Lập nghiệp từ gánh chuối nướng

Từ những ngày lẽo đẽo theo mẹ bán chuối nướng và bán báo, cho tới lúc trở thành chủ nhân của bốn shop trượt Patin, môn giải trí đang nở rộ và thu hút thiếu nhi trong nước những năm trở lại đây, Nguyễn Thiên Kha vẫn nghĩ mình là người may mắn thành công từ hai bàn tay trắng.

Hẳn quí vị còn nhớ mẹ của Thiên Kha, bà Ngô Thị Bích Thủy, với món chuối bọc nếp nướng chan nước cốt dừa, được khen ngợi nhiều nhất và đã lọt vào Top Ten của Lễ Hội Ẩm Thực Đường Phố ở Singapore cuối tháng Năm vừa qua:

Hồi bốn năm tuổi em ra phụ mẹ bán chuối, buổi tối phụ mẹ bán, sau đó em đẩy ghế ra nằm ngủ hay học bài.

Vậy mà thỉnh thoảng cũng có những người thật tốt bụng, đi ngang qua rồi dừng lại, dúi cho cậu bé nghèo vài đồng bạc:

Lâu lâu có người mà em không biết là ai, nói mấy câu là “con cố gắng ăn học”. Lúc đó em cầm tiền chạy theo đưa lại người ta mà người ta đi mất tiêu rồi.

Khi được tám hay chín tuổi, thấy mẹ cực khổ thiếu thốn với gánh chuối nướng buổi chiều, Thiên Kha bàn với mẹ để hai mẹ con cùng đi bán báo buổi sáng:

Lúc đó em học Lớp Ba trường Cấp Một Cao Bá Quát, lúc đó báo Công An Thành Phố ra ngày thứ Năm và thứ Bảy, hai mẹ con ra mua khoảng 100 tờ, bán từ 6 giờ sáng đến 12 giờ được cả trăm tờ. Người ta mua giúp nhiều, khi mua báo có tờ 50.000 người ta cho em luôn, nói con giữ đó mà ăn học. Đó là lần đầu tiên em thấy tờ 50.000 đồng.

Sau em hết bán báo là vì hai mẹ con đi thì vô tình nhà ngoại em thấy được mới chửi em sao đi bán báo này nọ, nhà ngoại giàu mày làm vậy là bôi xấu gia đình.

Xin được nhắc trước đó người mẹ của Thiên Kha bị cha mẹ từ bỏ vì lập gia đình với một người đàn ông nghèo. Chính người đàn ông đó, sau này thấy mẹ Thiên Kha không được gia đình cho tiền, đã bỏ rơi vợ con để lấy người khác.

Thế rồi hai mẹ con không bán báo nữa mà vẫn đi vay mượn trả góp để tiếp tục bán chuối.

Rất là khổ cực, hai mẹ con em sống ở quận Phú Nhuận nhưng mà hộ khẩu ở nhà ngoại, ở quận Nhứt, giàu lắm, nhưng hai mẹ con em không ở nỗi. Hai mẹ con ở nhà ba ở Phú Nhuận, ba thì đi với vợ bé rồi nên hai mẹ con ở cái nhà ở Phú Nhuận. Mà chú công an khu vực cũng tốt lắm, thấy hai mẹ con em khổ quá nên cho hai mẹ con chứng giấy xóa đói giảm nghèo, nói đem lên phường xin một cái mã hộ nghèo của ủy ban nhân dân thành phố cấp. Nhớ giấy hộ nghèo đó mà em đi học không tốn học phí, trung thu là bánh, đèn cầy và lồng đèn thì phường cho, Tết thì được gạo, muối mắm gì đó.

Khởi nghiệp

Thiên Kha tại quầy chuối nướng của mẹ tại Singapore
Thiên Kha tại quầy chuối nướng của mẹ tại Singapore (Thiên Kha tại quầy chuối nướng của mẹ tại Singapore )

Cứ thế mà Thiên Kha lớn, đến lúc thấy mình có thể lập thân được, là cũng nhờ một số vốn mà ủy ban nhân dân phường cho vay, cộng với số tiền dành dụm nhờ đi lao động để kiếm thêm, Thiên Kha bắt đầu mở một cửa tiệm bán giày trượt Patin:

Thì shop giày Patin của em là cũng nhờ một người bạn giúp đỡ em, người ta bán các dụng cụ thể thao khác còn em bán giày thể thao Patin. Mà rốt cuộc em bán được còn người bạn của em giúp em thì lại bán không được. Sau này cái shop phải dẹp đi và em chuyển qua shop khác, tự em bỏ tiền ra. Em kinh doanh được nên nó trụ lại và bây giờ em đã được 3 cái shop bán giày thể thao, 3 sân trượt Patin miễn phí cho tất cả mọi người, ai cũng có thể chơi được.

Điều này có nghĩa là, Thiên Kha giải thích, cứ mỗi một shop bán giày trượt Patin thì đi kèm với nó một sân trượt Patin, người vào chơi không phải mua vé mà chỉ cần mua hay mướn giày trong tiệm của anh là có thể trượt thoải mái. Ngoài việc biết tận dụng và nắm bắt thời cơ, trượt Patin cũng là cái thú, cái đam mê của Thiên Kha, anh vừa là chủ vừa là huấn luyện viên của bộ môn giải trí lành mạnh này mà đối tượng nhắm đến là các em nhỏ với bộ môn trượt Patin nghệ thuật:

Cái đầu tiên khởi nghiệp của em là cái shop ở đường Hồ Văn Huê, phường 9 quận Phú Nhuận. Mua giày Patin ở shop của em thì người ta được chơi miễn phí, có những huấn luyện viên dạy cho các bé để các bé không bị té và em đã dạy được cho các bé từ 3 tuổi trở lên. Đó là cái em suy nghĩ và rút gọn cách để dạy được cho các bé rất nhỏ để mà trượt. Em có một sân trượt Patin gần shop của em, ở công viên Gia Định là công viên của nhà nước. Thấy em hoạt động ở đó nên công viên Gia Định đã tạo điều kiện cho em làm chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Patin ở đó.

Lượng khách tí hon đổ về sân trượt Patin ở công viên Gia Định gần đó đã khiến shop bán giày Patin của Thiên Kha trên đường Hồ Văn Huê buôn bán phát đạt hơn. Tiếp đến, shop thứ hai được mở trên lầu 2 của trung tâm thương mại Becamex, tỉnh Bình Dương, với một sân trượt băng ở mặt tiền tầng dưới, mô hình hoạt động có phần qui mô hơn ở công viên Gia Định:

Trung tâm thương mại ấy lúc đầu rất vắng, sau đó người ta liên hệ với em. Em nói mở một shop Patin trên lầu thì tôi cần một cái sân phía trước để dạy cho các bé trượt và mua giày trong gian hàng của tôi ở trên lầu. Thì mới đầu vợ chồng em gom góp một số vốn ít ỏi mà liều từ Sài Gòn lên Bình Dương.

<br/>Thì shop giày Patin của em là cũng nhờ một người bạn giúp đỡ em, người ta bán các dụng cụ thể thao khác còn em bán giày thể thao Patin. <br/> - Thiên Kha <br/>

Bất kể lời can ngăn của nhiều người, rằng Thủ Dầu Một ở Bình Dương là khu lao động, công nhân không đi trượt Patin nhiều như dưới thành phố, Thiên Kha vẫn nhất quyết mở shop ở khu thương mại Becamex và đã thành công, lôi kéo thêm một số khách hàng cho trung tâm này:

Theo quan điểm và cách nhìn chuyên môn của em, một trung tâm thương mại mà mặt trước của nó có một cái sân trượt thật đẹp là bảo đảm mình sẽ bán được. Lúc đầu vô thì em biểu diễn cho người ta coi, sau đó khai trương thì shop của em nhiều khách hàng đến và trung tâm như một cái chợ, tháng đầu em bán được tới ba trăm triệu đồng, trong khu thương mại đó gian hàng em là hot nhất. Làm được ba bốn tháng thì số thành viên nhí từ 3 tuổi trở lên đó lên được một ngàn thành viên. Em là người dạy cho các bé, tiền dạy học em cho hết các huấn luyện viên. Các bé mà té xuống là em dựng dậy, huấn luyện viên thấy em làm thì người ta bắt chước, và bây giờ tất cả huấn luyện viên đều rất là giỏi.

Tháng Năm 2013, một sân trượt Patin nghệ thuật thứ ba ra đời tại trung tâm thương mại Satra (Centre Mall) trên đường Phạm Hùng, quận 8, được coi là sân chơi thể thao kết hợp với nghệ thuật trợt Patin, phối hợp giữa câu lạc bộ nghệ thuật đường phố The Fitshop của Thiên Kha và ban giám đốc trung tâm thương mại Satra. Sân trượt Patin này mở cửa từ 6 giờ chiều đến 10 giờ tối, dành cho các em nhỏ từ 8 đến 12 tuổi, được phụ huynh đưa tới để tham gia vận động sau những giờ học tập, trong một khung cảnh vui tươi, lành mạnh:

Mô hình của em là dạy học, bán giày và tổ chức những trò chơi những giải đấu nho nhỏ cho các bé chơi. Phụ huynh rất ủng hộ tụi em, có nhiều phụ huynh nói con tôi rất là mập, nó mới 12 tuổi mà khoảng 80 ký. Mà bây giờ nó chơi Patin mới có hai tháng mà nó xuống được 5 ký, nếu con tôi xuống được 65 ký tôi hứa với anh là huấn luyện viên nào làm được như vậy thì tôi cho tiền cưới vợ.

Được hỏi về sự ích lợi của môn trượt Patin nhất là đối với sức khỏe, Thiên Kha giải thích:

Chẳng hạn nó đốt cháy lượng calo, lượng mỡ béo trong người. Rồi nhiều khi mình cảm giác trong người bị stress, bị căng thẳng, mang đôi giày Patin ra trượt một cái là mình thấy thoải mái.

Shop thứ tư mà Thiên Kha hùn hạp với một người bạn ở thành phố Nha Trang cũng mang tên là Fitshop. Hiện tại, với bốn shop Patin này, Thiên Kha đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 50 người gồm 20 huấn luyện viên và 30 nhân viên phục vụ trong các cửa hàng:

Em là người đầu tiên tổ chức những cái events đường phố gồm có Patin, ván trượt nè, xe đạp đi nhích nè, rồi yo yo nè, chơi banh nghệ thuật … Nói chung những môn đường phố là em nắm hết. Môn Patin muốn phát triển được là phải cần những bộ môn đường phố đó để thúc đẩy nó lên tầm cao. Em cũng may mắn có được những huấn luyện viên thật là giỏi.

Tại sao lại đường phố? Vì đó là nơi anh lớn lên, xuất thân, lập nghiệp, nay cũng là môi trường hoạt động của mình:

Bây giờ môn Patin ở Việt Nam phát triển lắm, thế nhưng trước, những năm cũ đó, thì rất phức tạp, không có một hệ thống quản lý và đâm ra xã hội người ta ghét là vì đánh lộn, tóc xanh tóc đỏ, nói chung là không lành mạnh. Còn bây giờ em thấy ở ngoài công viên thì rất là vui, tất cả những em bé, học sinh, sinh viên, những người công chức đi làm về người ta ra công viên để trượt để giải trí, ai nấy rất hòa đồng . Em rất thích bộ môn này, nó thích hợp với em tại em cũng từng buôn bán ngoài đường phố, xuất thân từ đường phố, em rất là phù hợp với đường phố.

Nắm bắt thời cơ

Các em thiếu nhi tại một sân patin của Thiên Kha.
Các em thiếu nhi tại một sân patin của Thiên Kha. (Các em thiếu nhi tại một sân patin của Thiên Kha. )

Sống ngoài đường phố nhiều hơn trong nhà, Thiên Kha thổ lộ tiếp, anh đã không tiêm nhiễm những thói hư tật xấu như ma túy, xì ke, giựt dọc như những người bạn lang thang lêu lổng của anh đã vướng vào.

Hơn nữa, đồng tiền khổ công làm ra không phải là những đồng tiền bị vấy bẩn mà là những đồng tiền sạch:

Cái tự hào nhất của em là hai mẹ con em không bị người khác coi thường. Người ta nói nghèo không phải là cái tội nhưng mà đối với em nghèo là cái tội lớn nhất. Em đã cố gắng từ một người bần cùng trong xã hội mà em đi lên. Đường em đi lên rất chông gai mà em cố gắng để không phải nghèo nữa. Đối với nhân viên của em em cũng nói cái shop này là của chung, đừng bao giờ kêu anh là chủ hết mà kêu anh là anh, tại em không muốn người ta bị mặc cảm.

<br/>Người ta khá giả, sống trong môi trường đầy đủ thì người ta khác mình, còn mình là người khó khăn thì mình phải cố gắng gấp đôi người ta mình mới bằng người ta được. <br/> - Thiên Kha<br/> <br/>

Điều chia sẻ của em là các bạn nào cảm thấy tủi thân vì nghèo khổ hoặc là thấy mình bế tắc thì cũng nên nhìn cái gương của mình. Tại sao? Vì không có gì bằng sự cố gắng vươn lên hết. Nếu cái gì đó khó khăn mà mình không vượt qua thì mình không phải người trưởng thành và mình không làm được cái gì lớn lao hết. Người ta khá giả, sống trong môi trường đầy đủ thì người ta khác mình, còn mình là người khó khăn thì mình phải cố gắng gấp đôi người ta mình mới bằng người ta được.

Đó là câu chuyện về cuộc đời của Nguyễn Thiên Kha, từ một trẻ ngày ngày theo mẹ đi bán chuối nướng ngoài đường, giờ là chủ nhân của những tiệm bán giày trượt Patin, cũng là huấn luyện viên của bộ môn thể thao có tính cách giải trí và rèn luyện thể lực cho giới trẻ thành phố.

Sắp tới đây, mùa Giáng Sinh 2013, Nguyễn Thiên Kha lãnh trách nhiệm tổ chức một chương trình đường phố trên đường hoa Nguyễn Huệ, mà anh gọi là một event với phí tổn vài chục ngàn đô, do một kênh truyền hình và một cơ quan truyền thông trong nước hỗ trợ.