Giữ cho em một Giáng Sinh an lành

Chỉ còn bốn hôm nữa thì Giáng Sinh an lành sẽ diễn ra trong ngôi nhà nhỏ bé của OBV, One Body Village, Làng Một Thân Hình ở Củ Chi, nơi có mười bốn em gái nhỏ mà khi được OBV giải cứu và mang về đây thì em lớn nhất mới mười sáu tuổi và em nhỏ nhất khi đó chỉ bốn hoặc năm tuổi.
Thanh Trúc, phóng viên RFA
2012.12.20
Các bạn trẻ từ Hoa Kỳ về và các em đang được phục hồi tại cơ sở cũa OBV. Các bạn trẻ từ Hoa Kỳ về và các em đang được phục hồi tại cơ sở cũa OBV.
Courtesy OBV


Tải xuống - download

OBV, giấc mơ của các em

Có nhiều người không tin vào việc làm của tổ chức OBV Làng Một Thân Hình, không tin vào hành động của linh mục Martino Nguyễn Bá Thông, người sáng lập OBV ở Việt Nam,  Kampuchia, Lào và Singapore. Rất nhiều người vẫn không thể mường tượng được cảnh những em gái nhỏ bé gầy gò, thiếu ăn thiếu mặc, bị cha mẹ hay người thân quen bán qua biên giới, vào những khu đèn bên Kampuchia, Malaysia, bị ép buộc  phục vụ những khách du lịch bịnh hoạn thích quan hệ với con nít nhỏ tuổi.

Làm sao tin nổi khi chính nạn nhân được cứu cũng đôi khi tưởng mình nằm mơ khi đêm về thấy mình ngủ ngon dưới mái nhà êm ấm, khi sáng mai thức dậy biết mình được cho ăn cho mặc rồi cùng bạn cắp sách đến trường, chiều về được dạy thêu thùa may vá, xa rồi một nơi chốn chỉ có bạo hành, máu, nước mắt, HIV/AIDS và cả cái chết.

Chính nạn nhân được cứu cũng đôi khi tưởng mình nằm mơ khi đêm về thấy mình ngủ ngon dưới mái nhà êm ấm, khi sáng mai thức dậy biết mình được cho ăn cho mặc rồi cùng bạn cắp sách đến trường

Đó là công việc trong các ngôi nhà OBV mà linh mục Martino Nguyễn Bá Thông cùng nhiều người thiện nguyện đang cố gắng chu toàn sau khi cứu được em ra và mang em về nơi an toàn dù như có khi phải mất thật nhiều thời gian và công sức để giúp em hồi phục từ sức khỏe đến tâm lý, giúp em phương tiện tái hòa nhập xã hội.

Việt Nam

Đầu tháng Mười Một vừa qua, linh mục Martino Nguyễn Bá Thông hướng dẫn một nhóm bạn trẻ ở Hoa Kỳ về Việt Nam và Kampuchia. Đây là một nhóm thứ ba toàn người mới so với nhóm đầu tiên và nhóm thứ hai đã về hồi 2011. Các bạn trẻ từ Hoa Kỳ, Thắm, Vy, Uyên và Erin đã ghé thăm và sinh hoạt với mười bốn nạn nhân buôn người tại ngôi nhà OBV ở Củ Chi thành phố Sài

linh mục Martino Nguyễn Bá Thông. RFA
linh mục Martino Nguyễn Bá Thông. RFA
RFA
Gòn.

Cùng đi trong nhóm này còn có bác sĩ nhi đồng Nguyễn Thanh Tâm,  làm việc ở quận Cam,California, và một nha sĩ người Mỹ, ông John Heffernan:

Tôi từng đi nhiều chuyến công tác thiện nguyện và nhìn thấy cảnh khó nghèo khó ở khắp nơi, nhưng chưa bao giờ chứng kiến hoàn cảnh gần như tuyệt vọng của con trẻ bị bán đi như vậy.

Cứ mỗi lần nhìn các cháu đó tôi lại liên tưởng đến ba cháu ngoại của mình, tôi thầm cảm ơn Thượng Đế giữ gìn cháu tôi không bị người ta bán đi. Thật đắng lòng khi thấy các cháu nhỏ ấy tíu tít cười nói lúc gặp mọi người, rồi  nghe lại những câu chuyện tàn nhẫn các cháu phải trải qua khiến tôi không thể tin vào tai của mình nữa.

BS Thanh Tâm: tự vì Thanh Tâm là bác sĩ nhi đồng và trẻ em vị thành niên cũng như những người trẻ tuổi, thành ra rất thông cảm những khổ đau từ cơ thể lẫn tâm thần của những em này. Mỗi lần nói rất xúc động bởi vì những trẻ em này sinh ra bốn năm tuổi thì đã bị đem đi bán.

Nhìn các em rất ngây thơ nhưng các em có rất nhiều vấn đề về tâm thần, về giao tiếp và ứng xử mỗi ngày. Thanh Tâm có nhìn qua hồ sơ của các em, có khám các em, có nói chuyện với tất cả các em nhưng mà thời giờ có hạn thành không thể nào ngồi nói chi tiết với từng em về những gì  bác sĩ muốn làm. Nhưng không vì thế mà không biết được tầm vóc trầm trọng mà các em bị. Chỉ một câu thôi là các em ngủ được không tất nhiên đã biết bao nhiêu câu chuyện các em muốn kể ra rồi. Các em rất là bình thường nhưng mà trong óc, trong tim, trong tâm hồn chưa giải tỏa được các vấn đề.

Cứ mỗi lần nhìn các cháu đó tôi lại liên tưởng đến ba cháu ngoại của mình, tôi thầm cảm ơn Thượng Đế giữ gìn cháu tôi không bị người ta bán đi

ông John Heffernan

Em tên là Vy, em coi một cái clip  phỏng vấn cha Martino, cuối cuộc phỏng vấn đó thì cha có thách đố, cha không mời gọi nhưng mà cha thách đố, là ai có thể bỏ thời gian một tiếng hoặc một ngày thôi, chỉ cần ít thời gian thôi, để về gặp các em nhỏ đã bị xâm phạm mà bây giờ được cứu và được nuôi dưỡng ở Củ Chi.  

Nhóm bạn trẻ từ Hoa Kỳ và các em ở OBV. Courtesy OBV
Nhóm bạn trẻ từ Hoa Kỳ và các em ở OBV. Courtesy OBV
Courtesy OBV
Từ thách đố đó mà ba năm sau em chọn về đây để gặp các em.

Thắm: Cái  nhà của tụi em đó mới dọn về có vài tháng thôi, mới sửa lại trong đó có mười bốn em, hai xơ, nhà cũng đầy đủ, thấy cũng rất thoải mái, em thì nấu ăn, em thì rửa chén, chia ra công việc làm trong nhà.

Uyên: Uyên thấy mấy em gọi xơ là mẹ, gọi cha Thông là bố, giúp nhau giống như gia đình, em thấy đúng là một cái nhà  có tổ chức và có không khí của một gia đình đích thực chứ không phải là nhà tạm trú hay một trung tâm gì đó. Mấy em sống ở đây, ăn uống ở đây, nói chuyện với nhau và quan tâm đến nhau, lo cho nhau. Đây là sự khác biệt so với những tổ chức mà em từng biết trước đó.

Erin: Em tên Erin, những lời của Vy, Uyên và Thắm rất đúng, đó là một mái ấm, một gia đình thực sự. Các em đã được tổ chức OBV cứu ra và bồi dưỡng về vấn đề sức khỏe, tinh thần cũng như những gì các em cần trong cuộc sống. Hơn thế nữa, đó là tình thương, các em rất là thương nhau. Đó là một gia đình rất thân thiết và có nề nếp. Các em buổi sáng dậy tập thể dục, ăn sáng rồi đi học. Đi học xong về nhà dọn dẹp nhà cửa, xong rồi chuẩn bị bài vở, chuẩn bị cơm nước, ăn tối rồi đọc kinh. Các em cũng theo những nề nếp đó, nói chung em cảm thấy đó là một hạnh phúc của các em.

Những khuôn mặt non trẻ, những ánh mắt sáng ẩn dấu bên trong một hình hài thương tích là điều khiến các bạn trẻ xúc động khi thuật lại cảm tưởng mà họ trải nghiệm qua chuyến đi thực tế về ngôi nhà OBV ở Củ Chi tháng Mười Một vừa qua:

Uyên thấy mấy em gọi xơ là mẹ, gọi cha Thông là bố, giúp nhau giống như gia đình, em thấy đúng là một cái nhà có tổ chức và có không khí của một gia đình đích thực chứ không phải là nhà tạm trú hay một trung tâm gì đó

Uyên

Erin: Em là đàn ông, em không có dễ khóc nhưng phải nói khi gặp những cảnh như vậy em không cầm được nước mắt. Giống như chị Thanh Tâm nói mình đã qua may mắn là mình và con cháu mình không sa vào những con đường đó, nhưng khi nhìn vào hoàn cảnh từ những vấn đề về thân thể về tâm lý, tụi nó ngại ngùng với mình rồi khi thấy mình ân cần thì tụi nó quay lại với mình với một tình cảm rất chân thành. Em nghĩ là tụi nó lúc còn nhỏ đã thiếu tình thương, bốn năm tuổi đã bị bán thì không có cha mẹ không có anh chị, trước mắt chỉ là một niềm sợ hãi thôi. Những đứa bé này khi bị bán đi như vậy và bị xâm phạm như vậy thì tụi nó còn quá nhỏ và không biết gì về cuộc đời hết.

Vy :Vy cảm thấy thí dụ một người ăn xin người ta đói, mình cho người ta một bữa cơm ngon thì có thể người ta ăn no người ta thấy thoải mái rồi. Nhưng với một em bé mà bị xâm phạm như vậy thì cái pride là cái hãnh diện của mình không còn nữa, nó đã mất rồi. Cái pride đã mất thì không dễ lấy lại được nữa, rất là khó để lấy lại được.

Thắm: Cái bữa thứ nhì tụi em đến nhà một người bạn của cha Thông, có một hồ bơi thiệt là bự, tụi em dẫn mấy em lại đó bơi. Khi anh Erin với ông Mỹ xuống dưới nước thì mấy em bu theo anh Erin là người Việt Nam mà không dám tới gần ông Mỹ. Em nghĩ rằng có thể các em trong quá khứ có involved làm sao đó và tâm lý nó còn sợ hãi.

Vy: Trước đây Vy hay nghe những câu chuyện cha Thông kể, nhưng mà phải thực sự gặp các em và chưa hẳn các em đã thân thiện mà kể đâu, nhưng chỉ nhìn thấy các em, chỉ nhìn những hành động của các em thôi, những cái sợ sệt của các em thôi là mình đủ cảm thông và đủ để hiểu rồi, nhiều cái các em không cần phải nói ra.

Các em bây giờ đang được dạy thêu những bức tranh, khi nhìn những bức tranh đó mình có thể đọc được suy nghĩ của các em. Thí dụ Vy có hân hạnh nhận một bức tranh của một bé đó thêu hình cô gái rất đẹp. Một tháng trời đêm nào Vy cũng nghĩ tới bức tranh đó và khi về đến Việt Nam thì Vy đã gặp được em bé đó. Bức tranh nói lên phần nào về bản thân của em, em viết là beautiful tức là đẹp, Vy cảm nhận được là em cũng muốn mình beautiful mình được người khác thương mình, mình được chấp nhận được accept.

Kampuchia

Sau hai ngày ở Việt Nam, cả nhóm lên đường sang Kampuchia, một chuyến đi khó quên:

Erin: Tụi em cũng đi những nơi người ta thường đến tìm vui như bar, club, cũng nói chuyện đại khái với những đứa bé làm nghề đó, Thái Lan, Kampuchia Việt Nam cũng có. Tới ngày mai thì tụi em đi qua một thành phố lớn của Kampuchia là thành phố Seam Reap. Thành phố Seam Reap thì tệ nạn này cũng giống như Phnom Penh.

Sau đó tụi em quay về và đi thăm một căn nhà của OBV ở Phnom Penh, trong đó gặp được ba em rất là nhỏ. Bác sĩ Thanh Tâm chẩn bệnh cho các em, ông nha sĩ người Mỹ mà hồi nãy Thắm có nhắc tới cũng khám răng cho các em. Gia đình OBV cũng có một bữa cơm rất thân mật để cheer up cho mấy em vui, sau đó thì lên đường qua Thái Lan.

Vy: Vy thấy tổ chức Một thân hình chỉ là một nhóm nhỏ thôi, để mà cứu các em ra và nuôi dạy một số rất là nhỏ. Nhưng Vy nghĩ mình cứu được một em cũng hơn để cho bằng đấy em không được ai ngó tới. Khi mình cứu được một em ra mình mới cảm nhận được mới hiểu được em đã trải qua những gì. Em rất là cám ơn và hiểu được những khó khăn nguy hiểm mà cha Thông và tổ chức Một Thân Hình phải đương đầu phải làm việc mỗi ngày.

Mấy bé bị bán đi là ở trong mấy cái làng rất nghèo. Cái mà chúng ta làm được là phải nói ra cho mọi người biết. Không phải cộng đồng Việt Nam không mà mình phải nói ra cho người ngoài CĐVN biết là vấn đề này ở Việt Nam ở Kampuchia rất là nặng.

Thắm

Thắm: Mấy bé bị bán đi là ở trong mấy cái làng rất nghèo. Cái mà chúng ta làm được là phải nói ra cho mọi người biết. Không phải cộng đồng Việt Nam không mà mình phải nói ra cho người ngoài cộng đồng Việt Nam biết là vấn đề này ở Việt Nam ở Kampuchia rất là nặng.

Erin: Chuyện rất là khó để làm nhưng không phải chúng ta không làm được. Tụi em muốn làm chứ tụi em không muốn nói và ngồi đó mà không làm.

BS Thanh Tâm: Những em này dễ bị lạm dụng, nó nhỏ cổ bé mồm, không ai nói giùm cho nó hết. Tới bên Mỹ còn có những vấn đề đó huống gì ở bên đây. Nếu có demand có sự đòi hỏi thì luôn luôn có supply trên tất cả những nạn nhân nhỏ cổ bé mồm này. Bảo vệ con em chính là bảo vệ tương lai của chính mình, công việc đó không phải là công việc của một người mà là trách nhiệm  mà con người phải có cái moral obligation như vậy. Công việc OBV đang làm  không phải chỉ là cứu các em đã bị lạm dụng mà cũng là cứu các em  trước khi các em lâm vào tệ nạn này.

Phản ứng của nha sĩ John Heffernan có phần khác hơn trong một tối đi tìm hiểu thực tế về tệ trạng mãi dâm thiếu nhi tại Kampuchia:

Một chuyện khác nữa là khi đang rão trong khu xóm có nhiều quán gái thì tôi nhác thấy một người ngoại quốc từ trong một cái quán gái bước ra. Tự nhủ có thể là một người Mỹ như mình, tôi đột nhiên ác cảm với hắn, chỉ muốn phóng tới đá con người tồi tệ đó một phát.

Chia tay

Chuyến đi kết thúc với một trong những quyết tâm của Vy, Thắm, Uyên, Erin, bác sĩ Thanh Tâm và nha sĩ John Heffernan là cùng chung tay lợp lại mái nhà mới cho ngôi nhà OBV ở Củ Chi bị dột nát nhiều chỗ.

Cảm tưởng ngậm ngùi của Thắm cũng là cảm tưởng chung của mọi người khi từ giã những ánh mắt trông theo :

Thắm: Trong nỗi vui còn có nỗi buồn, lên xe bus đi về thấy trong ánh mắt của mấy em rất là buồn, giống như là cuộc chơi này đã xong rồi.

Đó là lý do OBV hứa với em một Giáng Sinh an lành. Thanh Trúc mạn phép ngừng mục  Đời Sống Người Việt Khắp ở phút này. Kính chúc quí thính giả một lễ Giáng Sinh bình an.

Liên lạc với Thanh Trúc nguyent@rfa.org

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.