Người Việt ở Mỹ với chương trình con nuôi Việt Nam được tái tục

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2014.10.30
Văn Phòng Tham Vấn Di Trú Robert Mullins International tại Thành Phố Westminster Văn Phòng Tham Vấn Di Trú Robert Mullins International tại Thành Phố Westminster
Photo Việt Báo

Sau sáu năm tạm ngưng vì lý do gian dối và phạm luật, việc xin con nuôi từ Việt Nam sang Hoa Kỳ được chính phủ hai nước cho tái tục với Chương Trình Con Nuôi Đặc Biệt bắt đầu ngày 16 tháng Chín năm nay.

Thể theo sự chấp thuận của Bộ Tư Pháp Việt Nam, hai tổ chức ở Mỹ, từng  đảm trách lập thủ tục cho công dân Hoa Kỳ xin con nuôi Việt Nam từ 2008 trở về trước là Dillon International và Holt International Children’s Sercives,  nay được phép cung cấp trở lại dịch vụ xin nhận con nuôi Việt Nam.

Chuyện xin con nuôi và bảo lãnh con cháu từ VN

Cần biết Chương Trình Xin Con Nuôi Từ Việt Nam là một phần của Chương Trình Con Nuôi Quốc Tế mà đối tượng là trẻ từ 5 tuổi trở lên và 16 tuổi trở xuống, có nhu cầu đặc biệt, trẻ trong nhóm anh em ruột từ hai đứa trở lên.

Tại Hoa Kỳ, thường khi nghe đến chuyện xin con nuôi từ Việt Nam sang Mỹ thì người ta nghĩ ngay đến những cặp vợ chồng hiếm muộn người bản xứ cần xin một đứa con, chứ ít người biết rằng công dân Mỹ gốc Việt cũng rất chú ý đến chuyện này và tìm cách dựa vào chương trình này để mang con cháu của họ từ Việt Nam sang Mỹ dưới danh nghĩa con nuôi.

Điều này có thể thực hiện được không và có hợp pháp hay không là câu hỏi mà mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi hôm nay tìm lời giải đáp cho chính vấn đề. Từ California, ông Lê Minh Hải người đồng sáng lập Văn Phòng Tham Vấn Di Trú Robert Mullins International từ năm 1987, có văn phòng đại diện tại Việt Nam với những hoạt động tư vấn trong lãnh vực xin con nuôi Việt Nam, cho biết:

Đa số những cha mẹ nuôi này đều mong muốn hoặc bảo lãnh cho cháu trai cháu gái của mình, hoặc là muốn bảo lãnh cho các em nhỏ mới sanh. Nhưng theo luật lệ của chương trình con nuôi mới này thì việc đó không thể làm được

ông Lê Minh Hải

Ông Robert Mullins là cựu nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ, từng làm việc cho chương trình Ra Đi Có Trật Tự ODP trước đây tại tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Bangkok, Thái Lan. Mỗi năm ông Robert Mullins có mặt tại Việt Nam nhiều hơn thời gian ở Hoa Kỳ vì theo ông làm việc với Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Việt Nam sẽ mang lại nhiều lợi ích cho hồ sơ của thân chủ.

Người Mỹ gốc Việt hay người bản xứ đều có nhu cầu về con nuôi. Chỉ nói trong phạm vi người Mỹ gốc Việt thì chúng tôi thấy có nhu cầu bảo lãnh con nuôi là người thân thích trong gia đình như cháu trai, cháu gái hay là con cái của thân nhân bạn hữu hay những trường hợp hiếm muộn.

Mỗi ngày văn phòng chúng tôi nhận được 10 cho tới 15 cuộc gọi hoặc email của bà con hỏi về chương trình con nuôi tái tục này. Hiện văn phòng có 3 trường hợp đã nhận. Đa số những cha mẹ nuôi này đều mong muốn hoặc bảo lãnh cho cháu trai cháu gái của mình, hoặc là muốn bảo lãnh cho các em nhỏ mới sanh. Nhưng theo luật lệ của chương trình con nuôi mới này thì việc đó không thể làm được, vì vậy tất cả những trường hợp cha mẹ nuôi ở Hoa Kỳ mà muốn bảo lãnh cho các em dưới 5 tuổi thì phải đợi.

Còn vấn đề muốn bảo lãnh cho cháu trai cháu gái mình thì sao? Miễn sao là cháu trai cháu gái đó được cha mẹ đồng ý thiết lập những thủ tục cần thiết với Sở Tư Pháp địa phương để đưa lên danh sách. Đó là một trong những yếu tố để cha mẹ nuôi chọn người con mà cha mẹ nuôi muốn có.

Đối với chính phủ Hoa Kỳ, xin con nuôi là việc làm nhân đạo, trẻ phải là con mồ côi, con vô thừa nhận, trẻ khuyết tật cần được chăm sóc đặc biệt về y tế. Câu hỏi ở đây vẫn là tính hợp lệ trong việc cha mẹ nuôi Mỹ gốc Việt chọn con nuôi mà đối tượng ưu tiên là cháu trai hay cháu gái trong gia đình của mình bên Việt Nam. Vẫn lời ông Lê Minh Hải với thí dụ điển hình:

Một gia đình Mỹ xin con nuôi VN. Từ trái qua: ông John Cullather, bé gái Claire Xuan Cullather, bé trai Peter Quang Cullather, bà Kathleen Brown trong một kỳ nghỉ ở Camden, Maine năm 2008. Ảnh do bà Kathleen Brown cung cấp.
Một gia đình Mỹ xin con nuôi VN. Từ trái qua: ông John Cullather, bé gái Claire Xuan Cullather, bé trai Peter Quang Cullather, bà Kathleen Brown trong một kỳ nghỉ ở Camden, Maine năm 2008. Ảnh do bà Kathleen Brown cung cấp.
RFA

Còn vấn đề muốn bảo lãnh cho cháu trai cháu gái mình thì sao? Miễn sao là cháu trai cháu gái đó được cha mẹ đồng ý thiết lập những thủ tục cần thiết với Sở Tư Pháp địa phương để đưa lên danh sách. Đó là một trong những yếu tố để cha mẹ nuôi chọn người con mà cha mẹ nuôi muốn có

ông Lê Minh Hải

Đây là thắc mắc của hầu hết bà con trong vấn đề con nuôi này. Dĩ nhiên khi cha mẹ nuôi lên danh sách để nhận con nuôi thì bao giờ cũng có tiêu chuẩn riêng của họ. Ví dụ cha mẹ nuôi thích nhận em trai, rồi em đó phải từ 5 tuổi trở lên, dĩ nhiên là nằm trong yêu cầu của Việt Nam và có những vấn đề y tế đặc biệt cần thiết như thế nào, rồi vấn đề tôn giáo, rồi vấn đề gốc tích của em. Ví dụ cha mẹ nuôi chỉ muốn chọn em đó ở tỉnh Bến Tre thôi mà nếu ở Bến Tre có cha mẹ dẫn em ấy đến Sở Tư Pháp của Bến Tre để sẵn sàng chấp nhận cho em này làm con nuôi. Nhân viên của Sở Tư Pháp Bến Tre sẽ thành lập một danh sách gọi là danh sách số 2. Khi đưa lên danh sách đó thì cha mẹ nuôi ở Hoa Kỳ này có quyền chọn em A, B, C, Đ. Nếu như không thấy có tên của em mà cha mẹ nuôi muốn chọn thì cha mẹ nuôi có thể bỏ qua danh sách đó và chọn qua danh sách số 2, chọn tới khi nào được người con nuôi mà cha mẹ nuôi muốn có, từ đó thiết lập thủ tục để tiến tới việc xin con nuôi.

Thủ tục đó hoàn toàn hợp lệ ở chỗ là tại Việt Nam cháu đó đã được đưa lên trên danh sách với Sở Tư Pháp địa phương là sẵn sàng cho trường hợp nhận con nuôi. Sở Tư Pháp địa phương sẽ nhận và sẽ tiến hành những thủ tục cần thiết để, với vấn đề pháp lý tại bên Việt Nam, sau này không có những vấn đề pháp lý nào xảy ra nếu như người con nuôi này được cha hay mẹ nuôi hội đủ tiêu chuẩn của hai nước nhận về Hoa Kỳ làm con nuôi.

Chương Trình Con Nuôi Đặc Biệt

Tại sao gọi là Chương Trình Con Nuôi Đặc Biệt, làm sao để xin con nuôi ở Việt Nam. Ông Lê Minh Hải thuộc Văn Phòng Tham Vấn Di Trú Robert Mullins cho biết Chương Trình Con Nuôi Đặc Biệt này có nhiều điều kiện và nhiều điều khoản bó buộc mới mà sẽ được giám sát rất chặt chẽ.

Chương Trình Con Nuôi Đặc Biệt này dựa vào thỏa ước Hague, Hague Convention mà đại đa số những nước trên thế giới đều theo. Chương trình Con Nuôi Đặc Biệt nhắm vào những trường hợp nhân đạo, những trường hợp các em mồ côi hay khuyết tật hay những vấn đề sức khỏe cần quan tâm. Theo chúng tôi biết chương trình có thể sẽ được mở rộng trong tương lai nếu như sự bắt đầu này được cả hai phía giám sát và có sự duyệt xét hổ tương với nhau.

Như đã trình bày ở đầu bài, muốn xin con nuôi ở Việt Nam, cha mẹ nuôi ở Mỹ phải thông qua một văn phòng cung cấp dịch vụ con nuôi ở Hoa kỳ mà trong trường hợp này là Dillon International hoặc Holt International đã được Bộ Tư Pháp Việt Nam chấp thuận cho hoạt động trong nước.

Việt Nam chưa công nhận vấn đề hôn nhân đồng tính nên họ cũng loại bỏ những trường hợp một cặp vợ chồng đồng tính xin nhận con nuôi từ Việt Nam. Mặc dầu những nước khác đã có tiêu chuẩn này rồi nhưng VN thì chưa sẳn sàng để chấp thuận cho một cặp vợ chồng đồng tính nhận con nuôi từ VN

Để có thể đưa con nuôi từ Việt Nam đến Mỹ, cha mẹ nuôi phải hội đủ những điều kiện hợp lệ và những yêu cầu phù hợp của Sở Di Trú Hoa kỳ. Cần biết Bộ Nội An Hoa Kỳ và Sở Di Trú Hoa Kỳ là hai cơ quan quyết định người nào có thể nhận con nuôi theo luật di trú Mỹ.

Anh Lê Minh Hải đứng nói chuyện với đồng hương. (Photo Việt Báo)
Anh Lê Minh Hải đứng nói chuyện với đồng hương. (Photo Việt Báo)

Bên cạnh đó, cha mẹ nuôi ở Mỹ cũng phải tuân thủ luật lệ và nguyên tắc của phía Việt Nam đưa ra là phải lớn hơn hơn con nuôi của mình ít nhất 20 tuổi, ngoại trừ cha mẹ nuôi tương lai là cha hay mẹ kê hoặc là cô hay chú ruột của đứa trẻ muốn nhận làm con nuôi.

Luật Việt Nam cho phép người độc thân hoặc người đã kết hôn được xin con nuôi quốc tế. Tuy nhiên những người trong giới đồng tính nam cũng như nữ, những người chuyển giới, dù đã kết hôn hay không thì cũng không được coi là diện hợp lệ để xin con nuôi từ Việt Nam:

Việt Nam chưa công nhận vấn đề hôn nhân đồng tính nên họ cũng loại bỏ những trường hợp một cặp vợ chồng đồng tính xin nhận con nuôi từ Việt Nam. Mặc dầu những nước khác đã có tiêu chuẩn này rồi nhưng Việt Nam thì chưa sẳn sàng để chấp thuận cho một cặp vợ chồng đồng tính nhận con nuôi từ Việt Nam.

Mặt khác, cách thức lập một hồ sơ con nuôi ở Việt Nam cũng có sự thay đổi. Theo ông Lê Minh Hải, đây là điều mà những người Mỹ gốc Việt muốn xon con nuôi và muốn ưu tiên nhận con hay cháu của mình ở trong nước phải biết:

Sự thay đổi này tạo sự công bằng, cha mẹ nuôi sẽ không có cơ hội để chọn những người mà cha mẹ nuôi muốn. Ví dụ bình thường cha mẹ nuôi có thể có người thân quen, bạn hữu hay cháu chắt ở Việt Nam và muốn nhận các cháu đó thì phải làm sao? Vì chương trình này là chương trình hoàn toàn nhân đạo cho nên cha mẹ nuôi không có cơ hội chọn người mình muốn mà phải chọn trong danh sách gọi là danh sách số 2 do cả hai nước công nhận.

Xin con nuôi ở Việt Nam thì thủ tục cũng khá là rườm rà hơn so với các nước khác, ông Lê Minh Hải nói tiếp. Bước thứ nhất là sau khi đã thông qua một trong hai cơ quan ở Mỹ là Dillon International hoặc Holt International Children’s Services lập hồ sơ xin con nuôi sơ khởi tức mẫu đơn I-800A nộp lên Sở Di Trú Hoa Kỳ thì bước thứ hai là :

Khi đơn I-800A được chấp thuận rồi thì nộp cho nhà nước Việt Nam, chính xác là Sở tư Pháp Việt Nam, để Sở Tư Pháp Việt Nam chuẩn nhận cho người cha mẹ nuôi này được xin con nuôi tại Việt Nam. Sau đó, bước thứ tư, mới là bước nộp đơn với Sở Di Trú mẫu đơn I-800 để bảo lãnh con nuôi. Sau khi được chấp thuận rồi thì cha mẹ nuôi mới bay về Việt Nam để nhận con nuôi, mới lên hệ với Lãnh Sự của Hoa Kỳ tại Việt Nam để xin được phỏng vấn, nhận chiếu khán rồi mới được đưa con nuôi đến Hoa Kỳ. Thủ tục khá dài dòng nhưng với sự cung cấp dịch vụ của hai cơ sở Dillon International và Holt International có thể giúp thêm nhiều cho tiến trình xin con ở Việt Nam mà cha mẹ nuôi ở Hoa Kỳ này cần đến.

Năm 2008, khi quyết định tạm ngưng chương trình xin và nhận con nuôi ở Việt Nam, Hoa Kỳ cũng đồng thời thông báo không gia hạn Hiệp Định Con Nuôi với Việt Nam nữa do có những bằng cớ cho thấy nhiều trường hợp gian lận buôn bán con nuôi đã xảy ra ở Việt Nam.

Khi đó Việt Nam một mặt bác bỏ mọi cáo buộc này, mặt khác chấp nhận sự đình chỉ chương trình nhận con nuôi của Hoa Kỳ.

Hôm 16 tháng Chín vừa qua, tại cuộc họp báo để chính thức tuyên bố tái tục chương trình nhận con nuôi Việt Nam, đại diện phía Hoa Kỳ, bà Tiffany Murphy, nhấn mạnh rằng qui trình nhận con nuôi sẽ được giám sát thật chặt chẽ.

Xem ra ý tưởng xin nhận con nuôi Việt Nam mà một số người Mỹ gốc Việt nhắm tới với mong muốn có thể bảo lãnh con hoặc cháu của mình sang Hoa Kỳ dưới dạng con nuôi không phải là chuyện dễ dàng. Trẻ tại Việt Nam chỉ có thể được công nhận làm con nuôi dựa theo những danh mục qui định là 5 tuổi trở lên, có nhu cầu đặc biệt hoặc là nhóm anh chị em (từ 2 người trở lên) và một trong số này phải dưới 16 tuổi. Nếu không tìm hiểu kỹ càng và không có sự tham khảo luật lệ, không khéo người xin con nuôi có thể gặp rắc rối trên mặt pháp lý. Với kinh nghiệm 27 năm làm việc trong Văn Phòng Tham Vấn Di Trú Robert Mullins International, ông Lê Minh Hải chia sẻ:

Trải qua một chiều dài làm việc trong lãnh vực bảo lãnh cũng như trải qua một số lượng hồ sơ con nuôi trước năm 2008, chúng tôi thấy hết sức may mắn cho các trẻ mồ côi ở Việt Nam cũng như các em có nhu cầu được nhận làm con nuôi ở Việt Nam được bảo lãnh đi ngoại quốc, đi đến Hoa Kỳ, để có được cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đứng trên tư cách cố vấn chúng tôi thấy rằng chương trình này cần được duy trì một cách công bằng, mọi điều khoản trong Hiệp Ước giữa hai nước cần được tuân hành để tránh tình trạng dẫm lên bước cũ. Bà con cần hiểu biết trước khi bắt tay thiết lập hồ sơ con nuôi, hiểu biết cách thức, thủ tục mà phía Hoa Kỳ cũng như Sở Di Trú Hoa Kỳ có những điều kiện của họ và bên Sở Tư Pháp Việt Nam cũng có những điều kiện riêng của họ.

Được biết thủ tục xin con nuôi nói chung kéo dài khá lâu, ít nhất từ hai đến ba năm. Phí tổn ước tính cho việc xin con nuôi Việt Nam, bao gồm tất cả mọi chi phí liên quan, có thể lên đến 30.000 đô la.

Thanh Trúc xin tạm ngưng mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi ở đây. Xin hẹn quí vị tuần tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.