Phá vỡ đường dây chuyển lậu chó từ Thái về VN

Hai người Thái Lan và một người Việt Nam tên Trần Văn Hải bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ và truy tố tội vận chuyển trái phép gần hai ngàn con chó đủ loại về Việt Nam.

0:00 / 0:00

Hành hạ súc vật

Một sĩ quan cảnh sát quận Nathom thuộc tỉnh Nakhon Phanom, ông Prawat Phosuwan, cho hay cả ba sẽ bị truy tố trước toà án địa phương ngày 26 tháng Chín tới đây. Vẫn theo lời ông, hai can phạm Thái hiện được tại ngoại hầu tra nhưng người Việt Nam là ông Trần Văn Hải thì vẫn bị giữ trong nhà giam vì sợ ông ta bỏ trốn.

Câu chuyện được dư luận chú ý, được báo chí và truyền hình Thái Lan tường thuật mỗi ngày không chỉ vì tất cả những chú cẩu này sẽ bị bán cho những quán thịt cầy ở Việt Nam, mà vì đây là lần đầu tiên cảnh sát Thái Lan vào cuộc săn đuổi để giải thoát gần hai ngàn con chó bị nhồi nhét không thương tiếc trong những chiếc lồng sắt chật hẹp. Hậu quả là nhiều con chó chết ngộp trên xe, một số khác bị thương nặng vì những người chở đã liệng chúng xuống để cản đường xe của cảnh sát.

Có tất cả ba chuyến xe chở khoảng hai nghìn con chó này, trực chỉ vùng biên giới Thái-Lào rồi từ đó băng qua giòng Mekong về tới Việt Nam. Tỉnh trưởng Nakhon Phanom, ông Roengsak Mahawinitchaimontree, cho biết trên một nghìn hai trăm con chó còn lại đã được chuyển về một trang trại súc vật ở Nakhon Phanom.

Tôi e là tình trạng ngày một xấu đi bởi không thể lo xuể cho cùng lúc cả trên một ngàn con chó vô chủ này. Mỗi ngày có cả trăm con chết vì đói, khát và quá yếu.

Ông Roger Lohanan

Từ Nakhon Phanom, ông Roger Lohanan, tổng thư ký Hội Bảo Vệ Động Vật Thái Lan, kể là ông đang bận tất bật cả lên với đám chó này:

"Hiện còn khoảng một ngàn mấy trăm con chó ở đây, có nghĩa là chúng tôi vẫn tiếp tục đếm… Tôi e là tình trạng ngày một xấu đi bởi không thể lo xuể cho cùng lúc cả trên một ngàn con chó vô chủ này. Mỗi ngày có cả trăm con chết vì đói, khát và quá yếu. Chúng tôi cũng đang lập danh sách, kêu gọi bà con đến nhận chó về nuôi. Cũng may đã có rất nhiều người hảo tâm đến cho tiền để mua thực phẩm cho mấy con vật đáng thương này."

Và cũng đã có nhiều người Thái Lan bỏ tiền lên tận Nakhon Phanom, đến trang trại nuôi súc vật này, đi giữa những chuồng chó đang sủa nhốn nháo, gọi tên con vật họ nuôi để may ra tìm được con chó cưng trong đám cả ngàn con chó ồn ào náo nhiệt ấy.

Anh Lâm, một thính giả của RFA ở Đồng Nai, biết chuyện đường dây buôn chó trái phép về Việt Nam do dọc báo trong nước, bày tỏ:

"Thật sự em bị đánh động bởi chuyện những người dân chạy tới kêu tên con chó của họ. Thực sự không tưởng tượng nỗi. Cái chuyện bắt chó từ nước ngoài về em mới nghe lần đầu và em không tưởng tượng được. Có cái gì đó giống như sự nhân đạo bị xúc phạm. Bên Thái Lan dứt khoát họ không bán chó, thành ra họ ăn cắp họ mang về. Chuyện này em không nghĩ xảy ra một lần đâu. Nếu mà đã phát hiện như vậy thì rất nhiều lần rồi."

Thói quen ăn thịt chó

Theo ông Hoàng, cư dân Saigon, thì trong thành phố có khá nhiều quán bán thịt chó mà dân nhậu thường gọi trại ra là Cầy Tơ hoặc Nai Đồng Quê:

Một quầy bán thịt chó tại Hà Nội. AFP photo
Một quầy bán thịt chó tại Hà Nội. AFP photo (Một quầy bán thịt chó tại Hà Nội. AFP photo)

"Tập trung nhất xưa này là ngã ba Ông Tạ, tức đường Phạm Văn Hai và Cách Mạng Tháng Tám. Khu đó ngày nào cũng có bán mà rất là nhiều. Cũng có những quán bên đường Lý Thái Tổ, đường Ba Tháng Hai và nhiều đường khác nữa nhưng khu ngã ba Ông Tạ là nhiều nhất."

Anh Thắng, ở Hà Nội, trước thường buôn hàng qua ngõ Trung Quốc hoặc Lào, sau này vì công việc nên cũng thường đi công tác về khu vực đó, cho là vì mức tiêu thụ thịt cầy ở trong nước tăng chứ không giảm vì thế nguồn cung không đủ đáp ứng và phải tìm kiếm từ bên ngoài:

"Có nhiều nguồn chính, đầu tiên là chó ở bản địa, thứ hai là ở các trang trại nuôi chó, thứ ba là chó nhập khẩu ở bên ngoài. Về đường dây buôn chó từ Thái Lan thì có thể người ta bán có thể người ta cho không hoặc có thể có đường dây chuyên môn bắt trộm chó. Họ tập trung lại ở một vài nơi sau đó vận chuyển về Việt Nam. Những người đấy gọi là những đầu nậu chó."

Khi được chuyển về từ các vùng ở Lào, Kampuchia và Thái Lan, anh Thắng trình bày tiếp:

"Chó được tập kết ở Thanh Hóa, Hà Tĩnh, những vùng đó có những trang trại tức những cơ sở nuôi chó cực lớn, một phần tập trung ở đó được mang về Hà Nội. Việc làm thịt chó phần nhiều tiến hành vào mùa đông thế nhưng các trang trại chó này thì người ta làm quanh năm. Người ta không thể tính được bao nhiêu xe chó, mỗi lần hàng mấy trăm con, chuyển qua biên giới về đây.
Ngay cả ở Hà Nội này thôi, thỉnh thoảng để ý sẽ thấy rất nhiều người đi buôn chó. Có nhiều người giống như là đi bán đồng nát, người ta nhét những con chó bình thường một cái sọt nhỏ mà nhét mấy chục con chó vào trong đấy, nó cứ chèn lên nhau."

Về thói quen thích ăn thịt chó của người mình, anh Thắng trả lời theo anh thì không nên đặt thành vấn đề bởi đó là cái thú đã đi vào sách vở, chẳng hạn Cầy Tơ Bảy Món, hoặc “Sống Trên Đời Không Ăn Miếng Dồi Chó, Thác Xuống Âm Phủ Biết Có Hay Không”:

"Ở Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc thì việc ăn thịt chó rất là thịnh hành. Nhất là ở Hà Nội, khu vực Nhật Tân chuyên môn bán thịt chó. Bắt đầu từ mùng 10 Âm Lịch trở đi đến cuối tháng là thời điểm đông khác, thậm chí đến ngày 30 là không có chó để bán nữa. Cơ bản người ta nghĩ đến cuối tháng mà ăn thịt chó thì được giải đen, mà nhiều người lại khoái khẩu cái món đấy. Khi người ta nuôi chó để ăn thịt thì nó giống như ăn thịt lợn, mình không nên đặt nặng vấn đề đấy."

Ở Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc thì việc ăn thịt chó rất là thịnh hành. Nhất là ở Hà Nội, người ta nghĩ đến cuối tháng mà ăn thịt chó thì được giải đen, mà nhiều người lại khoái khẩu cái món đấy.

Anh Thắng, Hà Nội

Cũng chính vì cái thú gọi là “cắn miếng dồi chó rồi đưa cay bằng một hớp rượu cuốc lủi nghe ngon đến nhức răng” như lời một dân nhậu Hà Thành khoe với Thanh Trúc, mà dẫn đến nông nỗi:

"Có rất nhiều lao động Việt Nam đi Hàn Quốc, Đài Loan, Mã Lai, ở Mã Lai thì tất cả những chỗ nào có người lao động Việt Nam thì hầu hết cho hoang ở nơi ấy bị ăn thịt. Ở Đài Loan cũng thế và kể cả ở Đức. Ngày trước khi người Việt Nam sang đấy mà bắt chó ăn thịt có lần còn giấu lòng chó dưới tuyết sau người ta phát hiện ra được và phạt người đấy."

Do luật chưa nghiêm

Trở lại với chuyện ba chuyến xe chở chó trái phép bị cảnh sát Thái chận bắt khi đang trên đường đi Việt Nam, ông Pairat Pathumsuwan, trưởng phòng Phát Triển Gia Súc ở Nakhon Phanom, cho biết Cơ Quan Phát Triển Gia Súc Thái Lan dự dịnh mang trên một ngàn con chó còn sống sót về một chỗ an toàn sạch sẽ hơn, nơi mọi người có thể đến xin chó mang về nuôi.

Hkg662937-250.jpg
Một cuộc thi chó đẹp ở Trung Quốc. Ảnh minh họa. AFP (Một cuộc thi chó đẹp ở Trung Quốc. Ảnh minh họa. AFP)

Ông nói trước nay Thái Lan chưa hề xử lý những chuyện buôn lậu chó qui mô như thế này, đồng thời có thể là hình phạt đối với người hành hạ súc vật ở Thái Lan không nghiêm nên mới có vấn đề buôn lậu một số lượng lớn chó ra ngoài như vậy.

Thực sự người dân Thái có dùng thịt chó làm món ăn như người Việt, người Hoa hay người Hàn không? Ông Samlan, một nhà báo ở Bangkok, nói rằng:

"Vì đa số người Thái Lan theo đạo Phật và thường quan niệm rằng chó là con vật gần gũi với con người nhất, ăn thịt chúng là tạo nghiệp ác. Thế nhưng có một ngôi làng duy nhất ở Thái Lan, làng Thalea, người dân ở đó có truyền thống làm thịt chó để ăn nhưng có phần kín đáo hơn, nghĩa là không bày bán thịt cầy công khai trong nhà hàng hay ở các khu chợ chẳng hạn."

Còn Sumde, một công nhân lao động người Lào:

"Người Lào chúng tôi cũng không giết chó làm thịt, chỉ sau này khi người Việt qua bên Lào nhiều thì có lẽ do anh hưởng đó mà bây giờ cũng có nhiều người Lào ghiền thịt chó."

Tính đến lúc này thì số tiền mà người dân Thái đóng góp cho Phòng Phát Triển Súc Vật ở Nakhom Phanom, để mua thức phẩm thuốc men và chăm sóc cho hơn một nghìn chú cẩu được cứu thoát, đã lên tới 9 triệu Baht Thái, tương đương ba trăm nghìn đô la.

Còn nhớ năm 2002, cuộc tranh tài World Cup do Hàn Quốc Và Nhật Bản đồng tổ chức ở Seoul, một số tổ chức và nhà hoạt động bảo vệ thú vật trên thế giới đã kêu gọi mọi người tẩy chay World Cup 2002 của Seoul vì dân Nam Hàn ăn thịt chó.

Khi đó người dân Nàm Hàn rất bất bình, cho rằng các tổ chức bảo vệ động vật quốc tế quá cường điệu, đụng chạm đến văn hoá ẩm thực của người Triều Tiên một cách vô ý thức.

Nhưng không rõ là người Hàn Quốc có những tay buôn chó hay đầu nậu chó, ra nước ngoài để tìm cách chuyển chó trái phép về để phân phối trong nước họ hay không.