảo tôi đang đi công tác.

Thì mấy thằng đầu ngựa nó bảo chứ “ công tác thì công tác chứ mày công an mày làm gì tao. Mày công an xã chứ công an huyện công an tỉnh tao cũng chẳng sợ bởi vì chúng tao mua hết rồi.

Thanh Trúc: Tức là họ được bảo kê bởi công an?

LM Martino: Chính các phóng viên nhà báo Việt Nam họ kể cho tôi nghe. họ bảo là những công an huyện công an này nọ là nó bảo kê ăn chia với nhau cho nên người dân thấp cổ bé họng của mình thì phải chấp nhận thôi.

Thanh Trúc: Theo chỗ linh mục biết , là bởi vì ông đã tiếp xúc với những nhà báo đã viết những loạt bài về cơm tù và bây giờ có vẻ như là đang nổi rộ lên nữa, thì chính quyền địa phương có ra tay làm điều gì hay không?

LM Martino: Có thì có chị, nó như thế này, là bởi vì ngay cả những bạn bè của mình họ bảo cho Thông ơi làm được gì thì ta làm thôi, báo chí mà để được đăng cái bài đó lên cũng không phải dễ đâu, cũng phải đi qua bao nhiêu thứ. Vậy thì khi đăng lên chính quyền địa phương đại khái họ ra vẻ bên ngoài làm dữ để cho cái nạn đó tạm ổn xuống hay là cái quán đó nó đỡ một thời gian …rồi ba bốn tháng sau chỗ này chỗ kia nó lại nở ra hay là cái chỗ đó nó lại trở lại.

Thanh Trúc : Một phóng viên của báo Pháp Luật ở thành phố Hồ Chí Minh có nói về bến xe Lam Hồng ở Bình Dương và cái hệ thống cơm tù xuyên Việt?

LM Martino: Khi mà các phóng viên nhà báo ở Việt Nam mà họ viết về những cái tệ nạn của xã hội thì tôi nghĩ nó phải rất là chính xác, bởi vì nếu không thì họ không được phép đưa lên đâu bởi nó ảnh hưởng đến xã hội.

Thanh Trúc: Thưa dưới mắt ông thì nguyên nhân của tệ nạn cơm tù ở Việt Nam?

LM Martino: Một số người đã sống quen trên cái cảnh là đạp người khác xuống, tiếng Việt chúng ta gọi là vừa ăn cướp vừa la làng đó. Vừa có quyền vừa có chức mà lại không có học, họ nối lại với nhau thì chỉ có chết người dân.

Vừa rồi là câu chuyện cơm tù ở Việt Nam dưới mắt linh mục Martino, người nhiều lần đến với chương trình Đời Sống Người Việt Khắp Nơi bằng những câu chuyện người thật việc thật.

Bài tới sẽ là ý kiến của giới thẩm quyền ở các địa phương mà tệ nạn cơm tù có hiện tượng tái đi tái lại. Thanh Trúc kính chào và xin hẹn tái ngộ tối thứ Năm tuần tới.