GS Lê Thị Huỳnh Trang được tuyển dụng phụ trách môn Việt Học tại Đại học California

California State University của Fullerton ở Nam California đang lập chương trình cử nhân bốn năm có tên Vietnamese Language And Culture, Việt Học, và những lớp Việt ngữ cấp đại học đang được xúc tiến trong giai đoạn này.

0:00 / 0:00

Qua hai năm thông báo tuyển dụng với nhiều đơn nhận được từ ngoài này cũng như trong nước, người sau cùng hội đủ tiêu chuẩn và đáp ứng yêu cầu tuyển dụng để phụ trách môn Việt Học tại California State University Of Fullerton là giáo sư Lê Thị Huỳnh Trang.

Từ 1975, California University Of Fullerton rất gần với khu Little Saigon của người Việt, lại nằm trong hệ thống đại học tiểu bang có nhiều sinh viên Mỹ gốc Việt theo học nhất. Chương trình cử nhân tiếng Việt mà Cal State University Of Fullerton đang xúc tiến còn bao gồm cả môn International Business, Kinh Doanh Quốc Tế, không chỉ nhắm vào sinh viên Mỹ gốc Việt mà cả sinh viên chính gốc, vào khi Việt Nam dần hòa nhập vào thị trường toàn cầu và cũng là một thị trường đang lớn mạnh ở Châu Á.

Tiến Sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh, giám đốc điều hành Chương Trình Ngôn Ngữ Chiến Lược của hệ thống đại học California, ủy viên hội đồng quản trị học khu Garden Grove, giải thích lý do giáo sư Lê Thị Huỳnh Trang được Cal State Of Fullerton chọn là vì cô từng dạy Anh ngữ ở đại học Việt Nam và đại học ở Hoa Kỳ, có kinh nghiệm điều hành đồng thời nói tiếng Việt trôi chảy, trong lúc đa số những người ra trường ở Mỹ thì tiếng Anh vững hơn tiếng Việt, còn người bên Việt Nam mà nộp đơn thì tiếng Việt mạnh nhưng tiếng Anh lại yếu.

Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi hôm nay xin được giới thiệu giáo sư Lê Thị Huỳnh Trang đến quí vị qua cuộc trao đổi sau đây. Trước hết giáo sư Huỳnh Trang nói sơ qua về mình:

Điều kiện tuyển dụng

GS Huỳnh Trang: Trang học đại học Huế, chuyên ngành tiếng Anh. Năm 1978 khi tốt nghiệp thì được giữ lại dạy tại trường luôn. Năm 1993 Trang được học bổng đi học ở Úc một năm. Năm 1997 thì được một học bổng khác đi Úc để học Master. Năm 2001 Trang được học bổng qua học về Phát Triển Giáo Dục Quốc Tế tại College của Columbia University, 2006 thì Trang ra trường và dạy ESL tại một số đại học cộng đồng ở Sacramento và dạy tiếng Việt ở UC Davis.

Thanh Trúc: Thưa giáo sư, sau khi đã qua những lần phỏng vấn và những vòng thử thách tại đại học California của Fullerton thì giáo sư nhìn thấy cái điều kiện của họ là như thế nào?

GS Huỳnh Trang: Họ yêu cầu tiếng Việt phải rất nhuần nhuyễn, phải biết về văn hóa, văn chương, lịch sử, tuy không quá sâu nhưng phải biết hết. Mặt khác phải có kinh nghiệm về giảng dạy đại học, biết tiếng Anh rành rọt để có thể phát triển chương trình.

Chương trình môn Việt Học

Thanh Trúc: Xin cho biết bao giờ thì giáo sư bắt đầu dạy môn Việt Học này?

GS Huỳnh Trang: Bây giờ đang trong giai đoạn viết giáo trình. Trước mắt ở đây chỉ có vài lớp tiếng Việt thôi. Cái chương trình mà Trang đang xây dựng thì phải viết thêm nhiều môn học khác nữa để xây dựng cái minor tức là chuyên nghành phụ, rồi sau một thời gian người ta mới bắt đầu phát triển lên major.

Thanh Trúc: Trước khi đi lên những chương trình chính?

GS Huỳnh Trang: Đúng rồi, bởi vì ở đây chỉ có trình độ sơ cấp mà thôi, thì Trang phải xây dựng chương trình dạy tiếng Việt trình độ trung cấp rồi dạy tiếng Việt trình độ cao cấp, rồi một số những môn học đặc biệt ví dụ như là chuyên đọc hiểu tiếng Việt, văn chương tiếng Việt, viết tiếng Việt.

Tuy nhiên chương trình này không chỉ nhắm đến sinh viên Mỹ gốc Việt mà cũng nhắm đến các sinh viên Mỹ khác nữa.

GS Huỳnh Trang

Trước khi xây dựng chương trình thì tôi cũng có làm một cuộc điều tra thì cái phần mà các em cảm thấy khó khăn nhất chính là đọc và viết. Vì vậy phải xây dựng những môn đặc biệt chuyên về đọc hiểu hoặc chuyên về viết. Sau đó những môn tiếp theo sẽ là văn hóa Việt Nam, văn minh Việt Nam, tiếng Việt thương mại, rồi Việt Nam dành cho thương mại quốc tế. Đó là những môn mà chúng tôi dự định phát triển cho chuyên nghành phụ. Sau khi viết xong phải trình cho ủy ban về xây dựng chương trình ở đại học Fullerton, rồi sau đó sẽ phát triển lên major. Nội dung chương trình tôi đều có tham khảo ý kiến của tiến sĩ Janet Irene, chủ tịch Khoa Ngôn Ngữ Và Văn Chương Hiện Đại của trường Fullerton và những người điều hợp của các chương trình khác như là tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật vân vân...

Thanh Trúc: Thưa giáo sư Huỳnh Trang, khi dạy ngôn ngữ như một sinh ngữ cho một em nhỏ thì nó tiếp nhận nhanh hơn những em lớn, nhất là những sinh viên Mỹ gốc Việt lớn lên bên này, nói tiếng Mỹ như người Mỹ và tiếng Việt là sinh ngữ phụ. Giáo sư có lường trước mức độ khó khăn như thế nào không?

GS Huỳnh Trang: Có hai loại sinh viên tiếng Việt ở đây. Một là các em sinh ra ở đây hoặc qua đây lúc còn rất nhỏ thì các em nói tiếng Mỹ như tiếng mẹ đẻ, còn tiếng Việt chỉ vài câu rất đơn giản thôi. Đối với các em đó cái khó khăn nhất là tất cả bốn kỹ năng nghe nói đọc viết mà khó nhất chính là đọc và viết.

Còn loại sinh viên thứ hai là qua đây lúc độ mười tuổi cho đến mười ba mười bốn tuổi. Các em có thể nói tiếng Việt cũng khá rồi, cũng có thể viết và đánh vần được nhưng viết và đọc vẫn còn khó khăn.

Thành ra đối với các em sinh ra ở đây thì toàn bộ phải luyện cho các em cả bốn kỹ năng luôn, còn đối với các em đã biết sơ sơ tiếng Việt rồi thì luyện thêm rất nhiều về kỹ năng đọc và viết.

Tuy nhiên chương trình này không chỉ nhắm đến sinh viên Mỹ gốc Việt mà cũng nhắm đến các sinh viên Mỹ khác nữa. Thành ra chương trình nói chung là chúng tôi viết cho toàn bộ tất cả các sinh viên như vậy.

Thanh Trúc: Cảm tưởng của giáo sư khi được chấp nhận dạy môn Việt Học trong chương trình cử nhân của viện đại học California ở Fullerton?

GS Huỳnh Trang: Rất là vui, thứ hai là cảm thấy hãnh diện, là vì còn nhiều ngôn ngữ khác nữa mà bây giờ người ta lại chú tâm đến ngôn ngữ tiếng Việt mình cũng nhờ vào cộng đồng người Việt ở đây rất là nhiều, và cái ảnh hưởng của cộng đồng người Việt đối với nền giáo dục của Mỹ nói chung và nền giáo dục của đại học Fullerton nói riêng. Mình có thể đóng góp một chút gì đó rất là nhỏ để giới thiệu văn hóa Việt đến những sinh viên Mỹ, những người Mỹ, bảo tồn và duy trì cái văn hóa cho những sinh viên Mỹ gốc Việt. Tuy công việc trước mắt đòi hỏi nhiều thử thách, thời gian và khó khăn nhưng Trang thấy mình phải cố gắng hết sức để xây dựng chương trình này.

Thanh Trúc: Mình là người Việt mình yêu thương tiếng mẹ, làm sao để trao truyền lòng yêu thương đó cho những người trẻ Mỹ gốc Việt, làm sao để cho người trẻ biết cái cao quí cái đẹp đẽ của ngôn ngữ Việt thưa giáo sư?

GS Huỳnh Trang: Ngôn ngữ và văn hóa luôn luôn đan quyện với nhau. Khi xây dựng chương trình thì Trang cố gắng đem vào những chủ đề về văn hóa, về cội nguồn, về truyền thống Việt Nam, về lịch sử cha ông như thế nào. Rồi thì cái đẹp cái hay trong văn trong thơ ca Việt Nam.

Trang dự định sẽ dùng hai cuốn sách vừa mới xuất bản trong series book về ngôn ngữ và văn hóa. Trình độ trung cấp thì Trang sẽ dùng của tác giả là tiến sĩ Trần Chấn Trí và cô Trần Minh Tâm. Và một cuốn rất tập trung vào chủ đề văn hóa và văn chương của tác giả Quyên Di. Hai bộ sách này mở rộng cho các em nhiều vấn đề về văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam. Chỉ qua những điều như vậy các em mới cảm thấy yêu thương tiếng của mình, văn hóa của mình đất nước của mình. Và khi mà các em yêu thương như vậy các em không quên được nguồn cội của mình.

Sau đó những môn tiếp theo sẽ là văn hóa Việt Nam, văn minh Việt Nam, tiếng Việt thương mại, rồi Việt Nam dành cho thương mại quốc tế.

GS Huỳnh Trang

Thanh Trúc: Nhưng nếu chỉ tiếp xúc với giáo sư thì không thể nào có kết quả bằng chính các sinh viên đó được gởi về Việt Nam để tiếp xúc tìm hiểu cuộc sống, tìm hiểu sinh hoạt kinh tế xã hội để vừa học hỏi vừa thực hành tiếng Việt của mình. Thường các trường đại học hay có những tương quan những sự liên lạc với nhau để giúp cho sinh viên giống phương pháp dạy sinh viên Mỹ học tiếng Trung Quốc vậy. Thì không thể nào sinh viên Mỹ gốc Việt học tiếng Việt mà không đi qua những chương trình đó?

GS Huỳnh Trang: Sau khi các em đã học qua những lớp bậc trung cấp và cao cấp rồi thì đó là điều kiện lý tưởng nhất để các em thực tập. Chuyện đưa các em về rồi kết hợp với các trường đại học bên kia chắc chắn không có gì trở ngại. Bởi ngay cả đại học Huế mà trường Trang dạy trước kia là đại học ngoại ngữ thì như là hè này thì Trang biết vì Trang có nói chuyện với ông viện trưởng tức là tiến sĩ Trần Văn Phước thì ông đã nhận một đoàn sinh viên của Mỹ từ đại học Washington. Những sinh viên này học về Châu Á Học và Lịch Sử tức Asian Study And History. Họ đã về thực tập ở Huế và họ đã liên lạc với trường đại học của Trang. Vì vậy Trang nghĩ khi liên hệ để đưa các em về thì chắc chắn tiến sĩ Trần Văn Phước cũng như ban giảng huấn bên đó sẽ rất là ủng hộ.

Ngoài ra Trang cũng có nhiều bạn ở đại học Cần thơ, đại học Sài Gòn, cũng như đại học Hà Nội. Chuyện đưa các em về thực tập Trang tin sẽ rất là dễ dàng. Đó là điều quá tốt để các em học hỏi thêm.

Thanh Trúc: Cảm ơn giáo sư Lê Thị Huỳnh Trang và thời giờ dành cho buổi nói chuyện hôm nay.

Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi đến đây tạm kết thúc. Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quí vị tối thứ Năm tuần tới.