Ký túc xá miễn phí cho sinh viên nghèo học giỏi
2016.10.06
Ký túc xá Cỏ May
Cỏ May là tên một khu ký túc xá nằm trong khuôn viên Đại Học Nông Lâm thành phố Sài Gòn, được xây dựng và trang bị tiện nghi với 54 căn phòng và có sức chứa trên 400 sinh viên.
Ngày 11 tháng Chín vừa qua, ký túc xá Cỏ May chính thức mở cửa đón nhận sinh viên có hoàn cảnh nghèo, biết vượt khó, chịu học và có hạnh kiểm tốt, đang học tại các đại học ở Sài Gòn hoặc đã trúng tuyển vào các trường trong thành phố này.
Bà Nguyễn Thị Bao, từng dạy tại Đại Học Ngân Hàng Hà Nội, sau chuyển vào Đại Học Ngân Hàng Sài Gòn, hiện là trưởng ban quản lý ở Ký Túc Xá Cỏ May, cho biết sinh viên vào đây là được ăn ở hoàn toàn miễn phí:
Được tiêu chuẩn ăn ở miễn phí rồi còn được học bổng để trả học phí nữa. Bác Phạm Văn Bên là người đưa ra ý tưởng này, trước hết là bỏ tiền ra xây dựng, toàn bộ tiền đó là từ công ty Cỏ May bỏ ra.
Những sinh viên đầu tiên đến ký túc xá ngày 11 tháng Chín, cho đến hôm nay chính xác 198 em đã vào ở trong ký túc xá, nữ đông hơn nam khoảng 20%.
Được tiêu chuẩn ăn ở miễn phí rồi còn được học bổng để trả học phí nữa. Bác Phạm Văn Bên là người đưa ra ý tưởng này, trước hết là bỏ tiền ra xây dựng, toàn bộ tiền đó là từ công ty Cỏ May bỏ ra.
-Bà Nguyễn Thị Bao
Đến ký túc xá Cỏ May, quí vị sẽ gặp những sinh viên tứ xứ, đặc biệt những người trẻ với nghị lực phi thường như bạn Nguyễn Minh Phú, quê ở Nghệ An, bị cụt hai cánh tay từ lúc mới sinh:
Em là sinh viên năm ba Đại Học Công Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, may mắn được chọn vào ký túc xá Cỏ May, một nơi rất tốt và đầy đủ tiện nghi cho sinh viên nghèo học tập. Ước vọng của em là được tiếp tục ở ký túc xá và được hỗ trợ học bổng để sau này ra trường sẽ tìm được công việc làm ổn định.
Bạn Trần Nguyễn Ngọc Trâm, thị lực rất kém, sinh viên năm thứ nhất Đại Học Xã Hội Nhân Văn ngành Lịch Sử:
Dù khó khăn đến mấy em vẫn muốn được đi học, em nghĩ sự cố gắng là lý do để em được vô ký túc xá Cỏ May. Tại mắt em kém em không tự đi học được, anh chị học cùng trường, đi học cùng buổi với em phải dẫn em đến trường rồi dẫn em về. Ở ký túc xá không chỉ là được tình thương của các cô, của các anh các chị mà còn được dạy cách tiết kiệm, học cách hòa nhập với cộng đồng, học cách sống trung thực, ngăn nắp, gọn gàng. Quê em ở Quảng Ngãi, lần đầu tiên em xa nhà nên rất là nhớ nhà.
Bạn Nguyễn Ái Xuân, sinh viên năm hai Đại Học Nông Lâm:
Quê em ở Đồng Tháp, thành tích học tập thì em không dám nói giỏi nhưng cũng tạm chấp nhận được, hoàn cảnh gia đình em cũng khó khăn nữa. em được vào ký túc xá cũng sớm.. Ở đây em cảm thấy thoải mái tại trước khi vào đây ở thì sự đi lại với chỗ ở của em cũng khó khăn lắm, bây giờ vào đây thì mọi thứ đều rất ổn, rất sạch. Phòng em thì có một phòng vệ sinh riêng, một phòng tắm riêng và một phòng lớn vừa tắm vừa vệ sinh luôn. Có khu phơi đồ rồi mỗi người có riêng một ngăn tủ và một bàn học có ghế riêng, có Wi Fi miễn phí, có máy nước nóng lạnh luôn. Hiện tại phòng em đang có 7 bạn.
Và bạn Hồ Hà Giang, người Quảng Nam, vào học ở Sài Gòn:
Những năm trước em đã đậu đại học nhưng em bị bịnh với lại gia đình khó khăn em không có điều kiện đến trường. Năm nay thi lại thì em đậu vô Đại Học Ngân Hàng mà gia đình chỉ có 2 mẹ con, mẹ em bị khuyết tật và mất sức lao động nên là mọi chi phí em phải tự đi làm. Năm nay em nộp đơn vào ký túc xá Cỏ May thì người ta xét nhận.
Nói chung mọi sinh viên khó khăn đều mong muốn vô ở ký túc xá Cỏ May, thứ nhất là đỡ lo chi phí để có thời gian tập trung vào việc học. Với lại khi vào ký túc xá Cỏ May thì tụi em được phát triển về chuyên môn và phát triển kỷ năng mềm cho sinh viên trong ký túc xá. Cho nên khi vào ký túc xá thì tất nhiên bạn nào cũng tự hào và cố gắng hết sức để kết quả đạt được xứng đáng với tâm huyết mà bác bên bỏ ra.
Dự án tâm huyết
Ký túc xá Cỏ May là tâm nguyện của ông Phạm Văn Bên mà tên tuổi được nhắc đến từ đầu. Ông Phạm Văn Bên là chủ nhân công ty gạo Cỏ May ở Đồng Tháp.
Điều đáng tiếc ông qua đời mà không kịp nhìn thấy dự án tâm huyết của mình hoàn thành rồi đi vào hoạt động.
Tuy nhiên một ký túc xá hoàn toàn miễn phí cho sinh viên mà ông Phạm Văn Bên quyết thực hiện cho được đã biến công ty kinh doanh gạo và thực phẩm chăn nuôi của ông ở Đồng Tháp thành một doanh nghiệp xã hội đích thực và đúng nghĩa của nó.
Từ Đồng Tháp, con trai ông Phạm Văn Bên là anh Phạm Minh Thiện, kể lại:
Ba tôi lúc sinh thời bắt đầu sự nghiệp kinh doanh từ năm 1981, Sau một thời gian dài lo cơm áo gạo tiền cho gia đình thì ông bắt đầu làm việc từ thiện. Tuy nhiên cho đến sau này, khi công việc kinh doanh ngày càng phát triển, ông tính tới chuyện làm một cái gì đó để đóng góp cho xã hộ.
Hàng ngày, nhiều năm nay rồi, ông thường cũng có hỗ trợ các sinh viên nghèo hiếu học thông qua những trường hợp đơn lẻ. Sau này ông nghĩ ông cần xây dựng một ký túc xá cho các em ở miễn phí, ăn miễn phí và ông đóng tiền học cho các em. Đồng thời ông cũng muốn trong quá trình các em ở ký túc xá và theo học đại học thì ông cũng muốn đào tạo một số kỷ năng mềm, thí dụ mời thầy về dạy những kỷ năng sống, giao tiếp, ngoại ngữ vân vân... để các em có thể học hành một cách trọn vẹn.
Năm 2012 ông Phạm Văn Bên bắt đầu đi mua đất để xây dựng ký túc xá Cỏ May. Sau một thời gian tìm kiếm mà không được địa điểm thích hợp, ông đến với Đại Học Nông Lâm thành phố Sài Gòn:
Khi đó sức khỏe của ông vẫn còn khá tốt. Mấy thầy ở Đại Học Nông Lâm lên tiếng với ba tôi rằng Đại Học Nông Lâm sẵn sàng hỗ trợ đất cho ba làm dự án ký túc xá. Sau đó một lễ ký kết giữa gia đình và bên phía Đại Học Nông Lâm, trong thỏa thuận đó Đại Học Nông Lâm cấp 2.600 mét vuông nằm trong khuôn viên của trường cho gia đình xây dựng ký túc xá. ký túc xá, ngược lại gia đình Cỏ May cũng cam kết sẽ dành ra ít nhất 20% suất cho sinh viên Đại Học Nông Lâm.
Tháng Chín năm 2015, viên đá đầu tiên khởi công xây dựng ký túc xá bốn tầng trong khuôn viên Đại Học Nông Lâm diễn ra:
Thời điểm đó thì ba tôi phát hiện căn bịnh của ông trở nặng lên. Gia đình cũng nóng ruột và muốn đôn đốc tiến độ xây dựng nhanh hơn cho ba kịp nhìn thấy cái ký túc xá mà ông mong muốn hình thành. Rất tiếc ba đã không đợi được, ba qua đời ngày 7 tháng Tư 2016, tức là trước khi ký túc xá được bàn giao 3 tháng.
Ngày 19 tháng Bảy 2016, doanh nghiệp Cỏ May, bây giờ do các con của ông Phạm Văn Bên tiếp tục điều hành, cùng với Đại Học Nông Lâm tiếp nhận ký túc xá Cỏ May đã hoàn tất từ nhà thầu xây dựng.
Ngày 11 tháng Chín 2016, ký túc xá Cỏ May chính thức đón tiếp sinh viên nghèo khắp nơi đến Sài Gòn học:
Gia đình Cỏ May trang trải tất cả mọi chi phí, không kêu gọi sự đóng góp từ cá nhân hay tất cả những đơn vị khác. Lúc trước ba có nói là nếu sau này có những ai cảm kích với cách làm ký túc xá như vậy thì ba cũng mong đợi sẽ có nhiều những ký túc xá như vậy mọc lên khắp cả nước.
-Phạm Minh Thiện
Ký túc xá Cỏ May bao gồm một tầng trệt và ba tầng lầu, tổng cộng 54 phòng, mỗi một phòng 40 mét vuông trong đó có hai bộ nhà vệ sinh theo mỗi phòng.
Mỗi phòng như vậy có 4 cái giường tầng dành cho 8 em và 8 cái bàn học có trang bị Wi Fi, quạt máy và một số những thiết bị vệ sinh cơ bản cần thiết. Nếu phải so sánh thì lúc trước tôi có đi học ở Singapore và cũng có ở ký túc xá bên đó. Thực sự mà nói nếu không tính tới máy lạnh đi thì rõ ràng ký túc xá này tốt hơn cái tôi ở Singapore.
Mọi chi phí trong ký túc xá Cỏ May, từ điều hành, thực phẩm, học phí, học bổng vân vân đều do doanh nghiệp Cỏ May đài thọ. Đó là ý muốn của ông Phạm Văn Bên, được con trai Phạm Minh Thiện nhắc lại:
Các em một là con nhà nghèo hai là học giỏi, chúng tôi dựa vào 2 tiêu chí đó để xét tuyển. Càng nghèo học càng giỏi thì cơ hội vào ký túc xá càng cao. Khi các em vào ở trong đó thì hàng tuần gia đình Cỏ May sẽ chuyển vào tài khoản của từng em một khoản tiền đủ để các em ăn ngày 3 bữa, để các em không phải lo về bữa ăn hoặc về sức khỏe khi theo học các năm đại học.
Tọa lạc trong khuôn viên Đại Học Nông Lâm ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức, ký túc xá Cỏ May xem ra khá thuận tiện trong việc di chuyển vì nằm gần các trường như Đại Học Quốc Gia, Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật, Đại Học Ngân Hàng, chưa kể các bến xe buýt quanh đó.
Ông Hiền, hiệu phó Đại Học Nông Lâm, được doanh nghiệp Cỏ May cam kết dành cho 20% suất nội trú miễn phí cho sinh viên của trường trong ký túc xá, giải thích vì sao ông tán đồng ý tưởng của ông Phạm Văn Bên:
Hai bên gặp nhau rồi ý tưởng phù hợp với giáo dục của mình thì thực hiện thôi. Đối với Nông Lâm thì đa số là sinh viên nghèo, học về nông nghiệp nhiều. Hình thức thì cũng hơi mới lạ nhưng mà rất có ý nghĩa. Thực ra có nhiều người họ cũng chưa có ý nghĩ giống như vậy nhưng mà khi triển khai rồi thì cách làm nó rất là hay, nó khả thi trong điều kiện Việt Nam mình.
Làm sao để có thể duy trì về lâu về dài ký túc xá Cỏ May, một chương trình hỗ trợ tốn kém đang là gánh nặng cho gia đình Cỏ May, anh Phạm Văn Thiện trả lời dứt khoát phải làm theo ý muốn của người đã khuất:
Tôi là người đại diện gia đình tiếp tục vận hành ký túc xá theo những ý nguyện của ba để lại. Cả gia đình đều rất ủng hộ ba trong dự án này. Do vậy, khi ba không còn nữa thì chúng tôi vẫn có sự quyết tâm rất là cao rằng sẽ bằng mọi cách phải đưa ký túc xá đi vào hoạt động và duy trì nó để tạo ra những lớp sinh viên như ông hàng mong mỏi.
Gia đình Cỏ May trang trải tất cả mọi chi phí, không kêu gọi sự đóng góp từ cá nhân hay tất cả những đơn vị khác. Lúc trước ba có nói là nếu sau này có những ai cảm kích với cách làm ký túc xá như vậy thì ba cũng mong đợi sẽ có nhiều những ký túc xá như vậy mọc lên khắp cả nước, để giúp các em đỡ vất vả hơn.
Đưa lên báo đài mà phục vụ cho những ý nghĩa tốt đẹp hoặc là phục vụ cho giáo dục thì mình cũng không có ngại, chỉ ngại là đưa những hình ảnh những sự kiện lên nhiều quá thì nó lại thành hình thức PR thì nó lại không hay và không đúng ý ba.
Đối với bà Nguyễn Thị Bao, trưởng Ban Quản Lý ký túc xá Cỏ May, điều bà cảm nhận từ ông Phạm Văn Bên và muốn chia sẻ ở đây là:
Điều chúng tôi sợ là các em vào đấy nó sẽ có tư tưởng ỷ lại, nó không biết tận dụng cơ hội này để mà rèn luyện mình. Cho nên, trên một trang facebook của ký túc xá Cỏ May thì chúng tôi nhắn nhủ với tất cả các em là “Hãy đừng coi đây là cơ may mà hãy coi đây là trách nhiệm, là gánh nặng mà các em nhận lãnh. Bởi vì với sự hỗ trợ của Cỏ May thì các em có trách nhiệm phải hoàn thiện mình, phải học giỏi hơn, rèn nhân cách tốt hơn, từ bỏ những thói quen không phù hợp, bổ sung những gì còn khiếm khuyết để mai này có thể đóng góp cho đời nhiều hơn gấp bội”
Tức là khi các em vào đây thì các em phải xác định là các em đã vay trước của cuộc đời và sau này có trách nhiệm phải trả nợ cuộc đời, để các em ý thức phấn đấu, cố gắng nhiều hơn, rèn dũa nhiều hơn.
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi xin tạm ngưng. Thanh Trúc xin hẹn lại quí vị thứ Năm tuần tới.