Cộng đồng người Mỹ gốc Việt vùng Vịnh, phần lớn hành nghề đánh cá hoặc làm việc trong các hãng xưởng chế biến hải sản tại Mississippi, tổ chức một cuộc họp báo hôm thứ Ba ngày 15 vừa qua, để nhắc chính phủ địa phương rằng họ chưa nhận được sự hỗ trợ chính thức nào. Họ đồng thời nêu lên sáu điểm yêu cầu chính quyền tiểu bang thực hiện, hầu đáp ứng nhu cầu về đời sống do việc làm bị ngưng trệ từ khi các vùng biển ô nhiễm bởi dầu loang bị phong toả hai tháng nay.
Bị ảnh hưởng nặng mà không được hỗ trợ
Buổi họp báo diễn ra tại Biloxi, một trong những thành phố của tiểu bang Mississippi có nhiều người Việt sinh sống và hành nghề đánh cá. Các hội đoàn đứng ra tổ chức buổi họp báo gồm Liên Minh Vùng Vịnh Nam Alabama, Liên Minh Ngư Phủ Mỹ Gốc Việt Mississippi, Trung Tâm Phát Triển Cộng Đồng Nữ Vương Việt Nam, và Hiệp Hội Lãnh Đạo Trẻ Mỹ Gốc Việt Louisiana.
Câu hỏi ở đây là dầu tràn trên vùng Vịnh hai tháng rồi mà tại sao tới giờ này các ngư phủ Mỹ gốc Việt ở Mississippi mới được các đoàn thể, các tổ chức của người Mỹ cũng như người Việt lên tiếng giúp đỡ. Ông Paul Nelson, chủ tịch Liên Minh Vùng Vịnh Nam Alabama tức South Bay Alliance Of Alabama, cho rằng:
Chúng tôi muốn mọi người hiểu vấn đề của người Việt hành nghề đánh cá ở Mississippi là, chẳng những họ không được BP quan tâm tới mà ngay cả chính quyền địa phương cũng chưa làm gì thiết thực để hỗ trợ, trong lúc họ không thể đi đánh bắt cá từ khi dầu tràn lan trên biển.
Chúng tôi muốn mọi người hiểu vấn đề của người Việt hành nghề đánh cá ở Mississippi là, chẳng những họ không được BP quan tâm tới mà ngay cả chính quyền địa phương cũng chưa làm gì thiết thực để hỗ trợ, trong lúc họ không thể đi đánh bắt cá từ khi dầu tràn lan trên biển.
Ông Paul Nelson

Đó là sự quan tâm của chúng tôi lúc này, tôi muốn nói rõ ràng là chính quyền địa phương đã không lên tiếng đủ cho ngư dân người Mỹ gốc Việt. Sự thật là vậy! Họ chẳng nói gì cho ngư dân Mỹ gốc Việt cả. Đó là điều mà đại diện trong tổ chức của chúng tôi nêu lên với viên chức địa phương trong cuộc họp báo vừa rồi.
Từ trụ sở của BPSOS Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển ở Virginia, từng có mặt tại vùng Vịnh ngay từ những ngày tràn dầu đầu tiên, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành BPSOS, xác nhận là ngư dân Mỹ gốc Việt ở những thành phố của Mississippi như Pass Christian, Bay St.Louis, Biloxi, gần như bị bỏ quên trong biến cố tràn dầu vùng Vịnh:
Ứơc lượng có khoảng mười ngàn cư dân Việt Nam ở vùng Vịnh Mississippi và Alabama. Họ bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi khi xảy ra vấn đề tràn dầu thì cũng đúng là sắp sửa mùa đánh tôm đánh cá, mọi ngư dân đều chuẩn bị đi ra ngoài biển. Những ai làm trong các hãng xưởng chế biến hải sản thì cũng đều chờ để có công ăn việc làm. Rất xui xẻo là đúng vào lúc ấy thì xảy ra sự kiện dầu loang, ảnh hưởng ngay đến công ăn việc làm cho năm nay. Nhiều người thất nghiệp, cả nhà thất nghiệp. Sự nghiệp và sinh kế bị ảnh hưởng không biết đến bao nhiêu năm tới. Trong lúc đó thì chưa hề có một chương trình một kế hoạch nào từ phía BP, từ phía các tổ chức tư nhân hoặc ngay cả chính phủ Obama về kế hoạch trợ giúp ngay trước mắt ra làm sao.
Chúng tôi có xuống dưới đó trong thời gian gần đây , thấy người dân rất hoang mang lo lắng bởi họ không biết tương lai đi về đâu.
Sự đòan kết cần thiết của người Việt ở các bang
Từ Biloxi hôm thứ Ba, phát biểu cùng mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi trước khi buổi họp báo khởi sự, bạn trẻ Bùi Minh Điền thuộc Trung Tâm Phát Triển Cộng Đồng Nữ Vương Việt Nam, nói:
Mình làm việc tình nguyện để giúp cho ngư phủ tại đây. Có những người bên Alabama, Mississippi và Louisiana. Tổng cộng hiện giờ độ bảy chục người.
Mục đích hôm nay [gồm], thứ nhất là để cho ngư phủ từ ba tiểu bang tụ họp. Khi gặp nhau như vậy thì có tình đoàn kết và có tiếng nói chung. Thứ nhì là có báo chí để họ nghe những vấn đề của ngư phủ. Chính những ngư phủ sẽ nói ra những vấn đề và những suy tư của họ. Tôi chỉ đứng đằng sau giúp cho họ, những tiếng nói thì chính tự họ thôi.
Mục đích hôm nay là để cho ngư phủ từ ba tiểu bang tụ họp. Khi gặp nhau như vậy thì có tình đoàn kết và có tiếng nói chung. Sau đó là có báo chí để họ nghe những vấn đề của ngư phủ.
Anh Bùi Minh Điền
Buổi họp báo tại Biloxi kết thúc vào lúc 12 giờ trưa giờ địa phương. Một người từ thành phố Pass Christian cách Biloxi khoảng ba mươi cây số, bà Tuyết, có chồng là chủ tàu đánh cá trên vịnh Mexico, cả gia đình sống nhờ vào nghề đi biển của ông gần ba mươi năm nay, bày tỏ cảm tưởng về buổi họp báo:
Nào giờ ở Mississippi đi họp cũng nhiều lắm, nhưng chỉ có lần này thì có nhiều người ở ngoài tiểu bang tới và có những hội đoàn này kia tới, làm cho buổi họp có thể sẽ gây chú ý nhiều hơn. Chứ hồi trước tới giờ một điều rất buồn là người của bên chính phủ không có khi nào thấy hết, chỉ thấy một ông City Council (Hội Đồng Thành Phố) mà lần nào cũng gặp và cũng thấy không có tương lai gì hết.
Cách đây một tuần mình lên Louisiana để họp thì thấy bên Louisiana hội này hội nọ tới giúp, còn ở Mississippi thì người Mỹ người Việt người ta cũng la lớn mà chính phủ giống như đóng cửa ở trong văn phòng hay làm cái gì không thấy đâu hết trơn. Nói chung mình hy vọng chính phủ trong cái tiểu bang mình nghe mình và nhờ tiếng nói của họ đưa lên tổng thống để ông có thể giúp cho những người, nói chung là người Mỹ gốc Việt, mà làm nghề biển ở vùng Mississippi này.
Ngày tổ chức buổi họp báo ở Mississippi cũng là thời điểm có chuyến công du lần đầu tiên của tổng thống Barrack Obama xuống ba tiểu bang Mississippi, Alabama và Florida ở miền Nam kể từ lúc xảy ra thảm hoa dầu tràn. Về những thiệt hại gia đình phải gánh chịu khi tàu nhà không thể ra khơi để đánh bắt cá lâu nay, bà Tuyết kể tiếp:
Đến lúc đi ra thì họ cấm, không cho đánh bắt chỗ này chỗ nọ. Cũng đi tới Florida rồi nhưng sau đó Florida cũng không cho đánh nữa. Ở vùng Mississippi thì giòng nước đánh tôm rất là nhỏ rất là giới hạn.
Bà Tuyết, ngư dân Missisipi
Hôm bữa trước thì tôi cũng nghĩ là gia đình tôi, trước khi vào mùa biển, thôi hai vợ chồng đi nghỉ hè rồi về làm. Lúc trở về thì đã nghe biết là dầu đổ mà mình không nghĩ nó ảnh hưởng như vậy. Rồi thì ông xã cũng chuẩn bị đi làm, đến lúc đi ra thì họ cấm, không cho đánh bắt chỗ này chỗ nọ. Cũng đi tới Florida rồi nhưng sau đó Florida cũng không cho đánh nữa. Ở vùng Mississippi thì giòng nước đánh tôm rất là nhỏ rất là giới hạn. Tàu của tôi thì một trăm phần trăm là chỉ đánh ở Louisiana thôi. Rồi tại vì vùng mà tôm ở lại ngay chỗ giếng dầu đổ, người ta cấm thì mình cũng phải xoay thôi, tại lúc bấy giờ đâu có biết là BP giúp cái gì hay làm cái gì.

Rồi tại Mississippi thì trên tivi truyền hình cứ nói là tiểu bang này không có bị ảnh hưởng, cho nên chính phủ không giúp. Những nhà băng, những người cho mình mượn tiền người ta cũng nói giống chính phủ thôi. Nếu tôi là người Louisiana thì nhà băng họ sẽ giúp, nhưng mà tôi là người Mississippi, cho nên chính phủ của tiểu bang này nói mình chưa cần đến sự giúp đỡ. Cái đó là cái trước mắt của những người đang có tàu lớn mà thiếu nợ, mà không có đi làm được ở vùng Mississippi này. Họ bị ảnh hưởng là tại vì qua lời nói của chính phủ tiểu bang làm cho sự giúp đỡ nó bị giảm bớt đi.
Ở Louisiana chính bản thân tôi đi họp, cái ngày hôm đó họp với viên chức Bộ Lao Động, bà ta tới với bao nhiêu hội mà không phải do người Việt đâu, những hội đó do người Mỹ tới giúp. Khoảng gần cuối buổi họp tôi ngồi tôi khóc luôn. Tôi thấy cũng là người dân trong nước Mỹ, cũng chịu ảnh hưởng giống mọi người nhưng lại chia ra tiểu bang. Tại vì chính phủ của tiểu bang này không có làm việc cho nên không có ai giúp hết.
Rồi tại Mississippi thì trên tivi truyền hình cứ nói là tiểu bang này không có bị ảnh hưởng, cho nên chính phủ không giúp. Những nhà băng, những người cho mình mượn tiền người ta cũng nói giống chính phủ thôi.
Bà Tuyết, ngư dân Missisipi
Tôi nói với bà lo giúp đỡ người ta kiếm việc ở Louisiana là những người ở Louisiana này thật may mắn có nhiều người giúp đỡ, còn chúng tôi cũng đi làm đóng thuế như mọi người nhưng mà tại tôi ở Mississippi nên không có sự giúp đỡ nhiều mấy.
Sáu điều thỉnh nguyện của ngư dân Việt Nam
Tuy nhiên từ buổi họp báo do các hội đoàn người Mỹ và người Việt từ Louisiana từ Alabama qua giúp tổ chức, bà Tuyết thấy được chút hy vọng trong hoàn cảnh gia đình chỉ cầm cự được nhiều nhất là một tháng nữa:
Nhưng mà hôm nay thì cũng có văn phòng của chính phủ, văn phòng Food Stamp (phiếu thực phẩm) người ta tới văn phòng của Boat People gì đấy –Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển- thì có những người Việt người ta giúp. Tôi thì chưa làm đơn xong nên một tí nữa phải trở lại. Với sự giúp đỡ của những người ở ngoài tiểu bang thì để cho chính phủ trong tiểu bang thấy rằng tại sao phải để cho những người ngoài tiểu bang nói thì mình mới tin.
Trong thực tế, không phải mọi ngư dân Mỹ gốc Việt ở Mississippi đều có thể nắm vững vấn đề như bà Tuyết, mặc dù có người đã định cư tại đây hai mươi lăm cho đến trên ba mươi năm. Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, phần lớn trở ngại của ngư phủ Mỹ gốc Việt tại vùng Vịnh là:
Như là trở ngại về ngôn ngữ, trở ngại về văn hoá, không có đủ lượng thông tin, và thật ra rất nhiều người Việt không rõ đường đi nước bước trong cái hệ thống của Hoa Kỳ để mà tiếp cận được những dịch vụ để mà đáp ứng các nhu cầu của họ. Thành ra vấn đề khủng hoảng, vấn đề hoang mang hiện đang xảy ra trong cộng đồng người Việt tại Biloxi và một số thanh phố khác ở Mississippi cũng như ở Alabama.
Trở ngại của ngư phủ Mỹ gốc Việt tại vùng Vịnh là: Như là trở ngại về ngôn ngữ, trở ngại về văn hoá, không có đủ lượng thông tin, và thật ra rất nhiều người Việt không rõ đường đi nước bước trong cái hệ thống của Hoa Kỳ để mà tiếp cận được những dịch vụ để mà đáp ứng các nhu cầu của họ.<br/>
Sáu điểm chính, nói cách khác là sáu điều thỉnh nguyện hay đòi hỏi của ngư dân Mỹ gốc Việt nêu ra với chính phủ địa phương tại buổi họp báo vừa rồi ở Biloxi, Mississippi, gồm:
-Tạo công ăn việc làm để thay thế những công việc bị ngưng trệ do nạn dầu loang trên biển.
-Công ty dầu khí BP và các cơ quan chính phủ ở địa phương phải có thông tin rõ ràng về vấn đề dầu loang cho dân chúng biết.
-Yêu cầu các cơ sở tín dụng hoãn thời gian trả nợ, giảm luôn tiền lời cho người vay đang bị thất nghiệp vì nạn dầu tràn.
-Hỗ trợ tài chánh cấp kỳ trong giai đoạn khó khăn cho những người không thể đi đánh bắt cá được.
-Ban hành biện pháp hỗ trợ chăm sóc sức khỏe đầy đủ đối với những bệnh tật do việc dọn sạch dầu gây ra.
-Bảo vệ pháp lý cho những người bị ảnh hưởng để đối phó với những luật sư đang lợi dụng hoàn cảnh không may của ngư dân hầu kiếm lợi bất chính.
Lên tiếng với các quân nhân Hoa kỳ tại một căn cứ ở Pensacola , Florida, ông Obama so sánh tai họa dầu loang ở bờ biển phia Nam là thách đố lịch sử của nước Mỹ, chẳng khác nào hai cuộc chiến thế giới và cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh mới đây.Ông nói:
Hoa Kỳ từng trải qua nhiều giai đoạn khó khăn nhưng luôn vượt thắng để trở thành mạnh mẽ hơn và sẽ vượt thắng hơn nữa.
Hy vọng ngư dân Mỹ gốc Việt vùng Vịnh, nhất là ở tiểu bang Mississippi, cũng sẽ vượt thắng như đã từng vượt thắng và gầy dựng lại từ đầu, như sau trận cuồng phong Katrina vài năm trước đây.
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tạm kết thúc ở phút này. Thanh Trúc hẹn tái ngộ quí thính giả tối thứ Năm tuần tới.
Theo dòng thời sự:
- Nhà hàng ở New Orleans điêu đứng vì dầu loang
- Bài phát biểu trấn an về đại họa dầu loang
- Iran: chận đứng dầu loang là chuyện nhỏ
- Mỹ hoan nghênh BP tạo quỹ bồi thường thiệt hại dầu tràn
- Tai họa dầu loang: một thách đố lịch sử của nước Mỹ
- Một nửa số dầu phun ở vịnh Mexico được dẫn vào bể chứa
- Nguy cơ loang dầu từ vụ nổ dàn khoan ở Mỹ
- Ngư dân và ngành du lịch lo sợ dầu loang ở Vịnh Mexico
- Dầu loang tại Mỹ đã tràn vào bờ biển Louisiana